Không còn là câu chuyện viễn tưởng, thành phố thông minh (smart city) là thuật ngữ phổ biến, xuất hiện trong các cuộc thảo luận ở khắp mọi nơi trên thế giới. Trong đô thị thông minh, chất lượng cuộc sống của người dân được đảm bảo, nâng cao và mức độ tương tác, tham gia của họ được chú trọng, tăng cường.
Theo báo cáo khảo sát của công ty nghiên cứu phân tích thị trường Frost & Sullivain, giá trị thị trường thành phố thông minh toàn cầu vượt mức 1.500 tỷ USD vào cuối năm 2020. Cọn số đó cho thấy thị trường thành phố thông minh mới hình thành nhưng rộng lớn, đầy tiềm năng.
Trên thế giới, “miếng bánh” đô thị thông minh không chỉ dành cho các tập đoàn, công ty lớn đa quốc gia như Intel, IBM, Ciso, Panasonic, Google. Cơ hội tham gia rộng mở, chia đều cho tất cả các nhà cung cấp giải pháp thông minh. Trong đó, nhiều công ty khởi nghiệp tham gia và danh sách này đang ngày càng nới rộng thêm.
Với Việt Nam, việc xây dựng thành công mô hình đô thị thông minh sẽ tạo ra giải pháp đột phá, giúp đất nước bắt kịp xu hướng phát triển bền vững của thế giới. Bên cạnh cơ quan nhà nước, doanh nghiệp lớn, cộng đồng khởi nghiệp có cơ hội chia sẻ “miếng bánh” khổng lồ này?
Mai Duy Quang – Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ CNTT Việt Nam - lý giải, thành phố thông minh là nơi mọi dịch vụ được hệ thống hóa để cuộc sống người dân trở nên thuận tiện nhất. Công nghệ, trí tuệ nhân tạo giúp việc điều hành của thành phố dễ dàng, tốt hơn.
Trong giai đoạn đầu tiếp cận xây dựng thành phố thông minh, ông Quang khẳng định, startup Việt có thể đi cùng “ông lớn” vào thị trường này. Dù mặt bằng chung chưa cao, nhưng chúng ta vẫn thấy các mô hình kinh doanh rất tiềm năng.
“Smart city chỉ dành cho một tập người nhất định thay vì tất cả mọi người. Dự án khởi nghiệp kém khả thi có vòng đời ngắn. Startup tồn tại được sẽ sở hữu giá trị trí tuệ không thể thay thế”, ông Quang cho biết.
Song anh Bùi Sỹ Nguyên – người sáng lập dự án House 3D - nhận định người khởi nghiệp khó tham gia thực sự vào các đề án thành phố thông minh, bởi startup gắn liền rủi ro trong khi smart city đòi hỏi năng lực tích hợp, hồ sơ kinh nghiệm tốt, an toàn vì sử dụng nguồn vốn công từ nhà nước.
Ông Nguyên chỉ ra những rào cản khiến cơ hội tiến vào thị trường thành phố thông minh của công ty khởi nghiệp thấp là nguồn lực mỏng, cơ chế, thủ tục pháp lý. Hơn nữa, họ không đủ tự tin xông thẳng “đánh trận lớn” dẫn đến năng lực tích hợp thông tin toàn diện kém. Đôi khi việc chữa sai khiến họ trả giá lớn.
Hiện nay, nhiều cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đưa ra giải pháp hữu ích phục vụ thành phố thông minh. Tuy nhiên, giám đốc House 3D nhìn nhận, các thành phố chỉ tiếp cận hạ tầng công nghệ thông tin ở mức độ nhất định, chưa hệ thống hóa, kết nối trên diện rộng, sâu như một số smart city trên thế giới là Singapore, Barcelona thuộc Tây Ban Nha, Helsinki của Phần Lan.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ CNTT bảo vệ quan điểm startup có cơ hội tham gia cuộc chơi thành phố thông minh. Ông nhấn mạnh, người khởi nghiệp không nên tham miếng to mà “đánh trận lớn”. Nếu doanh nghiệp lớn có thế mạnh về công nghệ tích hợp, nguồn lực, vốn thì công ty nhỏ có thể cung cấp giải pháp đặc biệt, đưa ra giải pháp cụ thể, rõ ràng, hiệu quả và đột phá.
“Startup phải đánh du kích. Cơ chế là rào cản cho mọi doanh nghiệp, kể cả cơ quan nhà nước. Vậy, công ty khởi nghiệp cần năng động tìm đối tác, đi cùng doanh nghiệp lớn từng làm việc với nhà nước nhiều năm để giải quyết khó khăn này”, ông Quang phản biện ý kiến của Sỹ Nguyên.
Nhà sáng lập House 3D thừa nhận startup có thể chia sẻ “miếng bánh” thành phố thông minh nếu bám theo doanh nghiệp lớn. Sau cùng, ông chốt lại, chính phủ, doanh nghiệp lớn hay công ty khởi nghiệp đều phải tạo ra sản phẩm, giải pháp hướng tới lợi ích của người dân mới tạo nên một đô thị thông minh.