Quả có ngọt bền từ “cây chiết cành”?
Sỡ dĩ phải ví von như vậy vì ông Đỗ Quý Hải đã dẫn dắt Hải Phát Invest từ một công ty xây lắp với vốn điều lệ 8 tỷ đồng trở thành tập đoàn lớn trong lĩnh vực bất động sản nhờ những thương vụ mua bán, chuyển nhượng dự án.
Chuyện là năm 2003, Công ty cổ phần đầu tư Hải Phát (Công ty Hải Phát) được thành lập, với số vốn chỉ 8 tỷ đồng, chuyên thực hiện những hợp đồng kinh doanh vận tải và xây lắp quy mô nhỏ. Đến năm 2007, doanh nghiệp này tăng vốn lên 15 tỷ đồng, và chính thức bước vào bất động sản với dự án khởi đầu là Khu đô thị Văn Phú.
Chỉ sau 1 năm tham gia thị trường bất động sản, ông Hải đã quyết định tăng vốn lên 20 lần, tương ứng 300 tỷ đồng. Đây cũng là giai đoạn, Hải Phát thành lập nhiều công ty con như: Công ty Cổ phần Xây dựng Hải Phát, Công ty cổ phần Xây lắp Hải Phát, Công ty Cổ phần Bất động sản Hải Phát, Công ty Cổ phần Đầu tư An Thịnh…
Năm 2011, Công ty Hải Phát tiếp tục đợt tăng vốn mới lên 750 tỷ đồng và công bố triển khai các dự án: Khu đô thị Tân Tây Đô (huyện Đan Phượng), Khu nhà ở Phú Lãm (quận Hà Đông) và Khu đô thị Tây Nam An Khánh, huyện Hoài Đức.
Xuất phát điểm những dự án bất động sản của ông Hải rất thú vị và khác biệt với các đại gia bất động sản khi hầu hết các dự án mà Hải Phát triển khai, như: Khu đô thị mới Văn Phú, dự án The Pride, Khu đô thị Tân Tây Đô… đều là do doanh nghiệp này mua lại một phần dự án từ các chủ đầu tư khác.
Tuy nhiên, đang trong đà tăng trưởng “nóng”, đầu tư đồng loạt nhiều dự án, nên khi thị trường bất động sản suy thoái năm 2012 - 2013, Hải Phát đã từng lâm vào khó khăn gần giống với tình trạng của Sông Đà Thăng Long.
Các dự án mà Hải Phát đầu tư bắt đầu lâm vào cảnh khó khăn, đình trệ giống như hàng loạt công ty địa ốc khác. Tòa HH-B Tân Tây Đô và Tòa CT3 The Pride có thời điểm phải tạm ngừng thi công một thời gian, khách hàng mất niềm tin, tranh chấp. Thậm chí, khó khăn về tài chính khiến Hải Phát đã bán lại dự án Đại Thanh cho Tập đoàn Mường Thanh, một phần lớn CT2A - Tân Tây Đô; 36 Phạm Hùng cho FLC.
Với tiềm lực tài chính và các dự án của mình, Hải Phát được MBBank “bơm” 530 tỷ đồng vào thời điểm thị trường xuống thấp nhất, đã giúp cho công ty này hoàn thành và bàn giao cả hai dự án Tân Tây Đô và The Pride và thu được khoản lời.
Có tiền, Chủ tịch Đỗ Quý Hải phát triển Công ty Hải Phát theo mô hình “tập đoàn” khi tiếp tục cho ra đời Công ty Cổ phần Hải Phát Thủ đô, Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị Hải Phát PSP, mua cổ phiếu của ngân hàng Việt Á.
Hải Phát cũng chi hơn 200 tỷ đồng để mua hơn 10 triệu cổ phần của Cienco 5 thông qua đấu giá, chiếm 23% vốn cổ phần Cienco 5. Thương vụ này được đồn đoán là bước cần thiết để Hải Phát đi đến cái đích là dự án Khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5.
Cũng trong thời điểm này, Hải Phát chi khoảng 700 tỷ đồng thâu tóm trên 30% quỹ đất Dự án khu đô thị Phú Lương (quận Hà Đông) từ công ty Trung Việt khi doanh nghiệp này gặp khó khăn về tài chính.
Ngoài ra, Hải Phát cũng phải chi số tiền không dưới 600 tỷ khác để thực hiện hàng loạt thương vụ đầu tư khác, như: Mua lại một số lượng không nhỏ căn hộ tại tòa T2, dự án Thăng Long Victory (huyện Hoài Đức); Mua trên 7.200m2 quỹ đất đấu giá thuộc phường Vạn Phúc; Thâu tóm tòa 105 dự án Usilk City và tiếp tục mong muốn mua lại một số tòa khác thuộc dự án này để triển khai.
Cuối năm 2016, Công ty Hải Phát tiếp tục công bố dự án mới là tổ hợp Hải Phát Plaza trên đường Lê Văn Lương, với vốn đầu tư lên đến 2.500 tỷ đồng.
Ngoài danh mục dự án đang triển khai kể trên, Hải Phát còn đang có kế hoạch triển khai hàng loạt dự án khác, như: Tháp Đại Đông Á tại Phường Đại Kim, quận Hoàng Mai; Dự án tổ hợp trên khu đất A7 Nam Trung Yên, hay khu đô thị mới Tây Nam An Khánh.
Như vậy, sau khi đã chi hàng nghìn tỷ cho hoạt động thâu tóm, mua lại dự án, việc triển khai hàng loạt dự án, Hải Phát cũng cần một lượng vốn cực lớn, hàng nghìn tỷ khác.
Muốn trường tồn thì phải học cách thích nghi
Năm 2018 là năm đáng nhớ với Hải Phát Invest, không chỉ bởi dấu mốc 15 năm thành lập, mà còn là năm Hải Phát Invest quyết định niêm yết chính thức trên HOSE vào cuối tháng 7/2018. Đó là cái nhìn rất tinh quái của ông chủ chuyên “chiết cành” khi việc hút vốn cho các dự án đang dần bị ngân hàng siết lại.
Trong khi không gian tăng trưởng trong nước của các nhà phát triển bất động sản Việt Nam vẫn còn rất rộng mở, nhưng với những doanh nhân có tầm nhìn xa, không còn quá sớm để chuẩn bị cho những hành trang dài rộng trong tương lai. Hải Phát Invest sẽ như những con sóng lớn ngoài biển khơi trùng điệp nối tiếp nhau để đưa con thuyền thành công đến với những bờ bến mới.
Việc quyết định niêm yết cổ phiếu HPX trên sàn chứng khoán không chỉ mang tới nguồn lực bền vững mà còn mở ra cơ hội kết nối và hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài cũng như đưa thương hiệu Hải Phát đến gần với công chúng hơn.
Ông Hải từng chia sẻ nếu muốn thu hút đầu tư của các tập đoàn lớn hàng đầu thế giới thì chúng ta phải cho họ niềm tin, mà niềm tin trước hết không gì bằng hiện thực, tức là anh phải có đất thật, và có khả năng hiện thực hóa tiềm năng từ đất.
Và thứ hai là cũng xuất phát từ khả năng đó, ta làm như thế nào để tạo ra giá trị mong muốn cho khách hàng, cho các quỹ đầu tư và cho cả chính nhân viên của mình. Giá trị đó bao gồm giá trị về mặt lợi nhuận và giá trị xã hội.
Năm 2018, Hải Phát Invest đặt kế hoạch doanh thu 3.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 450 tỷ đồng. Chủ tịch Hải Phát Invest cho biết trong nửa đầu năm, công ty ước đạt 180 tỷ đồng lợi nhuận và ông hoàn toàn tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra.
Các dự án mang lại dòng tiền chính cho Hải Phát Invest trong năm 2018 có thể kể tới như The Vesta, Khu đô thị mới Phú Lương, Roman Plaza, Khu nhà thấp tầng Trâu Quỳ…
Giai đoạn 2019 - 2020, Hải Phát Invest sẽ tiếp tục triển khai rầm rộ hàng loạt dự án và kế hoạch lợi nhuận sau thuế trong những năm này lần lượt là 720 tỷ đồng và 950 tỷ đồng.
Để chuẩn bị cho những dự án lớn sắp tới, Hải Phát đã có kế hoạch phát hành trái phiếu, phát hành tăng vốn và dự kiến thu về khoảng 3.000 tỷ đồng. Cụ thể, trong năm nay, Hải Phát Invest sẽ phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn phù hợp với lãi suất đảm bảo sự cạnh tranh và hiệu quả sử dụng vốn. Bên cạnh đó, ngay sau khi niêm yết cổ phiếu, công ty sẽ tiến hành tăng vốn từ 1.500 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng.
Việc tăng vốn sẽ được thực hiện theo lộ trình. Đầu tiên, công ty sẽ phát hành cổ tức, chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, qua đó tăng vốn từ 1.500 tỷ lên 2.000 tỷ đồng. Tiếp theo, Hải Phát Invest sẽ tăng vốn từ 2.000 lên 2.500 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ khi thị trường thuận lợi và tất cả đều được thực hiện sau khi niêm yết./.