Aa

“Cò đất” tung nhiều thủ đoạn tinh vi, người mua dễ sập bẫy

Thứ Sáu, 02/06/2017 - 06:01

Tại tọa đàm trực tuyến "Có nên xuống tiền trong cơn say đất nền " do kênh thông tin tài chính kinh tế CafeF tổ chức mới đây, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, trước mắt TP.HCM đã chỉ đạo công an vào cuộc chặn đứng tình trạng "cò đất" thổi giá.

Ông Châu cho biết, trước đây, "cò đất" không có thân phận pháp lý, mãi đến Luật Kinh doanh Bất động sản mới ra đời thì người "cò đất" được chính danh là nhà môi giới bất động sản.

Môi giới chính là người kết nối cung - cầu trên thị trường, kết nối chủ đầu tư - khách hàng. Do vậy lực lượng các nhà môi giới là một bộ phận không thể tách rời khỏi thị trường địa ốc.

Nhưng trên thực tế những nhà môi giới đã có chứng chỉ hành nghề thì phần lớn hoạt động trong các sàn giao dịch, hoặc các công ty môi giới nhà đất chuyên nghiệp. Còn lại rất nhiều môi giới vẫn hoạt động như những "cò đất" trước đây, hầu hết họ không được đào tạo theo quy định của Bộ Xây dựng, cũng không có chứng chỉ hành nghề.

Lực lượng "cò đất" này cùng với các đầu nậu chính là những "thủ phạm" tạo nên cơn sốt ảo giá đất nền vùng ven trong thời gian vừa qua. Có những khu vực họ đã bao chiếm nhiều khu đất nền phân lô, làm giá, bơm thổi giá và không chế giá bán với nhiều thủ đoạn rất tinh vi mà người rất dễ bị sập bẫy. 

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM.

“Chúng ta biết Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản có quy định những điều cấm, trong đó có việc cung cấp thông tin không đầy đủ, hoặc cung cấp thông tin sai sự thật về dự án để lừa dối khách hàng. Trên thực tế giới đầu nậu, cò đất thường cung cấp thông tin sai sự thật hoặc không đầy đủ để trục lợi. Do vậy, HoREA kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh Bất động sản để quản lý cho được hoạt động của giới đầu nậu và "cò đất" tự phát này” – ông Châu cho biết.

Cũng theo ông Châu, để minh bạch hóa thông tin thị trường, mới đây UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc chậm nhất đến cuối năm 2017 phải hoàn thành phần mềm công bố thông tin quy hoạch chi tiết phân khu 1/2000 trên toàn bộ địa bàn mà người sử dụng điện thoại thông minh có thể truy cập được dễ dàng.

Thành phồ cũng vừa chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường phối hợp với Sở Tư pháp và các ngành sớm hoàn chỉnh dự thảo quyết định về diện tích tối thiểu khi tách thửa đất nông thôn, đất đô thị để thay thế Quyết định 33 năm 2014 để đưa hoạt động tách thửa, phân lô vào quy cũ, vừa giải quyết nhu cầu tách thửa đất của người dân, vừa có nguồn cung đất nền hợp pháp đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đồng thời giúp điều tiết phân khúc đất nền đi vào sự ổn định trở lại.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top