Aa

Cổ phiếu bất động sản tiếp tục lao dốc trong tuần 17 - 21/1 dù có dấu hiệu được "giải cứu"

Chủ Nhật, 23/01/2022 - 06:03

Tương tự như tuần trước, cổ phiếu bất động sản tiếp tục lao dốc mạnh trong tuần từ 17 - 21/1. Tuy nhiên, nhiều mã có yếu tố đầu cơ cao được "giải cứu" trong hai phiên cuối tuần.

Thị trường chứng khoán tiếp tục biến động tiêu cực trong tuần giao dịch từ 17 - 21/1 với thanh khoản đi xuống. Cụ thể, VN-Index giảm 23,13 điểm (-1,5%) xuống 1.472,89 điểm. HNX-Index giảm 49,02 điểm (-10,5%) xuống 417,84 điểm. UPCoM-Index cũng giảm 2,54 điểm (-2,26%) xuống 109,68 điểm.

Tổng giá trị giao dịch bình quân của hai sàn niêm yết (HoSE và HNX) chỉ đạt gần 27.000 tỷ đồng/phiên.

Cổ phiếu bất động sản tiếp tục là nhóm tiêu cực nhất trong tuần qua khi giảm mạnh liên tiếp trong ba phiên đầu tuần và chỉ thực sự được "giải cứu" trong hai phiên còn lại, hàng loạt cổ phiếu ghi nhận mức giảm mạnh.

Thống kê 123 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán thì có đến 96 mã giảm trong khi chỉ có 22 mã tăng giá.

Cổ phiếu giảm mạnh nhất và cũng là mã tác động tiêu cực nhất đến HNX-Index chính là THD của CTCP Thaiholdings. Trong tuần, THD giảm một mạch từ 252.500 đồng/cp xuống chỉ còn 170.500 đồng/cp, tương ứng mức giảm 32,5%. Cổ phiếu THD giảm dù không có thông tin nội tại nào tiêu cực, rất có thể những thông tin tác động xấu đến nhóm bất động sản thời gian gần đây đã ảnh hưởng tiêu cực đến cổ phiếu này.

20 cổ phiếu bất động sản tăng mạnh nhất tuần 17 - 21/1
20 cổ phiếu bất động sản giảm mạnh nhất tuần 17 - 21/1

Đứng thứ 2 trong danh sách giảm giá ở nhóm bất động sản là FLC của Tập đoàn FLC với 19,88%. Cổ phiếu này tiếp tục có 4 phiên giảm sàn liên tiếp và chỉ thực sự được “giải cứu” trong phiên cuối tuần. Tính từ phiên 7/1, cổ phiếu FLC đã mất gần 43%. Ngày 18/1/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT của FLC. Theo đó, ông Quyết bị phạt 1,5 tỷ đồng do thực hiện bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào ngày 10/1/2022 nhưng không báo cáo về việc dự kiến giao dịch. Bên cạnh đó, ông Trịnh Văn Quyết còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng.

Một cổ phiếu cùng họ FLC là AMD của CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone cũng giảm 16,7% sau một tuần giao dịch. Cổ phiếu AMD được "giải cứu" sau 7 phiên giảm sàn liên tiếp.

Bên cạnh đó, cổ phiếu NBB của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy cũng giảm đến hơn 17,8%. Tương tự như họ FLC, cổ phiếu NBB cũng được “giải cứu” sau chuỗi giảm sàn liên tiếp. NBB cùng với CII là hai cổ phiếu trước đó đã có đợt bứt phá rất mạnh khi được mệnh danh là "trùm đất" Thủ Thiêm. Tuy nhiên sau khi một doanh nghiệp bất động sản lớn xin đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất tại Thủ Thiêm đã tác động tiêu cực đến các cổ phiếu bất động sản liên quan.

Mới đây, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh vừa thông báo đã hoàn tất bán ra 5,2 triệu cổ phiếu NBB của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy. Giao dịch thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận từ 12/1 đến 20/1/2022. Sau giao dịch, CII giảm lượng sở hữu cổ phiếu NBB từ hơn 65,4 triệu đơn vị (tỷ lệ 65,32%) xuống còn 60,22 triệu đơn vị (tỷ lệ 60,13%). Ngay sau đó CII lại tiếp tục ra thông báo đăng ký bán thêm 9 triệu cổ phiếu NBB, muốn hạ tiếp tỷ trọng sở hữu tại NBB và để cân đối tài chính. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận từ 25/1 đến 23/2/2022.

Bên cạnh đó, hàng loạt cổ phiếu bất động sản như PVL của CTCP Đầu tư Nhà đất Việt, ITC của CTCP Đầu tư - Kinh doanh nhà, BII của CTCP Louis Land, CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền… cũng đồng loạt lao dốc.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu FDC của CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh đi ngược nhóm bất động sản nói chung và tăng mạnh nhất dòng này với 17,72%.

20 cổ phiếu bất động sản giảm mạnh nhất tuần 17 - 21/1
20 cổ phiếu bất động sản tăng mạnh nhất tuần 17 - 21/1

Ngoài FDC, nhóm bất động sản cũng ghi nhận hai cổ phiếu tăng giá trên 10% trong tuần qua là KAC của CTCP Đầu tư Địa ốc Khang An và FIR của CTCP Địa ốc First Real. Ông Nguyễn Hào Hiệp, một nhà đầu tư, vừa thông báo đã bán xong 2 triệu cổ phiếu FIR để cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư. Giao dịch thực hiện ngày 18/1/2021. Sau giao dịch, ông Hiệp giảm lượng sở hữu cổ phiếu FIR từ hơn 6,25 triệu đơn vị (tỷ lệ 23,14%) xuống còn hơn 4,25 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 15,74%).

Trong khi đó, toàn bộ 10 cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn nhất đều giảm so với tuần trước đó. Dù vậy, mức giảm đa phần dưới 4%. Bên cạnh THD, cổ phiếu giảm mạnh ở nhóm này là DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng với 7,76%. CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam vừa báo cáo đã bán xong 6.228.000 cổ phiếu DIG. Giao dịch thực hiện trong 2 ngày 13 và 14/1/2022. Sau giao dịch, Địa ốc Him Lam giảm lượng sở hữu cổ phiếu DIG từ hơn 64,87 triệu đơn vị (tỷ lệ 12,98%) xuống còn gần 58,65 triệu đơn vị (tỷ lệ 11,73%)./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top