Aa

Có gì mới trong quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương?

Thứ Sáu, 09/04/2021 - 09:31

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa phê duyệt quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương, được nhân dân TP. Huế và vùng phụ cận, cộng đồng trông mong từ nhiều năm qua.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, sông Hương và trục cảnh quan hai bên bờ là trục cảnh quan tự nhiên đa dạng, phong phú, với nhiều khu di tích lịch sử, văn hóa, khu dân cư, khu vực công viên trung tâm thành phố và các vùng có cảnh quan đặc trưng ven sông; là yếu tố phong thủy quan trọng trong cấu trúc đô thị Huế (đô thị di sản, đô thị sinh thái); là khu vực có tầm quan trọng về kinh tế - xã hội, cảnh quan đô thị, văn hóa của TP. Huế; được cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang,... để phát huy giá trị nhằm góp phần xây dựng đô thị phát triển bền vững.

Một phần sông Hương và cảnh quan đôi bờ khu vực trung tâm TP. Huế. (Ảnh: Hoàng Văn Quý)

Quy hoạch chiều cao công trình, diện tích đất ở

Theo quyết định số 596/QĐ-UBND do Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ ký phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương thì phạm vi lập quy hoạch bao gồm khu vực dọc sông Hương đoạn từ đồi Vọng Cảnh đến phố cổ Bao Vinh, chiều dài khoảng 15km, chiều rộng mỗi bên sông tiếp cận đến các tuyến đường dọc hai bờ sông hoặc cách mép bờ sông mỗi bên trung bình khoảng 100m (bao gồm cồn Hến và cồn Dã Viên).

Cụ thể, phạm vi quy hoạch có ranh giới phía Bắc giáp đường Nguyễn Phúc Nguyên, Kim Long, Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo; phía Nam giáp đường Bùi Thị Xuân, Lê Lợi; phía Đông giáp đường Huyền Trân Công Chúa, đường Lương Quán, đường Bùi Thị Xuân, Nguyễn Sinh Cung, đất ven sông; phía Tây giáp đường Chi Lăng, đất ven sông. Quy mô đất khu vực lập quy hoạch khoảng 855,08ha, trong đó, diện tích mặt nước 503,84ha; quy mô dân số khoảng 10.300 người (2.372 hộ), dân số hiện trạng khoảng 14.462 người (3.386 hộ).

Tổ chức cảnh quan hai bên bờ sông Hương được quy hoạch đảm bảo phát huy không gian cảnh quan văn hóa lịch sử (Trong ảnh: Chùa Thiên Mụ, di tích nổi tiếng ở bờ bắc sông Hương - Ảnh: Đình Huân)

Đối với chỉ tiêu sử dụng đất, quy hoạch diện tích đất đơn vị ở: ≥ 60m2/người; đất cây xanh, thể dục thể thao: ≥ 10m2/người; đất công trình dịch vụ công cộng đô thị: ≥ 5m2/người; chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật: cấp điện: 1.500 - 2.100 kWh/người/năm; cấp nước: 180 - 200 lít/người/ngày/đêm; thoát nước thải: 80 - 95% tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt; rác thải sinh hoạt: 1,3kg/người/ngày, tỷ lệ thu gom 100%.

Riêng về cơ cấu sử dụng đất được quy hoạch đất ở 65,14ha, đất công cộng 18,63ha, đất thương mại - dịch vụ 9,96ha, đất du lịch 47,13ha, đất công viên cây xanh 101,73ha. Cùng với đó các loại đất di tích, đất tôn giáo tín ngưỡng, đất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đất an ninh - quốc phòng, đất giao thông, hạ tầng kỹ thuật, kho tàng, bến bãi… đều có quy hoạch cơ cấu sử dụng đất cụ thể.

Đáng chú ý, trong số 65,14ha đất ở có 11,40ha đất ở nông thôn; 48,14ha đất ở đô thị chỉnh trang; đất ở mới là 4,30ha; đất ở kết hợp thương mại 1,30ha. Mật độ xây dựng thuần đối với đất ở đô thị (thuộc các phường: Phường Đúc, Vỹ Dạ, Phú Hậu, Phú Hiệp, Phú Cát) diện tích phân lô tối thiểu 100m2; đối với đất ở đô thị (thuộc các phường: Thủy Biều, Hương Hồ) và đất ở nông thôn (thuộc các xã: Hương Vinh, Phú Thượng, Phú Mậu): Diện tích phân lô tối thiểu 120m2.

Quy hoạch hai bên bờ Sông Hương luôn đảm bảo không gian xanh, mật độ cây xanh phù hợp. (Ảnh: Đình Huân)

Về chiều cao công trình: Đối với phường Hương Hồ yêu cầu công trình sử dụng mái ngói, chiều cao ≤ 11m kể cả mái; phường Thủy Biều và phường Đúc (từ khu vực tiếp giáp phường Thủy Biều đến đường Huyền Trân Công Chúa) ≤ 3 tầng (≤ 14m); riêng công trình trên trục đường tiếp giáp với bờ sông Hương (trong phạm vi 9m tính từ lộ giới đường): Yêu cầu công trình sử dụng mái ngói, chiều cao ≤ 11m kể cả mái. Phường Phường Đúc (từ đường Huyền Trân Công Chúa đến cầu Dã Viên) và phường Vỹ Dạ (từ cầu Đập Đá đến cầu Phú Lưu): ≤ 4 tầng (≤ 18m),

Riêng công trình trên trục đường tiếp giáp với bờ sông Hương (trong phạm vi 9m tính từ lộ giới đường): Yêu cầu công trình sử dụng mái ngói, chiều cao ≤ 14m kể cả mái. Với các phường Vỹ Dạ (từ cầu Phú Lưu về tiếp giáp xã Phú Thượng), phường Phú Cát, Phú Hiệp, Phú Hậu (TP. Huế) và các xã Phú Thượng, Phú Mậu, Hương Vinh yêu cầu công trình sử dụng mái ngói, chiều cao ≤ 14m kể cả mái. Các công trình tiếp giáp trục đường Bao Vinh và đường Chi Lăng chiều cao ≤ 11m kể cả mái. 

Hình thành 5 cụm trung tâm

Theo quy hoạch, giải pháp tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan cũng định hướng tổ chức 5 cụm trung tâm bao gồm: Khu vực trung tâm TP. Huế và 4 khu vực phụ trợ (phường Phường Đúc, Thủy Biều, Vọng Cảnh, Tiên Nộn); tổ chức các khu chức năng: Khu văn hóa du lịch (dịch vụ du lịch thành phố, du lịch văn hóa truyền thống - lịch sử, du lịch lưu trú nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, chương trình trọng điểm văn hóa.,..) và chức năng hỗ trợ cư trú (các công trình dịch vụ thương mại, các không gian hoạt động ngoài trời...); hệ thống giao thông đô thị: Theo mối liên quan với tuyến dịch vụ du lịch chủ yếu và khu vực lân cận. Bố trí công trình giao thông (điểm đỗ xe, bãi đỗ xe...) và nâng cấp đường kết nối các khu du lịch; hệ thống giao thông công cộng: Đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông đường thủy trên sông Hương và phương tiện giao thông mới…

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ (trái) và Chủ tịch UBND TP. Huế Hoàng Hải Minh trong một lần đi kiểm tra trục cảnh quan và hệ thống chiếu sáng hai bờ sông Hương. (Ảnh: Đình Huân)

Cùng với đó là các không gian xanh được thiết lập theo hướng hệ thống không gian xanh mang tính liên tục và tăng cường khả năng tiếp cận với tuyến phố đi bộ. Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan theo 3 vùng: Vùng thượng lưu (từ đồi Vọng Cảnh đến cồn Dã Viên) để bảo tồn cảnh quan và quản lý tài nguyên văn hóa lịch sử; vùng trung tâm đô thị (từ Cồn Dã Viên đến cồn Hến): Hình thành trung tâm du lịch văn hóa và các không gian mở; vùng hạ lưu (từ cồn Hến đến phố cổ Bao Vinh) nhằm bảo tồn và khai thác cảnh quan tự nhiên sinh thái.

Khống chế chiều cao cản tầm ngắm sông Hương

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng quy hoạch việc tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan theo chức năng, gồm khu cảnh quan chung đô thị; khu vực cảnh quan trong khu dân cư (thôn, xóm); khu cảnh quan văn hoá lịch sử; khu cảnh quan thiên nhiên.

Cầu đi bộ bằng gỗ lim thuộc mạng lưới tuyến phố đi bộ bờ Nam sông Hương là một trong số điểm nhấn phát huy giá trị cảnh quan sông Hương. (Ảnh: Đình Huân)

Cùng với đó là việc tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan theo đặc tính và giá trị (văn hoá truyền thống, khai thác yếu tố sông ngòi, bảo vệ môi trường…). Cụ thể: Khu vực quản lý cảnh quan trên nền tảng văn hóa truyền thống: Làng thủ công mỹ nghệ Thủy Xuân, Phường Đúc, phố cổ Gia Hội, phố cổ Bao Vinh; Khu vực quản lý cảnh quan phát triển mới (Chợ Đông Ba, cồn Hến, phía Nam khu trung tâm Huế): Khống chế chiều cao, mật độ xây dựng hạn chế che chắn tầm nhìn ra sông Hương và khu vực lân cận. Thiết lập phương án quản lý có cân nhắc đến tính tiếp cận bờ sông; tổ chức cảnh quan theo tuyến (trục): Trục cảnh quan ven sông (sông Hương, An Cựu, Như Ý); trục đường phố chính (Lê Lợi, Nguyễn Sinh Cung, Kim Long… hình thành cảnh quan đường phố đặc trưng); trục cảnh quan không gian xanh (công viên kết nối các không gian chức năng); trục cảnh quan văn hoá lịch sử (trục Dũng Đạo, trục Thần Đạo); các trục kết nối vuông góc với bờ sông (tạo không gian mở và tăng tính liên kết với bờ sông).

Ngoài ra quy hoạch cũng yêu cầu việc tổ chức cảnh quan hai bên bờ sông Hương theo điểm (đơn vị) gồm quản lý các điểm cảnh quan và ngắm cảnh: Khu vực cảnh quan tự nhiên (đồi Vọng Cảnh, cồn Dã Viên, cồn Hến); khu vực cảnh quan văn hóa lịch sử (chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén, Văn Thánh, Võ Thánh); khu vực cảnh quan nhân tạo (các quảng trường, công viên, công trình biểu tượng...); kiểm soát tầm nhìn: Phát triển các điểm nhìn chính theo các yếu tố cảnh quan của sông Hương (hướng về khu vực cảnh quan trọng tâm, cảnh quan tự nhiên, công trình kiến trúc...); đảm bảo tầm nhìn theo độ cao của đối tượng quy hoạch, khoảng cách tầm nhìn, vị trí điểm nhìn tới tầm nhìn, đa hướng; bố trí thêm các điểm ngắm cảnh ban đêm để tạo nhiều không gian ngắm cảnh tự nhiên.

Bên cạnh đó việc tổ chức cảnh quan đường phố cũng được quy hoạch, gồm điều chỉnh các tuyến đường trung tâm đô thị rộng hơn và xây dựng các thiết bị đô thị tiện lợi cho khách sử dụng xe và người đi bộ; hài hòa tự nhiên với cảnh quan công viên và các tuyến đường lân cận.

Tạo các tuyến đường có tính biểu tượng; tuyến đường công cộng trung tâm: Bố trí cảnh quan đường phố tập trung khu vực có nhiều hoạt động ngoài trời; Tuyến phố đi bộ kết nối với công viên; các tuyến đường thượng lưu sông Hương bố trí cảnh quan đường phố tách biệt để mở rộng tầm nhìn, không che lấp môi trường tự nhiên xung quanh, duy trì khoảng cách phù hợp giữa các cây xanh; tuyến đường đặc trưng: Bố trí các tuyến đường cảnh quan phản ánh hoạt động đặc trưng của khu vực như: Tuyến đường kinh doanh, tuyến tham quan, tuyến văn hóa,...; hình thành môi trường cảnh quan đường phố để nâng cao tính biểu tượng của tuyến đường thông qua hệ thống cây xanh, công trình kiến trúc đặc trưng, công trình tiện ích đô thị,... tuyến phố đi bộ: Hình thành các tuyến phố đi bộ trong các khu quy hoạch và tháo dỡ tường bao hàng rào tiếp giáp với tuyến phố đi bộ để tăng cường sự tiếp xúc bên trong với bên ngoài. Ưu tiên trồng các loại cây tán rộng, bố trí các công trình tiện ích như: Quảng trường, ghế dài, gian hàng bán nước giải khát, nhà vệ sinh công cộng...

Điều chỉnh các tuyến đường trung tâm đô thị rộng hơn và xây dựng các thiết bị đô thị tiện lợi cho khách sử dụng xe và người đi bộ. (Ảnh: Đình Huân)

Bên cạnh quy hoạch về không gian kiến trúc, cơ cấu sử dụng đất, mật độ xây dựng công trình, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng quy hoạch hệ thống cầu qua sông Hương, bến thuyền, bãi đỗ xe… Theo đó, trên chiều dài quy hoạch từ đồi Vọng Cảnh về đến phố cổ Bao Vinh 15km sẽ có 16 bến thuyền. Bên cạnh những cây cầu đã có sẽ xây mới tổng cộng 7 cây cầu đi bộ lẫn cầu xe cơ giới, trong đó cầu dài nhất là 370m (cầu Nguyễn Hoàng), ngắn nhất là cầu đi bộ nối từ Học viện Âm nhạc sang công viên Bùi Thị Xuân với chiều dài 30m.

Trên cơ sở đồ án quy hoạch phân khu được phê duyệt, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện đang giao trách nhiệm các cơ quan liên quan như Sở Xây dựng, UBND TP. Huế, UBND thị xã Hương Trà, UBND huyện Phú Vang và các sở, ban, ngành liên quan thực hiện chức năng quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng công trình theo phân công, phân cấp của UBND tỉnh và các quy định pháp luật hiện hành.
Riêng UBND TP. Huế được giao hoàn chỉnh hồ sơ, tổ chức công bố quy hoạch để các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan biết, thực hiện; đồng thời chuyển giao các bản vẽ quy hoạch được duyệt để các cơ quan liên quan thực hiện chức năng quản lý theo quy định.

Ưu tiên đầu tư Cồn Hến và Dã Viên

Cồn Hến và cồn Dã Viên là hai cồn đất bồi, hai địa danh lâu nay được xem có vị trí rất quan trọng về phong thủy đối với cố đô Huế, do yếu tố tả Thanh Long (cồn Hến, một phần cư dân thuộc phường Vỹ Dạ đang sinh sống), hữu Bạch Hổ (cồn Dã Viên) chầu hai bên bảo vệ cho kinh thành Huế.

Theo quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương, sẽ ưu tiên các dự án đầu tư ở Huế gồm đầu tư xây dựng hạ tầng, và các khu chức năng của cồn Dã Viên; giải tỏa, tái định cư người dân cồn Hến; kêu gọi đầu tư khu du lịch, dịch vụ cồn Hến; đầu tư xây dựng hệ thống cầu, đường đi bộ ven sông; xây dựng, chỉnh trang khu vực đồi Vọng Cảnh; xây dựng, chỉnh trang chợ Đông Ba và đường Chương Dương; đầu tư, xây dựng các bến thuyền và khu dịch vụ bến thuyền; đầu tư, xây dựng chỉnh trang các công viên ở khu vực trung tâm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top