Aa

Chuyện thờ cúng

Thứ Sáu, 20/12/2019 - 06:30

Việc thờ cúng được coi trọng như ngày hôm nay là một tín hiệu tốt cho truyền thống uống nước nhớ nguồn, coi trọng quá khứ, nguồn gốc, là một nét đẹp văn hóa dân gian.

Chưa bao giờ, chuyện nhà thờ họ lại quan trọng và được xây dựng, sang sửa trùng tu nâng cấp nhiều và thành phong trào như bây giờ. Hà Nội đất chật người đông, chiến tranh, phiêu dạt nhưng không ít dòng họ vẫn giữ lại được nhà thờ họ làm nơi thờ tự, quây quần con cháu, cúng giỗ tổ tiên.

Dứt khoát đây là một nét hay và là một thuần phong mỹ tục đáng quý của những người thành phố. Tất nhiên đã là người Việt thì tục lệ cúng giỗ tổ tiên và lập nhà thờ họ có ở cả nước, nhưng ở phường ở phố, chuyện nhà thờ họ lại là một sự rất đặc biệt. Nhất là với Hà Nội.

Phố phường sầm uất luôn tấp nập dù ở bất cứ thời nào. Bên trong sự tấp nập ấy là một dòng chảy đời sống vốn êm đềm của người phố. Những tinh hoa xưa, những nếp cổ luôn được gìn giữ lưu truyền. Và nhà thờ dòng tộc là một nét xưa cổ ấy.

Hà Nội từ xưa tuy không được phân chia nhưng luôn hình thành mấy cụm dân cư chính. Những khu phố cổ, khu phố cũ và những làng cổ bao bọc quanh Hà Nội. Tất cả những khu này với những dòng họ truyền thống đều có các nhà thờ dòng tộc. Nhất là với những làng cổ.

Tôi có không ít người quen và bạn bè ở những làng cổ như Ngọc Hà, Hoàng Mai, Hữu Tiệp... Cư dân ở đấy thuộc thế hệ có đất thổ cư, đều là những người có gốc gác lâu đời. Gia phả mười lăm đời là chuyện thường tình. Có dòng họ vốn là con cháu của quan lại và đất ở của họ là đất phong từ các triều đại trước qua rất nhiều đời. Bởi vậy không lạ khi có những nhà thờ dòng họ rất lớn và đẹp.

Chiến tranh tao loạn, vật đổi sao dời sau những biến cố lịch sử, nhất là thời điểm hòa bình 54, chính sách về nhà ở về ruộng đất và sự phát triển của thành phố và chính các dòng họ, với một tốc độ nhanh chóng, đã làm thay đổi nhiều diện mạo. Ngày nay hầu như không còn một làng cổ nào tồn tại. Tất cả đã lên phố, lên phường. Nhưng có một thực tế là nhiều dòng họ vẫn còn sử dụng được những diện tích không nhỏ. Những nhà thờ họ cũ còn rất ít nhưng nhiều nhà thờ họ mới lại được dựng lên.

Tưởng nhớ tiền nhân, uống nước nhớ nguồn là một truyền thống văn hóa.

Trong các khu phổ cổ, phố cũ cũng vậy. Sau thời điểm phân chia nhà ở cho nhiều hộ ở dạo đầu hòa bình, nhiều nhà thờ của những gia đình khá giả cũng dần biến mất. Dân phố cổ, phố cũ gốc tích không như dân những làng cổ. Thông thường họ chỉ có nhiều lắm là dăm, bảy đời sống ở phố nên chỉ những dòng họ nào phất lắm, phải là tư sản hoặc nhà buôn lớn, mới dựng được nhà thờ riêng.

Có một xu hướng là khi kinh tế phân hóa giàu nghèo, không ít nhà có tiền đã phục dựng lại những gì của dòng họ khi xưa một thời vì nhiều lý do không còn giữ được. Tôi biết một nhà văn từng để mất gian thờ nhiều đời của dòng họ trong sự nghèo khó. Sau này ông rất ân hận, nhưng nếu ngẫm kỹ thì cũng không có cách nào khác ở thời điểm ấy. Lực bất tòng tâm và những ngày cuối đời của ông là những dằn vặt ân hận, dù ông có một sự nghiệp không hề nhỏ. May thay, chính con cháu ông do tài năng và may mắn và cũng là phúc phần tổ tiên để lại nên biết giữ truyền thống, trân trọng người xưa, đã bằng mọi cách chuộc lại được và phục dựng. Hẳn không chỉ vị nhà văn nghèo khó kia mà cả các tiền nhân dòng họ đều mát lòng.

Kinh tế thị trường mở ra nhiều vận hội. Những gia đình khá giả ngày nay không chỉ chăm lo cho ngôi nhà đang ở mà họ còn mua đất cát để xây dựng nhà thờ. Có thể là trong khuôn viên một biệt thự hay riêng biệt thì ngôi nhà thờ cũng là một nét ghi nhận thành tựu. Tất nhiên cũng không thể tránh được nhiều người, nhiều nhà làm theo phong trào kiểu phú quý sinh lễ nghĩa.

Có những nhà thờ được làm to một cách quá đáng ở sự nguy nga và khoe mẽ nội thất. Không chỉ nhà thờ ở Hà Nội cho một nhánh họ, một chi cành có người còn cho xây dựng ở quê gốc những nhà thờ to lớn đến mức dư luận phải lên tiếng.

Nhân nói đến nhà thờ ở quê gốc, đa phần những người Hà Nội hiện nay đều có liên quan đến dòng họ ở quê. Và một phong trào xây dựng nhà thờ dòng họ đang cuốn sự quan tâm của nhiều người phố. Bản thân tôi có quê gốc ở Thường Tín, cũng tham gia đóng góp cùng họ mạc để nâng cấp ngôi nhà thờ cũ có từ nhiều đời mà dòng họ may mắn còn giữ được. Việc đóng góp, ngoài bổ suất đinh theo định mức bắt buộc, còn là sự đóng góp tự nguyện tùy theo kinh tế và sự thành đạt của cá nhân.

Tôi cho đây cũng là một việc nên làm, bởi đó là sự trân trọng quá khứ và biết ơn tiền nhân. Nhưng cũng không loại trừ những biến tướng của dị đoan, mê tín và phô trương thái quá trong cúng giỗ quá đà, dễ gây phản cảm.

Ngày nay, thành phố được mở rộng với xu hướng xây dựng các khu đô thị có nhiều chung cư cao tầng. Việc thờ cúng vẫn là vấn đề hệ trọng. Căn hộ lớn người dân dành hẳn phòng riêng. Ở những căn hộ diện tích nhỏ cũng ít có gia đình không lập ban thờ.

Còn ở các khu dân cư những hộ gia đình ít điều kiện không xây dựng được nhà thờ riêng thì đa số theo khuynh hướng dựng những gian thờ ngay trong ngôi nhà của mình. Những gian thờ này được làm tùy theo khả năng nhưng đa phần đều có ban thờ trang trọng. Sự thành tâm không cốt ở giầu nghèo nên những gian thờ này với những nhà thờ dòng họ đều là những gì khả dĩ phù hợp cho việc thờ cúng tổ tiên.

Việc thờ cúng được coi trọng như ngày hôm nay là một tín hiệu tốt cho truyền thống uống nước nhớ nguồn, coi trọng quá khứ, nguồn gốc, là một nét đẹp văn hóa dân gian. Khi có tấm lòng với ông cha thì tất cả những gì từ nhà thờ họ hay gian thờ đến việc cúng giỗ thành tâm đều là đáng quý, đúng với văn hóa truyền thống và hiện đại của người Hà Nội.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top