Ngày 31/10, Quốc hội tiếp tục dành cả ngày để thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước.
Nhiều đại biểu đề cập đến vụ việc Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba vẽ ra loạt dự án “ma” để chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng từ khách hàng và bày tỏ lo ngại về sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) cho rằng giữa những điểm sáng trong báo cáo của Chính phủ, vẫn còn nhiều câu hỏi đáng suy nghĩ trong xã hội hiện nay.
Những vấn đề nổi cộm tồn tại trong khoảng thời gian dài chưa thể giải quyết dứt điểm được ông Quốc chỉ ra như áp dụng công nghệ thu phí BOT tự động vẫn không thực hiện được; địa ốc Alibaba lừa dân nhiều năm với hàng nghìn nạn nhân; sau vụ cháy Rạng Đông mới thấy chủ trương di dời nhà máy cũ diễn ra chậm chạp; hàng triệu người Hà Nội lao đao vì nước sạch; thí điểm taxi công nghệ vẫn chưa có kết quả…
Trong đó, đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh: “Vụ Alibaba lừa dân bán bất động sản ảo diễn ra nhiều năm, số nạn nhân lên đến hàng nghìn, số thiệt hại rất lớn, mà bộ máy chính quyền cơ sở vẫn ngơ ngác thúc thủ như chưa hề có chuyện gì nghiêm trọng cho đến khi người dân và dư luận lên tiếng”.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang) cho rằng một số địa phương trên cả nước vẫn xảy ra nhiều vụ sai phạm tại các công trình xây dựng, các dự án lớn liên quan đến đất đai. Như vụ lừa đảo của Công ty Địa ốc Alibaba, chủ đầu tư vẫn hợp đồng mua bán với người dân công khai khi chưa được cấp phép, chưa được phê duyệt.
Bà Thủy đặt vấn đề: “Có hay không sự buông lỏng quản lý, tiếp tay của cán bộ công quyền cho các dự án ma, dự án xây dựng đồ sộ, trái pháp luật tồn tại trong thời gian qua?”
Theo đó, các đại biểu đều kiến nghị cần xem xét vai trò của cơ quan quản lý trong những trường hợp này. “Chính phủ cần chỉ đạo, xử lý nghiêm trách nhiệm quản lý của cơ quan có thẩm quyền, nhất là trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm ở địa phương”, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy nhận định.
Trước đó, trong vụ Công ty địa ốc Alibaba lừa đảo hơn 2.500 tỷ đồng, trả lời báo chí tại buổi họp báo quý III/2019 của Bộ Xây dựng, lãnh đạo Bộ cho rằng, trách nhiệm chính là địa phương, địa phương là đơn vị cho phép điều chỉnh, tiếp tục hay dừng triển khai.
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho hay: Việc quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý đã được nêu ra tại điều 17 và điều 78 Luật Kinh doanh bất động sản. Việc triển khai các dự án liên quan đến nhiều công đoạn và nhiều luật như: Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Kinh doanh bất động sản…
Xác định vi phạm thì phải làm rõ vi phạm ở giai đoạn nào, từ đó mới xác định được trách nhiệm ở khâu nào.
Ông Ninh cho hay: “Công ty địa ốc Alibaba vi phạm tất cả các luật vì đây là dự án ma. Bộ Xây dựng có trách nhiệm thực thi pháp luật về kinh doanh bất động sản và phối hợp với địa phương. Trách nhiệm chính là địa phương, địa phương là đơn vị cho phép điều chỉnh, tiếp tục hay dừng triển khai”.