Aa

Nhiều cổ phiếu BĐS lớn giảm sâu, VN-Index mất gần 14 điểm trong phiên 8/7

Thứ Sáu, 09/07/2021 - 06:00

Các chỉ số chứng khoán giảm trở lại ở phiên 8/7 trước áp lực bán ở nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn. Nhóm cổ phiếu bất động sản có sự phân hóa nhưng nhiều mã lớn ở nhóm ngành này lao dốc mạnh.

Sau phiên hồi phục hôm 7/7, thị trường chứng khoán phiên 8/7 đi theo chiều hướng tiêu cực trở lại. Những biến động ở phiên này chứng minh việc đi lên hôm 7/7 chỉ là hồi phục kỹ thuật. Ngay từ đầu phiên giao dịch, sắc đỏ đã áp đảo ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và điều này đẩy các chỉ số lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Hầu hết thời gian của phiên giao dịch, VN-Index biến động ở dưới mốc tham chiếu.

Các cổ phiếu chịu áp lực bán mạnh đều thuộc diện có ảnh hưởng rất lớn đến các chỉ số. Trong đó, SHB giảm sâu 5,4% xuống 28.100 đồng/cp, VCB giảm 2,1% xuống 111.000 đồng/cp, GVR giảm 2% xuống 33.950 đồng/cp, PLX giảm 1,7% xuống 52.300 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 8/7.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. (Nguồn: Fialda)

Nhóm cổ phiếu ngành thép biến động tiêu cực trở lại, trong đó các mã đầu ngành như HPG, HSG… đều giảm sâu. HPG giảm 1,8% xuống 49.000 đồng/cp, HSG giảm 4,6% xuống 37.100 đồng/cp.

Đáng kể nhất ở phiên này, các cổ phiếu bất động sản là nhóm có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. Trong đó, cả 3 cổ phiếu họ Vingroup đều giảm sâu. Chốt phiên, VRE giảm 3,2% xuống 29.900 đồng/cp, VIC giảm 2,6% xuống 111.000 đồng/cp, còn VHM giảm 1,7% xuống 115.000 đồng/cp. VIC có tác động xấu nhất đến VN-Index khi lấy đi của chỉ số này 2,94 điểm (-0,21%). VHM cũng lấy đi của chỉ số này 1,9 điểm (-0,14%).

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 8/7.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. (Nguồn: Fialda)

NVL gây chú ý khi giảm đến 6,1% xuống 110.800 đồng/cp. Ngay từ đầu phiên giao dịch, cổ phiếu này đã bị áp lực bán rất mạnh. Ở thời điểm gần cuối phiên, NVL phải chịu áp lực bán tháo và có lúc bị kéo xuống mức giá sàn. Dù vậy với lực cầu giá thấp ở cuối phiên, NVL thoát khỏi mức giá sàn với khối lượng khớp lệnh riêng trong phiên ATC là hơn 1,5 triệu đơn vị. Ngoài ra, NVL còn bị khối ngoại bán ròng đến 625 tỷ đồng. Khối lượng khớp lệnh của NVL cũng vọt lên hơn 9,7 triệu cổ phiếu. Mới đây, NVL đã công bố Nghị quyết HĐQT về việc phê duyệt các điều kiện phát hành tối đa 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế với giá chuyển đổi ban đầu 135.700 đồng/cổ phiếu. Tỷ lệ thực hiện quyền chuyển đổi là 33.915,9 cổ phiếu/trái phiếu. Trái phiếu có kỳ hạn 5 năm kể từ ngày phát hành với lãi suất 5,25%/năm. Mệnh giá 200.000 USD/trái phiếu. Dự kiến trái phiếu được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Singapore.

Ngoài ra, hàng loạt cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ như TCH, IDC, NTL, KBC, OGC… cũng chìm trong sắc đỏ. TCH sau phiên hồi phục mạnh hôm trước đã điều chỉnh trở lại với mức giảm 3,9% xuống 21.050 đồng/cp, IDC giảm 2,8% xuống 35.000 đồng/cp.

Ở chiều ngược lại, đà giảm của thị trường chung phần nào được kìm hãm trước sự nâng đỡ của các cổ phiếu lớn khác như MWG, MSN, VIB, GAS, HVN, VCG… Trong đó, MSN tăng 3,3% lên 119.800 đồng/cp, MWG tiếp tục tăng 4% lên 172.500 đồng/cp, GAS tăng 1,6% lên 93.000 đồng/cp.

Một số cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ thanh khoản cao vẫn biến động tích cực như BII, DXG, NDN, IDV, DIG, TIG, LHG, CII… Trong đó, BII có phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp lên 9.300 đồng/cp. DXG tăng 4,8% lên 22.950 đồng/cp. Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có thông báo ngày 15/7 là phiên giao dịch đầu tiên của hơn 358,2 triệu cổ phiếu của CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Đất Xanh Services, mã CK: DXS). Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 32.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá niêm yết này bằng giá chào bán lần đầu cho công chúng (hơn 35,8 triệu cổ phiếu) và thấp hơn giá 4x (trên 40.000 đồng/cp) mà lãnh đạo công ty dự kiến trong buổi roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/7, VN-Index giảm 13,87 điểm (-1%) xuống 1.374,68 điểm. Toàn sàn có 148 mã tăng, 204 mã giảm và 68 mã đứng giá. HNX-Index giảm 3,85 điểm (-1,2%) xuống 315,98 điểm. Toàn sàn có 91 mã tăng, 97 mã giảm và 68 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,65 điểm (-0,73%) xuống 88,49 điểm.

Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên trước và thấp hơn mức trung bình 20 phiên, tổng giá trị khớp lệnh chỉ ở mức 22.000 tỷ đồng. FLC vẫn là cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với 14 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 8/7.
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất. (Nguồn: Fialda)

Khối ngoại bán ròng trở lại 250 tỷ đồng ở phiên 8/7, trong đó, bên cạnh việc xả mạnh NVL, khối ngoại còn bán ròng một cổ phiếu bất động sản khác là VRE với 41 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VHM vẫn được mua ròng mạnh nhất với 174 tỷ đồng. Ngoài ra, KDH và DXG là 2 mã bất động sản được khối ngoại mua ròng mạnh với lần lượt 38 tỷ đồng và 36 tỷ đồng.

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán MB (MBS), việc thị trường điều chỉnh là một trong các dấu hiệu xác nhận phiên phục hồi mạnh mẽ hôm 7/7 mang tính kỹ thuật. Tuy vậy, mức dao động của thị trường ở phiên này nhỏ hơn so với 3 phiên trước đó và cũng thấp hơn so với bình quân 5 phiên gần đây trong bối cảnh thanh khoản giảm cũng có thể là tín hiệu của việc thị trường đang đi tìm điểm cân bằng sau nhịp giảm gần 90 điểm vừa qua. Nhà đầu tư vẫn chưa vội bắt đáy, điều cần làm lúc này là ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm margin, không bình quân giá, đưa tỷ trọng về mức cân bằng hoặc thấp./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top