Tuy nhiên, nguyên tắc của đầu tư là cần biết chấp nhận rủi ro. Khẩu vị rủi ro sẽ phần nào quyết định mức lợi nhuận bạn có thể đạt được.
200 triệu đồng là một số tiền khá lớn với nhiều bạn trẻ và thật may mắn nếu bạn có một khoản tiền như vậy để "khởi nghiệp". Nó có thể giúp bạn dễ dàng bước vào thế giới tài chính, học cách tự chủ và độc lập tài chính nhanh chóng hơn.
Về cơ bản hiện nay có một số phương thức đầu tư tài chính phổ biến như: Gửi tiết kiệm ngân hàng, đầu tư vàng, ngoại tệ, đầu tư chứng khoán, bất động sản. Một số kênh đầu tư mạo hiểm, được hứa hẹn có khả năng sinh lời cao hiện giới trẻ ưa khá chuộng như tiền ảo, forex. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tiền ảo và forex ở Việt Nam hiện nay là hình thức kinh doanh không được pháp luật công nhận và bảo vệ khi xảy ra tranh chấp.
Với mặt bằng suất chỉ 3 - 5%/năm ở thời điểm hiện tại thì gửi tiết kiệm ngân hàng đang trở nên kém hấp dẫn. Vàng và ngoại tệ từng có thời gian được ưa chuộng vì tính thanh khoản cao và lợi nhuận tức thì. Tuy nhiên, khi Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước "siết" chặt nhằm ổn định thị trường tài chính, chống vàng hoá, đô la hoá trong dân từ khoảng năm 2015 thì 2 kênh đầu tư này dần giảm tính hấp dẫn.
Trong khi đó, chứng khoán lại đang trở nên phổ biến hơn cả, được Chính phủ khuyến khích mở rộng với mục tiêu năm 2025 có 5% người dân đầu tư vào thị trường (hiện nay là khoảng 3%).
Đầu tư chứng khoán chính là bạn đang "gián tiếp" đầu tư vào doanh nghiệp. So với các phương thức khác như gửi tiết kiệm ngân hàng, vàng, ngoại tệ…,đầu tư chứng khoán có thể mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều cho nhà đầu tư nếu chọn đúng thời điểm và cổ phiếu. Thông tin kinh doanh của doanh nghiệp không quá khó để tiếp cận, đặc biệt là những đơn vị làm ăn tốt khiến cho việc lựa chọn cổ phiếu của các nhà đầu tư mới dễ dàng hơn.
Có 200 triệu đồng, bạn có thể đầu tư cổ phiếu theo cách nào?
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua một trong những giai đoạn sôi động nhất từ trước tới nay với thanh khoản toàn thị trường thường xuyên được duy trì trên 25.000 tỷ đồng mỗi phiên.
VN-Index liên tục đi lên mạnh mẽ và đã vượt thành công mốc 1.200 vào đầu tháng 4/2021. Hiện chỉ số này đang dừng ở mức 1.283,93 điểm, tăng 14% kể từ đầu năm và hơn 90% nếu tính từ đáy Covid-19 vào cuối tháng 3 năm ngoái. Tương tự, các chỉ số chính khác cũng chứng kiến tốc độ tăng rất nhanh. So với đầu năm, VN30 tăng 32%, HNX tăng 44%, HNX30 tăng 33%, UpCOM Index tăng 10%.
Mức tăng trưởng ấn tượng của thị trường chứng khoán ngày càng thu hút sự tham gia sâu rộng hơn của các nhà đầu tư mới (F0) có tiền nhàn rỗi và muốn tìm kiếm kênh đầu tư có tỷ lệ sinh lời cao. Số lượng tài khoản mới liên tục lập kỷ lục qua từng tháng, với 366.816 tài khoản mở mới chỉ trong 4 tháng đầu năm, bằng 93% cả năm 2020.
Tuy tăng trưởng mạnh, nhưng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tính đến cuối tháng 4/2021 mới chỉ chiếm khoảng 3,1% dân số. Tỷ lệ nhà đầu tư chứng khoán trên dân số thậm chí còn thấp hơn do không ít người có cùng lúc nhiều tài khoản. Trong khi đó, hiện nay ở Mỹ, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew thì có khoảng 52% hộ gia đình Mỹ đầu tư ở mức nhất định vào thị trường chứng khoán. Điều này cho thấy dư địa tăng trưởng của thị trường này là rất lớn trong thời gian tới.
200 triệu đồng đầu tư vào thị trường chứng khoán không phải là số tiền lớn nhưng nó cũng không phải là nhỏ và sẽ giúp bạn "kiếm" được một số lợi nhuận nhất định chỉ sau nửa năm, 1 tháng, thậm chí là một tuần.
Với biên độ dao động tối đa của mỗi cổ phiếu là từ 7 - 15%, nghĩa là sau mỗi phiên giao dịch cổ phiếu của bạn có thể tăng hoặc giảm tối đa là 7 - 15% tuỳ từng sàn giao dịch (HNX là 7%, HNX là 10% và UPCoM là 15%) thì sau T+3 (thời điểm cổ phiếu về tài khoản) thì mức lợi nhuận bạn có thể nhận được sau 3 ngày có thể lên tới 21 - 45%, ở chiều ngược lại, cổ phiếu của bạn có thể mất tối đa từng đó % sau 3 ngày giao dịch.
Tuy nhiên, không phải cổ phiếu về tài khoản là bạn phải bán. Bạn có thể bán với mức giá mình mong muốn khi thị trường diễn biến phù hợp. Lợi nhuận mục tiêu phổ biến mà các công ty chứng khoán thường đặt ra cho mỗi cổ phiếu có khuyến nghị hiện nay ở mức trung bình từ 10 - 15% trong vòng 1 - 3 tháng và thực tế là cũng không quá khó để lựa chọn được những mã cổ phiếu như vậy trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021. Như vậy nếu chọn đúng mã cổ phiếu với 200 triệu bán có thể kiếm về khoản lãi từ 20 - 30 triệu trong vòng 1 - 3 tháng. Và nếu may mắn, bạn có thể nhận được số lãi trên chỉ với 1 - 2 tuần đầu tư.
Một trở ngại lớn của nhà đầu tư F0 hiện này là quy định giao dịch tối thiểu 100 cổ phiếu/lô, dẫn tới nhiều Bluechips giá đã cao để nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể giam gia. Ví dụ như NVL đang giao dịch ở mức giá 141.000 đồng/cp - mỗi lần giao dịch bạn sẽ phải bỏ tối thiểu 14.100.000 đồng giá vốn để tham gia thị trường.
Cũng bởi vậy, mà một tỷ lệ không nhỏ nhà đầu tư mới lại ưa thích các cổ phiếu penny (là các mã có giá trị thấp, tình hình kinh doanh không tích cực), với suy nghĩ cổ phiếu rẻ thì dễ kiếm lời hơn. Cùng với đó, là tham gia vào các sóng cổ phiếu trên sàn UpCOM với biên độ 15%/ phiên, hay chơi chứng quyền (biên độ hàng chục phần trăm) cho dù không hiểu cách chơi.
Đây là những sai lầm cơ bản mà rất nhiều nhà đầu tư F0 mắc phải. Theo đa số chuyên gia. Các cổ phiếu Bluechips ở thời điểm hiện tại vẫn được thị trường đánh giá cao với nhiều ưu điểm như tính thanh khoản, giá trị doanh nghiệp và khả năng hồi phục, sức chống chịu trong thời điểm dịch bệnh. Việc tăng giảm của các cổ phiếu này cũng khó gây sốc hơn. Cùng với đó, các mã Midcap, là các doanh nghiệp kinh doanh tốt nhưng quy mô ở mức vừa phải, cũng là một lựa chọn thích hợp cho nhà đầu tư.
Về cách thức đầu tư, phần nhiều các nhà đầu tư nhỏ lẻ hiện nay mua cổ phiếu với tâm lý tìm lợi nhuận nhanh, mua là có lời, để lướt sóng, mà ít quan tâm về nội tại hay tiềm năng phát triển của doanh nghiệp. Vào những phiên thị trường điều chỉnh, trên các diễn đàn có không ít các dòng chia sẻ về việc mới mua xong đã lỗ, thất vọng với thị trường, cổ phiếu hay kiểu "biết thế thì không mua". Tương tự, có những nhà đầu tư mới mua xong, có lãi mỏng đã bán, để rồi sau đó lại quay lại mua chính mã cổ phiếu đó với giá... cao hơn.
Trong một thị trường xu hướng lên (Uptrend), thì mua và nắm giữ các cổ phiếu tốt, đầu ngành, tiềm năng tăng trưởng dài hạn là một chiến lược rất khó để thua. Ví dụ, so với đáy dịch năm ngoái, nhiều cổ phiếu Bluechip đã tăng giá từ vài chục đến vài trăm phần trăm, như HPG tăng gấp 4,2 lần, VPB tăng 3,6 lần, TCB tăng gần 3 lần... Việc hạn chế lướt sóng, trading hàng ngày cũng sẽ giúp bạn giảm bớt thuế, phí, và tập trung vào công việc cốt lõi, nâng cao hiệu quả công việc.
Về phân bổ danh mục đầu tư, tuỳ vào từng giai đoạn thị trường và khẩu vị rủi ro của từng nhà đầu tư, bạn có thể phân bổ nguồn vốn theo tỷ lệ hàng - tiền mặt, phân bổ theo ngành, phân bổ theo nhóm cổ phiếu Bluechips - Midcap - Penny.
Ví dụ, thị trường thời gian qua tăng mạnh nhờ cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và thép. Nếu bạn cảm thấy các mã này đã tăng trưởng quá nóng, thì có thể chốt lời và giải ngân dần sang các nhóm đã điều chỉnh sâu như Midcap bất động sản, xây dựng... Hoặc nếu bạn thấy thị trường chung đã tăng trưởng quá nhanh, thì bạn cần giảm tỷ trọng cổ phiếu và gia tăng tiền mặt, để giảm rủi ro, đồng thời có nguồn lực bắt đáy trong trường hợp thị trường rơi sâu.