Aa

Chứng khoán lại bị bán tháo trong phiên 12/7, cổ phiếu BĐS đua nhau giảm sàn

Thứ Ba, 13/07/2021 - 06:28

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động tiêu cực trong phiên 12/7 khi áp lực bán tháo xảy ra và kéo hàng loạt cổ phiếu “nằm sàn”. Trong đó, nhóm bất động sản cũng không nằm ngoài xu hướng thị trường chung.

Thị trường chứng khoán phiên đầu tuần 12/7 tiếp tục biến động theo chiều hướng tiêu cực. Ngay từ đầu phiên, các chỉ số đã giảm điểm trước sự lao dốc của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn. Đà giảm của thị trường bị nới rộng thêm trước áp lực bán tháo mạnh. Có thời điểm trong phiên VN-Index giảm trên 75 điểm.

Đôi lúc, lực cầu xuất hiện ở vùng giá thấp và giúp các chỉ số hồi phục và thu hẹp một phần đà giảm. Tuy nhiên, trước lệnh bán giá thấp “ồ ạt” đẩy vào thị trường, đà giảm của các chỉ số nhanh chóng bị nới rộng.

Đà bán tháo lan rộng đến nhiều nhóm ngành cổ phiếu, trong đó rất nhiều mã bị kéo xuống mức giá sàn. Ba nhóm ngành cổ phiếu được coi là tâm điểm của thị trường thời gian qua gồm ngân hàng, chứng khoán và thép – “Bank – Chứng – Thép” đồng loạt lao dốc trước áp lực bán tháo mạnh ở phiên 12/7, trong đó, các mã như HCM, ACB, VPB, HSG, CTG... đều bị kéo xuống mức giá sàn. VND giảm đến 9,6%, SHB giảm 8,8%, BID giảm 6,5%, SSI giảm 5,9%, VCI giảm 6,4%, TCB giảm 5,5%.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 12/7.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. (Nguồn: Fialda)

Dù vậy, lực cầu bắt đáy xuất hiện vào cuối phiên giúp các chỉ số không đóng cửa ở mức thấp nhất phiên. Một số mã thu hẹp được đà giảm như SAB, VNM, PLX... Bên cạnh đó, các mã vốn hóa lớn hiếm hoi còn tăng giá trong phiên này là PVS, PVD, MSN, VJC, MWG... trong đó, PVS tăng đến 3,8% lên 24.300 đồng/cp, PVD tăng 2,7% lên 19.000 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 12/7.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. (Nguồn: Fialda)

VN-Index còn giảm 50,84 điểm (-3,77%) xuống 1.296,3 điểm. Toàn sàn có 36 mã tăng, 374 mã giảm và 12 mã đứng giá. HNX-Index giảm 13,75 điểm (-4,48%) xuống 292,98 điểm. Toàn sàn có 30 mã tăng, 213 mã giảm và 27 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 3,19 điểm (-3,66%) xuống 83,89 điểm.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, giao dịch diễn ra cũng không khá hơn là bao. Do là nhóm cổ phiếu có độ nhạy cao với biến động của thị trường chung nên cũng không khó hiểu khi hàng loạt mã bị kéo xuống mức giá sàn như BII, LDG, CII, FIT, ASM, TDH, DRH, HQC, FLC... Bên cạnh đó, IDC cũng giảm đến 9,4%, IDV giảm 8,5%, CEO giảm 7,1%, SCR giảm 6,5%, TCH giảm 6,3%, BCM giảm 5,6%, DXG giảm 4,3%...

Hai cổ phiếu HPX và D2D dù có thông tin hỗ trợ nhưng cũng không thể tránh khỏi một phiên giảm. Trong đó, HPX giảm 3,9% xuống 31.800 đồng/cp, D2D giảm 1,4% xuống 50.200 đồng/cp. HPX công bố Nghị quyết HĐQT thông qua phương án phát hành 39,7 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020, tỷ lệ phân phối 15%.

Trong khi đó, D2D công bố quyết định HĐQT thông qua việc thuê lại đất của Sonadezi Châu Đức. Cụ thể, D2D thuê một phần lô đất số 41 với tổng diện tích 13,1ha thuộc khu công nghiệp Châu Đức, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Thời gian thuê đất từ ngày ký hợp đồng thuê lại đến tháng 10/2058.

Các cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn như BCM, VIC, VHM, PDR hay VRE cũng đều có mức giảm trên 3%.

Ở hướng ngược lại, NVL gây bất ngờ khi tăng trở lại 1,5% bất chấp thị trường chung bị bán tháo. NVL cũng là cổ phiếu có tác động tích cực lớn thứ 2 đến VN-Index chỉ sau MSN.

SJS tăng 5,6% lên 60.000 đồng/cp. HĐQT Tổng Công ty Sông Đà - CTCP (SJG) vừa thông qua phương án thoái vốn tại SJS. Theo đó, SJG sẽ bán toàn bộ gần 42 triệu cổ phiếu, tương đương 36,7% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành của SJS qua phương thức đấu giá cả lô. Giá khởi điểm bán đấu giá lô cổ phiếu trên là 80.000 đồng/cp, tương ứng số tiền SJG có thể thu về hơn 3.340 tỷ đồng.

Thanh khoản thị trường tăng vọt so với các phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh toàn thị trường đạt 34.400 tỷ đồng, trong đó, FLC vẫn là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh với 26,7 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại đẩy mạnh mua ròng hơn 1.400 tỷ đồng ở phiên 12/7, trong danh sách 10 cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất có đến 6 mã thuộc nhóm bất động sản là KDH (76 tỷ đồng), DXG (73 tỷ đồng), KBC (42 tỷ đồng), VRE (41 tỷ đồng), VHM (36 tỷ đồng) và NVL (36 tỷ đồng). Chiều ngược lại, VIC là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top bán ròng của khối ngoại với 11 tỷ đồng.

Theo CTCP Chứng khoán MB (MBS) sau khi giảm hơn 73 điểm ở tuần trước, thị trường giảm thêm gần 75 điểm trong phiên hôm nay trước khi có lực cầu bắt đáy vào thị trường ở cuối phiên chiều. VN-Index đã mất 155 điểm kể từ đỉnh, tương đương mức điều chỉnh giảm gần 11% nên đã kích hoạt lực cầu bắt đáy ở những phút cuối phiên này đẩy thanh khoản thị trường lên mức kỷ lục mới, đặc biệt là một số cổ phiếu trong rổ VN30. Về kỹ thuật, VN-Index đang có vùng hỗ trợ ở 1.257 - 1.267 điểm. Nhà đầu tư vẫn chưa vội bắt đáy, điều cần làm lúc này là ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm margin, không bình quân giá.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top