Thị trường chứng khoán biến động hẹp trong phiên giao dịch ngày 11/11 với sự phân hóa mạnh ở nhóm cổ phiếu trụ cột. Dù các chỉ số giao dịch ở trên mốc tham chiếu trong phần lớn thời gian của phiên nhưng mức tăng đều không quá mạnh.
Nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục là tâm điểm của thị trường với việc PVS tăng 4,9% lên 15.000 đồng/cp và tác động tích cực nhất đến HNX-Index; PVD tăng 3,4% lên 12.050 đồng/cp; GAS tăng 1,4% lên 73.200 đồng/cp. GAS cũng là cổ phiếu có đóng góp lớn thứ 2 trong việc giữ sắc xanh của VN-Index.
Trong khi đó, các cổ phiếu có đóng góp quan trọng cho VN-Index và HNX-Index gồm GVR, MWG, VIC, MBB, ACB, VCS, VIF… Khép phiên, GVR tăng đến 3,2% lên 16.300 đồng/cp và khớp lệnh 5,2 triệu cổ phiếu, VIC tăng nhẹ 0,2% lên 105.800 đồng/cp.
Ở chiều ngược lại, HVN, PNJ, SSI, VHM, BCM, VRE… đều chìm trong sắc đỏ và tạo ra áp lực rất lớn lên các chỉ số. HVN sau phiên tăng mạnh trước đó thì đến phiên 11/11 đã điều chỉnh giảm 1,8% xuống 27.000 đồng/cp, PNJ giảm 1,5% xuống 71.900 đồng/cp, VHM giảm 1% xuống 76.600 đồng/cp.
Sự phân hóa ở nhóm bất động sản diễn ra rất rõ nét trong phiên hôm qua. Ở chiều đi lên, các mã có thanh khoản cao như TNT, SJS, NTL, NLG, SCR, CII, FLC… đều đồng loạt tăng giá tốt, trong đó, TNT được kéo lên mức giá trần 2.090 đồng/cp, đây cũng là phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp của cổ phiếu này sau khi lao dốc rất mạnh ở tuần trước. SJS tăng 5,2% lên 25.600 đồng/cp, FLC tăng trở lại 0,9% lên 4.550 đồng/cp sau 2 phiên giảm sâu.
Chiều ngược lại, PDR, KBC hay KOS là những cổ phiếu bất động sản giảm sâu, trong đó, PDR giảm 2,8% xuống 38.900 đồng/cp, KBC giảm 2,4% xuống 14.000 đồng/cp. Các cổ phiếu có yếu tố thị trường cao như KDH, ITA, HQC, AGG, TCH… đều chìm trong sắc đỏ, tuy nhiên mức giảm của các mã này không quá lớn.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 0,32 điểm (0,03%) lên 952,22 điểm. Toàn sàn có 179 mã tăng, 226 mã giảm và 82 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,45 điểm (0,32%) lên 141,82 điểm. Toàn sàn có 70 mã tăng, 56 mã giảm và 71 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,87 điểm (1,36%) lên 65,03 điểm.
Thanh khoản khớp lệnh trên hai sàn niêm yết giảm so với phiên trước đó nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 8.952 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch 456 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 1.430 tỷ đồng. FLC vẫn đứng đầu danh sách khớp lệnh toàn thị trường với 28,5 triệu cổ phiếu. Đây cũng là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top khớp lệnh phiên 11/11.
Khối ngoại vẫn giao dịch theo chiều hướng rất tiêu cực khi bán ròng 592 tỷ đồng ở sàn HoSE. Trong top 10 mã bị khối ngoại bán ròng có 2 cổ phiếu bất động sản là KDH và VHM với lần lượt 44 tỷ đồng và 26 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VRE, HDG và SZC nằm trong top các mã được mua ròng, trong đó VRE được mua ròng 29 tỷ đồng, HDG và SZC lần lượt là 6,8 tỷ đồng và 6,1 tỷ đồng.
Theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường hồi phục nhẹ với thanh khoản suy giảm nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy lực cầu mua lên trong phiên hôm qua là không thực sự ấn tượng. Tuy nhiên, trên biểu đồ kỹ thuật, VN-Index vẫn kết phiên trên ngưỡng tâm lý 950 điểm (vùng giá trước khi Covid-19 diễn ra) nên khả năng để thị trường tiếp tục hồi phục trong phiên hôm nay là vẫn còn với vùng kháng cự gần nhất trong khoảng 960 - 970 điểm (đỉnh tháng 10/2020).
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 11 tăng mạnh hơn so với chỉ số cơ sở VN30, qua đó nới rộng mức basis dương lên thành 4,72 điểm cho thấy các nhà giao dịch vẫn lạc quan về xu hướng hiện tại.
SHS dự báo, VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm với vùng kháng cự gần nhất trong khoảng 960 - 970 điểm (đỉnh tháng 10/2020). Những nhà đầu tư đã bắt đáy một phần tỷ trọng danh mục trong phiên 28/10 và đã chốt lời trong phiên 10/11 nên đứng ngoài và quan sát thị trường trong phiên tới, có thể giải ngân một phần danh mục nếu thị trường có nhịp giảm về quanh ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 940 điểm (MA20).
Trong khi đó, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo VN-Index sẽ tăng điểm nhẹ với diễn biến giằng co, tăng giảm đan xen trong phiên 12/11. Về xu hướng tổng thể, BVSC vẫn duy trì quan điểm cho rằng, VN-Index sẽ hình thành các nhịp tăng giảm trong vùng 900 - 910 điểm cho đến vùng 970 - 990 điểm để tạo nền giá tích lũy mới trong ngắn hạn. Biến động tích cực của thị trường chứng khoán thế giới sẽ hỗ trợ cho đà đi lên của thị trường. Nhà đầu tư cũng sẽ bắt đầu hướng sự chú ý nhiều hơn đến các thông tin về kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2020 của các doanh nghiệp niêm yết./.