Phiên giao dịch ngày 3/12 diễn biến theo chiều hướng tích cực. Thị trường mở cửa phiên với sắc xanh chiếm ưu thế và giúp kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu. Tuy nhiên, tương tự như các phiên trước, áp lực vẫn còn và nhanh chóng khiến thị trường rơi vào trạng thái rung lắc biến động hẹp.
Đà tăng của thị trường chỉ được nới rộng trong phiên chiều với sự bứt phá của một số cổ phiếu trụ cột. Tâm điểm của thị trường là 2 cổ phiếu nhóm thép và bất động sản. Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản (bao gồm cả bất động sản khu công nghiệp), rất nhiều mã tăng mạnh trong phiên 3/12. Trong đó, các mã như MH3, HIZ, ASM, D11, BII, ASM, DIG, SJS, SGR hay ITA đều được kéo lên mức giá trần. Đáng chú ý, DIG có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp. CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam đã mua vào gần 68 triệu cổ phần DIG, chính thức trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ nắm giữ 21,49% vốn.
Bên cạnh đó, NTC tiếp tục tăng 12% lên 258.300 đồng/cp. Hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền để NTC tạm ứng cổ tức năm 2020 bằng tiền tỷ lệ 60% và phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 50%.
HAR chốt phiên cũng tăng 6,4% lên 4.300 đồng/cp, PDR tăng 6,4% lên 43.500 đồng/cp, CIG tăng 5% lên 66.000 đồng/cp. BCM gây chú ý khi tăng 3,2% lên 41.600 đồng/cp vào cuối phiên, trong khi trước đó, cổ phiếu này có lúc giảm xuống 39.800 đồng/cp.
Ngoài ra, không có quá nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao giảm sâu trong phiên 3/12. Các mã giảm đáng chú ý có CEO (-1,4%), DRH (-1,3%), FIT (-1,1%), SCR (-0,7%).
Quay trở lại với diễn biến của các chỉ số, hàng loạt cổ phiếu trụ cột như HPG, VIB, SSI, VPB, BVH... tăng giá mạnh và giúp duy trì vững sắc xanh của các chỉ số, trong đó, VN-Index được kéo lên sát với mốc 1.020 điểm. VIC tăng 0,8% lên 105.800 đồng/cp và cũng đóng góp không nhỏ trong đà tăng của VN-Index phiên 3/12.
Tuy nhiên, sau một vài phiên nâng đỡ thị trường tốt, các mã như MBB, TPB, SAB, VJC hay PLX đều điều chỉnh trở lại.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 5,48 điểm (0,54%) lên 1.019,8 điểm. Toàn sàn có 267 mã tăng, 146 mã giảm và 84 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,19 điểm (0,79%) lên 151,99 điểm. Toàn sàn có 86 mã tăng, 62 mã giảm và 68 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,42 điểm (0,61%) lên 69,02 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn giảm nhẹ so với phiên trước đó nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 10.796 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 579 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 798 tỷ đồng. ITA dẫn đầu khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với 32 triệu cổ phiếu. Ngoài ra, TCH và HQC cũng là 2 mã bất động sản nằm trong top 10 mã khớp lệnh với lần lượt 17 triệu cổ phiếu và 11,3 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại giao dịch tích cực khi mua ròng 445 tỷ đồng trên toàn thị trường. VIC và KDH là 2 mã bất động sản được khối ngoại mua ròng mạnh với lần lượt 36 tỷ đồng và 20 tỷ đồng. Trong khi đó, không có mã bất động sản nào nằm trong danh sách bán ròng mạnh của khối ngoại.
Theo phân tích của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường tăng điểm phiên thứ ba liên tiếp với mức tăng không thực sự mạnh và thanh khoản khớp lệnh cao hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy lực cầu mua lên là tương đối tốt nhưng áp lực bán ra cũng không hề yếu. Trên biểu đồ kỹ thuật, VN-Index hiện kết phiên ngay dưới ngưỡng 1.020 điểm và phía trước là vùng kháng cự mạnh trong khoảng 1.020 - 1.030 điểm (đỉnh tháng 10/2018 và đỉnh tháng 11/2019) nên áp lực chốt lời sẽ trở nên mạnh hơn trong phiên tiếp theo, khả năng điều chỉnh trở lại có thể xảy ra với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 1.000 điểm và xa hơn quanh 985 điểm (MA20).
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 12 tăng mạnh hơn so với chỉ số cơ sở VN30 trong phiên 3/12, qua đó chuyển từ basis âm sang basis dương 2,56 điểm, cho thấy các nhà giao dịch kỳ vọng đà tăng sẽ tiếp diễn.
Tuy nhiên, đứng trước vùng kháng cự mạnh trong hai năm liên tiếp cùng với lượng hàng lớn T+3 từ phiên 1/12 về tài khoản thì SHS cho góc nhìn thận trọng hơn. SHS dự báo VN-Index có thể sẽ điều chỉnh trở lại trước áp lực chốt lời trong vùng kháng cự 1.020 - 1.030 (đỉnh tháng 10/2018 và đỉnh tháng 11/2019). Nhà đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu cao có thể bán ra chốt lời trong vùng kháng cự 1.020 - 1.030 điểm. Nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao có thể canh những nhịp điều chỉnh về quanh ngưỡng 1.000 điểm (nếu có) để bắt đáy thăm dò./.