Aa

Cơ cấu lại nền kinh tế cần phát huy vốn tư nhân

Chủ Nhật, 17/10/2021 - 10:13

Chuẩn bị Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 trình Quốc hội khóa XV ngày 20/10 tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần tính đến huy động tiền trong dân.

Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025
Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 .

Tiền trong dân vẫn còn khá nhiều

Sau kết quả khá tích cực của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ đang gấp rút hoàn thiện kế hoạch cho 5 năm 2021 - 2025 trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ hai với mục tiêu tham vọng hơn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu xây dựng kế hoạch này.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thời gian tới, bối cảnh quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp và còn có thể kéo dài, tác động trực tiếp tới các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, gây đình trệ sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trước bối cảnh đó, Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện quyết liệt hơn nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới.

Kế hoạch này không chỉ tập trung khắc phục những hạn chế, hoàn thành cơ cấu lại 3 lĩnh vực trọng tâm của Kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020, mà còn bổ sung các nhiệm vụ nhằm tận dụng những cơ hội, mô hình kinh doanh mới và giải quyết tốt những vấn đề chiến lược để phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh mới.

“Điểm mới là kinh tế số và kinh tế đô thị, điểm đột phá tập trung vào vấn đề thể chế, chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo, cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển các lực lượng doanh nghiệp; giải quyết những vấn đề vướng mắc về đất đai, đầu tư - kinh doanh, nợ xấu, phát triển các loại thị trường cũng như phát triển liên kết vùng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Đánh giá cao chất lượng của Kế hoạch, các ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần rõ nét hơn về các trọng tâm, các ngành, lĩnh vực cần cơ cấu lại. Kế hoạch cơ cấu lại cần tập trung vào các giải pháp thực hiện gắn liền với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Vấn đề được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh là, cần cải thiện các yếu tố để tăng cường năng lực cho các loại thị trường, nhất là thị trường vốn. “Chúng ta muốn huy động vốn, nhưng huy động ở đâu mới là quan trọng. Cho nên, Bộ Tài chính cùng với Ngân hàng Nhà nước phải tính toán giải pháp để cải thiện được thể chế, ưu đãi để có thể mở rộng được năng lực thị trường vốn”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý: “Nhiều đồng chí nói cứ để cho địa phương với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và phát hành trái phiếu công trình. Nhưng mà xoay đi xoay lại, thì cuối cùng, người mua trái phiếu này cũng chỉ là các tổ chức tài chính, mà chủ yếu lại là ngân hàng”.

Sau đó, Chủ tịch Quốc hội nhắc tới giải pháp Bộ Tài chính đang tính toán là phát hành thêm công trái thông qua người dân như trước đây, chứ không phải thông qua “kênh bán buôn” là các tổ chức tín dụng. Chủ tịch Quốc hội nhận định, tiền trong dân vẫn còn khá nhiều. Nhưng nếu huy động thông qua các ngân hàng, thì vướng quy định trần cho vay trung, dài hạn. Chẳng hạn, ngân hàng huy động 100 đồng, chỉ được cho vay ra 40 đồng, nên các ngân hàng muốn cho vay nhiều hơn cũng không được.

Nhìn nhận ở khía cạnh phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu cho rằng, cần quan tâm đến huy động nguồn lực trong nước.

Theo bà Thanh, Covid-19 ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, nhưng nguồn lực trong dân chưa huy động được còn nhiều. “Vì vậy, cần đẩy mạnh cải cách thể chế, cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực trong nước, kết hợp với nguồn lực từ khối FDI cho phát triển kinh tế - xã hội”, bà Thanh nhấn mạnh.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm, trong thời gian tới, phải khơi thông được các điểm nghẽn, giải phóng được các nguồn lực để huy động được nguồn lực trong dân đang còn rất lớn mà chưa phát huy được.

Rất khó đạt 1,5 triệu doanh nghiệp

Một trong những mục tiêu khá tham vọng tại Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 là phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, trong đó 60.000 - 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn.

Thẩm tra kế hoạch, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý, thời gian qua, do tác động của dịch Covid-19, nên số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản đã tăng mạnh, hoạt động sản xuất - kinh doanh khó khăn, tình hình tài chính của doanh nghiệp đã bị bào mòn, suy giảm đáng kể. Do đó, cần nghiên cứu, cân nhắc điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu khó khả thi, như mục tiêu “phấn đấu đến năm 2025, có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó 60.000 - 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%”. Bên cạnh chỉ tiêu, mục tiêu về số lượng, cần nghiên cứu đề xuất chỉ tiêu, mục tiêu về chất lượng doanh nghiệp.

Đồng tình với cơ quan thẩm tra về chỉ tiêu có 1,5 triệu doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, đây là vấn đề rất khó. “Nhiệm kỳ trước, chúng ta đã đặt ra mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp, nhưng thực chất không đạt, đến nay có 812.000 doanh nghiệp. Trong 5 năm tới, mục tiêu này phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách, vào môi trường kinh doanh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chia sẻ một vấn đề khiến ông rất trăn trở, đó là làm sao để huy động các nguồn lực rất lớn trong dân, để dân yên tâm bỏ tiền đầu tư, kinh doanh, chứ không phải tập trung vào nhà cửa, đất đai, hay vàng bạc, USD, gửi tiết kiệm.

“Các chủ trương của Đảng, Nhà nước đã rất rõ, nhưng thực hiện huy động các nguồn lực trong dân đang còn những vấn đề nhất định”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận.

Bên cạnh số lượng doanh nghiệp, Ủy ban Kinh tế còn đề nghị nghiên cứu, bổ sung làm rõ nội hàm, các yếu tố cấu thành kinh tế số, từ đó làm cơ sở để xác định mục tiêu “kinh tế số chiếm 20% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%”.

Hồi âm vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, việc đo lường kinh tế số là vấn đề mới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang tập trung cùng Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng các chỉ tiêu có khả năng đo lường, đánh giá được để đưa vào hệ thống thống kê.

Theo chương trình dự kiến của Kỳ họp thứ hai, Quốc hội sẽ nghe Tờ trình về dự kiến Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 ngay từ đầu kỳ họp. Sau đó, ngày 26/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về kế hoạch này./.

Năm 2025 xử lý xong các tập đoàn yếu kém

Tại Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ xác định đến năm 2025, hoàn thành sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước, xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Một số chỉ tiêu đáng ý khác cũng được xác định như bảo đảm tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP; nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng duy trì ở mức dưới 3%; tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ hằng năm trong phạm vi trần nợ công không quá 60% GDP; ngưỡng cảnh báo nợ công khoảng 55% GDP; trần nợ Chính phủ không quá 50% GDP; ngưỡng cảnh báo nợ Chính phủ khoảng 45% GDP.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top