"Đại gia" Nhật đua nhau rót vốn
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, 6 tháng đầu năm 2018 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt 5,54 tỷ USD, chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Với lượng vốn này, bất động sản là lĩnh vực hút vốn ngoại lớn thứ 2, chỉ sau mỗi công nghiệp chế biến, chế tạo.
Trong đó, xét về đối tác đầu tư, Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 6,47 tỷ USD. Riêng mảng bất động sản, Việt Nam được coi là “miếng bánh” được các nhà đầu tư Nhật Bản yêu thích vì chỉ cần rót vốn là mục tiêu “xuất khẩu kỹ thuật” của người Nhật được hiện thực hóa mà không cần phải thông qua thủ tục và thuế phí nào cả.
Mới đây, Dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối và Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh (Hà Nội) có tổng vốn đầu tư 4,138 tỷ USD do doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, đây là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất nửa đầu năm 2018.
Dự kiến, dự án Thành phố thông minh sẽ được khởi công vào tháng 9/2018 và được chia làm 5 giai đoạn, trong đó tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) và đối tác Việt Nam là Tập đoàn BRG sẽ thực hiện giai đoạn 1 là xây dựng phần “lõi” của dự án trên diện tích khoảng 271ha.
Một thương vụ đáng chú ý khác vừa diễn ra đó là việc Công ty bất động sản Nomura Real Estate (Nhật Bản) thâu tóm thành công 24% cổ phần trong tòa nhà văn phòng Sun Wah Tower trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM. Giá trị của thương vụ được bảo mật.
Tòa nhà Sunwah Tower tọa lạc ngay khu vực lõi trung tâm quận 1, TP.HCM với quy mô một tầng trệt, 22 tầng nổi, tổng diện tích sử dụng 20.800m2. Cao ốc được đầu tư xây dựng và khai thác bởi Sun Wah Group, một tập đoàn đa quốc gia chuyên phát triển bất động sản và kinh doanh dịch vụ tài chính.
Ngoài thương vụ thâu tóm này, Nomura còn hợp tác với Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng và đối tác Nhật Bản khác cùng phát triển tổ hợp bất động sản cao cấp Midtown tại khu Nam Sài Gòn.
Trước đó, từ năm 2014 đến nay, các nhà đầu tư Nhật Bản liên túc bắt tay với nhiều ông lớn địa ốc trong cả nước để phát triển nhiều dự án khu dân cư hiện đại như Nam Long, An Gia, Tiến Phát, Hòa Bình, Phúc Khang, BRG... Không dừng lại ở đó, các nhà đầu tư Nhật Bản hiện đang dành nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển các dự án khách sạn, nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng và Phú Quốc.
Hồi đầu năm nay, Tập đoàn Mikazuki (Nhật Bản) đã công bố kế hoạch đầu tư hơn 100 triệu USD vào một dự án du lịch tại Đà Nẵng. Đây được coi là khoản đầu tư FDI lớn nhất vào bất động sản du lịch Đà Nẵng năm 2018.
Cuối tháng 6/2018, Tập đoàn Hinokiya cũng đã ký kết với nhà đầu tư trong nước nhằm bắt tay thực hiện dự án trong lĩnh vực bất động sản với ý tưởng nhà ở kiểu Nhật mang đậm phong cách Nhật, dự kiến ra mắt thị trường vào năm 2019. Những yếu tố đặc biệt của dự án có thể kể đến như: khu vực tắm onsen thư giãn, hệ thống máy lạnh lọc không khí thông minh đảm bảo không khí trong nhà luôn an toàn và công viên kiểu Nhật với những mảng xanh tươi mát.
Trước đó cũng có một loạt dự án bất động sản khác được ký kết giữa doanh nghiệp nội với doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực bất động sản.
Cơ hội cho Nhật Bản "xuất khẩu kỹ thuật"?
Mới đây, ông Shinichi Sakaki, Phó cục trưởng Cục Đô thị, Bộ Đất đai, Giao thông, Du lịch (Nhật Bản) cho biết, hiện Chính phủ Nhật Bản đang có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản vay vốn để xúc tiến đầu tư ra nước ngoài. Ngoài ra, Nhật Bản có kinh nghiệm phát triển nhiều đô thị vệ tinh quy mô lớn, nên đang tìm cách “xuất khẩu kỹ thuật” đó ra nước ngoài.
Tờ Nikkei Asia cho biết, mục đích của Bộ Đất đai Nhật Bản là tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các công ty Nhật Bản. Sáng kiến này dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho nhiều doanh nghiệp, gồm cả các nhà phát triển bất động sản, công ty xây dựng, nhà phát triển hệ thống và những tổ chức tài chính cung cấp các khoản thế chấp. Vừa qua, Nhật Bản đã lên kế hoạch mở rộng đến tỉnh Bắc Giang ở miền Bắc Việt Nam và tỉnh Đồng Nai ở miền Nam trong năm tài khóa 2019 và cũng sẽ tiếp cận các quốc gia khác.
Ở Việt Nam, ngoài hình thức mua cổ phần, góp vốn hoặc cho vay để phát triển dự án, doanh nghiệp Nhật cũng tham gia thị trường bằng cách chuyển giao công nghệ định giá đất, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và các ngành công nghiệp tài chính.
Như vậy, cái lợi của người Nhật đã được nhìn thấy khi số vốn đầu tư 6,47 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2018, Nhật Bản trở lại ngôi vị quán quân đầu tư vốn FDI vào Việt Nam và mục tiêu “xuất khẩu kỹ thuật” của Chính phủ Nhật Bản cũng có cơ hội được hiện thực hóa.
Tuy nhiên với người Việt, có lẽ vẫn phải chờ đến lúc siêu dự án Thành phố thông minh đi vào hoạt động ổn định thì mới khẳng định được giá trị của những kỹ thuật "nhập khẩu" nãy cũng như của việc “trải thảm” đón nhà đầu tư Nhật Bản?!