Aa

Cổ đông Công ty CP Thiết bị phụ tùng bức xúc vì bị mất vốn nhà nước, mất vốn cổ đông

Thứ Hai, 27/02/2017 - 21:08

Nhiều cổ đông của Công ty CP Thiết bị phụ tùng rất bức xúc và yêu cầu HĐQT kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân trong các thương vụ kinh doanh để xảy ra mất vốn nhà nước, mất vốn cổ đông, nợ đọng triền miên, và phương án có thể đưa vụ việc ra cơ quan Công an điều tra nếu có các dấu hiệu sai phạm, tư túi cá nhân.

Làm ăn bết bát, nợ đọng triền miên, mất vốn cổ đông 

Công ty cổ phần Thiết bị Phụ tùng MACHINCO., JSC hoạt động trong lĩnh vực thiết bị tại Việt Nam, tiền thân là Tổng Công ty Thiết bị Phụ tùng trực thuộc Bộ Vật tư được thành lập từ năm 1988, đến năm 1993 đổi thành Công ty Thiết bị Phụ tùng thuộc Tổng Công ty Máy và Phụ tùng, Bộ Thương mại, năm 2003 chuyển thành Công ty CP Thiết bị Phụ tùng, Bộ Công thương hiện nay nắm giữ 20% vốn điều lệ.  

Sau khi được cổ phần hóa, Công ty đã triển khai kinh doanh vào nhiều lĩnh vực, lập nhiều công ty con và vay vốn ngân hàng để làm ăn. Nhưng kinh doanh đến đâu thua lỗ đến đó, trong nhiều năm đơn vị đã để mất vốn của nhà nước, mất vốn của cổ đông và lâm vào tình trạng nợ đọng triền miên. Nợ nần bết bát, Công ty đã phải đem cả 2 tài sản là các tòa nhà ở 133 Thái Hà và 444 Hoàng Hoa Thám để cầm cố vay ngân hàng.

Theo điều tra của phóng viên: Trong giai đoạn 2009 – 2012, do làm ăn thua lỗ, năm 2012, Công ty đã tiến hành giải thế Công ty TNHH Khoáng sản kim Machinco và hạch toán khoản lỗ của công ty TNHH Khoáng kim Machinco vào chi phí tài chính (lỗ 48,5 tỷ đồng).

Năm 2013, Công ty thoái vốn tại Công ty CP Thiết bị xe máy Machinco hoạch toán lỗ 5,4 tỷ đồng, đồng thời tiếp tục phải chịu chi phí lãi vay (vay xây dựng trụ sở 444 Hoàng Hoa Thám, vay xây dựng kho, vay ngắn hạn phục vụ kinh doanh – lãi suất thời điểm bình quân 19 – 20%) khiến lợi nhuận của công ty tiếp tục âm năm thứ 2 liên tiếp.  

Từ năm 2014 đến nay, Công ty càng ngày càng khó khăn khi không tiếp cận được nguồn vốn vay, các khoản vay nợ bị chiếm dụng vốn, hoạt động kinh doanh ngày càng tiếp tục thu hẹp. Người lao động mất việc làm, thu nhập giảm. Cổ đông không có cổ tức, giá trị cổ phần liên tục giảm, không có nhà đầu tư mới. Đến nay, trích lập dự phòng trong trường hợp không thu hồi được các khoản công nợ phải thu Công ty đã âm vốn chủ sở hữu trên 200 tỷ đồng.  

Năm 2014, Công ty đã đưa ra phương án bán các tài sản đảm bảo của công ty tại ngân hàng BIDV để thu hồi nợ. Các tài sản gồm: Tòa nhà văn phòng cho thuê 133 Thái Hà – Đống Đa – Hà Nội có tổng diện tích đất 1.553m2, được xây dựng 5 tầng, diện tích xây dựng 1.518m2, tổng diện tích sản 4.673m2 được hoàn thiện vào năm 1997, thời gian thuê đất đến 15/10/2023.

Tòa nhà văn phòng cho thuê 444 Hoàng Hoa Thám, Tây Hồ, Hà Nội có tổng diện tích 3.302m2, diện tích đất được sử dụng là 1.782m2, được xây dựng 16 tầng và 3 tầng hầm. Diện tích xây dựng là 713m2, tổng diện tích sàn là 12.796m2, hoàn thiện năm 2011, thời gian thuê đất đến hết 30/10/2046.

Các tài sản trên được “định giá” ở mức 165 tỷ, nhưng theo tính toán của một số lãnh đạo thì phương án này cũng không thể “cứu” được tình hình lúc đó bởi theo tính toán: Dù có bán hết 2 tài sản thế chấp đó cũng chỉ được vào khoảng 180 tỷ - số tiền này không đủ để trả nợ hết nợ gốc ngân hàng.

Và cuối cùng lãnh đạo công ty đã “chọn ra giải pháp” là bán toàn bộ khoản nợ thì dư nợ của công ty tại ngân hàng BIDV mới được giải quyết triệt để.

Sau khi chào bán khoản nợ của công ty thì nhận được “kết quả chào giá cạnh tranh cao nhất” là công ty CP Hội tụ 300 với giá mua khoản nợ là 143 tỷ - chuyển giao quyền đòi nợ Dự án xi măng Bắc Giang vô điều kiện cho ngân hàng BIDV CN Cầy Giấy.

Với các thủ tục được giải quyết rất nhanh chóng thì Công ty CP Hội tụ 300 đã hoàn tất mọi nghĩa vụ, thủ tục liên quan đến hợp đồng mua bán nợ đối với Ngân hàng BIDV. Các tài sản đảm bảo là các tòa nhà và đất ở 133 Thái Hà và 444 Hoàng Hoa Thám sẽ được chuyển giao “quyền sở hữu mới” sang cho công ty CP Hội tụ 300.

Sẽ đưa ra cơ quan Công an nếu phát hiện dấu hiệu sai phạm

Nhiều cổ đông được Đại hội cổ đông bất thường ngày 22/12/2016 ủy quyền đã có ý kiến và yêu cầu HĐQT Công ty CP Thiết bị phụ tùng phải làm rõ nhiều nội dung.

Các cổ đông yêu cầu HĐQT kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân trong các thương vụ kinh doanh để xảy ra mất vốn nhà nước, mất vốn cổ đông, nợ đọng triền miên. Nếu thấy có dấu hiệu sai phạm cần đưa ra cơ quan điều tra đề nghị làm rõ như: Dự án xi măng Dầu khí Nghệ An; Dự án xi măng Bắc Giang; Công ty CP XNK máy Hà Nội; Công nợ Công ty CP XNK thép Phú Lâm; Công nợ Công ty CP Đồng Xanh; Công ty TNHH MTV TM Nông sản Ánh Dương; Công ty Đại Việt; Công ty Thái Bình Dương; Công ty CP Máy – Thiết bị dầu khí Đà Nẵng; Công ty CP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn.

Để giải đáp thắc mắc của một số cổ đông đặt ra những nghi vấn về việc định giá các tài sản đảm bảo là hai tòa nhà 133 Thái Hà và 444 Hoàng Hoa Thám có bị “đánh” thấp hơn giá trị thực tế và việc công ty CP Hội tụ có phải là “sân sau” của một số cán bộ trong công ty hay không?

Ông Trịnh Xuân Thiêm, Chủ tịch HĐQT Công ty Thiết bị phụ tùng cho biết: “Về vấn đề này thì tôi cũng không rõ…có thể có có thể không, có thể sắp tới là có thì đó là quyền của mỗi người…”. Về những thắc mắc tại sao trong một thời gian dài Công ty liên tục thành lập các ông ty con để vay vốn ngân hàng làm ăn và liên tục thua lỗ, dẫn đến cảnh nợ nần, mất vốn của cổ đông? Ông Thiêm cho rằng: “Việc thành lập ra các công ty con để kinh doanh là việc làm hoàn toàn bình thường và đúng quy định của pháp luật. Đối với những công ty làm ăn thua lỗ chúng tôi đã thoái vốn và giải thể công ty đó…”.

Ngoài ra, các cổ đông còn cho rằng: Công ty CP Hội tụ 300 là chủ nợ mới thay thế của ngân hàng BIDV do vậy trách nhiệm của HĐQT công ty là bàn về phương án trả nợ theo khả năng hiện tại cuẩ công ty, tuy nhiên HĐQT công ty CP Thiết bị phụ tùng chỉ tập trung vào phương án gán nợ tài sản 2 tòa nhà 133 Thái Hà và 444 Hoàng Hoa Thám. Vậy đây có phải là hình thức tẩu tán tài sản và trốn tránh trách nhiệm của HĐQT, ban Giám đốc công ty về việc kinh doanh thua lỗ hay không?

Việc bàn giao tài sản 2 tòa nhà 133 Thái Hà và 444 Hoàng Hoa Thám là việc quan trọng nên yêu cầu HĐQT cần đưa ra Đại hội thường niên hoặc bất thường để trực tiếp thảo luận.

Về vấn đề này ông Thiêm cho rằng, tất cả các khâu về vay nợ ngân hàng, định giá tài sàn và bán nợ đều được Công ty triển khai theo đúng các trình tự và quy định của pháp luật. Khi tài sản đang thế chấp ở Ngân hàng thì việc định giá hai tài sản thế chấp và bán khoản nợ đó là trách nhiệm của ngân hàng chứ Công ty không có trách nhiệm.

Ngoài ra các cổ đông còn cho rằng, phê bình HĐQT đã tổ chức lấy ý kiến Đại hội mà không tuân thủ điều lệ công ty (Điều 21): Việc xin ý kiến phải gửi trước cho cổ đông tối thiểu là 15 ngày (đương nhiên là ngày làm việc, không kể ngày nghỉ Tết). Từ ngày Chủ tịch HĐQT ký – ngày 20/1/2017 đến khi hết hạn ngày 6/2/2017 là vi phạm quy định về thời gian trên.

Việc xin ý kiến cũng như tổ chức đại hội, HĐQT cần chuẩn bị tài liệu chu đáo, giải trình, phân tích các vấn đề cổ đông quan tâm. Các vấn đề cổ đông quan tâm tại cuộc họp Đại hội cổ đông bất thường thì hoặc chưa thực hiện hoặc chưa báo cáo lại tổ chức xin ý kiến bằng văn bản là không thể chấp nhận được.

Yêu cầu HĐQT trả lời rõ vì sao ngày hết hạn xin ý kiến là ngày 6/2/2017 nhưng ngày bàn giao lại là ngày 1/2/2017?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top