Aa

6.700 khách bị lừa trong vụ Alibaba: Cạm bẫy của lòng tham?

Thứ Tư, 25/09/2019 - 06:30

Những lời hứa hẹn về một lợi nhuận khủng đã khiến cho nhiều khách hàng sẵn sàng đặt cọc tiền mà không cần quan tâm tới pháp lý của dự án. Thế nên có dự án ma được bán lại tới 4 lần mà vẫn có người mua.

Báo cáo kết quả điều tra ban đầu liên quan đến vụ việc Công ty cổ phần địa ốc Alibabacho thấy, tính đến ngày 30/06/2019 có tới 6.700 khách hàng bị lừa với số tiền thiệt hại lên tới 2.500 tỷ đồng. Con số này sẽ có thể còn gia tăng nếu tính đến thời điểm hiện tại hoặc những khách hàng phát sinh khác.

Một câu hỏi được đặt ra đó là điều gì khiến 6.700 vị khách hàng bị lừa vào cuộc chơi của mô hình đa cấp mà Công ty Alibaba đã giăng ra? Công cuộc bán hàng và lôi kéo người vào mạng lưới kinh doanh bất động sản mà Alibaba thiết lập không phải kéo dài trong 1 hay 2 tháng mà hơn 3 năm trôi qua nhưng... người ta vẫn tin và tiếp tục đặt trọn khoản tiền của mình cùng kỳ vọng vào nơi đây.

Nguồn tin mới đây của báo Lao động còn cho biết, chỉ với một dự án “ma” nhưng Alibaba đã bán tới 4 lần. Và điều ngạc nhiên ở điểm, nhiều người biết lừa những vẫn lao vào vì tham lãi suất cao. Theo báo Lao động, ông N.V.T (quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh) đã nói: "Khi mua dự án tôi hiểu là chỉ cần xuống tiền ký hợp đồng, không cần phải nhận đất. Sau đó, mời người thân, bạn bè tham gia mua thì được nhận lãi suất cao. Nếu mời được nhiều người mua thì trong 1 năm có thể nhận lại mức lãi suất gấp đôi khoản tiền đã bỏ ra mua đất trước đó".

(Ảnh: Nhật Minh)

Rõ ràng, mô hình hoạt động của Alibaba với phương thức, khách hàng ký hợp đồng, chưa cần nhận đất, chỉ cần mời được bạn bè khác mua được sẽ nhận lãi suất cao. Thay vì trả hoa hồng trực tiếp như mô hình kinh doanh đa cấp thông thường khác thì Alibaba đã “biến tấu” thành khoản tiền lãi suất khủng. Mộng tưởng của những khoản lời này sẽ cao hơn gấp rất nhiều lần bởi vốn bỏ ra cho cho lĩnh vực bất động sản không hề nhỏ. Tất nhiên, những người đứng đầu của Công ty Alibaba đã phải hứa hẹn một mức lợi nhuận siêu cao, trong thời gian rất ngắn mà rủi ro hầu như chỉ là con số 0. Đây là lý do mà hàng nghìn người sẵn sàng bỏ tiền ra mua dự án mà không cần biết tính pháp lý của dự án đó thế nào hay không cần thực tế chứng nhận lô đất cũng như …. chẳng cần nhận sản phẩm.

Đáng nguy hiểm hơn, vì lợi nhuận khủng, vì họ đã trở thành mắt xích trong hệ thống đa cấp đó nên sẵn sàng mời chào người thân, không đứng lên tố cáo mà còn tham gia quảng bá, bảo vệ hình ảnh công ty. Lòng tham đã biến con người bất chấp tất cả, từ bỏ quy luật kinh doanh, đạo đức, sự hiểu biết vì ảo tưởng một con số lợi nhuận khủng trong tương lai.

Tất nhiên, khách quan nhìn nhận rằng, bên cạnh những người “biết mà vẫn làm” thì có không ít khách hàng bị lừa vì thiếu hiểu biết. Và họ không hề hay biết mình bị lừa cho đến khi cơ quan chức năng vào cuộc. 

Như luật sư Nguyễn Văn Dũ, Đoàn Luật sư TP.HCM nhận định: “Nạn nhân là những người đầu tư mua đất vì thiếu hiểu biết pháp luật về đất đai, tin nhầm vào lời giới thiệu gian dối của Alibaba. Đồng thời cũng phải thấy rằng một phần do người đầu tư mua đất thấy lợi nhuận mà Alibaba cam kết rất cao nên bất chấp mọi cảnh báo từ chính quyền địa phương và các cơ quan truyền thông, họ lao vào như con thiêu thân”.

"Một phần do người đầu tư mua đất thấy lợi nhuận mà Alibaba cam kết rất cao nên bất chấp mọi cảnh báo từ chính quyền địa phương và các cơ quan truyền thông, họ lao vào như con thiêu thân".

- Luật sư Nguyễn Văn Dũ - 

Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, yếu tố pháp lý là một trong vấn đề phức tạp và không phải ai cũng có thể nhận diện được. 

“Người dân không am hiểu về pháp lý dự án bất động sản là gì, chỉ nghe nhân viên và công ty đó tuyên bố dự án. Họ cũng chưa nhìn thấy pháp lý bất kỳ dự án nào nên không khả năng phân biệt giữa giả và thật. Thực tế, sự thay đổi pháp luật, ngay cả có những chuyên gia cũng không nắm hết được về pháp lý dự án và qua các thời kỳ” – luật sư Phượng chia sẻ.

Vị luật sư này cũng phân tích thêm, ngoài ra, điểm chung của khách hàng bị lừa tham gia vào mô hình kinh doanh đa cấp là do các chiêu tiếp thị đã được nâng cao, quy mô lớn, công ty có trụ sở to, nhân viên nhiều, có quần áo đồng phục nên chuyên nghiệp, nhiều xe ô tô, có sự lừa dối như cứ ký hợp đồng, khi cần có thể được nhân viên giới thiệu khách khác, công ty thu mua lại.

Trong quá trình giao dịch có "chim mồi", có thuê người nổi tiếng, lập các trang hoạt động như báo chí, đăng các bài viết như báo chí (ngoài phạm vi kinh doanh của công ty: đưa tin, nhận định thị trường,..), thuê địa điểm tổ chức các sự kiện nhưng nội dung không đúng (Ví dụ: Mở bán dự án ma nhưng nhà hàng đó không bị xử phạt).

Và khi lợi nhuận khủng được quảng cáo liên hồi sẽ khiến người ta tin rằng “làm giàu không khó”, rủi ro cũng chẳng có nên họ bị mờ mắt bởi vẻ hào nhoáng, với những tấm gương “chim mồi” đã giàu lên từ việc kinh doanh đó.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top