Aa

Giao thông thông minh - Nền tảng của thành phố thông minh

Thứ Năm, 18/10/2018 - 03:30

Ngoài vấn đề quy hoạch, để xây dựng thành phố thông minh, một yếu tố quan trọng khác là hệ thống giao thông. Không thể có được thành phố thông minh nếu không phát triển được hệ thống giao thông thông minh.

Ảnh Shutterstock

Ảnh Shutterstock

Hà Nội nhập cuộc

Theo nhận định của chuyên gia, xây dựng thành phố thông minh là ứng dụng thành tựu của công nghệ thông tin để giải quyết một số vấn đề cấp bách của đô thị.

Ông Nguyễn Ðức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khẳng định, Hà Nội xây dựng thành phố thông minh sẽ lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Đồng thời, mô hình đô thị thông minh bền vững mà Hà Nội mong muốn hướng tới phải mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân.

Để xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội bắt đầu bằng giao thông thông minh. Cụ thể, từ ngày 1/5/2017, Thành phố đã triển khai thí điểm ứng dụng tìm kiếm và thanh toán phí trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động (iParking) tại 2 tuyến phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm). Sau thời gian thí điểm, từ tháng 9/2017, mô hình này được nhân rộng ra 9 tuyến phố thuộc 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Ðình, Ðống Ða, Hai Bà Trưng.

Cùng thời gian này, Hà Nội đã giao Tập đoàn FPT xây dựng hệ thống giao thông thông minh. Tiếp đó, từ tháng 4/2018, Thành phố đầu tư Trung tâm Giám sát hệ thống thoát nước và thử nghiệm phần mềm HSDC Maps - cảnh báo úng ngập và gợi ý chỉ đường trên điện thoại thông minh. Phần mềm này có thể tương tác với người dân qua chức năng gửi thông tin sự cố về trung tâm để xử lý.

Căn cứ theo Nghị quyết số 11/2017/NQ-HĐND, TP. Hà Nội đã xác định, trong giai đoạn 2018 - 2020 xây dựng Trung tâm Điều hành thông minh TP. Hà Nội với 8 trung tâm chức năng. Theo đề xuất của Tập đoàn Viettel, Trung tâm Điều hành thông minh TP. Hà Nội được triển khai làm 2 giai đoạn chính. Năm 2018, hoàn thành 3 trung tâm chức năng: Giám sát bảo mật, an toàn thông tin; Hỗ trợ cán bộ sử dụng công nghệ thông tin thành phố; Quản lý thông tin báo chí và thông tin truyền thông.

Cùng với đó, sẽ triển khai một số hạng mục của các trung tâm chức năng: Giám sát, điều hành giao thông và phòng chống tội phạm nơi công cộng; Phân tích dữ liệu; Hỏi đáp ý kiến phục vụ người dân. Từ năm 2019 đến năm 2020, Hà Nội hoàn thành nốt một số hạng mục và các trung tâm chức năng còn lại.

Về xây dựng giao thông thông minh, Hà Nội đặt mục tiêu năm 2018 hình thành và đưa vào khai thác, sử dụng một số thành phần cơ bản. Cụ thể, Thành phố hoàn thành các hạng mục: Hệ thống thông tin giao thông tích hợp; Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ bằng hình ảnh; thử nghiệm hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông thông minh tại một số nút giao thông.

Thành phố cũng sẽ triển khai hệ thống phần mềm trung tâm giám sát, điều hành giao thông thông minh tích hợp với Trung tâm Điều hành thông minh TP. Hà Nội. Đồng thời, tiếp tục triển khai diện rộng dịch vụ iParking tại các điểm trông giữ xe ô tô trên địa bàn...

Theo PGS.TS. Lưu Đức Cường, Viện trưởng viện Quy hoạch đô thị - nông thôn Quốc gia, để xây dựng thành phố thông mình, trước hết hệ thống giao thông phải thông minh, kết nối phải đảm bảo tính hiện đại, đồng bộ và đáp ứng nhu cầu đa dạng về giao thông vận tải, đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng đa phương thức (đường bộ, đường sắt…). Hình thành các đầu mối trung chuyển giữa các loại hình giao thông, các khu vực đầu mối trung chuyển này có thể hình thành và phát triển đô thị theo mô hình TOD (Transit Oriented Development).

Công nghệ là giải pháp tối ưu

Các chuyên gia nhận định, để có thành phố thông minh, thì việc đi lại phải thông minh, có quy hoạch thông minh, nhưng phải kết hợp được hệ thống công nghệ áp dụng vào quản lý, sử dụng, điều khiển mới là giải pháp tối ưu để hướng đến một đô thị thông minh.

Mặc dù tăng trưởng thông minh hiện được nhiều người ủng hộ, nhưng việc áp dụng các nguyên tắc thiết kế vào các dự án phát triển cộng đồng còn gặp nhiều thử thách trong công tác thực hiện. Những thử thách này xuất phát từ cá nhân và tổ chức liên quan đến quyền sở hữu tài sản, xây nhà ở, ngành công nghiệp xe hơi và nông nghiệp. Những vấn đề đó đã gây ra khó khăn cho các nhà quy hoạch đô thị, cán bộ chính quyền, các nhà môi trường và các nhà đầu tư bất động sản.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, Ths. KS. Phan Trọng Dũng, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cho biết, trong tương lai, các phương tiện giao thông sẽ chạy bằng điện và hoàn toàn tự lái, các thiết bị giao thông sẽ tự liên lạc với trung tâm điều khiển, liên lạc với nhau thông qua nền tảng công nghệ.

Ngoài ra, phương tiện giao thông trong nền kinh tế tri thức còn có khả năng chia sẻ làm giảm thiểu phương tiện lưu thông, tiết kiệm năng lượng. Năng lượng phát ra điện sẽ ưu tiên và dùng hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời và gió. Năng lượng hóa thạch khi đốt sinh ra khí thải sẽ được thay thế hoàn toàn bằng năng lượng sạch.

Thêm nữa, các thiết bị dùng cho hệ thống điện cũng sẽ được nghiên cứu sao cho lượng tiêu hao năng lượng giảm thiểu. Các ngôi nhà, tòa nhà sẽ dùng vật liệu che ngoài bằng các hệ thống pin mặt trời, thu năng lượng dùng cho chính ngôi nhà và tòa nhà của mình.

“Đối với hệ thống cấp thoát nước, các sensor cảm biến nối với hệ thống máy tính sẽ cung cấp cho người quản lý sử dụng những lưu ý khi hệ thống vận hành. Chẳng hạn, các sensor sẽ cảnh báo khi có một đoạn ống nước bị vỡ và người quản lý hoàn toàn có thể khắc phục nhanh chóng. Cũng vậy, cảm biến sẽ thông báo nguy cơ ngập lụt và khởi động hệ thống ứng cứu như bơm, hút, hệ thống sơ tán di chuyển…

Đối với rác thải môi trường, các sensor cảm biến gắn với các thùng rác thải, thông báo cho người dùng khi nào rác thải đầy để có thể thu gom. Các ô tô thu gom rác thải không người lái sẽ tự động liên hệ đến các thùng rác thải, tự đi thu gom và đưa về nơi xử lý”, ông Dũng chia sẻ thêm.

Cùng quan điểm này, TS. Trương Văn Quảng, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam chia sẻ, ưu tiên phát triển hạ tầng đô thị xanh với hệ thống giao thông xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, sử dụng năng lượng tái tạo, đổi mới và sử dụng công nghệ, kỹ thuật, vật liệu sạch.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Lê Nhỏ, Phó tổng giám đốc Sunshine Group cho biết, ngày nay, nhân loại đã và đang bước vào thời kỳ nóng của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, ghi nhận những bước nhảy vọt về công nghệ internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, công nghệ thực tế ảo và robot thế hệ mới.

Tất cả những thành tựu đó đang tác động tích cực đế tuyệt đại đa số các lĩnh vực, ngành nghề và cuộc sống hàng ngày của con người, trong đó có hệ thống giao thông thông minh, đô thị thông minh.

“Với hệ thống đỗ xe thông minh, cư dân có thể kiểm tra tình trạng chỗ trống trong bãi đỗ thông qua ứng dụng trên điện thoại di động. Công nghệ hình ảnh và nhận diện biển số sẽ cho phép cư dân có thể đặt chỗ các vị trí đỗ cũng như định vị chính xác xe của mình ở đâu”, ông Nhỏ nhấn mạnh.

Ở góc độ cụ thể từng địa phương, PGS.TS. Nguyễn Trúc Anh, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cho rằng, đối với Hà Nội, trước mắt, việc nghiên cứu hợp nhất hạ tầng đường sắt với phát triển không gian và sử dụng đất đô thị làm tăng hiệu quả hoạt động đô thị và về lâu dài phát triển mô hình đô thị thông minh thân thiện với môi trường, phát triển bền vững và đảm bảo cung cấp các dịch vụ đô thị trong lĩnh vực các giao thông, năng lượng, môi trường, an toàn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và sức cạnh tranh của đô thị thông qua công nghệ thông tin truyền thông.

Theo nhận định của giới chuyên gia, xây dựng thành phố tăng trưởng thông minh là một lý thuyết về quy hoạch đô thị và giao thông, mà trong đó chú ý đến tăng trưởng các khu vực trung tâm nén. Ở đó, người dân có thể đi bộ tới các chức năng khác nhau nhằm tránh phát triển đô thị tràn lan.

Lý thuyết này có thể được áp dụng để giải quyết các vấn đề thiết kế quy hoạch đô thị (ví dụ các công trình hỗn hợp), gia tăng tính hiệu quả sử dụng đất và quản lý tăng trưởng đô thị (kiểm soát dân số). Lý thuyết này cũng ủng hộ sử dụng quỹ đất theo mô hình nén, theo định hướng giao thông công cộng, người dân có thể đi bộ tới nhiều chức năng khác nhau, thân thiện với người sử dụng xe đạp, gần trường học, đường phố hoàn thiện và công trình sử dụng hỗn hợp với nhiều sự lựa chọn về nhà ở.

Theo các chuyên gia, để thực hiện ý tưởng tăng trưởng thông minh, cần phải có hợp tác công - tư để đạt được mục đích kinh tế mà không làm ảnh hưởng đến cảnh quan, không gây tắc nghẽn giao thông và không hủy hoại môi trường.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top