Chuyện "quyết là làm" và "làm đến cùng" của "anh cả" ngành thép Hòa Phát

Chuyện "quyết là làm" và "làm đến cùng" của "anh cả" ngành thép Hòa Phát

Thảo Liên
Thảo Liên lienlien.media@gmail.com
Thứ Hai, 27/05/2024 - 06:06

   Năm 2023, Việt Nam đã bước vào Top 12 quốc gia sản xuất thép thô lớn nhất thế giới, khả năng tự chủ và năng lực cạnh tranh của ngành thép cũng đang có những bước tiến vượt bậc. Trong những năm qua, vị thế của ngành công nghiệp được đánh giá là “xương sống” của nền kinh tế này song hành cùng sự hình thành, phát triển và tăng trưởng của các doanh nghiệp tư nhân trong ngành, dẫn đầu là Tập đoàn Hòa Phát với tầm nhìn “vượt thời gian” của doanh nhân Trần Đình Long.

   Hành trình hơn 20 năm nỗ lực theo đuổi mục tiêu chinh phục ngành thép cả trong nước và thế giới của Hòa Phát đã góp phần giúp Việt Nam tự chủ nguồn thép, giảm sự phụ thuộc vào thép nhập khẩu; đồng thời làm chủ công nghệ hiện đại, xoay chuyển ngành thép từ quy mô manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất khép kín, quy mô lớn, thúc đẩy năng lực sản xuất thép thô và tăng dần giá trị xuất khẩu của thép Việt ra thế giới.

   Ngành thép luôn ở trong trạng thái cạnh tranh khốc liệt nhất, cơ hội - thách thức đan xen, do vậy, với Hòa Phát, đó là hành trình không ngừng thực hiện sứ mệnh “làm việc khó” và sẽ tiếp tục “làm việc khó” để sản xuất các sản phẩm thép chất lượng cao, giảm phát thải và tận dụng mọi cơ hội để nâng cao vị thế, như khẳng định của Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long: “Có lẽ ông trời quyết định Hòa Phát phải làm việc khó”, “Hòa Phát không chọn lối dễ đi, chọn làm sản xuất công nghiệp là ngành nhiều vất vả, phải đổ mồ hôi thực sự mới tạo ra thành phẩm. Nhưng gánh nặng ấy là gánh nặng êm vai khi nhìn lại chặng đường qua”...

***********

Chuyện "quyết là làm" và "làm đến cùng" của "anh cả" ngành thép Hòa Phát- Ảnh 1.

Sản xuất thép là một trong những ngành cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu. Tại Việt Nam, trong quá trình phát triển đất nước theo định hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, ngành thép được xác định có vai trò đặc biệt quan trọng. Theo Bộ Công Thương, đây được xem là ngành công nghiệp nền tảng, cung cấp vật liệu đầu vào cho các ngành kinh tế quan trọng khác như cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp quốc phòng, xây dựng, bất động sản… Đồng thời đóng góp lớn cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đô thị hóa và tác động nhiều mặt đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo đó, tự chủ về sản xuất thép trong nước là yêu cầu tất yếu của quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất quốc gia và tự chủ nguồn vật liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân.

Với vai trò nền tảng như vậy, ngành thép đã được quan tâm phát triển từ sớm, mẻ thép đầu tiên của Việt Nam ra đời từ năm 1975, tuy nhiên, tính đến trước năm 2000, công nghiệp thép nước ta vẫn còn rất nhỏ lẻ, lạc hậu và tăng trưởng chậm. Đơn vị sản xuất chủ lực để đáp ứng nhu cầu thép trong nước là Tổng công ty Thép Việt Nam với các cơ sở Gang thép Thái Nguyên, Thép Đà Nẵng, Thép Miền Nam; do công nghệ và quy mô sản xuất còn hạn chế, tổng sản lượng thép thô thời kỳ đầu chỉ đạt khoảng 100.000 tấn mỗi năm, trong khi nhu cầu thép trong nước cho quá trình công nghiệp hóa là rất lớn. Đến năm 2000, theo Hiệp hội Thép Việt Nam, tổng công suất phôi toàn ngành chỉ đạt khoảng 300.000 tấn, sản xuất thép thành phẩm chỉ đạt 2,4 triệu tấn. Các nhà máy cán thép hầu hết phải nhập phôi thép từ các nước, chủ yếu là Trung Quốc, để cán ra thép xây dựng phục vụ thị trường.

Cục diện ngành thép chỉ thực sự có bước chuyển mình khi có sự ra đời và nhập cuộc nhiều hơn của các doanh nghiệp tư nhân như Thép Hòa Phát, Thép Hoa Sen, Thép Việt Đức, Việt Nhật, Pomina… và các đối tác nước ngoài liên doanh với Tổng Công ty Thép Việt Nam vào những năm đầu của thập niên 2000. Theo đó, năng lực sản xuất, chất lượng và sự đa dạng chủng loại thép trên thị trường đã dần được cải thiện đáng kể và không ngừng có sự tăng trưởng vượt bậc trong những năm tiếp theo khi các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư nhà máy sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.

Chuyện "quyết là làm" và "làm đến cùng" của "anh cả" ngành thép Hòa Phát- Ảnh 2.

Chuyện "quyết là làm" và "làm đến cùng" của "anh cả" ngành thép Hòa Phát- Ảnh 3.

Trong bức tranh phát triển ngành thép, dấu ấn của Hòa Phát rất đậm nét khi doanh nghiệp này liên tiếp phá kỷ lục của ngành và từng bước vươn lên vị trí dẫn đầu về năng lực cũng khả năng làm chủ công nghệ sản xuất thép trong nước. Từ công suất chỉ 250.000 tấn/năm và chỉ chiếm 1% thị phần năm 2002, Hòa Phát đã liên tục tăng trưởng về sản lượng và lấp đầy thị phần ở mức 2 con số trong các giai đoạn sau đó. Đến năm 2021, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát đạt hơn 8 triệu tấn/năm, thị phần trong nước đạt hơn 30% và vươn lên vị trí số 1 về sản xuất thép thô tại Đông Nam Á, tương đương với nhà sản xuất đứng thứ 48 trong Top 50 đơn vị sản xuất thép thô lớn nhất toàn cầu. Xuất khẩu sản phẩm thép của Hòa Phát cũng ghi nhận ở mức kỷ lục (2,6 triệu tấn).

Đáng chú ý, năm 2021 cũng là năm mà ngành thép Việt Nam chứng kiến bước ngoặt mang tính lịch sử với tổng sản lượng sản xuất thép thô (phôi thép) đạt 23 triệu tấn, gấp hơn 70 lần so với 20 năm về trước. Tổng sản lượng thép thành phẩm các loại năm 2021 đạt khoảng 30 triệu tấn, công suất này hoàn toàn đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và gia tăng xuất khẩu. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, Việt Nam vẫn xuất khẩu được hơn 14 triệu tấn thép, thu về hơn 12,7 tỷ USD. Lần đầu tiên, ngành thép Việt Nam vượt mốc kỷ lục về xuất khẩu và gia nhập top các nước xuất khẩu thép đạt kim ngạch hơn 10 tỷ USD, sản phẩm thép mang thương hiệu Việt đã có mặt ở hơn 30 quốc gia trong khu vực và thế giới. Giới phân tích đánh giá đây là một kỳ tích, khẳng định vị thế của ngành thép Việt Nam trên bản đồ công nghiệp thép thế giới.

Năm 2023, dù sản lượng thép giảm xuống mức 20 triệu tấn do khó khăn chung của ngành và kinh tế vĩ mô, song Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 12 thế giới về sản xuất thép thô nhờ khả năng tự chủ và đa dạng. Trong số này, cũng có tới 6,7 triệu tấn (gần 34%) là sản lượng của Hòa Phát. Bên cạnh đó, giữa bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, Hòa Phát vẫn xuất khẩu được hơn 2,2 triệu tấn sản phẩm thép, thị trường xuất khẩu được mở rộng tới 39 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Như vậy, bước ngoặt đột phá của ngành thép Việt Nam có sự đóng góp không nhỏ của Thép Hoà Phát. Điều này trở nên đáng kể hơn khi cạnh tranh ngành thép rất khốc liệt ở mọi giai đoạn; việc vươn lên dẫn đầu, ở vị thế mà các đối thủ không dễ để đối trọng lại trong cuộc chiến giành thị phần là không hề dễ dàng, thậm chí, đó có thể là “cuộc chiến sinh tử”.

Chuyện "quyết là làm" và "làm đến cùng" của "anh cả" ngành thép Hòa Phát- Ảnh 4.

Trong suốt quá trình phát triển, ngành thép cả thế giới và trong nước luôn đối mặt với tình trạng dư thừa công suất trong ngắn hạn do các tác động khách quan từ nền kinh tế, ảnh hưởng đến sức tiêu thụ và việc Trung Quốc cùng các cường quốc sản xuất thép liên tục gia tăng sản xuất. Sự dư thừa công suất, nguồn cung lớn hơn nhu cầu tiêu thụ trong ngắn hạn tạo ra sức ép cạnh tranh vô cùng gay gắt cho các doanh nghiệp trong ngành.

Khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cơ hội và thách thức luôn song hành, ngành hàng có giá trị cao như thép lại càng dễ bị tác động. Đơn cử như giai đoạn 2011 - 2013, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu thụ thép giảm, hàng loạt doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng dư thừa, tồn kho, ảnh hưởng đến tình hình tài chính. Một số doanh nghiệp càng gia tăng sản xuất, càng thua lỗ nên phải cắt giảm sản xuất.

Mặt khác, khi các hiệp định thương mại song phương, đa phương có hiệu lực, sức ép từ các quốc gia có thế mạnh về thép như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga… lên ngành thép Việt Nam càng gia tăng. Nguồn cung sản xuất trong nước dư thừa so với nhu cầu tiêu thụ, trong khi thép nhập khẩu vẫn tràn vào, cạnh tranh gay gắt về giá, lấn chiếm thị phần của các doanh nghiệp nội. Nhiều nhà máy thép trong nước phải giảm công suất, có nơi lên đến 60%, thậm chí có nhà máy thép không đủ sức cạnh tranh đã phải đóng cửa hoặc giải thể.

Thị trường thép đi xuống trong khi phải cạnh tranh với thép nhập khẩu, thua lỗ là điều không thể tránh khỏi, kể cả với những doanh nghiệp đầu ngành. Có thời điểm 7/13 công ty con của Tổng Công ty Thép Việt Nam VnSteel lỗ nặng, các doanh nghiệp liên doanh với VnSteel cũng trong tình trạng không thể hòa vốn. Thép Pomina (POM) từng được mệnh danh là “vua thép” một thời kỳ cũng dần lụn bại trong cuộc cạnh tranh của ngành thép. Việc đầu tư nhà máy công suất cao rơi đúng thời điểm đáy chu kỳ ngành thép, tình hình kinh doanh khó khăn, không thể đạt công suất tối đa trong khi chi phí khấu hao và chi phí lãi vay cao đã khiến “ông lớn” ngành thép thua lỗ nặng, tên tuổi chỉ còn lại thời vang bóng, dần đánh rơi thị phần và phải bán tài sản để trả nợ.

Bối cảnh cạnh tranh gay gắt buộc các doanh nghiệp phải nỗ lực tìm lối thoát cho riêng mình như đưa ra những giải pháp đẩy mạnh tìm thị trường tiêu thụ, cân bằng đầu tư, tái cơ cấu hoạt động. Xuất khẩu là một trong những hướng đi quan trọng. Tuy nhiên, gia tăng xuất khẩu trong bối cảnh thế giới đang trong tình trạng dư thừa công suất, các sản phẩm thép của Việt Nam đã phải đối mặt với các biện pháp hạn chế thương mại, chính sách bảo hộ và các vụ kiện bán phá giá từ các nước. Điều này cũng tạo ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp. Cạnh tranh cả trong nước hay ngoài nước đều vô cùng khốc liệt.

Thành lập năm 1992, đến nay Hòa Phát đã có hơn 30 năm đồng hành cùng quá trình đổi mới của đất nước. Bắt đầu tham gia làm công nghiệp thép từ năm 2001, doanh nghiệp này đã dành hơn 2 thập kỷ miệt mài với thép, coi thép là lĩnh vực hoạt động cốt lõi. Tham gia vào ngành thép từ sớm, như các doanh nghiệp khác, Hòa Phát phải trải qua những khó khăn trong cuộc cạnh tranh của ngành, thậm chí còn khó khăn hơn khi bắt đầu từ con số 0 về cả năng lực sản xuất và thị phần. Tuy nhiên, trong hành trình của Hòa Phát, rất khó để nhìn thấy sự đi lùi. Theo đó, khó khăn hay những con số sụt giảm về tình hình kinh doanh, sức sản xuất, tiêu thụ của doanh nghiệp này thường chỉ xuất hiện trong ngắn hạn. Còn lại, đó là sự tăng trưởng không ngừng về cả quy mô lẫn thị phần.

Lúc thị trường thuận lợi, Hòa Phát ghi nhận kết quả kinh doanh tốt; khi thị trường đi xuống, khó khăn, dù kết quả kinh doanh giảm nhưng vẫn có khả năng giữ nhịp sản xuất ổn định. Việc sản xuất thép không đơn thuần chỉ là đổ hết nguyên liệu và lò cao là sẽ có được thép thành phẩm mà quan trọng hơn ở khâu phối trộn nguyên liệu, cùng với đó là kỹ thuật, công nghệ sản xuất. Một số doanh nghiệp trong lúc thị trường thuận cũng xây nhà máy, làm lò cao với mong muốn thu lãi lớn như Hòa Phát nhưng đã nhận lấy thất bại, thua lỗ và khó khăn. Hòa Phát cũng không lựa chọn mua lại các lò thua lỗ, mà thường xây dựng lại từ đầu, làm chủ toàn bộ công nghệ, dù chi phí bỏ ra cao hơn. Theo doanh nhân Trần Đình Long, nguyên tắc của Hòa Phát không phải là tính lúc mọi sự đang thuận, mà phải tính lúc thị trường xấu nhất, thấp nhất mà mình vẫn sống được và khi tìm được phương án tốt rồi mới quyết định đầu tư. “Nếu thị trường có sập, Hòa Phát sẽ là người chết cuối cùng”.

Một tầm nhìn xa, một tinh thần tiên phong với chiến lược đầu tư bài bản và một nền tảng được xây dựng vững chãi dần lên đã giúp Hoà Phát liên tục giành chiến thắng trong “cuộc chiến” ngành thép ở hầu hết các giai đoạn lên xuống của thị trường, từ đó góp phần thay đổi cục diện và nâng tầm thương hiệu thép Việt. Với Hòa Phát, đó là một hành trình không ngừng vượt khó để “dẫn đầu bằng chất lượng”, đồng thời khẳng định tầm nhìn dài hạn và sự kiên định của ông chủ tập đoàn - doanh nhân Trần Đình Long.

Chuyện "quyết là làm" và "làm đến cùng" của "anh cả" ngành thép Hòa Phát- Ảnh 5.

Trước khi bước vào ngành thép, Hòa Phát được biết đến là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thiết bị phụ tùng, nội thất. Các cộng sự của doanh nhân Trần Đình Long kể lại, quyết định đầu tư vào thép bắt nguồn từ khó khăn trong việc mua ống thép về làm giàn giáo của công ty thiết bị phụ tùng. Thời điểm đó, để mua được ống thép rất gian nan, phải chờ đợi, xin phê duyệt rất lâu, chính vì vậy, ông Long đã nảy ra ý nghĩ tự làm luôn ống thép, dù ở trong tâm thế “chưa biết gì về thép”. Năm 1996, Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát được thành lập. Vượt qua những khó khăn ban đầu, đến năm 2000, Ống thép Hòa Phát đã có được chứng chỉ ISO:9002 do tổ chức BVQI của Vương quốc Anh công nhận và là một trong những doanh nghiệp sản xuất ống thép chất lượng cao tại Việt Nam lúc bấy giờ. Cũng trong năm 2000, Công ty Thép Hòa Phát được thành lập để sản xuất thép công nghiệp. Lúc này, dù đã có vị thế trên thị trường ống thép nhưng việc đầu tư sang ngành thép của doanh nhân Trần Đình Long vẫn được xem là một quyết định táo bạo, thậm chí có người cho rằng, ông làm gì cũng đúng nhưng bước vào ngành thép là sai, và chắc “bị làm sao” mới đâm đầu vào thép. Bởi ngành công nghiệp thép không dễ làm, đòi hỏi cao về kinh nghiệm, kỹ thuật và vốn đầu tư cũng rất lớn. Nhiều doanh nghiệp trong ngành lúc đó vẫn đang rất chật vật với bức tranh kinh doanh không mấy sáng sủa. Dù vậy, Hòa Phát vẫn quyết tâm theo đuổi ngành thép, chỉ vì nhìn thấy cơ hội từ nhu cầu vô cùng lớn về thép khi đất nước đang trên hành trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nếu không tự chủ được về thép, mãi phụ thuộc vào thép nhập khẩu thì sẽ thiếu đi nền tảng quan trọng để phát triển đất nước, xây dựng cơ sở hạ tầng…

Tầm nhìn của doanh nhân Trần Đình Long với thép Hòa Phát bắt đầu từ quyết định tập trung nguồn lực để đầu tư vào công nghệ, máy móc, thiết bị. Năm 2001, Hòa Phát bắt đầu triển khai nhà máy đầu tiên trong lĩnh vực thép xây dựng tại Hưng Yên. Doanh nghiệp lựa chọn dây chuyền cán của hãng Danieli (Ý) - một trong ba nhà cung ứng thiết bị ngành thép lớn trên thế giới, có giá trị lên tới 8 triệu Euro, vượt qua khả năng tài chính của Hòa Phát thời điểm đó, nên phải tận dụng các mối quan hệ, mòn mỏi gõ cửa nhiều ngân hàng để xoay xở nguồn vốn. Tỷ lệ đòn bẩy tài chính cho dự án lên tới 90%. Đến năm 2002, dây chuyền công suất 250.000 tấn/năm của Hòa Phát nổi lửa ra mẻ thép đầu tiên, đây được đánh giá là dây chuyền hiện đại nhất vào thời điểm đó.

Mình đã đi nhiều, nghiên cứu nhiều. Muốn cạnh tranh tốt bắt buộc máy móc phải tốt. Đặc biệt là với ngành thép, nếu dùng máy cũ, tạo ra sản phẩm chất lượng không cao, thì khó cạnh tranh được”, ông Long từng chia sẻ và cho rằng, quyết định nhập khẩu dây chuyền sản xuất lúc đó là một quyết định vô cùng khó khăn khi doanh nghiệp chưa có tiềm lực và cũng mới khởi đầu làm thép xây dựng. Nhưng nhờ nhu cầu thép tăng cao trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển nên Hòa Phát đã thu hồi vốn sớm hơn dự kiến.

Khi đã có nhà máy cán thép, Hòa Phát vẫn gặp không ít khó khăn do vướng phải vấn đề hạn mức khi nhập phôi thép từ nước ngoài về để sản xuất, phải thông qua các đơn vị trung gian. Tình thế đó thúc đẩy doanh nghiệp tiếp tục đầu tư và hoàn thành nhà máy sản xuất phôi thép đầu tiên từ phế liệu, công suất ban đầu khoảng 150.000 tấn/năm. Luôn tận dụng cơ hội trong khó khăn, đến năm 2004, Hòa Phát đã tự chủ được nguồn phôi cho dây chuyền cán thép để nuôi những khát vọng lớn hơn trong cuộc đua thị phần và phát triển thương hiệu thép.

Bước đột phá của Hòa Phát được ghi nhận vào năm 2007, khi công ty chuyển đổi mô hình hoạt động theo hình thức tập đoàn, trong đó thép là lĩnh vực cốt lõi. Ngay sau đó, doanh nhân Trần Đình Long đã quyết định triển khai Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Kinh Môn, Hải Dương trên quy mô 132ha, chia làm ba giai đoạn với tổng công suất ban đầu là 1,7 triệu tấn, trong đó, giai đoạn 1 đạt 350.000 tấn/năm. Đây là dự án sản xuất gang thép khép kín quy mô lớn từ quặng sắt đến phôi thép, thép xây dựng đầu tiên của Tập đoàn Hòa Phát, định hình rõ nét mục tiêu trở thành nhà sản xuất thép hàng đầu Việt Nam. Với ngành thép Việt Nam thời điểm đó, dự án này được đánh giá là đồng bộ với quy mô lớn nhất và áp dụng công nghệ tiên tiến nhất. Điều này thể hiện vai trò tiên phong của thép Hòa Phát trong đổi mới công nghệ, áp dụng những thành tựu khoa học vào sản xuất, góp phần đưa ngành thép từ quy mô nhỏ, manh mún sang sản xuất theo chuỗi khép kín, quy mô lớn.

Chuyện "quyết là làm" và "làm đến cùng" của "anh cả" ngành thép Hòa Phát- Ảnh 6.
Chuyện "quyết là làm" và "làm đến cùng" của "anh cả" ngành thép Hòa Phát- Ảnh 7.
Chuyện "quyết là làm" và "làm đến cùng" của "anh cả" ngành thép Hòa Phát- Ảnh 8.

Với sản lượng thép xây dựng năm 2007 đạt 233.000 tấn, tăng 30% so với năm trước, Hòa Phát góp mặt trong Top 5 doanh nghiệp ngành thép có thị phần lớn nhất. Cuối năm 2007, doanh nghiệp này chính thức niêm yết cổ phiếu HPG trên thị trường chứng khoán, trở thành công ty đại chúng.

Lợi thế cùng trách nhiệm của một công ty cổ phần đã giúp Hòa Phát đưa ra quyết định một cách nhanh chóng, tận dụng được các thời cơ quan trọng trong quá trình phát triển. Quý II/2016, Khu liên hợp gang thép Hải Dương hoàn thành giai đoạn 3, nâng tổng công suất thép xây dựng của Hòa Phát lên hơn 2 triệu tấn/năm. Ngay trong năm này, Hòa Phát chính thức vượt qua Tổng Công ty Thép Việt Nam, vươn lên dẫn đầu thị trường thép xây dựng với sản lượng 1,8 triệu tấn, thị phần 22%.

Theo tính toán của doanh nhân Trần Đình Long, tại một đất nước đang phát triển như Việt Nam, ngành công nghiệp nặng như thép có tốc độ tăng trưởng bình quân 10%/năm. Ông chủ Hòa Phát cho rằng, khi thị trường tiếp tục “nở to ra” mà doanh nghiệp không đầu tư mở rộng, xây dựng nhà máy thì sẽ bị chậm lại. Tư duy này có thể là câu trả lời xác đáng nhất cho sự phát triển không ngừng của doanh nghiệp, không dừng bước và cũng không đi chậm lại trong những năm qua.

Năm 2017, khi quyết định đầu tư dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi) để hướng tới tầm nhìn phát triển dài hạn và hiện thực hóa các mục tiêu cao hơn của tập đoàn, lãnh đạo Hòa Phát tiếp tục đứng trước nhiều hoài nghi về khả năng thành công của dự án, đặc biệt là từ phía cổ đông. Theo đó, sự mạo hiểm khi sử dụng nguồn vốn lớn cho một dự án và nỗi lo tác động đến môi trường khi vị trí dự án ở gần biển là 2 vấn đề gây nghi ngại lớn nhất. Tuy nhiên, với tầm nhìn về cơ hội phát triển trong tương lai cùng kinh nghiệm gần 10 năm triển khai dự án tại Hải Dương trước đó, doanh nhân Trần Đình Long đã rất quyết liệt trong việc thực hiện dự án này và tự tin có thể giải quyết được các vấn đề mà cổ đông lo sợ. Đây không phải là sự liều lĩnh bất chấp mà là bước đi thận trọng, có sự tính toán kỹ càng.

Cụ thể, dự án Dung Quất vốn được giao cho một nhà đầu tư nước ngoài khởi công từ năm 2006 làm nhà máy thép, tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn vấn đề về tài chính nên bị bỏ hoang, gây lãng phí trong nhiều năm. Đến cuối năm 2016, Hòa Phát nhận tiếp quản để triển khai dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. Dự án được thực hiện trên quy mô 400ha, tổng vốn đầu tư 86.000 tỷ đồng, sử dụng công nghệ sản xuất thép theo chu trình tuần hoàn, khép kín và hiện đại của châu Âu, tự chủ 90% điện sản xuất nhờ giải pháp thu hồi nhiệt phát điện. Công suất thiết kế 6 triệu tấn/năm, bao gồm 3 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC và 3 triệu tấn thép xây dựng, thép chất lượng cao với kỳ vọng đem về doanh thu 2 tỷ USD và đóng góp 4.000 tỷ đồng/năm cho ngân sách địa phương. Lợi thế tuyệt đối của Khu liên hợp là có cảng biển nước sâu cho phép tàu đón 200.000 tấn cập bến, dễ dàng vận chuyển nguyên vật liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra đi tới các thị trường trong và ngoài nước.

Với dự án này, Hòa Phát sử dụng khoảng 30% kinh phí để đầu tư cho vấn đề đảm bảo môi trường. Doanh nhân Trần Đình Long coi môi trường là vấn đề số một, quan trọng hơn cả lợi nhuận, cả hiệu quả kinh tế bởi “không thể làm liều” mà đánh mất cơ ngơi tập đoàn nỗ lực dựng lên. Sau 4 năm, dự án Dung Quất 1 đã hoàn thành và đi vào hoạt động đồng bộ vào tháng 1/2021. Một nhà máy thép bỏ hoang cả thập kỷ đã được hồi sinh và trở thành khu liên hợp hiện đại, góp phần thay đổi diện mạo Khu Kinh tế Dung Quất. Đến tháng 2/2021, nhà máy đã cán mốc 1 triệu tấn HRC sau 9 tháng vận hành thử. Theo đánh giá của hãng Danieli (Ý), đây được coi là một kỷ lục về tiến độ vận hành dự án. Khối lượng sản xuất tăng đều đặn từ 10-15%, đạt khoảng 220-250.000 tấn mỗi tháng, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, có những lúc đơn hàng vượt 300% khả năng sản xuất của nhà máy. Có thêm dự án Dung Quất 1, tổng năng lực sản xuất của Hoà Phát đạt 8,5 triệu tấn/năm, mục tiêu dẫn đầu bằng chất lượng, vươn lên vị trí nhà sản xuất thép số 1 Đông Nam Á của doanh nhân Trần Đình Long đã được hiện thực hóa.

Chuyện "quyết là làm" và "làm đến cùng" của "anh cả" ngành thép Hòa Phát- Ảnh 9.
Chuyện "quyết là làm" và "làm đến cùng" của "anh cả" ngành thép Hòa Phát- Ảnh 10.
Chuyện "quyết là làm" và "làm đến cùng" của "anh cả" ngành thép Hòa Phát- Ảnh 11.

Khu Liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi). Ảnh: Hòa Phát.

Sự thành công của Dự án Dung Quất 1 cũng đã một lần nữa khẳng định vai trò tiên phong của Hòa Phát trong việc làm chủ công nghệ, cụ thể là công nghệ sản xuất thép cuộn cán nóng HRC, tại thời điểm chưa có doanh nghiệp trong nước nào sản xuất được, phải nhập khẩu 100%. Là doanh nghiệp đi đầu nên việc làm chủ được công nghệ là một thách thức rất lớn đối với toàn bộ cán bộ, công nhân viên của Hòa Phát Dung Quất, nhưng họ đã vượt qua được bằng sự dốc sức và đồng lòng.

Nhờ có thép cuộn cán nóng HRC, Hòa Phát nói riêng và ngành thép Việt Nam nói chung đã tự chủ một phần lớn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất ống thép, tôn mạ, vỏ container… đồng thời cung cấp sản phẩm chất lượng cao với giá thành cạnh tranh cho các nhà máy cơ khí chế tạo khác tại Việt Nam và tăng sức cạnh tranh khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế, tránh các dòng thuế bảo hộ đang ngày càng phổ biến hiện nay.

Chuyện "quyết là làm" và "làm đến cùng" của "anh cả" ngành thép Hòa Phát- Ảnh 12.

Chuyện "quyết là làm" và "làm đến cùng" của "anh cả" ngành thép Hòa Phát- Ảnh 13.


Chuyện "quyết là làm" và "làm đến cùng" của "anh cả" ngành thép Hòa Phát- Ảnh 14.

Khát vọng của Hoà Phát, cũng như nhiều doanh nghiệp dân tộc khác, đó là khi đã có nền tảng, sẽ không ngừng vươn tới những đỉnh cao mới, hướng tới phát triển bền vững và góp phần đưa đất nước phồn vinh. Với Hòa Phát, ngay từ khi mới thành lập, người đứng đầu doanh nghiệp đã xác định, làm gì cũng phải quyết tâm đủ lớn để có thể làm tốt nhất, nếu không được nhất thì cũng phải “gần như là nhất”. Đó thực ra là sức cạnh tranh, một khi đã dẫn đầu thì sẽ cứ thế mà tiến lên, khi nỗ lực hết sức với một nền tảng bền vững, thì thành quả sẽ tự đến.

Chuyện "quyết là làm" và "làm đến cùng" của "anh cả" ngành thép Hòa Phát- Ảnh 15.

Doanh nhân Trần Đình Long thường chỉ chia sẻ những trăn trở và quan điểm kinh doanh của mình trong các cuộc đại hội cổ đông, rất hiếm khi chia sẻ với báo chí, nhưng những phát ngôn của thuyền trưởng Hoà Phát trên truyền thông thường gây ấn tượng mạnh bởi sự quyết liệt trong lời nói và ngay sau đó những gì ông khẳng định sẽ được chứng minh bằng hành động. Trên thực tế, những kết quả kinh doanh khả quan và dấu ấn đậm dần lên của Hòa Phát trên thị trường chưa bao giờ thỏa mãn doanh nhân này. Bước sang năm 2024, một tầm vóc mới, quy mô mới của Hòa Phát đang tiếp tục được định hình sau khi doanh nghiệp đã dần vượt qua được những khó khăn khốc liệt của ngành thép trong giai đoạn 2022 - 2023.

Trong bối cảnh sức tiêu thụ thép giảm do thị trường khó khăn, thậm chí “khốc liệt hơn nhiều” so với dự báo, Hòa Phát không phát triển mạnh mà chỉ duy trì các lĩnh vực kinh doanh khác trong cơ cấu đa ngành, thay vào đó, dồn tổng lực cho hoạt động cốt lõi là sản xuất, tiêu thụ thép và nâng cao năng lực sản xuất thông qua việc đầu tư thêm nhà máy. Đây cũng không phải lần đầu tiên, Hoà Phát đi ngược dòng so với thị trường - lúc thị trường khó, sức tiêu thụ giảm không thu hẹp đầu tư hoàn toàn mà ngược lại, doanh nghiệp vẫn huy động nguồn lực và tập trung cao độ để triển khai nhà máy mới theo kế hoạch với quy mô và công nghệ cao hơn để chuẩn bị cho tương lai, chỉ tạm dừng những dự án chưa thực sự cần thiết. Bởi người đứng đầu doanh nghiệp luôn nhìn thấy được cơ hội tăng trưởng trong dài hạn về nhu cầu của ngành thép và tính tất yếu cần thiết của sản phẩm thép đối với sự phát triển kinh tế quốc gia và cả nền kinh tế toàn cầu.

“Vài năm nay, mọi người nhìn thép rất xấu, nhưng thép vẫn được coi là “bánh mì của công nghiệp” và tại những nước công nghiệp hoá mới như chúng ta, nhu cầu thép vẫn còn tăng”, ông Trần Đình Long luôn điềm tĩnh trước những biến động lớn của ngành thép và các lo ngại về tương lai của ngành này tại Việt Nam. Với một doanh nhân có tầm nhìn “vượt thời gian” như ông Long, khó khăn của thị trường là vấn đề trước mắt, có tính khách quan và chu kỳ mà một doanh nghiệp dày dặn kinh nghiệm và “vững vàng chất thép” như Hoà Phát có thể dự liệu được. Khi nhu cầu tăng, nguồn cung tất yếu phải tăng theo, tạo cơ hội cho những người đang làm thép một cách bài bản. Do vậy, việc đầu tư, tăng năng lực sản xuất thép trong hiện tại là sự chuẩn bị cho việc tận dụng thời cơ để bứt phá trong tương lai.

Từ quý I/2022 cho đến nay, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp thép chưa phục hồi, ngành thép “liêu xiêu”, Hòa Phát vẫn kiên định tập trung tổng lực để thúc đẩy tiến độ dự án Dung Quất 2, sau khi thành công ở dự án Dung Quất 1. Dù tổng vốn đầu tư của dự án rất lớn (85.000 tỷ đồng) nhưng lãnh đạo Hòa Phát vẫn duy trì cơ cấu vốn của dự án theo tỷ lệ 50% vốn chủ sở hữu và 50% vốn vay như nhiều dự án trước. Điều này thể hiện quan điểm sử dụng vốn đầu tư của Hoà Phát là an toàn, không lệ thuộc quá lớn vào đòn bẩy tài chính mà biết lượng sức mình để sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả.

Theo kế hoạch, phân kỳ 1 của dự án sẽ đi vào hoạt động đầu quý I/2025 và hoàn thành toàn bộ trong năm 2026. Với công suất thiết kế 5,6 triệu tấn/năm, sản phẩm là thép cuộn cán nóng chất lượng cao, khi đó, năng lực sản xuất thép của Tập đoàn Hòa Phát sẽ đạt trên 14 triệu tấn/năm, đưa Hòa Phát vào top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới. Doanh thu của tập đoàn cũng sẽ tăng thêm 80.000 - 100.000 tỷ đồng. Dự án này cũng sẽ là bước ngoặt, giúp Hoà Phát chuyển mạnh sang sản xuất thép chất lượng cao, đầu tư theo chiều sâu và hướng đến sản phẩm xanh, giảm phát thải để khi xuất khẩu hàng vào châu Âu không gặp khó khăn do rào cản thuế carbon xuyên biên giới (CBAM), từ đó nhường sân chơi thép cơ bản như thép xây dựng cho doanh nghiệp khác.

"Sau dự án Dung Quất 1, sản phẩm HRC của HPG đã có chi phí sản xuất tương đối cạnh tranh tại Châu Á. Trong năm 2023 - ngay cả khi giá thép ở đáy chu kỳ, HPG vẫn có thể đẩy tiêu thụ 315.000 – 325.000 tấn HRC/tháng qua kênh xuất khẩu, tiêu thụ nội bộ sản xuất ống thép và tôn mạ. Do đó, dự án Dung Quất 2 sẽ tiếp tục hấp thụ tốt, kỳ vọng lấp đầy 90% công suất trong năm 2026 nhờ lợi thế về quy mô - giúp tiết giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh của HRC trong khu vực ASEAN và thời điểm đi vào hoạt động rơi vào chu kỳ mới.

========

Công ty chứng khoán BIDV (BSC)

Không dừng lại ở Dung Quất 2, Phú Yên tiếp tục trở thành điểm dừng chân mới của Hòa Phát với kế hoạch đầu tư dự án khu liên hợp mới mà doanh nhân Trần Đình Long tạm gọi là Dự án Dung Quất 3, có quy mô đầu tư 5 tỷ USD. “Hiện nay mỗi tháng Hòa Phát sản xuất 250.000 - 300.000 tấn thép cuộn cán nóng nhưng nếu có 1 triệu tấn cũng bán hết, nhu cầu thép trên thị trường là rất lớn và lâu dài”, doanh nhân Trần Đình Long tự tin khẳng định và cho rằng “Nếu sản xuất quy mô nhỏ và lạc hậu thì sẽ sớm bị đè bẹp. Mong muốn của tôi là sau 5 - 10 năm nữa, Hòa Phát sẽ nằm trong Top 20 công ty sản xuất thép lớn nhất thế giới”.

Chuyện "quyết là làm" và "làm đến cùng" của "anh cả" ngành thép Hòa Phát- Ảnh 16.

HRC của Hòa Phát được cấp CE Marking – chứng nhận chất lượng được coi là “giấy thông hành” khi xuất sang châu Âu.

Trong tương lai, Hoà Phát sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu, phát triển các sản phẩm khó sản xuất, chứa hàm lượng công nghệ cao, duy trì vị thế tiên phong làm chủ công nghệ để dẫn dắt các doanh nghiệp khác trên thị trường. “Để sản xuất 11 triệu tấn HRC chất lượng cao, Hòa Phát có thể phải bỏ ra 7 tỷ USD cho máy móc và thiết bị công nghệ. Có lẽ ông trời quyết định Hoà Phát phải làm việc khó. Tôi gọi đó là sứ mệnh của tập đoàn”, doanh nhân Trần Đình Long chia sẻ với những người đồng sở hữu doanh nghiệp.

Để thực hiện được các mục tiêu mới trên con đường phía trước, câu chuyện “hoà hợp cùng phát triển” như ý nghĩa tên gọi của tập đoàn tiếp tục được doanh nhân Trần Đình Long chú trọng. Đó không chỉ là sự hòa hợp về lợi ích giữa các thành viên trong Hòa Phát, mà là sự hòa hợp với lợi ích của khách hàng, đối tác, cộng đồng xã hội để hướng tới sự phát triển bền vững.

==========================

Chuyện "quyết là làm" và "làm đến cùng" của "anh cả" ngành thép Hòa Phát- Ảnh 17.

PGS. TS. Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp thuộc Bộ Công thương, một người tự nhận là “rất yêu doanh nghiệp nội”, nói với Reatimes, “nếu được bầu chọn về doanh nghiệp tư nhân có tầm ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế quốc nội và vị thế kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế, tôi lựa chọn Hòa Phát”. Ông nhấn mạnh, đây là một doanh nghiệp sản xuất thực thụ, không ngại khó, có tầm nhìn đúng đắn về vai trò cũng như cơ hội, thách thức của ngành thép và không ngừng nỗ lực xây nền tảng để phát triển bền vững. Họ đã dẫn dắt “cuộc chơi” và tạo nên vị thế của công nghiệp sản xuất thép Việt Nam hiện tại và cũng đang rất chủ động, quyết liệt trong việc bảo vệ sản xuất trong nước trước những thách thức của thực trạng bán phá giá từ dòng thép nhập khẩu, đang ngày một khốc liệt hơn.

Chuyện "quyết là làm" và "làm đến cùng" của "anh cả" ngành thép Hòa Phát- Ảnh 18.

- “Thép là ‘bánh mì’ của ngành công nghiệp” - Chủ tịch Hoà Phát Trần Đình Long nhiều lần nhấn mạnh điều này mỗi khi có nhiều nhiều hoài nghi về ngành thép cũng như lựa chọn của Hòa Phát tại thời điểm thị trường thép xuống dốc, khó khăn. Ông nghĩ sao về tầm nhìn này?

PGS. TS. Phan Đăng Tuất: Rõ ràng, soi chiếu vào sự phát triển không ngừng của Hoà Phát trong hơn 20 năm qua, có thể thấy, ông chủ doanh nghiệp này chưa bao giờ nhìn ngắn hạn. Ngành thép rất khốc liệt, có tính chu kỳ và do vậy, doanh nghiệp sản xuất trong nước thường phải đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt là khi sức tiêu thụ giảm, đó là chưa nói đến cạnh tranh.

Để đi xa và vươn lên trong ngành này, không thể nhìn ngắn được, nhìn ngắn thì sẽ “chết” nhanh do không có sự đầu tư lớn từ gốc. Ông Long luôn coi thép là “bánh mì” của ngành công nghiệp, tức là nhìn vào vai trò của ngành thép, nhìn vào nhu cầu, sự tăng trưởng và cơ hội lớn của ngành này trong dài hạn. Tất cả các nước khi trải qua quá trình công nghiệp hoá đều coi trọng sản xuất thép, đây là thượng nguồn của công nghiệp. Nhưng doanh nghiệp muốn đứng vững được trong ngành thì phải làm từng bước một, suy tính kỹ càng, trong đó, đầu tư nền tảng là quan trọng nhất.

Nhìn lại có thể thấy Hòa Phát tăng trưởng rất nhanh nhưng thực chất họ đi từ từ. Tôi thấy ông Long còn tự ví doanh nghiệp mình là “một chiếc xe lu”, chọn con đường chính giữa mà đi, phải chăng cũng là vì vậy. Hòa Phát làm nhà máy nhỏ trước, đầu tiên làm ống thép, sau đó mới xây nhà máy cán thép. Khi làm thép xây dựng, từ việc phải mua phôi nước ngoài về cán, thấy gian nan nên khi có tiền rồi, họ nghĩ ngay đến việc phải làm phôi. Sau khi làm được phôi thép thì họ tiếp tục dồn nguồn lực mua dây chuyền ở nước ngoài về làm thép cuộn cán nóng HRC chất lượng cao để không phải phụ thuộc vào nguồn HRC nhập khẩu từ nước ngoài, giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể tự chủ được nguyên liệu đầu vào cho sản xuất ống thép, tôn mạ, cỏ container…

Với việc mở rộng các nhà máy cũng vậy, khi đã làm xong, vận hành đủ công suất, doanh thu tăng, lãi tăng, vốn sở hữu tăng thì mới tích lũy để tính đến dự án lớn hơn. Từ nhà máy nhỏ ở Hưng Yên, đến Khu liên hợp gang thép 2 triệu tấn tại Hải Dương, rồi đến Dung Quất 1, Dung Quất 2 ở Quảng Ngãi, và sắp tới có thể là Dung Quất 3 ở Phú Yên với công suất lớn hơn gấp nhiều lần … tất cả đều đi theo trình tự đó. Khi đã có thế và lực, Hoà Phát không phụ thuộc nhiều vào đòn bẩy tài chính mà sử dụng phân nửa vốn chủ sở hữu, do đó, cũng giảm bớt gánh nặng trong trường hợp thị trường khó khăn, lợi nhuận không đủ bù đắp lãi vay. Và đặc biệt, các dự án của Hòa Phát đều dành một chi phí lớn cho vấn đề môi trường.

Nói như vậy để thấy là, chiến lược kinh doanh của Hòa Phát rất thận trọng và chắc chắn để có thể phát triển bền vững. Không phải tự nhiên mà có được vị thế ngày hôm nay. Đó là cả một quá trình xây đắp. Giờ Hòa Phát đã có nền tảng vững chắc rồi, đã trở thành “anh cả” của ngành thép và không dừng lại, họ vẫn đang chuẩn bị cho những bước tăng tốc mới để phát triển rực rỡ hơn và có nhiều đóng góp hơn trong tương lai.

- Giai đoạn 2022 - 2023, ngành thép bắt đầu xuống dốc và được đánh giá là xuống đáy của chu kỳ, vì thế vẫn có những hoài nghi khi Hoà Phát tiếp tục gia tăng năng lực sản xuất thông qua việc đầu tư nhà máy lớn hơn.

PGS. TS. Phan Đăng Tuất: Những người không hiểu biết thì sẽ hoài nghi, và họ cũng chỉ nhìn được ngắn hạn. Nhưng không biết rằng, đó là sự chuẩn bị cho tương lai. Với một doanh nghiệp có tầm nhìn thì không thể vì khó khăn mà dừng lại các mục tiêu của mình. Có chăng cũng là sản xuất ít đi nếu như nhu cầu tiêu thụ hiện tại đang giảm. Ở khía cạnh này, tôi thấy ông Long dự báo rất tốt về thị trường. Đầu năm 2022, ông ấy khẳng định ngành thép trong 3 quý tiếp theo sẽ đi xuống sau một năm 2021 thăng hoa và kết quả kinh doanh của Hòa Phát sẽ “thê thảm” trong chu kỳ suy thoái chung của ngành thép. Do đó, kế hoạch kinh doanh của năm 2022 rất thận trọng, cắt giảm sản lượng, phải ngừng hoạt động một số lò cao để giảm chi phí nhưng Hoà Phát vẫn triển khai dự án Dung Quất 2 theo kế hoạch. Nhờ có khoản tiền mặt lớn, sức khỏe tài chính của Hoà Phát được duy trì an toàn ngay cả khi tập đoàn vay thêm hàng chục nghìn tỷ đồng để xây dựng dự án Dung Quất 2. Đến năm 2023, khi thị trường có dấu hiệu hồi phục và nhận định được là ngành thép đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, Hoà Phát khôi phục lại sản xuất và tiếp tục dành toàn bộ nguồn lực cho dự án Dung Quất 2. Có thể thấy, trong các giai đoạn suy giảm của ngành thép, Hoà Phát vẫn có thể vững vàng vượt qua khó khăn. Đó là nhờ sự kiên định và thận trọng cũng như tầm nhìn của người lãnh đạo. Trong quá khứ, thị phần của Hoà Phát không ngừng mở rộng cũng nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng để có nguồn cung thép chất lượng cao vào đúng chu kỳ đi lên của ngành.

Có thể thấy, trong các giai đoạn suy giảm của ngành thép, Hoà Phát vẫn có thể vững vàng vượt qua khó khăn. Đó là nhờ sự kiên định và thận trọng cũng như tầm nhìn của người lãnh đạo.
PGS.TS. Phan Đăng Tuất

- Còn trong tương lai thì sao, thưa ông?

PGS.TS. Phan Đăng Tuất: Thép là sản phẩm siêu trường, siêu trọng, chi phí vận tải logistics rất lớn. Nếu trong nước sản xuất được thì năng lực cạnh tranh của họ rất tốt. Bởi chi phí vận tải, logistics sẽ giảm đi rất nhiều. Việc mở rộng đầu tư, quy mô… là tầm nhìn rất tốt của doanh nghiệp bởi nhu cầu trong nước vẫn sẽ tiếp tục tăng. Theo đánh giá của chúng tôi, nhu cầu thép trong nước hàng năm vẫn tăng từ 8-10%. Tạm thời do ảnh hưởng của thị trường bất động sản nên có chậm lại một chút. Trên đường tiến tới một nước công nghiệp hiện đại, Việt Nam vẫn có rất nhiều hạ tầng cần được đầu tư, triển khai, bên cạnh đó là nhu cầu sử dụng thép cho công nghiệp hỗ trợ, sản xuất ô tô, đóng tàu… Tôi cho rằng, trong giai đoạn này, Hòa Phát nói riêng và các doanh nghiệp trong nước nói chung mở rộng hoạt động sản xuất thép, đặc biệt là thép cán nóng là hoàn toàn hợp lý, cơ hội để tăng trưởng hơn nữa trong tương lai là rất lớn, và có thể đi vào đúng chu kỳ mới.

- Nhưng bối cảnh hiện nay dường như đang đặt các doanh nghiệp thép, bao gồm cả Hoà Phát trước một cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn?

PGS. TS. Phan Đăng Tuất: Trước đây Việt Nam không thể sản xuất HRC do vốn đầu tư để làm nhà máy thép cán nóng là rất lớn, đồng thời yêu cầu công nghệ rất cao nên hoàn toàn phải nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc, Ấn Độ). Khi doanh nghiệp trong nước, cụ thể là Hòa Phát đã mạnh dạn đầu tư và sản xuất được thành phẩm, luồng nhập khẩu nói trên vẫn đi vào Việt Nam nhờ kênh phân phối và bạn hàng cũ. Tuy nhiên, thời gian gần đây có dấu hiệu cho thấy các nhà sản xuất này đã bán HRC dưới giá thành. Năng lực nội sinh bây giờ đã đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu tiêu thụ trong nước, nhưng thép nhập khẩu vẫn tràn vào với một sản lượng còn lớn hơn như thế.

Quý I/2024, lượng nhập khẩu HRC đạt 3 triệu tấn, gấp 1,5 lần so với lượng sản xuất trong nước, riêng lượng nhập từ Trung Quốc và Ấn Độ tăng đột biến, chiếm 75%. Sản xuất của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh sụt giảm, chỉ đạt 73% công suất thiết kế so với mức 86% của năm 2021. Thị phần bán hàng nội địa của 2 nhà sản xuất HRC này cũng giảm mạnh từ 45% của năm 2021 xuống còn 30% năm 2023. Thị phần của hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn độ tăng từ 32% lên gần 46% trong năm 2023. Trong khi đó, giá nhập khẩu thép HRC của Trung Quốc đã giảm mạnh từ 613 USD tại thời điểm đầu năm 2023 xuống còn 555 USD trong quý I/2024. Ở Trung Quốc, thị trường bất động sản không thuận lợi, nhu cầu thép cho sản xuất công nghiệp cũng đang sụt giảm trong khi sản lượng thép vẫn “khổng lồ”. Sản lượng thép của Trung Quốc hiện khoảng 1 tỷ tấn, gấp 40 lần mình. Quy mô nhà máy, công xưởng cũng rất “khủng khiếp”, nhà máy quy mô nhỏ ở Trung Quốc sản xuất bằng sản lượng của cả nước mình. Trước tình trạng dư thừa nguồn cung, Trung Quốc đang tìm cách đưa lượng lớn hàng tồn dư sang các nước khác, không riêng Việt Nam và để thúc đẩy tiêu thụ, nhiều công ty thép nước này đã và đang chấp nhận bán dưới giá vốn. Như vậy, doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ chịu sức ép cạnh tranh rất lớn, thậm chí phải thu hẹp sản xuất.

- Hòa Phát cùng một số doanh nghiệp khác mới đây đã đệ đơn khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép cuộn cán nóng HRC nhập khẩu, ông nghĩ sao về hành động này?

PGS.TS. Phan Đăng Tuất: Đó là sự chủ động của doanh nghiệp trong việc bảo vệ công nghiệp sản xuất thép trong nước. Nếu không có biện pháp bảo hộ và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, để thép nhập khẩu tràn vào thị trường, lấn chiếm thị phần của thép nội thì cực kỳ nguy hiểm.

Trước đây, Việt Nam phải nhập khẩu 100% thép cán nóng và lệ thuộc vào nước ngoài. Vì cần nhập khẩu lớn nên nước ta không giăng hàng rào thuế quan đối với thép cán nóng, hiện nay vẫn vậy nên càng tạo cơ hội cho một số nước tuồn hàng thừa sang mình. Việc không có hàng rào thuế quan với HRC do lịch sử thương mại để lại, giờ cũng chưa thể dựng lên nhưng việc bán phá giá rất dễ chứng minh, và đây là điều cần thiết để bảo vệ doanh nghiệp thép trong nước. Thị trường là cuộc chơi sòng phẳng, ngay bản thân người bị kiện chưa chắc đã phản ứng vì đó là bài học cho hoạt động kinh doanh. Việc khởi kiện chứng tỏ mình là người biết chơi trong cuộc chơi kinh tế thị trường.

Có thể thấy, những doanh nghiệp như Hoà Phát, họ đã đóng một vai trò vô cùng giá trị cho quá trình phát triển của Việt Nam, xứng đáng là doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quốc gia. Và trên hành trình hướng tới khát vọng phồn vinh, thịnh vượng và một quốc gia phát triển, Việt Nam rất cần những “đầu tàu” như vậy...
Chuyện "quyết là làm" và "làm đến cùng" của "anh cả" ngành thép Hòa Phát- Ảnh 19.PGS.TS. Phan Đăng Tuất

- Rõ ràng, “cuộc chơi” ngành thép cần một sự công bằng hơn đối với doanh nghiệp trong nước?

PGS.TS. Phan Đăng Tuất: Nghị Quyết của Đảng và Chính phủ luôn khuyến khích đầu tư sản xuất thép từ thượng nguồn, ưu tiên sản xuất trong nước. Theo chủ trương này, ngành thép Việt Nam từ chỗ không có tên trên bản đồ thế giới đã vươn lên số 1 Đông Nam Á và top 12 thế giới.

Việc đầu tư sản xuất HRC là đầu nguồn của ngành thép, đòi hỏi nguồn vốn rất lớn bởi cần phải có quy mô và công nghệ cao. Nếu Việt Nam mãi phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu nguyên liệu thì sản xuất trong nước cũng không ổn định, không thể phát triển mạnh hơn. Đồng thời còn góp phần giảm mất cân bằng ngoại tệ nếu phải phụ thuộc vào nhập khẩu lớn mặt hàng thép. Hoạt động sản xuất thép HRC của doanh nghiệp trong nước là Hòa Phát và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài Formosa đã góp phần tạo ra cơ sở vững chắc cho nền sản xuất trong nước.

Hòa Phát hiện nay đã có thể sản xuất được các loại thép làm cầu dây văng, đường ray và thép chế tạo cho các ngành công nghiệp cơ khí, thậm chí là linh kiện cho máy móc, thiết bị. Với tổng vốn đầu tư hơn 7 tỷ USD cho sản xuất thép chất lượng cao tại Dung Quất, Hòa Phát đã tạo việc làm cho 30.000 lao động, đóng góp ngân sách 10.000 đến 20.000 tỷ đồng/năm, tương đương mức đóng góp của một tỉnh trung bình. Bảo vệ sản xuất thượng nguồn trong nước là bảo vệ công ăn việc làm và tạo nguồn thu ngân sách bền vững cho Nhà nước, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp lớn đầu tư.

Doanh nghiệp trong nước đã dần tự chủ sản xuất nhưng con số nhập khẩu vẫn gia tăng, thậm chí còn lớn hơn sản lượng trong nước thì sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp nói riêng và ngành công nghiệp thép của Việt Nam nói chung. Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng biện pháp bảo hộ từ lâu nên doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu thép ra nước ngoài cũng không dễ dàng, phải chứng minh nhiều thứ và đòi hỏi nhiều về chất lượng, nguồn gốc… Dù vậy, sản lượng xuất khẩu thép các loại của Việt Nam vẫn lớn, kể cả Indonesia cũng nhập của mình, chứng tỏ, doanh nghiệp trong nước đã nỗ lực rất nhiều và chất lượng thép sản xuất của nước ta không thua kém gì các cường quốc thép trên thế giới.

- Đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt và trải qua nhiều khó khăn của ngành thép, đến thời điểm hiện tại, Hoà Phát vẫn mang trong mình một tâm thế rất tự tin. Theo ông, điều gì làm nên sự tự tin đó?

PGS.TS. Phan Đăng Tuất: Hòa Phát có nền tảng cho sự tự tin ở 3 khía cạnh. Thứ nhất là tiềm lực tài chính vững. Thứ hai là đội ngũ lao động cực kỳ ưu tú, nhiệt tình, sáng tạo, cần cù và trung thành với Hòa Phát. Thứ ba là quản trị nội bộ tốt. Ông Trần Đình Long rất mẫu mực trong việc hoàn thiện thiết chế quản trị. Có thể thấy, những doanh nghiệp như Hoà Phát, họ đã đóng một vai trò vô cùng giá trị cho quá trình phát triển của Việt Nam, xứng đáng là doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quốc gia. Và trên hành trình hướng tới khát vọng phồn vinh, thịnh vượng và một quốc gia phát triển, Việt Nam rất cần những “đầu tàu” như vậy; khi mà khát vọng của họ, gắn liền với khát vọng của đất nước; thương hiệu của họ là thương hiệu của quốc gia.

Với định hướng phát triển đa ngành, sản phẩm đa dạng, thu hút một lực lượng lao động cực lớn, đóng góp của Hòa Phát với kinh tế - xã hội của đất nước đang không ngừng gia tăng. Riêng năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế cả nước khó khăn, nhiều doanh nghiệp chật vật để tồn tại, Hoà Phát vẫn góp vào ngân sách Nhà nước hơn 9.000 tỷ đồng. Trên tất cả, tôi vẫn muốn nhấn mạnh một điều rằng, Hoà Phát là biểu trưng cho sự đóng góp giúp nâng tầm hình ảnh thương hiệu Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới.

- Trân trọng cảm ơn ông vì những thông tin hữu ích và chia sẻ chân thành về cống hiến của một doanh nghiệp tư nhân Việt Nam!

Tính đến tháng 5/2024, Hòa Phát có gần 170.000 cổ đông, vốn hóa thị trường tương ứng đạt 183.700 tỷ đồng, trở thành tập đoàn tư nhân lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam, chứng tỏ tính đại chúng rất cao. Trước đó, năm 2022 và 2023, Hòa Phát liên tiếp giữ vị trí số 1 trong Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam tại Bảng xếp hạng VNR500.
Reatimes.vn

*************************

Với hành trình hơn 20 năm gắn bó với ngành thép bằng niềm tin và năng lực “làm việc khó”, Hòa Phát đã có tốc độ tăng trưởng vượt bậc và chứng tỏ một điều rằng, khi ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua thì mọi mục tiêu, khát vọng sẽ thành hiện thực.

Sự trưởng thành của Hòa Phát không chỉ ở quy mô, năng lực sản xuất, khả năng làm chủ công nghệ và sức cạnh tranh của sản phẩm, mà còn nằm ở chuỗi giá trị sản xuất ngày càng được nối dài, cơ cấu sản phẩm đa dạng. Giai đoạn 2001-2016, Hòa Phát tập trung chủ yếu sản xuất phôi thép, thép xây dựng, ống thép. Song từ 2017 đến nay, chuỗi sản phẩm thép của tập đoàn đã bổ sung vào danh mục các dòng sản phẩm thép cuộn chất lượng cao để làm thép rút dây, lõi que hàn, thép dự ứng lực, HRC, tôn mạ, vỏ container, mặt bích bê tông dự ứng lực…

Những lợi thế về quy mô, công nghệ, chủng loại và sức cạnh tranh của sản phẩm đang giúp Hòa Phát vươn mình ra thị trường thế giới, đồng thời, gia tăng vị thế, năng lực cạnh tranh của thương hiệu thép Việt trên bản đồ công nghiệp thép toàn cầu. “Chúng tôi không chỉ chinh phục thị trường Việt Nam, mà có định hướng là xuất khẩu nhiều hơn”, doanh nhân Trần Đình Long khẳng định./

Chuyện "quyết là làm" và "làm đến cùng" của "anh cả" ngành thép Hòa Phát- Ảnh 20.

Nhà đầu tư được tận mắt chứng kiến dây chuyền sản xuất thép HRC của Hòa Phát, tháng 3/2024. Ảnh: Hòa Phát.

Thảo Liên
Hải Minh

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top