Aa

Có nhiều cách dịch chuyển đất đai mà vẫn đảm bảo lợi ích người dân

Thứ Tư, 24/05/2023 - 06:04

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần đề cập thấu đáo đến cơ chế đồng thuận cộng đồng, cũng như buộc phải định hình lại vai trò của hộ gia đình và cộng đồng dân cư.

Thu hồi đất không có nghĩa là một người đến, một người phải đi

Tại Hội thảo khoa học cấp Quốc gia với chủ đề “Hoàn thiện pháp luật đất đai trong thời kỳ hội nhập”, do trường Đại học Cần Thơ tổ chức mới đây, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, vấn đề người dân thắc mắc, khiếu kiện, khiếu nại nhiều nhất liên quan đến câu chuyện thu hồi đất đối với các dự án có mục tiêu lợi nhuận của chủ đầu tư. 

Trong trường hợp này, phương án thu hồi đất phải để cộng đồng những người thuộc diện thu hồi thảo luận và cho ý kiến. Cuối cùng, cần sự đồng ý của đại đa số (ít nhất 2/3 cộng đồng) thì mới tổ chức thực hiện. Nguyên tắc này cũng được nhiều nước trên thế giới áp dụng, khi tối thiểu 70% người dân liên quan đồng thuận thì dự án được triển khai, sau đó, Nhà nước thực hiện thu hồi đất đối với 30% còn lại không đồng thuận.

Tuy nhiên, theo GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, cho đến nay, đây vẫn là “điểm nghẽn” vì Luật Đất đai năm 2013 (sửa đổi) chưa giải quyết được vấn đề này và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng chưa đề cập thấu đáo. 

Đồng thời, nếu áp dụng cách này ở Việt Nam, cần phải quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm thực thi việc thu hồi đất với 30% không đồng thuận, để dự án sớm triển khai và không để lại hệ lụy. Thậm chí, nếu không quy định rõ sẽ tạo lỗ hổng phát sinh tiêu cực, tham nhũng khi một số doanh nghiệp phải bỏ chi phí “lót tay” nhằm thúc đẩy triển khai dự án.

PGS.TS. Phan Trung Hiền, Trưởng Khoa Luật - Trường ĐH Cần Thơ tại Hội thảo “Hoàn thiện pháp luật đất đai trong thời kỳ hội nhập”. (Ảnh: Doanh nghiệp & Tiếp thị)

Chia sẻ với Reatimes, PGS.TS. Phan Trung Hiền, Trưởng Khoa Luật (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết, hiện nay, chúng ta vẫn nhìn nhận và quản lý giá đất bằng con mắt của người quản lý hành chính nhà nước và chưa thực sự để giá đất được điều tiết theo cơ chế thị trường. Chính vì thế, trên thực tiễn vẫn còn vấn đề áp giá, đặt ra bảng giá một cách chủ quan, thiếu công khai, minh bạch… dẫn tới thiếu sự công bằng, không bảo đảm tiếng nói của người dân trong việc chia sẻ lợi ích đất đai. Nếu không mạnh dạn sửa đổi về giá đất, e rằng khó đạt được sự đồng thuận mỗi khi thu hồi đất thực hiện dự án.

Theo PGS.TS. Phan Trung Hiền, có lẽ hai vấn đề được quan tâm nhất trong Hội thảo “Hoàn thiện pháp luật đất đai trong thời kỳ hội nhập” là thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư và vấn đề giá đất.

Hiện nay, có ba vấn đề gốc rễ trong giá đất: Một là, phải đảm bảo thị trường được lên tiếng. Hai là, đảm bảo cơ chế có tiếng nói của thị trường và tiếng nói của hành chính. Ba là, cơ quan tư pháp phải tham gia quyết định giá đất.

Đối với vấn đề thu hồi đất, khi thoả thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án, chỉ cần một cá nhân không đồng ý cũng khó triển khai thực hiện. Vậy nên, chỉ cần có sự đồng thuận của 70% người sử dụng đất của trên 70% diện tích đất của dự án là có thể thu hồi đất cho dự án.

"Tuy nhiên, chúng ta luôn có suy nghĩ cứ có đất là có thu hồi đất, nghĩa là một người đến một người phải đi. Cách tư duy như vậy chưa hợp lý. Hiện tại trên thế giới có rất nhiều cơ chế để Nhà nước có đất làm dự án mà người dân vẫn có thể ở lại. Ngoài cơ chế thị trường, cơ chế hành chính mà chúng ta đang áp dụng thì có một cơ chế nữa là cơ chế đồng thuận cộng đồng.

Tôi và GS.TSKH. Đặng Hùng Võ đang chỉnh lý lại hai phần của cuốn sách “Chuyển dịch đất đai bắt buộc”, dự kiến xuất bản cùng với thời điểm thông qua Luật Đất đai 2013 (sửa đổi), để công chúng có thể hiểu, chúng ta có nhiều cách để dịch chuyển đất đai mà người dân vẫn được ở lại, thụ hưởng hạ tầng và các giá trị mà dự án mang lại.

Tôi cho đó là những vấn đề mấu chốt để chúng ta giải quyết căn cơ các vấn đề tạm gọi là lớn trong lần sửa đổi Luật Đất đai lần này”, PGS.TS. Phan Trung Hiền kết luận.

Để người dân và cộng đồng dân cư được tham gia quản trị đất đai

Liên quan đến vấn đề quản trị đất đai, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ chia sẻ, hiện quyền của người dân trong lĩnh vực đất đai đã tăng lên so với trước. Ở nhiều nước, người dân có quyền kiện ra tòa dưới tư cách vụ án hành chính. Gần đây, lý thuyết về quản trị được cải thiện ở chỗ, một quyết định quản trị muốn tốt phải theo chiều trên xuống, kết hợp chiều dưới lên, có sự tham gia của cả chính quyền và người dân. Nhưng muốn thực hiện tốt, phải đủ ba yếu tố: Công khai, minh bạch; sự tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. (Ảnh: Tùng Dương/Reatimes)

“Nhiều nơi, nhiều chỗ trong Luật Đất đai 2013 đã đề cập đến vấn đề này, đặc biệt, thể hiện rõ ở điều 199, về quyền giám sát của công dân trong lĩnh vực đất đai; điều 200 là Nhà nước phải xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá để theo dõi toàn bộ quá trình quản lý và sử dụng đất đai.

Đây là hai điều cực kỳ tiến bộ nhưng đáng tiếc là chưa được áp dụng hiệu quả trong thực tế. Vậy nên việc làm rõ yếu tố quản trị đất đai trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) rất quan trọng. Mà để người dân và cộng đồng dân cư tham gia quản trị đất đai thì buộc phải có yếu tố công khai, minh bạch. Tức là mọi thông tin phải được ghi nhận và khi người dân có ý kiến, chính quyền phải có trách nhiệm giải trình. Nguyên lý này đã được áp dụng ở nhiều quốc gia còn chúng ta mới đưa được vào luật”, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ nhận định. 

Bên cạnh đó, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ cũng chỉ ra rằng, đất đai gắn chặt với hộ gia đình và cộng đồng dân cư nhưng hai yếu tố này không có tư cách pháp nhân hay thể nhân do Bộ luật Dân sự chưa thừa nhận. Do đó, rừng cộng đồng cũng không tồn tại trong Luật Lâm nghiệp và Luật Đất đai hiện hành.

Trong khi đó, việc sử dụng rừng cộng đồng đang mang lại hiệu quả rất tốt, được đồng bào dân tộc thiểu số ra sức bảo vệ vì xưa nay họ sống dựa vào rừng. Đặc biệt là cộng đồng thuần khiết (khác với cộng đồng nhiều dân tộc cùng sinh sống) đủ sức mạnh tự cam kết bảo vệ rừng.

“Chúng ta phải thay đổi cách nhìn đối với hộ gia đình và cộng đồng dân cư trong quản trị đất đai, nhất là nhóm người yếu thế. Một người phụ nữ là chủ hộ, nuôi một đàn con, thử hỏi họ không bấu víu vào chính sách của Nhà nước thì bấu víu vào đâu? Theo tôi, phải định hình lại vai trò của hai đối tượng sử dụng đất là hộ gia đình và cộng đồng dân cư, sẽ có “thân phận” như thế nào trong Luật Đất đai 2013 (sửa đổi)?”, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ nêu quan điểm.

Phân tích các mối quan hệ pháp luật đất đai, PGS.TS. Phan Trung Hiền đề xuất bổ sung quyền và trách nhiệm pháp lý của chủ sở hữu về đất đai thành một chương của luật sau chương "Những quy định chung". Trong chương này phải làm rõ các loại quyền và trách nhiệm pháp lý kèm với cơ chế bảo đảm thực hiện các quyền đó, theo đúng tinh thần của Hiến pháp là "đất đai thuộc sở hữu toàn dân". Đồng thời làm rõ trách nhiệm của Nhà nước và các cơ quan Nhà nước được ủy quyền trước toàn dân trong quản lý và sử dụng đất đai về phương diện kinh tế và phương diện xã hội…

"Dưới góc độ kinh tế phải làm sao phát huy và kích hoạt được nguồn lực đất đai; đối với góc độ xã hội phải làm sao giảm khiếu nại, khiếu kiện về đất đai cả về số lượng vụ việc vụ án cũng như mức độ gay gắt và phức tạp của những vụ việc khiếu kiện kéo dài nhiều năm...", PGS.TS. Phan Trung Hiền nhìn nhận.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã khai mạc sáng 22/5, dự kiến bế mạc vào ngày 23/6, sẽ thảo luận và thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó có những vấn đề liên quan đến Dự thảo Luật Đất đai 2013 sửa đổi./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top