Aa

Cơ chế “cản lối” nhà giá rẻ

Thứ Năm, 03/08/2017 - 06:01

Tại cuộc họp Ban Thường vụ Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) diễn ra mới đây, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch VNREA đề nghị các hội viên tích cực tham gia đầu tư vào phân khúc nhà ở giá rẻ bởi theo ông, nhu cầu của người dân chưa bao giờ ở mức báo động như hiện nay.

Ông Nam dẫn chứng, tính đến hết Q2/2017, 70% nhu cầu khách mua nhà là phân khúc nhà giá rẻ tại các thành phố lớn và đô thị địa phương nhưng thị trường lại đối lập khi 80% nguồn cung lại là BĐS cao cấp. 

Nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp ở các đô thị dự báo tới năm 2020 là 1 triệu căn, trong khi hiện tại mới chỉ đáp ứng hơn 10.000 căn/năm. Ở các khu công nghiệp, hiện nay mới có 20% người lao động có nơi ở ổn định.

Hàng loạt “nút thắt”

Để hưởng ứng lời kêu gọi này, bà Hương Trần Kiều Dung – Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC cho biết, Tập đoàn sẽ xây dựng 15.000 căn hộ diện tích 25 - 50m2, mức giá từ 400 - 500 triệu đồng/căn. Theo kế hoạch, FLC sẽ xây dựng dự án tại các huyện ngoại thành Hà Nội, Thanh Hóa, Bình Định, Thái Bình… “Tập đoàn sẽ xúc tiến nhanh nhất những thủ tục để triển khai đầu tư” - bà Dung khẳng định.

Bà Dung kiến nghị cơ quan quản lý cần hoàn thiện nhanh chóng các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn và thủ tục cấp số đỏ cho các căn hộ diện tích nhỏ, đồng thời sớm có chính sách hỗ trợ lãi suất đối với người mua nhà ở giá rẻ.

Dự án Tứ Hiệp Plaza thu hút gần 1.000 lượt khách đến tìm hiểu trong ngày khai trương căn hộ mẫu.

Dự án Tứ Hiệp Plaza thu hút gần 1.000 lượt khách đến tìm hiểu trong ngày khai trương căn hộ mẫu.

Một số doanh nghiệp hội viên cũng đồng ý với lời kêu gọi từ ông Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thẳng thắn cho rằng, để giải quyết bài toán nhà giá rẻ điều quan trọng nhất vẫn cần có nguồn vốn cho người dân mua nhà, sau đó mới đến doanh nghiệp. “doanh nghiệp có tiền xây dự án nhưng người dân không có tiền mua căn hộ cũng sẽ không thể quyết được nhu cầu thị trường” - ông Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình Hà Nội kiến nghị.

Đồng tình, ông Nguyễn Đức Cây - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty Constrexim tiết lộ, đầu tư vào phân khúc nhà ở giá rẻ thực chất vẫn chỉ là nhà ở thương mại giá rẻ mà không phải nhà ở xã hội nên không được hưởng các ưu đãi. Để hạ giá thành, chủ đầu tư các dự án dạng này chắc chắn sẽ phải lựa chọn phương án thiết kế các căn hộ có diện tích nhỏ, tận dụng tối đa các chỉ tiêu xây dựng, và tất nhiên lựa chọn này kéo theo xu hướng tận dụng các dựa án đã được chấp thuận đầu tư để điều chỉnh mục đích đầu tư, điều chỉnh quy hoạch 1/500 nhằm sớm có các dự án đưa vào thực tiễn thị trường.

“Tuy nhiên, việc điều chỉnh các dự án đã có 1/500 được phê duyệt hiện nay là không dễ, chưa nói đến việc điều chỉnh chia nhỏ căn hộ, tăng mật độ xây dựng dẫn tới vượt định mức các chỉ tiêu về dân số một cách cục bộ và so với quy hoạch phân khu, có khả năng gây quá tải công suất đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài khu vực dự án” – ông Cây cho biết.

Chính sách đang cản lối

Đây không phải lần đầu tiên một doanh nghiệp lớn công bố đầu tư vào nhà ở giá rẻ bởi cách đây đúng 8 tháng, Vingroup tuyên bố chính thức tổng tấn công phân khúc nhà giá thấp tại 7 đô thị lớn với thương hiệu VinCity. Kế hoạch dự kiến giai đoạn đầu sẽ có 200.000-300.000 căn hộ giá trung bình 700 triệu đồng/căn tại các khu đô thị đồng bộ khép kín. 

Một doanh nghiệp ngành xây dựng cho rằng, cái khó của các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở giá rẻ hiện nay một phần là do chính sách chưa theo kịp. “Cơ quan quản lý hiện nay chưa kịp thời ban hành các quy chuẩn và tiêu chuẩn liên quan tới quy mô căn hộ và hạ tầng liên quan. Tiếp nữa là sự thực thi nghiêm túc của bộ máy công quyền, đặc biệt là cấp địa phương đối với các quy định pháp luật. Và cuối cùng là bản thân nhà nước cũng phải đáp ứng kịp thời, có kế hoạch hợp lý đối với việc phát triển hạ tầng đô thị để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân” – vị này cho biết.

Nhiều dự báo trước đó cho rằng 2017 sẽ là năm bùng nổ của phân khúc giá rẻ và bình dân. Tuy nhiên, hết Q2/2017, lượng căn hộ giá rẻ cung ứng ra thị trường vẫn chiếm lượng rất nhỏ.

Còn báo cáo mới đây của Savills cho thấy, thị trường Hà Nội sẽ đón nhận thêm khoảng 23.500 căn hộ trong nửa cuối năm 2017 và 63.740 căn hộ từ năm 2018 trở đi, tuy nhiên phần lớn những căn hộ này thuộc về phân khúc trung và cao cấp. CBRE Việt Nam nhận định trong vòng 10 năm tới, tức năm 2027, Việt Nam vẫn thiếu trầm trọng nhà giá rẻ.

Để thúc các doanh nghiệp sớm tham gia đầu tư phân khúc này, ông Nam cho biết đích thân Hiệp hội BĐS sẽ xúc tiến một cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ để tìm ra được nguồn vốn cho người dân mua nhà ở giá rẻ và sớm hình thành Quỹ tín thác BĐS.

Ông Nam cũng không quên khẳng định với các doanh nghiệp, đầu tư vào phân khúc nhà giá rẻ là có tính khả thi nhất hiện nay. Tuy nhiên, trước khi hình thành dự án các chủ đầu tư cần có những định hướng rõ hơn về trách nhiệm xã hội của các dự án, mà trong đó tối ưu hoá lợi nhuận sẽ không thể là mục tiêu chính.

“Việc chia nhỏ căn hộ quá, tăng diện tích xây dựng quá, tăng chỉ tiêu dân số quá mức... trong khi điều kiện hạ tầng kỹ thuật khu vực ngoài dự án chưa thể phát triển theo kịp sẽ để lại những hậu quả nặng nề” – ông Nam cảnh báo.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top