Theo đánh giá của các chuyên gia, trong quá trình phát triển chung, nhiều khu vực ở các tỉnh thành cũng đã có sự liên kết và phát triển mạnh mẽ hơn, dân cư tập trung nhiều hơn và nhu cầu nhà ở tăng lên. Chính vì thế, tại các địa phương có những quy hoạch phát triển các khu dân cư, khu đô thị mới, đất nền trở thành kênh thu hút đầu tư, có giao dịch tốt và tăng giá. Xu hướng này sẽ tiếp diễn trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Theo đó, đất nền vẫn sẽ là phân khúc dẫn dắt thị trường bất động sản và vẫn là “con cưng” của các nhà đầu tư.
Tại Hà Nội, thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy, thời điểm cuối năm 2020, đối với khu vực đất đai trong khu dân cư hiện hữu, việc đô thị hóa mạnh các vùng Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức… đã đẩy giá đất trong làng xã khu vực này lên mức 25 - 30 triệu đồng/m2, tăng so với năm 2019 khoảng 50%.
Trong khi đó, các vùng như Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng khoảng 20 - 30% so với năm 2019. Mặc dù tăng giá nhưng hiện tượng giao dịch thực diễn ra không nhiều, mua bán chủ yếu qua lại giữa các nhà đầu cơ với nhau.
Tại TP.HCM, theo số liệu của DKRA, năm 2020, tại TP.HCM và các tỉnh giáp ranh ghi nhận có khoảng 84 dự án đất nền mở bán với gần 13.200 nền; tiêu thụ khoảng 8.500 nền, chiếm xấp xỉ 65% nguồn cung mới. Những dự án gần khu công nghiệp, cụm công nghiệp có diện tích nhỏ, hạ tầng kết nối tốt đã thu hút người mua. Những tỉnh, thành có lợi thế đất sạch, dẫn đầu nguồn cung như Bình Dương năm qua đã thu hút khách hàng với khoảng 43% nguồn cung mới. Trong khi tại TP.HCM chỉ có 7 dự án đất nền, chỉ bằng 33% so với năm trước; tỷ lệ tiêu thụ 59%, bằng 21% so với năm 2019.
DKRA Vietnam dự báo, nguồn cung mới và sức cầu của phân khúc đất nền trong năm 2021 có thể phục hồi và tăng so với năm 2020. Các sản phẩm tập trung chủ yếu ở các tỉnh giáp ranh như Long An, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Với nguồn cung dần khan hiếm, theo DKRA, đất nền vẫn tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng, là kênh đầu tư hàng đầu trên thị trường.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, Nghị định 148/2020/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 8/2/2021, quy định dự án nhà ở dưới hình thức phân lô bán nền được thực hiện tại các huyện thuộc các đô thị loại đặc biệt (trừ khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan và mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị).
Nghị định này cũng yêu cầu chủ đầu tư trước khi bán nền phải hoàn thành cơ sở hạ tầng và hoàn thành nghĩa vụ tài chính trên phần đất đó. Tuy nhiên, điều kiện tách thửa được quy định chặt chẽ hơn trước đây. Theo đó, UBND cấp tỉnh sẽ căn cứ quy hoạch cụ thể tại địa phương để quyết định diện tích tối thiểu khi tách thửa đối với từng loại đất riêng biệt. Điều này sẽ hạn chế tình trạng phân lô, bán nền trái phép cũng như các dự án ma tràn lan như nhiều năm gần đây, giúp thị trường phát triển lành mạnh hơn, hướng tới nhu cầu thực và đầu tư dài hạn.
Theo nhận định của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong thời gian tới, thị trường sẽ có sự sàng lọc, điều chỉnh; dòng tiền của nhà đầu tư cũng sẽ được tính toán kỹ lưỡng và phân bổ hợp lý hơn. Nhìn lại các kênh đầu tư trong bối cảnh hiện tại thì đất nền vẫn là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư tại những thị trường địa phương mới phát triển, đặc biệt là đất nền giá trị nhỏ, phù hợp với tầm tài chính vừa phải sẽ là cứu cánh an toàn giúp dòng tiền giữ giá tốt nhất.
Còn ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đưa ra lời khuyên, dự án đất nền thường ở xa trung tâm và chỉ phù hợp với người có mức đầu tư nhỏ, vốn ít, đầu tư theo từng giai đoạn. Đối với đầu tư sản phẩm này, quan trọng nhất vẫn là tính pháp lý của dự án, có được cấp phép kinh doanh đất nền hay là đầu tư công trình rồi mới được bán. Đặc biệt, các điều kiện xung quanh hạ tầng giao thông, xã hội, kỹ thuật của khu vực có phát triển không. Đây cũng là yếu tố quan trọng cần lưu ý, vì không thể mua đất nền khi không có hạ tầng./.