Aa

Cổ phiếu bất động sản đồng loạt tăng trần trong phiên VN-Index điều chỉnh

Thứ Bảy, 07/08/2021 - 06:00

VN-Index giảm điểm trở lại sau 9 phiên tăng liên tiếp. Nhóm bất động sản ghi nhận nhiều cổ phiếu bứt phá mạnh, thậm chí được kéo lên mức giá trần.

Thị trường chứng khoán điều chỉnh trở lại trong phiên 6/8 và chấm dứt chuỗi 9 phiên tăng điểm liên tiếp của VN-Index. Khởi động phiên giao dịch, các chỉ số vẫn đi theo chiều hướng tích cực và đều tăng điểm trước sự nâng đỡ của một số cổ phiếu vốn hóa lớn.

Tuy nhiên, biến động chủ yếu của các chỉ số ở phiên này là biến động hẹp quanh mốc tham chiếu do sự phân hóa ở nhóm cổ phiếu lớn là rõ nét. Tâm điểm của thị trường phiên này là nhóm cổ phiếu bất động sản. Trong khi thị trường chung biến động đi ngang tích lũy thì nhóm bất động sản đua nhau bứt phá. Trong đó, các cổ phiếu như NTB, SSH, PVR, CLG, TDH, VRC hay thậm chí là BCM đều được kéo lên mức giá trần.

Bên cạnh đó, NDN tăng 5,9% lên 21.600 đồng/cp, DIG tiếp tục tăng 4,7% lên 29.050 đồng/cp, CEO tăng 3,4% lên 9.000 đồng/cp, DRH tăng 2,7% lên 9.290 đồng/cp.

Biến động của cổ phiếu các nhóm ngành phiên 6/8.
Biến động của cổ phiếu các nhóm ngành phiên 6/8 (Nguồn: Vietstock).

VHM phiên này tăng 2% lên 113.900 đồng/cp nhưng cũng không thể đủ sức giữ sắc xanh của VN-Index do áp lực từ nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn khác là quá mạnh.

Chiều ngược lại, các mã bất động sản lớn như VIC, NVL, PDR hay THD đều chìm trong sắc đỏ, dù vậy, mức giảm của các mã này không quá lớn. VIC giảm 0,6% xuống 113.300 đồng/cp. Mới đây, VIC thông báo 18/8 là ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ gần 12,5%. Số lượng cổ phiếu phát hành thêm là 422,8 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, một số cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ thanh khoản cao cũng biến động tiêu cực như PTL, AMD, HAR, HPX, KHG… Trong đó, PTL bị kéo xuống mức giá sàn 8.930 đồng/cp. AMD giảm 6% xuống 4.510 đồng/cp.

Trong khi đó, hàng loạt cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng hay chứng khoán đều biến động tiêu cực và khiến các chỉ số đi xuống. VCI giảm 2,5%, HCM giảm 2,4%, STB giảm 2,4%, SSI giảm 1,9%, VPB giảm 1,9%.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm trở lại 4,1 điểm (-0,3%) xuống 1.341,45 điểm. Toàn sàn có 177 mã tăng, 200 mã giảm và 43 mã đứng giá. HNX-Index đi ngang tức vẫn giữ mốc 325,46 điểm. Toàn sàn có 108 mã tăng, 89 mã giảm và 78 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,35 điểm (+0,4%) xuống 88,28 điểm.

Thanh khoản thị trường tăng so với phiên trước, trong đó, giao dịch khớp lệnh chiếm 25.350 tỷ đồng, tăng 18%.

Khối ngoại mua ròng nhẹ 55 tỷ đồng trong phiên 6/8, trong đó, bộ đôi cổ phiếu DXG và DXS nằm trong top 10 về giá trị mua ròng của khối ngoại. DXG được mua ròng 28 tỷ đồng và DXS là 21 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VRE, VIC, DIG, NVL và KBC nằm trong danh sách các cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 31,4 điểm (2,4%) lên 1.351,85 điểm; HNX-Index tăng 10,61 điểm (3,4%) lên 325,46 điểm. Thanh khoản trên hai sàn gia tăng so với tuần trước đó nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 tuần với trung bình khoảng 23.800 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Giá trị giao dịch trên HoSE tăng 21% lên 102.714 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 25,7% lên 3,2 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 53,6% lên 16.704 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 50,2% lên 668 triệu cổ phiếu.

VN-Index có tuần hồi phục thứ hai liên tiếp với thanh khoản gia tăng so với tuần trước đó nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 tuần cho thấy lực cầu mua lên trong tuần qua là chưa thực sự mạnh, một bộ phận nhà đầu tư vẫn đang đứng ngoài thị trường. Khối ngoại quay trở lại mua ròng trong tuần qua với gần 2.500 tỷ đồng trên hai sàn cũng phần nào hỗ trợ cho đà hồi phục của thị trường.

Tuy nhiên, trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index vẫn chưa thể vượt qua được vùng kháng cự của sóng hồi phục b và thanh khoản cao nhất trong phiên giảm điểm vào cuối tuần là những tín hiệu cảnh báo về khả năng đảo chiều xu hướng. Trong kịch bản tiêu cực, nếu VN-Index xuyên thủng hỗ trợ quanh 1.325 điểm thì có thể coi bước vào sóng điều chỉnh c với mục tiêu quanh 1.150 điểm. Theo đó, trong tuần giao dịch tiếp theo 9 - 13/8, thị trường có khả năng sẽ bước vào giai đoạn rung lắc khi mà áp lực chốt gia tăng trong vùng kháng cự 1.325 - 1.350 điểm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top