Aa

Khi người ta sợ

Thứ Sáu, 06/12/2019 - 06:30

Ai ngờ có một ngày đụng lợn lại quay trở lại. Tôi biết bây giờ có rất nhiều nhà ở phố, ngoài chiếc tủ lạnh là vật dụng quen thuộc từ lâu, đã phải sắm thêm chiếc tủ cấp đông. Tủ này dùng làm nơi dự trữ thức ăn sạch.

“Đụng” theo từ điển tiếng Việt, nghĩa là chung nhau, mỗi người một phần để tổ chức ăn uống. Tôi muốn nói việc đụng thịt lợn bây giờ đang trở nên phổ biến. Khi người ta sợ những thứ thực phẩm bẩn thì để bảo đảm an toàn, những phương thức cũ rất tự nhiên lại quay trở về. Đụng lợn là một trong số đó. Mấy nhà chung nhau xả thịt một con lợn, chia nhau dự trữ ăn dần đã không còn là hình ảnh lạ lẫm nữa, dù chỉ mươi năm trước chuyện này hoàn toàn vắng bóng ở phố.

Trước khi bàn vào chuyện đụng lợn ta cũng nên nói đôi chút đến cái thứ thực phẩm bẩn mà thịt lợn là điển hình. Kinh hoàng lắm. Lợn dùng cám tăng trọng lớn vù vù như thổi đã đành nhưng còn bao nhiêu thứ chất khác nữa như tạo nạc chẳng hạn. Ai đời con lợn được tạo nạc đến mức lớp nạc vào tận đến da. Đến lợn rừng thứ thiệt vận động suốt ngày đêm nơi địa hình hiểm trở mà còn không được nạc như vậy. Hóa chất tạo nạc có tác dụng với con lợn rất nhanh tính từng ngày và chỉ tuần lễ là xương đã giòn gãy, bởi thế nên độ độc hại của nó là cực lớn. Chưa hết, ngoài khâu chăn nuôi, thịt lợn còn vượt qua cửa ải giết mổ và bảo quản nữa.

Trước khi giết mổ, lợn nhiều khi được tiêm thuốc an thần để con lợn đỡ phản ứng với việc di chuyển làm hao thịt. Con lợn có thuốc ngủ, thịt cũng sẽ mềm đẹp hơn. Nhưng khâu bảo quản chế biến mới là chuyện khiếp đảm. Nào là lợn thối thành thịt quay thơm phức. Chế lợn nhà thành lợn rừng. Muốn để lâu và đẹp thịt thì ướp muối diêm và hàn the. Nhiều lắm kể không xiết. Thú thực tôi không còn biết gọi những kẻ giết đồng loại này là gì nữa, chỉ biết là trong tôi luôn thường trực nỗi ám ảnh về thịt lợn bẩn giết người. Và không chỉ mình tôi, hầu hết những công dân phố phường đều sợ hãi và có điều kiện là họ tẩy chay hoặc né tránh nó.

Chính thịt lợn bẩn đã làm sống lại phong trào đụng lợn ở Hà Nội. Tất nhiên bây giờ chẳng còn nhà nào trong phố nuôi lợn nữa như một thời đã từng. Điều đó không có nghĩa là người Hà Nội đã từ bỏ thói quen nuôi lợn. Có rất nhiều nhà khá giả có trang trại ở ngoại thành hoặc các tỉnh lân cận. Và ở những nơi này, các chủ trang trại thuê người làm công rất tích cực chăn nuôi và trồng trọt. Sản vật trang trại từ thịt thà đến rau quả đều là nguồn thực phẩm sạch hảo hạng. Thế nên những vụ đụng thịt lợn diễn ra thường xuyên. Tôi không ít lần được dự những vụ như thế. Chủ giàu có thì thịt lợn rồi cả đám bạn bè liên hoan cỗ lòng, cái thủ ngon lành và rôm rả hệt như cái thời bao cấp được đánh chén vào những dịp tết nhất. Khi về, khách tòng teng không phải xâu thịt như xưa mà túi bọc thịt chia cẩn thận.

Chia thịt lợn đụng.

Trang trại be bé nho nhỏ hoặc những nơi kinh doanh, thì việc thịt lợn chia nhau là đụng đúng nghĩa. Tất nhiên những cuộc thế này là phổ biến. Một nhóm bạn chọn ngày đẹp trời tiện thể đi chơi và đụng lợn luôn. Mua cả con, cũng liên hoan bộ lòng, còn thì tất tần tật băm chặt chia đều thành các phần. Còn rất nhiều hình thức đụng lợn khác. Bạn tôi, một nông dân ở Cổ Loa, có lò nấu rượu. Anh này dùng bã rượu nuôi lợn. Cũng một dạng thịt sạch. Mỗi lần mổ lợn, anh ời ời gọi mọi người. Cứ thế điện thoại đăng ký, ai sang được thì anh đãi lòng lợn tiết canh còn thì mỗi người mỗi túi tùy chọn. Nhờ anh bạn, tôi được biết có kiểu đụng thịt rất mới ở những làng ngoại thành.

Tất nhiên là đa số thịt đều được những người phố trong các mối quan hệ thân quen mua về. Đó là cách nuôi vòng. Mỗi nhà, ngoài nuôi lợn thịt giết bán dùng thuốc tăng trọng và bản thân gia chủ không ăn, họ nuôi riêng một, hai con lợn cho ăn cám gạo với rau bèo. Tóm lại là lợn sạch rất chậm lớn. Khi đến cữ giết mổ thì một nhóm gọi là liên gia đăng ký đụng với nhau. Hết nhà này vòng sang nhà khác. Vậy là thịt sạch có quanh năm. Người quen ở phố cũng được nhờ. Không chỉ ngoại thành Hà Nội, những tỉnh lân cận cũng áp dụng chiến thuật này. Chỉ thương những nhà nghèo không có điều kiện săn lùng thịt sạch, phải ăn thịt chợ. Bao nhiêu người mỗi ngày phải nuốt vào độc tố.

Mổ lợn ăn Tết ở làng quê.

Một thời, khi còn rất nghèo khó, mọi nguồn thực phẩm đều trông vào nguồn nhà nước bao cấp thông qua hệ thống tem phiếu, thì thịt lợn là điều gì đó quá xa xỉ ở bữa cơm. Bởi vậy ngày đó, nhà nhà nuôi lợn, người người nuôi lợn. Lợn nuôi được giết mổ chủ yếu vào ngày Tết. Dạo đó, tôi còn nhớ, các cơ quan hay áp dụng "chiến thuật" quan hệ để xin mua lợn ở các chuồng trại tập thể hợp tác xã. Mua được ít con cân lên và xâu vào tai những miếng nhôm đề trọng lượng. Rồi áp Tết tập trung vào giết mổ. Liên hoan tổng kết năm một bữa túy lúy rồi mỗi người một suất từ mẩu tai, khúc xương, đến các phần thịt treo ghi đông xe đạp chở về nhà. Những ngày đó thật hạnh phúc biết bao.

Không ôn nghèo kể khổ, nhưng những miếng thịt ngày đó thực sự là thịt thơm tho và ngon lành, cả nhà chan húp rộn rã tiếng cười. Khi cuộc sống đi lên, được cải thiện, xóa bỏ tem phiếu thì nhu cầu về thịt lợn đã đáp ứng được cho xã hội. Mậu dịch, thương nghiệp bị xóa sổ, tư nhân giết mổ tự do, thịt được bày bán ê hề ở chợ, chẳng ai còn nghĩ đến chuyện nuôi lợn trong nhà và tất nhiên cái sự đụng lợn dần đi vào quên lãng.

Ai ngờ có một ngày đụng lợn lại quay trở lại. Tôi biết bây giờ có rất nhiều nhà ở phố, ngoài chiếc tủ lạnh là vật dụng quen thuộc từ lâu, đã phải sắm thêm chiếc tủ cấp đông. Tủ này dùng làm nơi dự trữ thức ăn sạch. Thịt lợn đụng về được chia thành từng túi nhỏ để phục vụ các bữa ăn. Các loại thịt khác cũng được lựa chọn nguồn gốc và được cấp đông dự trữ. Cách rách nhưng an toàn, dù miếng thịt tươi bao giờ cũng hơn đứt những miếng thịt phải bảo quản trong tủ.

Vẫn biết đã có nhiều biện pháp để chống thực phẩm bẩn, nhưng dường như với những gì đang diễn ra, thì cái việc đụng lợn để chia nhau chắc sẽ phải còn dài dài. Năm nay thịt lợn đang tăng giá. Người dân đã có ý thức trong chăn nuôi, nhất là thịt lợn sạch. Nhưng ai dám chắc về nguồn lợn được nuôi như thế nào. Bởi thế người dân vẫn cần phải cẩn trọng.

Buồn thay cho một phong trào xưa đang sống lại. Nó ngược với quy luật phát triển. Biết làm sao được khi người ta sợ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top