“Sell in May” được rút ra từ những dữ liệu thống kê ở Phố Wall và dần được biết đến ở nhiều thị trường khác trên thế giới. Tháng 5 bắt đầu trên thị trường chứng khoán Việt Nam sau khi kết thúc mùa đại hội cổ đông (cao điểm vào tháng 4), báo cáo tài chính quý I cũng đã được công bố và tất nhiên những kỳ vọng về một năm mới cũng phần nào được hiện ra.
Xét trên nguyên tắc tin ra là bán thì rõ ràng tháng 5 không phải là tháng thuận lợi cho thị trường, kỳ vọng về quý II hay nửa năm thì phải tháng 6 mới bắt đầu xuất hiện. Lo ngại này dường như đã được phản ánh vào diễn biến của thị trường trong phiên đầu tiên của tháng 5 diễn ra vào ngày 2/5. Mở cửa ở ngưỡng trên 1.050 điểm, nhưng VN-Index đã nhanh chóng điều chỉnh giảm và kết thúc phiên đã ở dưới ngưỡng 1.030 điểm.
Giá trị giao dịch khớp lệnh trên cả 2 sàn HoSE và HNX cũng chỉ đạt hơn 5.000 tỷ đồng và với việc VN-Index mất khoảng 2% điểm số thì một loạt cổ phiếu cũng giảm mạnh hoặc giảm sàn. Đến đây thì dường như nhiều người đã nghĩ đến hiệu ứng Sell in May đang hiển hiện hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, không một quy luật nào có thể đúng tuyệt đối trên thị trường chứng khoán và Sell in May cũng như vậy.
Một thống kê chỉ ra rằng, trong 5 năm gần nhất thì có đến 4 năm thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm trong tháng 5, đây là điều cần phải đặc biệt lưu tâm. Nhìn lại trong 4 năm quy tắc Sell in May không có tác dụng sẽ thấy tháng 5 thường chứa đựng những biến động bất ngờ, chẳng hạn như giai đoạn 2015, là kỳ vọng về TPP, còn năm 2017, thị trường nằm trong một xu hướng tăng tích cực.
Vậy thị trường chứng khoán Việt Nam năm nay có những gì để có thể đảo ngược quy luật Sell in May? Thoạt nhìn sẽ không có mấy yếu tố tích cực khi VN-Index từ đỉnh 1.200 thiết lập tháng trước đã giảm gần 200 điểm để tiến sát ngưỡng 1.000 điểm. Rất nhiều cổ phiếu đã tăng giá mạnh quay đầu giảm sàn rất nhanh. Thị trường đã mất đến vài tháng để đạt 1.200 điểm nhưng chỉ mất vài tuần để quay lại mốc 1.000 điểm và được ví von như lên thang bộ mà giảm thang máy.
Khi VN-Index hồi phục vào phiên 27/4 trước kỳ nghỉ lễ dài, đạt ngưỡng 1.050 điểm, vẫn le lói những kỳ vọng xuất hiện nhưng việc lại giảm 2% trong phiên đầu tháng 5 đã khiến tâm lý của nhiều nhà đầu tư trở nên bi quan. Nhưng ở đây cũng cần nhắc lại rằng, trong lịch sử, ngay cả những tháng 5 tích cực, hiệu ứng Sell in May bị đảo ngược thì xu hướng của thị trường là rất khó lường.
Mặc dù nhìn lại lịch sử thì điểm số tăng, giá cổ phiếu cũng tăng, nhưng diễn biến trong từng phiên giao dịch lại đánh đố rất nhiều nhà đầu tư. Có những tháng 5, thị trường diễn biến không thuận lợi trong giai đoạn đầu tháng nhưng lại bứt tốc vào cuối tháng.
Rõ ràng, xét trong từng phiên giao dịch thì tình hình có vẻ bi quan, tuy nhiên VN-Index đã giảm rất sâu đủ để đưa nhiều cổ phiếu về những vùng giá thấp trước khi có sóng. Đơn cử như trường hợp của VCB từ mức 75.000 đồng/cổ phiếu giờ chỉ còn hơn 58.000 đồng/cổ phiếu, CTG có những lúc hơn 37.000 đồng/cổ phiếu giờ chỉ còn hơn 27.000 đồng/cổ phiếu, BVH từ hơn 107.000 đồng/cổ phiếu tháng trước nay chỉ còn 87.000 đồng/cổ phiếu…
Cần nhấn mạnh một điều là cổ phiếu giảm mạnh không đồng nghĩa với việc sẽ tăng mạnh nhưng thông thường sẽ có những nhịp hồi phục khá tốt trước khi xác lập một xu thế mới cho thị trường. Hồi đầu năm nay, VN-Index đã một lần giảm xuống dưới ngưỡng 1.000 điểm và bật dậy khá tốt để rồi vượt ngưỡng 1.100 điểm, vượt 1.200 điểm.
Vậy nên ngưỡng 1.000 điểm thêm một lần nữa được kỳ vọng sẽ đủ khả năng tạo ra sức bật cho chỉ số này trong những ngày đến đây. Sau rất nhiều tháng tăng trưởng, thị trường Việt Nam mới có một tháng 4 giảm mạnh và điều này có thể tác động đến tâm lý của nhà đầu tư theo hướng thận trọng hơn, vậy nên dự báo tháng 5 vẫn sẽ có cơ hội xuất hiện trên thị trường, tuy nhiên, kèm theo đó sẽ là những biến động rất mạnh và thành công của nhà đầu tư được quyết định ở việc lựa chọn cổ phiếu hợp lý.