Nhân chuyện đoàn xe sang của một doanh nhân đi tặng sách xuyên Việt, tôi bèn nghĩ lan man sang chuyện tặng này. Khối chuyện để nói.
Phàm đã là người lao động chữ nghĩa thì không thể tránh được cái việc tặng sách, dù là người khép kín đến đâu. Mỗi cuốn sách in ra, bản quyền sách tác giả, không hiểu quy ước từ đâu, nhưng đã thành như thông lệ, là được 10 cuốn từ đơn vị xuất bản. Những cuốn đầu tiên này thường là dành để tặng người thân, bạn bè. Nhưng thường là chẳng đủ, bởi vậy tác giả đều phải mua thêm. Cái việc mua này nom thế nhưng cũng cách rách phết. Ấy là phải đăng ký mua luôn từ nơi sản xuất để được giảm giá theo tỷ lệ phát hành vài chục phần trăm giá bìa. Mỗi cuốn sách tặng chẳng đáng bao nhiêu, chỉ là tiền trăm tiền chục, nhưng cộng vào nhiều cuốn thì đôi khi cũng méo mặt cho tác giả, chứ chả bỡn. Nhất là với những ai không mấy dư dả tiền bạc.
Tôi ít in sách nên mỗi lần sách ra thường mua nhiều để tặng. Nhà văn thì còn có cái gì hơn sách để tặng người khác. Thậm chí có lần lấy luôn nhuận bút bằng sách, xếp vào kho tặng dần. Nói thật khoản này thì bao nhiêu cũng hết. Mà chỉ tặng thôi chứ tuyệt nhiên không bán. Đáng bao nhiêu mà ngồi thu gom những khoản lặt vặt đó lại cho mất thời gian. Tặng luôn kiếm thêm cái tiếng. Nhưng cũng không phải đơn giản. Với người ở xa thì phải thêm công đoạn gửi. Tiền bạc không đáng nhưng ngại nhất là phải ra bưu điện. Mỗi lần như vậy mất khối công sức. Nhưng bù lại được niềm vui. Từng nhận sách từ bưu điện của bạn bè gửi nên hình dung ra được người nhận sách của mình cảm giác thế nào khi nhận được sách. Đó chính là niềm vui cộng góp.
Tặng sách thì phải ký. Chữ ký có một nhưng cách viết thì nhiều. Sách mình tặng không nói làm gì, muốn bày tỏ cảm xúc thế nào cũng được. Nhưng là sách độc giả mua thì ký phải thận trọng. Có tác giả cầu kỳ viết cảm ơn người mua đọc rồi ký. Trong những trường hợp này tôi hay đề là “Bản của bạn a,b, c, d...”. Thấy như thế là công bằng. Người ta mua sách thì chả thể dùng chữ “tặng” được.
Đôi khi tôi cũng bán sách. Ấy là có mục đích gì đó. Muốn góp cho một trường học nào đó ít tiền chẳng hạn. Không có gì ý nghĩa hơn bằng mang sách của mình rao bán. Trường hợp này bán mà không ngại ngần về giá. Có lần, trong Hội sách tôi được một nhà xuất bản bố trí hẳn quầy riêng có pano quảng cáo và họ xuất ra cả trăm cuốn tặng bán. Đề rõ toàn bộ tiền bán sách dành cho địa chỉ ghi trên pano. Tôi vống lên cao vọt hơn hẳn giá bìa. Tiền để cho các cháu hết chứ mình có bỏ túi đâu mà ngại. Thế là bán nhoằng cái hết. Người mua thường là quý tác giả và ủng hộ mục đích kia nên có người bỏ ra mua cuốn sách bằng số tiền gấp nhiều lần.
Việc bán sách này cũng vui. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mỗi lần ra sách mới hay gửi cho tôi vài chục cuốn ủng hộ. Tôi rao bán. Lần gần nhất tôi nghĩ ra một cách mới là ai mua một cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh tôi tặng thêm một cuốn sách của tôi. Tất nhiên giá phải cao là tiền triệu. Mấy chục triệu đồng thu được gửi thẳng cho một chương trình thiện nguyện. Đắt như tôm tươi. Thấy sung sướng.
Tặng sách kiểu thiện nguyện như này nhiều với sự tham gia của không ít nhà văn và nhiều nhất là những người có lòng với sách. Độc đáo nhất là Nguyễn Quang Thạch làm chương trình “Sách hóa nông thôn”. Từ năm 2007 đến nay, Nguyễn Quang Thạch đã phát động thành công thành phong trào rộng khắp với sự chung tay của cộng đồng. Hàng chục nghìn tủ sách được thành lập ở nhiều tỉnh, thành. Rất nhiều người tham gia tặng sách để hàng trăm ngàn học sinh được thụ hưởng tri thức từ sách. Nguyễn Quang Thạch còn tự mình đi bộ xuyên Việt để kêu gọi cho sách hóa nông thôn. Một việc làm thiết thực và thành công trên mọi phương diện. Có thể coi Nguyễn Quang Thạch là một tấm gương sáng về tặng sách.
Bây giờ có rất nhiều cá nhân, với không ít hình thức cụ thể, làm chương trình tặng sách cho trẻ miền núi và nông thôn vùng sâu vùng xa. Nhiều tủ sách được mang đến các trường học. Ngoài người viết sách, các nhà sách, nhà xuất bản cũng hay trích lợi nhuận ra để ủng hộ các chương trình. Đông nhất vẫn là những người yêu sách muốn mang sách đến với người đọc một cách thiết thực nhất.
Tặng sách là một câu chuyện dài và hiển nhiên nó có ý nghĩa xã hội ngoài những mục đích thông thường là tri thức từ sách. Thế nên việc đoàn xe sang của doanh nhân mang tặng sách xuyên Việt, suy cho cùng cũng là một việc thiết thực cần được hoan nghênh, ủng hộ. Với riêng tôi thì mong muốn có nhiều, nhiều nữa những doanh nhân như thế, bất kể họ vì mục đích gì. Không gì quý hơn bằng sự mang được sách đến với tay người đọc.