Aa

Chuyện trên phố khi nước dâng, nước rút...

Thứ Năm, 22/06/2017 - 14:30

Đầu hè, Hà Nội trải qua một cơn nắng nóng khủng khiếp, thấy bảo là nóng nhất trong vòng hơn 40 năm. Là nói thế, chứ có khi là nóng nhất từ xưa tới nay cũng chả ai biết được.

Nhiệt độ trong nhà hôm nắng nóng nhất xấp xỉ 40, nhiệt độ ngoài đường nhựa có lúc lên đến hơn 50 độ. Nóng đến nhựa đường chảy ra dưới bánh xe. Nóng đến mức các rãnh cống cũng khô cong. Nóng đến mức những cơn mưa chỉ đi ngang qua, dường như cũng sợ hãi mà không dừng lại.

Lúc đấy, người Hà Nội chỉ khát thèm một cơn mưa. Nhưng ngay khi những cơn mưa mùa hè ập tới, thì người Hà Nội lại khóc ròng. Bởi vì bây giờ, chỉ một cơn mưa to, rất ngắn, vài chục phút thôi, thì Hà Nội sẽ ngập. Mưa ở đâu, ngập ở đó. Nước dường như không thoát đi, cứ trữ lại đấy, dâng lên lênh láng, mọi thứ cứ dập dềnh và tắc nghẽn.

Tôi đứng giữa chỗ ngập ở ngã tư Tôn Đức Thắng - Văn Miếu. Tứ bề là biển nước. Nước ngang bánh xe, nhiều xe chết máy, ô tô thì đứng im, còn xe máy thì lướt thướt dắt bộ. Một chiếc xe buýt lấn tới, hai chiếc ô tô con khựng lại giữa đường, vậy là tắc. Trời đã tạnh, nhưng nước vẫn dềnh lên. Cơn tắc đường cấp tính hỗn loạn nhưng không ồn ào, bởi còi xe không hoạt động được.

Biết là tắc còn lâu, tôi phi xe vào quán cà phê cóc bên đường ngồi đợi. Nhiều người cũng như tôi, thành ra cái quán cóc đông đột biến. Khách nào cũng ướt sũng, xuýt xoa ngồi cạnh nhau, thành ra lại hòa đồng và vui chuyện.

Ông đứng tuổi chép miệng một câu kinh điển của thời đại, rằng bây giờ thua xa hồi xưa. Hồi xưa - ông nói - Hà Nội chả mấy khi ngập, dù là đường ít và hẹp hơn bây giờ nhiều. Lúc đấy, cái phố Hàng Bột (Tôn Đức Thắng) này được tính là phố to đấy nhé. Nguyễn Khuyến trên kia thì có ngập một tí, nhưng đi thoát lên đến đây là khô cong. Trẻ con thích lội nước, phải đợi đợt mưa to, rất to, lên mạn ga Hàng Cỏ, hay là Bờ Hồ thì may ra có nước mà lội. Cống rãnh Pháp họ làm khoa học lắm, nước thoát rất nhanh mà bùn không bị dềnh lên.

Chỉ cần một cơn mưa to vài chục phút là Hà Nội đã thành biển.

Chỉ cần một cơn mưa to vài chục phút là Hà Nội đã thành biển.

Cái gì cũng Pháp, cái gì cũng hồi xưa - một trung niên, áo “chim cò”, kính Ray-Ban gọng vàng, xẵng giọng - hồi  xưa thì có xe máy tay ga mà đi không? Hồi xưa thì có xe buýt nhanh Bê Rờ Tê không? Hồi xưa thì có điện 24/24 như bây giờ không? Các bố cứ hở tí là “hồi xưa”, nhưng bảo cho về “hồi xưa” mà sống thì có chịu không?

Một loạt các câu hỏi cũng là câu trả lời, trực diện, thực tế, choáng váng. Câu chuyện lắng đi.

Rồi một thanh niên tóc nhuộm rất mốt, vừa xé tờ báo cũ nhồi vào đôi giày thể thao ướt nhẹp, vừa phì phèo điếu thuốc, thủng thẳng: Các cụ cứ tranh cãi làm gì. Bọn con chả biết “hồi xưa” thế lào (nói ngọng “lờ - nờ” cũng là một mốt của thanh niên Hà Nội bây giờ, tôi biết thế), nhưng lếu so, thì sao các cụ không so với Singapore, hay là với Thái Lan thôi cũng được.

Có mỗi cái chuyện mưa, ngập, tắc đường, từ lúc con biết đi xe đến giờ, chả thấy khá khẩm lên tí gì. Còn để mà lói - cậu búng cái đót thuốc bay điệu nghệ một vòng cung xuống biển nước ngoài cửa quán - bọn con chỉ mong các cụ ra khỏi nhà ít thôi. Lắm người ra đường quá thì ló tắc chứ còn làm sao. Các cụ già rồi, ở nhà chơi cờ, để bọn con đi làm ăn.

Cậu trai cười một tràng khoái trá. Lập luận và cách nói của cậu khiến mọi người dù không đồng tình, cũng cười theo. Ừ nhỉ, tắc đường, cũng còn vì ai cũng ra đường, mà cứ ra đường là phải đi xe.

Ngày xưa - ông cao tuổi lại khề khà - ai ra đường ngày xưa cũng đi bộ. Thực ra thì có xe đâu mà đi. Gần thì đi bộ, xa thì đi tàu điện, xe đạp nhiều khi hỏng chả có phụ tùng thay, thì lau sạch rồi treo lên tường cho khỏi hỏng lốp. Đúng thật, ít xe, thì ít tắc. Đến những ngày Tết, xe cộ đông nhất năm, thì Bờ Hồ cũng chả bằng một góc bây giờ.

Tôi lại nhớ cái thời Hà Nội toàn xe đạp ấy, không chỉ thong dong bình thản hơn, mà hình như con người cũng thân thiện, chan hòa hơn. Tôi nhớ những chiều mẹ đón từ trường học về, ngồi sau lưng nhìn mồ hôi mẹ thấm ướt lưng áo, hình dung ra đủ thứ hình thù, rồi ngủ gật lúc nào không biết. Mười lần như cả mười, sẽ có một ai đó đạp vượt lên, nhắc mẹ tôi rằng “Thằng bé nó ngủ gật đấy, chị cẩn thận”.

Thế là mẹ lại bắt chuyện, cho tôi nói líu lo, quên đi cơn buồn ngủ. Hôm vừa rồi đi lên cầu vượt, thấy chiếc mũ trẻ con rơi chỏng chơ, mà không dám dừng lại nhặt giúp. Lên tới đỉnh cầu, thấy một bà mẹ đang lúng túng dừng xe máy, không dám quay lại, cũng không dám bỏ con nhỏ một mình trên xe, cứ ngoái lại nhìn chiếc mũ cách đó chỉ hơn chục mét, có lẽ mong một ai đó đi qua…

Nước rút dần. Miệng cống trước cửa quán đã hình thành một cái xoáy, nước và rác cuốn hun hút vào đó. Những người khách bất đắc dĩ, như tôi, lục tục tính tiền cà phê, rời quán. Không ai chào ai, không ai thậm chí nói với ai một lời.

Xe của ông cao tuổi dựng cạnh xe tôi, một chiếc Peugeot cổ, hay là cũ. Chúng tôi cùng im lặng dắt xe xuống đường. Và như để xóa tan sự im lặng cặm cụi hơi khó chịu đó, ông bâng quơ thay cho lời chào: Nào, ta lại về nhà.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top