Aa

TTCK tiếp tục hồi phục trong tuần từ 23 – 27/5, nhóm bất động sản phân hóa mạnh

Chủ Nhật, 29/05/2022 - 06:15

Dù thị trường chứng khoán tiếp tục có sự hồi phục trong tuần từ 23 – 27/5 nhưng giao dịch trong nhóm bất động sản diễn ra có phần thận trọng và sự phân hóa diễn ra khá mạnh.

Thị trường hồi phục tuần thứ hai liên tiếp sau chuỗi sáu tuần giảm liên tiếp trước đó trước thanh khoản vẫn ở mức thấp. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 44,74 điểm (+3,6%) lên 1.285,45 điểm, HNX-Index tăng 4,15 điểm (+1,4%) lên 311,17 điểm, UPCoM-Index tăng 1,18 điểm (1,25%) lên 95,29 điểm.

Giá trị giao dịch trên HoSE tăng 7,7% so với tuần trước đó với 73.179 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 5,6% lên 2,89 tỷ cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 3,8% so với tuần trước đó với 8.837 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 2,8% lên 405 triệu cổ phiếu.

Tuy thị trường biến động khá tích cực nhưng đa phần dòng tiền chỉ tập trung vào một số nhóm ngành. Trong khi đó, nhóm bất động sản lại không thực sự có được sự bùng nổ. Thống kê 123 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán, trong tuần từ 23 – 27/5 có 68 mã tăng và 44 mã giảm giá.

Cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất là LGL của Công ty Cổ phần (CTCP) Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang với gần 18% từ 5.900 đồng/cp lên 6.960 đồng/cp. Mới đây, HĐQT doanh nghiệp này đã quyết định thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ 20,8 triệu cổ phần tại CTCP Xây dựng Hạ Long, tương đương 40% vốn điều của doanh nghiệp này. HĐQT thống nhất ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT thương thảo, đàm phán giá chuyển nhượng nhưng không thấp hơn 15.000 đồng/cp…

Hai cổ phiếu VNI của CTCP Đầu tư Bất động sản Việt Nam và VHD của CTCP Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Vinaconex tăng lần lượt 14,6% và 12,5%. Tuy nhiên, thanh khoản của hai cổ phiếu thuộc diện rất thấp với khối lượng khớp lệnh trung bình lần lượt 140 đơn vị/phiên và 580 đơn vị/phiên.

20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất tuần từ 23 - 27/5.
20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất tuần từ 23 - 27/5.

Cổ phiếu CEO của Tập đoàn C.E.O tiếp tục biến động tích cực khi tăng 11,6% chỉ sau một tuần giao dịch. Thanh khoản của CEO cũng có sự cải thiện hơn so với tuần trước đó. Tổng khối lượng khớp lệnh bình quân đạt gần 5,4 triệu đơn vị/phiên, cao hơn mức 4,5 triệu đơn vị/phiên của tuần trước đó.

IDJ của CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam tiếp tục tăng 10,5%. Thông tin hỗ trợ cho cổ phiếu này được cho vẫn đến từ Nghị quyết HĐQT triển khai phương án chi trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu và phát hành ESOP. Theo đó, doanh nghiệp sẽ phát hành khoảng hơn 19,1 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 13%. Về phương án phát hành ESOP, công ty dự kiến chào bán gần 7,4 triệu cổ phiếu cho các cán bộ công nhân viên đáp ứng đủ tiêu chuẩn. Thời gian thực hiện dự kiến là quý II - III/2022.

Cổ phiếu TIG của Tập đoàn Đầu tư Thăng Long tăng 9,3% ở tuần qua nhờ thông tin ông Nguyễn Phúc Long - Chủ tịch HĐQT đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu TIG để tăng sở hữu cổ phiếu. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ 27/5 đến 24/6/2022 thông qua phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Hiện tại, ông Long đang nắm giữ gần 29,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 18,43% vốn của TIG.

VRE của CTCP Vincom Retail gây bất ngờ khi tăng gần 9% trong tuần giao dịch từ 23 – 27/5. Bên cạnh đó, nhiều mã bất động sản thanh khoản cao như HDG của Tập đoàn Hà Đô, KBC của Tổng Công ty Đô thị Kinh Bắc, ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo… đều giao dịch theo chiều hướng tích cực.

Ở chiều ngược lại, TBH của Tổng Bách Hóa biến động tiêu cực nhất nhóm bất động sản khi giảm đến gần 15%. Tuy nhiên, cổ phiếu này vẫn nằm trong diện hạn chế giao dịch trên UPCoM và chỉ được giao dịch trong phiên thứ Sáu hàng tuần.

FLC của Tập đoàn FLC giảm hơn 11% trong tuần vừa qua. Ngày 25/5, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) ra quyết định đưa cổ phiếu của FLC cũng hai mã ROS và HAI từ diện "kiểm soát" sang diện "hạn chế giao dịch" từ ngày 1/6. Nguyên nhân là do FLC, ROS và HAI chậm nộp báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định.

Cũng trong ngày 25/5, Phó Tổng giám đốc phụ trách HoSE là bà Trần Anh Đào đã ký quyết định về việc quy định thời gian giao dịch đối với chứng khoán niêm yết thuộc diện bị hạn chế giao dịch tại HOSE. Theo đó, các chứng khoán này chỉ được giao dịch phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thỏa thuận.

Cổ phiếu cùng “họ” FLC là AMD của CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone bị “vạ lây” khi ba cổ phiếu trên lao dốc. Trong tuần qua, AMD giảm 6,4% với thanh khoản tăng mạnh. Khối lượng khớp lệnh bình tuần đạt 2,5 triệu đơn vị/phiên, tăng 85% so với tuần trước đó.

20 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất trong tuần từ 23 - 27/5.
20 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất trong tuần từ 23 - 27/5.

THD của CTCP Thaiholdings tiếp tục giảm 5,4% và hiện chỉ còn 53.000 đồng/cp. Ngày 26/5, ông Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy), cổ đông lớn của Thaiholdings có thông báo đăng ký giao dịch cổ phiếu. Theo đó, Bầu Thụy muốn bán toàn bộ 87,4 triệu cổ phiếu Thaiholdings, tương ứng thoái 24,97% vốn. Giao dịch dự kiến thực hiện trong tháng 6 tới đây.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn, VHM của CTCP Vinhomes giao dịch khá tích cực khi tăng hơn 4,3%. Vinhomes công bố ngày 1/6 đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2021 bằng tiền. Tỷ lệ 20%, tương đương một cổ phiếu được nhận 2.000 đồng. Với gần 4,4 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Vinhomes sẽ chi hơn 8.708,7 tỷ đồng để thanh toán cổ tức cho cổ đông. Ngày thanh toán 22/6.

Hai mã vốn hóa tiếp theo là VIC của Tập đoàn Vingroup và NVL của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va tăng nhẹ 0,3% và 0,8%. Trong top 10 về vốn hóa nhóm bất động sản có 3 mã giảm giá là BCM của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp (-3,3%), SSH của CTCP Phát triển Sunshine Homes (-6%), KSF của CTCP Tập đoàn KSFinance (-2,2%)./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top