Aa

Cổ phiếu bất động sản biến động ra sao trong quý đầu năm?

Thứ Sáu, 03/04/2020 - 09:23

Cùng chiều với diễn biến lao dốc của thị trường chứng khoán nói chung, đa phần các cổ phiếu bất động sản đều giảm và thậm chí còn giảm rất mạnh.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua quý đầu tiên của năm 2020 theo cái cách ít ai ngờ đến. Khởi đầu năm với diễn biến khá tích cực, thậm chí một số cổ phiếu lớn như VCB, BID… còn phá đỉnh lịch sử. 

Tuy nhiên, sự tích cực chỉ duy trì được trong khoảng thời gian trước Tết, sau đó một “thảm họa” đã xảy ra với thị trường khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu lan rộng đến khắp các nước trên thế giới. Các thị trường chứng khoán thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng rơi vào trạng thái hoảng loạn và liên tục xảy ra tình trạng bán tháo. Nhiều phiên giao dịch, nhà đầu tư bán bất chấp bằng mọi giá và đẩy hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn “nằm” sàn liên tục.

Kết thúc quý I, VN-Index đứng ở mức 662,53 điểm, tương ứng giảm hơn 31% so với cuối năm 2019. HNX-Index giảm 9,3% xuống 92,64 điểm. UPCoM-Index cũng giảm gần 15% xuống 47,74 điểm.

Việc thị trường lao dốc mạnh thời gian qua thì nhóm cổ phiếu bất động sản cũng không nằm ngoài xu thế chung. Thống kê khoảng 112 cổ phiếu bất động sản đang niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam ở quý I thì có đến 90 mã giảm giá (37 mã giảm trên 30%) trong khi chỉ có 16 mã tăng.

Nhiều mã bất động sản giảm mạnh thời gian qua có yếu tố thị trường cao như LDG, IJC, DXG, FLC, HDG… Trong đó, giảm mạnh nhất nhóm ngành này là LMH của Landmark Holding với mức giảm lên đến 87,5% từ 8.530 đồng/cp xuống chỉ còn 1.070 đồng/cp. LMH thời gian qua có nhiều chuỗi giảm sàn liên tiếp và đỉnh điểm là chuỗi giảm sàn đến 25 phiên liên từ xuyên suốt từ 25/12/2019 đến 5/2/2020. Dù là công ty trong ngành bất động sản nhưng năm 2019, LMH không có doanh thu từ mảng này. Lợi nhuận sau thuế 2019 chỉ còn 64 triệu đồng, trong khi 2018 ghi nhận 19,5 tỷ đồng. Riêng quý IV/2019, công ty lỗ ròng hơn 4,2 tỷ.

Các cổ phiếu bất động sản giảm giá trên 30% trong quý I/2020

Tiếp đến là VRC của Bất động sản và Đầu tư VRC với mức giảm 74% từ 16.750 đồng/cp xuống 4.330 đồng/cp. Tương tự như LMH, kết quả kinh doanh quý IV cũng như cả năm 2019 của VRC đều rất kém. Quý IV/2019, lãi ròng của VRC chỉ đạt 703,6 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái ghi nhận gần 100 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 25 tỷ đồng, giảm sâu 91% so với năm trước.

Cái tên đáng chú ý tiếp theo là LDG của Đầu tư LDG, cổ phiếu này sau quý I cũng đã mất 52% giá trị. Thậm chí giá cổ phiếu LDG giảm đến mức Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) ngày cuối quý phải ra thông báo bán giải chấp cổ phiếu với cá nhân ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT

Kết quả kinh doanh của LDG năm 2019 cũng không được như ý. Quý IV/2019, lãi sau thuế công ty đạt 255 tỷ đồng, giảm 22%, trong khi doanh thu giảm đến 91%. Lũy kế cả năm, lãi sau thuế 603 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước.

Về kế hoạch năm 2020, ban lãnh đạo công ty đặt mục tiêu đạt 2.756 tỷ đồng doanh thu, gấp 3,5 lần doanh thu đạt được năm 2019. Còn lợi nhuận sau thuế ước đạt 700 tỷ đồng, tăng 16% so với lợi nhuận đạt được năm 2019.

Ở chiều ngược lại, trong danh sách tăng giá ở nhóm bất động sản quý I, có một số cái tên đáng chú ý như: IDJ của Đầu tư IDJ Việt Nam, AMD của Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone, HPX của Đầu tư Hải Phát, đây đều là những cổ phiếu có yếu tố thị trường cao trong khi các mã còn lại đa phần đều có thanh khoản yếu.

Cổ phiếu IDJ tăng từ 6.200 đồng/cp lên 15.700 đồng/cp, tương ứng mức tăng 153%. Việc IDJ tăng giá hoàn toàn trái ngược với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này trong năm 2019. Lợi nhuận sau thuế của IDJ đạt 6,29 tỷ đồng, giảm 87,84% so với cùng kỳ. So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra, kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp chỉ hoàn thành 79,97% và 40,67% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế.

Tiếp đến là cổ phiếu AMD với mức tăng 40% từ 1.960 đồng/cp lên 2.740 đồng/cp. Đà tăng của AMD xuất hiện vào cuối tháng 2 và chủ yếu đến từ thông tin HĐQT công ty đã thông qua chủ chương sáp nhập vào CTCP đầu tư Khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (Mã CK: GAB). Thời điểm đó, AMD đã có 13 phiên tăng trần liên tiếp và thị giá đã được kéo lên đến 5.200 đồng/cp. Tuy nhiên, diễn biến giá cổ phiếu AMD sau đó đi theo đúng cái cách mà một số nhà đầu tư thường nói về hàng penny là “lên thế nào xuống như vậy”, AMD đã có 9 phiên giảm sàn liên tiếp trong những ngày cuối tháng 3.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top