Aa

Chứng khoán tháng 5: Cơ hội tích lũy cổ phiếu tốt cho trung và dài hạn

Thứ Tư, 10/05/2023 - 06:12

Những cơn gió ngược đang xảy ra trên toàn cầu có thể làm ảnh hưởng các yếu tố cơ bản của kinh tế Việt Nam. Đây là cơ hội tốt để tích lũy những cổ phiếu tốt cho mục đích đầu tư trung và dài hạn.

Bối cảnh kinh tế vĩ mô

Tổng cục Thống kê ước tính tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 4 đạt 53,57 tỷ USD (giảm 7,7% so với tháng 3 và giảm -18,8% so với cùng kỳ năm ngoái). 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 210,79 tỷ USD, giảm 13,6%. Giải thích cho sự sụt giảm này, theo Tổng cục Thống kê chủ yếu do kinh tế thế giới vẫn còn trì trệ cùng với lực cầu yếu. Điều này ảnh hưởng đến cả sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Dòng vốn FDI hồi phục trong tháng 4. Trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu hút gần 8,88 tỷ USD vốn FDI. Trong đó, vốn FDI giải ngân đạt khoảng 5,85 tỷ USD. Các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài với cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và tích cực trong việc xúc tiến đầu tư. Lạm phát cao và sức cầu suy yếu đã gián tiếp ảnh hưởng đến dòng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm.

Du lịch tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng bán lẻ. Trong 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 2.007,3 nghìn tỷ đồng, tăng 12,8%; nếu loại trừ yếu tố giá tăng, mức tăng sẽ là 8,3% (trong 4 tháng đầu năm 2022, mức tăng là 3,9%). Như vậy, tốc độ tiêu thụ nội địa đã dần tăng lên.

Tiến độ giải ngân đầu tư công chậm. Theo Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công trong 4 tháng đầu năm ước đạt 14,66% kế hoạch; so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân đạt 15,65%, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (18,48%). Bộ Tài chính chỉ ra nguyên nhân giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 chậm do thủ tục đất đai, điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu đất xây dựng, công tác giải phóng mặt bằng là những nguyên nhân chính. Đồng thời, chủ đầu tư chưa chủ động ngay từ khâu triển khai dự án dẫn đến tiến độ giải ngân vốn bị chậm.

đầu tư công, giải ngân đầu tư công, vốn đầu tư công
Tiến độ giải ngân vốn công so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ. (Nguồn: Bộ Tài chính, Mirae Asset Vietnam)

Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 4/2023 tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước, và tăng 0,39% so với tháng 12/2022. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng đầu năm 2023 tăng 3,84% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do tác động của chỉ số giá nhóm giáo dục, nhà ở và vật liệu xây dựng, văn hóa, vui chơi giải trí và du lịch, giá nhóm hàng ăn, giá điện, giá gạo trong nước tăng.

Đáng chú ý, ngày 4/5, giá bán lẻ điện tăng 3% sau 4 năm không đổi. Điện đang chiếm khoảng 3,5% trong rổ tính CPI nên nếu điện tăng 3% sẽ trực tiếp làm tăng CPI 0,105%, và nếu còn tăng 5% thì sẽ làm CPI tăng 0,175%.

Trong tháng 4, tỷ giá USD/VND giảm 0,2% so với tháng 3, cùng chiều với chỉ số USD hạ nhiệt. Trong tháng 4, tỷ giá USD/VND trung bình dao động quanh mức 23.500.

Nhìn lại từ đầu năm đến nay, mặc dù thị trường tài chính toàn cầu có nhiều biến động nhưng tỷ giá của Việt Nam vẫn ổn định. Theo UOB, VND là một trong những đồng tiền ổn định nhất ở châu Á, bất chấp những thay đổi đáng kể kỳ vọng tăng lãi suất của Fed, lo ngại về suy thoái toàn cầu, cũng như bất ổn của hệ thống ngân hàng Mỹ.

Ngân hàng Nhà nước ước tính tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 25/4 đạt 2,57% so với đầu năm (tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái) - mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2020. Đáng chú ý, tín dụng bất động sản (chiếm 22% dư nợ tín dụng năm 2022).

Trái phiếu doanh nghiệp tạm hạ nhiệt. Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp tháng 4 trầm lắng trở lại (sau khi có những đợt trái phiếu phát hành thành công trong tháng 3). Các cuộc đàm phán giữa tổ chức phát hành và trái chủ sôi động hơn trong tháng 4, với nhiều tổ chức phát hành đã đạt được thỏa thuận với trái chủ về việc kéo dài thời gian gia hạn trái phiếu.

Trong quý I/2023, theo Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), các doanh nghiệp đã tích cực mua lại trái phiếu trước hạn trị giá 29.863 tỷ đồng. Trong đó, bất động sản chiếm nhiều nhất 8.682 tỷ đồng, tương đương 29% tổng giá trị mua lại.

Thị trường chứng khoán tháng 4 đi ngang - giảm điểm

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tháng 4 đầy biến động với xu hướng đi ngang giảm điểm. Cụ thể, VN-Index đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tháng (cũng là phiên giao dịch trước kỳ nghỉ lễ dài) ở mức 1.049,12 điểm, tương đương giảm 1,46% so với tháng 3.

Nhìn chung, mức biến động giá của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 4 tương đối kém hơn so với các thị trường phát triển và mới nổi. Tâm lý thị trường vẫn khá thận trọng trong bối cảnh thị trường diễn biến khó lường với thanh khoản bình quân ngày xấp xỉ 9,8 nghìn tỷ đồng (trên HoSE). Về cơ bản, nhà đầu tư không mặn mà mua cổ phiếu trong khi áp lực bán không lớn trong bối cảnh lợi nhuận quý I/2023 khá yếu.

Điểm sáng của thị trường tháng 4 là nhóm cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất. Ngành dịch vụ tài chính (chứng khoán), các ngành liên quan đến bất động sản và các công ty xây dựng (đặc biệt là các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ) thu hút được sự chú ý của thị trường. Một số trong số đó đã mang lại lợi nhuận đáng kể từ 15 - 25% trong tháng 4.

Cùng với đà tăng của nhóm cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất là nhóm cổ phiếu Bán lẻ. Thị trường đang cho rằng ngành Bán lẻ sẽ được hưởng lợi chính từ đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng 2% của Bộ Tài chính bắt đầu từ quý III/2023.

chứng khoán, thị trường chứng khoán, chứng khoán tháng 4
Biến động giá theo ngành. (Nguồn: Bloomberg, Mirae Asset Vietnam)

Ở khía cạnh tiêu cực, khối ngoại bán ròng gây áp lực lên thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trong tháng 4 với giá trị 2.772 tỷ đồng (trên sàn HoSE), từ mức mua ròng 2.760 tỷ đồng trong tháng 3. Tính chung 4 tháng đầu năm, giá trị mua ròng lũy kế của khối ngoại tại HoSE đã thu hẹp xuống còn 3.137 tỷ đồng.

Theo kế hoạch ĐHĐCĐ 2023 của 261 trong tổng số 400 doanh nghiệp niêm yết trên HoSE (chiếm khoảng 80% tổng vốn hóa), kế hoạch lợi nhuận trước thuế giảm sâu tập trung ở nhóm Phi tài chính, trong khi nhóm Ngân hàng, Dịch vụ tài chính, và Bảo hiểm đặt kế hoạch 2023 tiếp tục tăng trưởng.

Lợi nhuận trước thuế mục tiêu năm 2023 suy yếu ở hầu hết các ngành, đặc biệt là Tiện ích, Năng lượng, Nguyên Vật liệu, Vận tải, và Bán lẻ.

Các ngành bước vào chu kỳ suy giảm chủ yếu liên quan đến xuất khẩu như Logistics, Hóa chất, Phân bón, Dệt may, Thủy sản. Trở ngại chính là triển vọng xuất khẩu ảm đạm trước nguy cơ suy thoái ở Mỹ, EU và sự cạnh tranh gia tăng từ Trung Quốc sau khi nước này mở cửa lại nền kinh tế.

Giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam đã qua, nhưng nền kinh tế vẫn thiếu động lực tăng trưởng mạnh.

Điểm nhấn tháng 5: Tìm kiếm vùng cân bằng

Trước đó, đợt điều chỉnh hồi tháng 2 đã đưa thị trường về nền giá khá thấp, giúp thu hút dòng tiền từ khối ngoại. Tuy nhiên, mùa báo cáo quý IV/2022 và quý I/2023, cũng như kế hoạch kinh doanh 2023, cho thấy lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục sụt giảm.

định giá, chứng khoán tháng 5
Định giá theo P/E lịch sử. (Nguồn: Bloomberg, Mirae Asset Vietnam)

EPS giảm liên tiếp 2 quý so với cùng kỳ sẽ khiến chỉ số định giá P/E (tính trên EPS 12 tháng gần nhất) của VN-Index tiệm cận với mức trung bình 5 năm trừ 1 độ lệch chuẩn (-1SD). Như vậy, định giá thị trường không còn được coi là rẻ, và điều này đã trở thành rào cản thu hút cả dòng vốn nội và khối ngoại trong ngắn hạn.

Hơn nữa, những cơn gió ngược đang xảy ra trên toàn cầu có thể làm ảnh hưởng các yếu tố cơ bản của nền kinh tế Việt Nam.

Với tâm lý e ngại rủi ro chiếm ưu thế, các chuyên gia phân tích của Chứng khoán MASVN kỳ vọng VN-Index sẽ tìm được ngưỡng hỗ trợ mạnh tại 1.000 - 1.020 điểm, tương ứng với P/E dự phóng cuối năm 2023 là 13,x lần.

Các chuyên gia cho rằng, đây là cơ hội tốt để tích lũy những cổ phiếu tốt cho mục đích đầu tư trung và dài hạn. Nhìn chung, các nhà đầu tư nên chú ý đến giá trị nội tại, triển vọng tăng trưởng và chất lượng tài sản của từng cổ phiếu riêng lẻ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top