Aa

Có nên bắt buộc công khai dự án thế chấp ngân hàng?

Thứ Sáu, 05/08/2016 - 06:01

Trước việc TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội công khai các dự án đang thế chấp ngân hàng, giới chuyên gia cho rằng, các chủ đầu tư phải công bố rõ ràng với khách hàng về thời gian vay thế chấp, lộ trình trả nợ cũng như các vấn đề liên quan nhằm đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà.

Cần có trách nhiệm công bố thông tin

Theo TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, hiện có nhiều dự án bất động sản (BĐS) được chủ đầu tư thế chấp với ngân hàng để vay vốn phát triển. Tuy nhiên, số tiền lớn nên các ngân hàng không thể tự giao dịch với khách hàng mà phải thông qua cơ quan chức năng là các Sở Xây dựng của địa phương bởi nếu giao dịch hai bên sẽ rất rủi ro.

Chính vì vậy, ông Liêm cho rằng, các cơ quan chức năng địa phương cần có trách nhiệm công bố thông tin rõ các dự án đã được DN thế chấp, thời gian vay, số vốn vay và các điều khoản... thế chấp trên phương tiện thông tin đại chúng như điều bắt buộc.

"Các chủ đầu tư phải công bố dự án và hiện trạng của tài sản mình đang thế chấp với khách hàng. Thời gian vay thế chấp là bao nhiêu, lộ trình trả nợ như thế nào? các thỏa thuận đi kèm với khoản thế chấp đó nhằm đảm bảo quyền lợi của người mua nhà khi có giao dịch khác", ông Liêm cho biết.

Theo ông Liêm, việc chủ đầu tư thế chấp dự án tại một ngân hàng, kêu gọi người mua vay đóng tiến độ nhưng số tiền sử dụng vào dự án khác là rất phổ biến. Điều này không chỉ khiến người mua nhà chịu tổn thất về chi phí lãi vay mà chủ đầu tư vi phạm tiến độ hợp đồng vẫn không bị xử lý thỏa đáng.

Chính vì vậy, theo một số chuyên gia, dự án thế chấp ngân hàng của chủ đầu tư được công khai mới đây tại TP HCM, Hà Nội mới chỉ là con số rất nhỏ, phần nổi của tảng băng chìm trong lĩnh vực cho vay BĐS cũng như các chiêu trò của chủ đầu tư nhà đất lớn.

Có nên bắt buộc công khai dự án thế chấp ngân hàng? Ảnh minh họa.

Công khai để đảm bảo minh bạch thị trường

Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM (Sở TN&MT TPHCM) Phạm Ngọc Liên thừa nhận, lần công khai các dự án thế chấp vừa qua còn nhiều thiếu sót, gây nhiều bức xúc cho doanh nghiệp và tâm lý hoang mang cho người dân. Tuy nhiên, qua lần công bố này, Sở TN&MT đã hiểu hơn các diễn tiến, yêu cầu cụ thể trong việc công bố thông tin dự án. Đồng thời, cũng thấy được những bất cập trong quy định của nhà nước về quản lý việc đăng ký giao dịch bảo đảm, thực hiện thủ tục bán nhà đối với các dự án phát triển nhà ở, hay việc cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà.

Ông Liên cho hay, ngoài việc thế chấp, các sai phạm của chủ đầu tư như xây dựng vượt tầng, xây dựng sai phép, sai thiết kế, sử dụng sai công năng, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính hoặc sai phạm dân sự của chủ đầu tư cũng có thể gây trở ngại tới việc cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà. Những thông tin này cần được công khai tới người dân để đảm bảo minh bạch thị trường.

“Cần phải có sự góp sức của nhiều ngành, trong đó một ngành đứng ra làm nhạc trưởng, chỉ đạo điều hành việc công khai thông tin chứ một mình Văn phòng Đăng ký đất đai không thể kiểm soát hết được”, ông Liên nói.

Bà Dương Thị Thanh Lan, đại diện Sở Tư pháp TPHCM, cũng đồng quan điểm với ý kiến trên. Bà Lan cho rằng, cần có cơ chế trong việc công khai thông tin về dự án BĐS, trong đó phải thống nhất về tiêu chí công khai, trách nhiệm cập nhật và quản lý thông tin công khai.

Bà Vũ Thị Khuyên thuộc Sở Xây dựng TPHCM thì cho rằng, doanh nghiệp BĐS cũng phải tham gia vào quá trình minh bạch hóa thị trường bằng cách cập nhật thông tin về diễn tiến xây dựng, thế chấp dự án cho khách hàng trên website hoặc khi thực hiện giao dịch; thậm chí, phải công khai cả mục đích thế chấp của dự án để khách hàng nắm rõ.

“Trách nhiệm của doanh nghiệp trong công khai thông tin đã đúng và đầy đủ hay chưa?”, bà Khuyên đặt vấn đề.

Ông Phạm Ngọc Liên cho biết, ngay trong tuần này Sở TN&MT sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về các dự án thế chấp ngân hàng, công khai những doanh nghiệp rút bớt tài sản thế chấp hoặc xóa thế chấp. Sở cũng sẽ cân nhắc việc ẩn danh thông tin cá nhân, chỉ nêu mã số căn hộ thế chấp; chỉ những ai có nhu cầu tìm hiểu thông tin cá nhân thế chấp căn hộ thì có thể đến Văn phòng Đăng ký đất đai để được cung cấp.

"Trên thực tế, khách hàng mua nhà chỉ được biết căn hộ, dự án của mình bị thế chấp khi đem dự án đi thế chấp ở một ngân hàng khác. Trong khi đó, ở nhiều dự án BĐS, việc bắt tay "ém" thông tin thế chấp giữa chủ đầu tư - ngân hàng với các bên liên quan là phổ biến, điều này khiến người mua nhà có thể gặp rủi ro khi chủ đầu tư không thể giải chấp được, quyền và lợi ích của người mua nhà sẽ bị ảnh hưởng khi dự án được bán cho bên khác", GS Đặng Hùng Võ, chuyên gia BĐS chia sẻ.

NHNN yêu cầu giám sát chặt các dự án thế chấp

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM vừa có văn bản đề nghị các tổ chức tín dụng trên địa bàn giám sát chặt các dự án đã thế chấp tại ngân hàng, thực hiện đúng quy định pháp luật về thế chấp tài sản đảm bảo nợ vay, đăng ký tài sản thế chấp, xử lý tài sản thế chấp, đặc biệt đối với tài sản hình thành trong tương lai nhằm đảm bảo an toàn tín dụng, đảm bảo vốn vay sử dụng đúng mục đích.

Theo NHNN chi nhánh thành phố, việc công khai dự án của chủ đầu tư đang thế chấp là một trong những giải pháp nhằm minh bạch thị trường bất động sản, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

Do vậy các ngân hàng cần thông tin, giải thích cho người tiêu dùng rõ việc công khai các dự án thế chấp, nhằm đảm bảo thông thoáng trong việc mua bán, chuyển nhượng căn hộ trên thị trường, không gây tâm lý lo lắng, hoang mang, mất lòng tin nơi người dân, khách hàng.

Đầu tuần rồi, TPHCM đã công bố danh sách 77 dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng. Đây mới chỉ là thông tin bước đầu của riêng Văn phòng Đăng ký đất đai rà soát. Sắp tới, thành phố dự kiến sẽ tiếp tục rà soát các dự án nhà ở và sẽ phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị để cân nhắc và công bố những dự án có vấn đề khác

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top