Aa

Chuyện vụn ở chợ hàng thủ công tại Hà Nội

Thứ Tư, 21/10/2020 - 08:00

Hội chợ cho thấy ta một góc nhìn khác, rất nhiều thú chơi của con người, nhiều thú tiêu dùng của người thời hiện đại đã khác xa xưa và cũng phức tạp. Và thời nào thì cũng phú quý sinh lễ nghĩa.

Cứ mỗi năm một lần, Hà Nội lại có một hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ thường được họp vào tháng 10. Hàng thủ công khắp cả nước được tập kết tại đây đã thực sự đem lại niềm vui, sự hữu ích cho mỗi người nội trợ của gia đình Việt. Tại đây, họ được mua sắm những mặt hàng thủ công kỹ lưỡng và tinh xảo.

Ở ngôi chợ, nơi có đủ cói, làn, thúng mủng, giần sàng quê kiểng đến từ nhiều vùng miền trên cả nước. Nào là rổ rá, đơm lờ úp cá làm bằng tre cật tận tỉnh Kiên Giang, hàng thêu ren vùng Thường Tín hay gốm men rạn Bát Tràng vẽ tay đều được trưng bày tại đây. Và để cho môi trường trong sạch thì có những loại túi nói không với nilon như túi xơ mướp đã qua các bước công nghệ cao để phục vụ cho bếp núc nội trợ.

Cuộc sống càng hiện đại, giấc mơ quay về xưa cũ càng nhiều. Hàng thủ công không chỉ gắn kết với đôi bàn tay thêu thùa, đan lát khi các nghệ nhân vẽ trên gốm những bình hoa, vẽ hoa trên chiếc bát ăn cơm hay vẽ cá trên đĩa mà còn có cả rổ rá tre cật tận vùng sông nước Kiên Giang được bày bán. Các loại hàng dệt thổ cẩm, dệt bằng thoi đưa với sự mềm mại vốn có từ đôi tay khéo léo của người Việt, từ nghề mưu sinh với nhiều sáng tạo đã đem lại tiện ích cho người tiêu dùng trong chính ngôi nhà của mình. Người nội trợ luôn làm đẹp cho không gian sống vì đó là gia đình, là tổ ấm. Hàng thủ công đã góp mặt vào cuộc sống đời thường của mỗi gia đình và nó đóng góp thiết thực nhất với mỗi thiên chức đó.

Tranh trang trí bằng chất liệu vải. (Ảnh: Hoàng Việt Hằng)

Ví như vợ chồng anh Kỳ, chị Hà với nghề thêu tay truyền thống ở Từ Vân, Thường Tín, họ đã sống bằng đúng những đường kim mũi chỉ như thêu chăn gối, túi xách cho phụ nữ và hàng lưu niệm cho tuổi teen. Có thể nói từ chiếc khăn trải bàn đến những chiếc chăn gối đã giúp cho anh chị đủ sống bằng nghề thêu tay, dù chỉ bằng hàng chục cuộn chỉ màu với đôi tay tài hoa cẫn mẫn của họ.

Theo anh Nguyễn Kỳ thì nhiều phụ nữ nước ngoài như người Pháp, Nga, Đức, Ấn Độ,… họ biết đặt hàng qua zalo, qua email và đặt từ tranh thêu đến đồ dùng của phòng ngủ hay mẫu kích cỡ gian bếp theo sở thích của gia đình. Còn họa sỹ Đỗ Văn Sơn cùng vợ đã làm thêm cả tranh trang trí bằng chất liệu vải để tôn thêm vẻ đẹp trong không gian sống khi mà người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam họ rất ưa chuộng theo phong cách Á Đông. Riêng thổ cẩm Sapa và thổ cẩm Tây Nguyên lại mang đến những vẻ đẹp hoa văn đặc thù của núi rừng và cao nguyên. Ngay cả những chiếc lông chim, lông gà được hấp nhuộm làm nên những mạng nhện lưới tượng trưng cho đức tin của người Dao đỏ, đó là cái mạng nhện biết trấn an giấc mơ không lành của trẻ nhỏ hay khóc về đêm. Với người Dao đỏ, đôi khi lại tin cả vào vẻ đẹp của những chiếc lông chim, lông gà hay vẻ đẹp của mạng nhện từng cứu rỗi cả giấc mơ con người. Và hình như trong mỗi sản phẩm làm bằng tay, họ đều thêu, dệt cả nỗi niềm và tình yêu của họ vào trong đó.

Riêng làng Vạn Phúc, có doanh nghiệp tư nhân đã đi vào mặt hàng thêu tay cao cấp như chiếc cà vạt có giá từ 1 triệu đồng hay giá 2 triệu đồng cho 1 chiếc áo bông khâu bằng tay dành cho phụ nữ. Ở hội chợ còn có gian hàng áo dài thêu tay rực rỡ, quý phái của nữ chủ nhân Đỗ Quyên có giá lên tới 15 triệu một chiếc. Có lẽ sản phẩm thời trang cao cấp đang tìm lối ra cho những người làm hàng thủ công tinh xảo. Gấm hoa, tơ lụa, cả vân, đũi, của làng nghề Vạn Phúc Hà Đông đã đến với nhiều gia đình và sở thích cá nhân đa phong cách của nhiều khách ngước ngoài khi họ đặt chân đến Việt Nam.

Chủ nhân của tinh dầu, xà phòng bạc hà, quế, xả, chanh là một người ngồi trên xe lăn, Nguyễn Văn Chung - 37 tuổi. Em khởi nghiệp với nghề làm xà phòng, vỏ bao bì có ký hiệu Sam - Sôn Soap, tôi hỏi em: “Làm sao lại lấy tên này?”, “Vì em theo đạo Thiên Chúa, em tin có chúa cứu vớt em!”. 

Quầy hàng bán xà phòng tinh dầu của Nguyễn Văn Chung. (Ảnh: Hoàng Việt Hằng)

Vỏ bao đựng bánh xà phòng, em lấy tên một nhân vật trong kinh thánh, người từng được chúa cứu rỗi vượt qua bao khổ nạn để có ý chí làm người. Chính số phận của Nguyễn Văn Chung cũng lạ. Em từng lành lặn khỏe mạnh cho tới mùa hè năm 18 tuổi, khi đang đi bơi không may em bị máy bơm hút vào, phải cưa mất cả hai chân và mất một nửa người. Tuổi mười tám năm đó, em rơi vào cái hố sâu tuyệt vọng, rồi mẹ em đôn đáo lo chữa chạy cho em lành bệnh, em thương mẹ nên mới cố gắng vượt qua để sống. Chung vẫn may mắn khi gặp được một chủ doanh nghiệp ở Hợp tác xã Sinh dược đã cho em toàn bộ công thức làm xà phòng bằng tinh dầu để mưu sinh. Nhờ vậy mà Chung mày mò học hỏi, làm ra bánh xà phòng tinh dầu và nước muối ngâm chân để bán hàng, để tự cứu mình, nuôi mình và tồn tại.

Tinh dầu thu hút khách Ấn Độ. (Ảnh: Hoàng Việt Hằng)

Nguyễn Văn Chung còn tâm sự : “Sau nạn dịch Covid, giá tinh dầu tăng cao, mà bánh xà phòng khi làm ra vẫn phải giữ giá cũ để giữ chân khách tiêu dùng. Có lúc chấp nhận thua lỗ để giữ thương hiệu của mình, dù chỉ là bánh xà phòng, một chuyện thường ngày ở ngõ hẹp nhưng kinh doanh nhỏ, luôn là chuyện đau đầu và là chuyện bận lòng với em”.

Bây giờ chuyện vụn về cái vỏ trai, vỏ ốc dưới đồng làng Bắc Bộ cũng đang là mặt hàng rất có giá trị. Những nghệ nhân ở làng Chuyên Mỹ đã tận dụng vỏ trai để làm ra những sản phẩm tinh xảo như khắc nạm bạc, vàng trên trai để làm đồ dùng trang trí trên bàn khách theo phong thủy. Đến nay, một nửa cái vỏ con trai cũng có giá tới 600 ngàn đồng và là mặt hàng hút khách cho những người mê hàng khảm trai, khảm ốc.

Hội chợ cho thấy ta một góc nhìn khác, rất nhiều thú chơi của con người, nhiều thú tiêu dùng của người thời hiện đại đã khác xa xưa và cũng phức tạp. Và thời nào thì cũng phú quý sinh lễ nghĩa. Nhiều gia đình có kinh tế khá giả, người ta dùng chăn tơ tằm, chăn lông vũ trong mùa đông để đắp cho nhẹ và ấm. Những chiếc ga, gối cũng phải thêu tay, trang nhã với không gian sống trong nhà. Những mặt hàng mây tre, đèn úp lồng tre hay đến cái lồng bàn úp mâm cơm qua sự sáng tạo của nghệ nhân cũng có giá tới 500 ngàn một chiếc. Những người nội trợ hiện đại ngày nay hạn chế dùng đồ nhựa cũng thích sắm sửa đồ thủ công tinh xảo cho gia đình. Đời sống của đô thị đang được thể hiện rõ qua tốc độ tiêu dùng ở chợ hàng thủ công tại Hà Nội. 

Sản phẩm bằng gỗ cho gian bếp gia đình. (Ảnh: Hoàng Việt Hằng)

Ngay như mặt hàng sơn mài, gia đình nghệ nhân sơn mài Vũ Huy Mến và con gái ông, nghệ nhân Vũ Lệ Hà, Vũ Lệ Dung ở làng Hạ Thái cũng được các cửa hàng trên phố cổ đặt hàng. Rồi có bạn hàng từ Singapore, Lào, Campuchia đặt ship hàng từ chiếc hộp đựng khăn ăn, đĩa hoa quả, tranh làng quê tái hiện bụi tre con đò và quê Việt để làm quà tặng sinh nhật cho thân nhân họ ở xứ người. Đây cũng là cơ hội cho cả một thế hệ trẻ góp mặt vào làng nghề, nơi tạo ra công ăn việc làm cho người lao động ở mỗi vùng thôn quê và không xa đất Kinh Kỳ, họ đi lên từ nghề vẽ sơn mài truyền thống. 

Hội chợ là nơi mua sắm của người nội trợ gia đình, là nơi giao thương giữa các chủ làng nghề với người mua và bán hàng lưu niệm, hàng chợ đêm trên phố cổ với rất nhiều sản phẩm thủ công. Những mặt hàng chất liệu từ sừng trâu như đồ gỗ keo, gỗ thông đã đi vào đời sống hàng ngày bao gồm cả khay đĩa, bát, lọ hoa hay giá đỡ, kệ bếp, chạn bát và khá nhiều mặt hàng được các gia đình trẻ lựa chọn cho căn bếp của mình. 

Trang sức bằng chất liệu sừng trâu và sơn mài. (Ảnh: Hoàng Việt Hằng)

Và tại đây, những địa chỉ đồ dùng tiện ích được đến tận tay người tiêu dùng đích thực, nó làm phong phú cho đời sống vật chất, đẹp, rẻ, bền cho nhân dân lao động Hà Nội và cho những người công nhân ngoại tỉnh có cơ hội mua sắm giá rẻ. Với những người có nhu cầu tiếp thị, giới thiệu sản phẩm mới thì hội chợ thủ công là cơ hội gặp gỡ mật thiết và thiết thực với đối tác tiêu dùng và nhà sản xuất.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top