Aa

Cổ phiếu BĐS đua nhau tăng giá phiên đầu năm 2021, TDH tiếp tục giảm sàn

Thứ Ba, 05/01/2021 - 06:10

Cổ phiếu bất động sản vẫn nhận được dòng tiền tốt và đua nhau tăng giá ở phiên 4/1. TDH có phiên giảm sàn thứ 2 sau thông tin bị thu hồi VAT và tiền phạt hơn 396 tỷ đồng.

Tiếp đà hưng phấn sau khi kết thúc năm 2020 một cách tốt đẹp, thị trường chứng khoán khởi đầu phiên giao dịch đầu tiên của năm 2021 với sắc xanh bao trùm lên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Hai chỉ số chính VN-Index và HNX-Index đều vươn lên trên mốc tham chiếu.

Đầu phiên giao dịch là khoảng thời gian bùng nổ của nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán, các “ông lớn” trong ngành này gồm SSI, VCI, HCM, VND… đều bứt phá mạnh và giúp tâm lý nhà đầu tư trở nên khởi sắc hơn. Nhóm chứng khoán vẫn được cho là hưởng lợi từ việc thị trường chứng khoán tăng không ngừng cùng với thanh khoản luôn duy trì ở mức cao sẽ giúp kết quả kinh doanh đi lên trong quý IV và cả năm 2020.

Tuy nhiên, nhóm chứng khoán sau đó đã phải nhường “sân” cho nhóm ngân hàng và đây cũng là động lực chính giúp giữ vững đà tăng của 2 chỉ số VN-Index và HNX-Index bất chấp việc đôi lúc thị trường gặp phải áp lực rung lắc. Trong đó, VPB tăng đến 5,2%, TCB tăng 4,8%, MBB tăng 4,1%, STB tăng 3,8%, TPB tăng 3,7%, CTG tăng 2,7%.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Đà tăng cũng lan rộng đến nhiều nhóm cổ phiếu và bất động sản cũng không phải ngoại lệ. Các mã như NRC, BII, KBC, ITA, DTA, FIT, HQC hay VRC đều được kéo lên mức giá trần. Mới đây, KBC công bố quyết định HĐQT thông qua việc chuyển nhượng 9,85 triệu cổ phiếu Công ty Đầu tư Sài Gòn Huế. HĐQT giao Ban Tổng giám đốc chỉ đạo các phòng ban liên quan triển khai thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định để hoàn tất thủ tục chuyển nhượng 100% số cổ phần sở hữu tại Đầu tư Sài Gòn Huế vào ngày 31/12/2020.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Bên cạnh đó, nhiều mã bất động sản thanh khoản cao cũng tăng giá rất mạnh. PWA tăng 8,4% lên 12.900 đồng/cp, CEO tăng 8% lên 13.500 đồng/cp, DIG tăng 6,7% lên 29.550 đồng/cp, HDG tăng 6,1% lên 41.500 đồng/cp. HDG thông báo chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền nhận tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2020 bằng tiền mặt tỷ lệ 10% (1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng/cp). Với hơn 154 triệu cổ phiếu đang lưu hành, số tiền công ty chi trong đợt này là hơn 154 tỷ đồng. Ngày đăng ký cuối cùng vào 26/1 và thời gian thanh toán dự kiến ngày 20/3.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến UPCoM-Index. Nguồn: Fialda.

Ở chiều ngược lại, TDH vẫn là mã gây thất vọng nhất trong nhóm bất động sản khi có phiên giảm sàn thứ 2 sau khi thông tin bị thu hồi VAT và tiền phạt hơn 396 tỷ đồng. Đáng chú ý, từ ngày 18/12 đến ngày 30/12/2020 ông Lê Dã Hạc, con trai ông Lê Chí Hiếu - Chủ tich HĐQT của TDH đã bán 77.510 cổ phiếu TDH theo phương thức khớp lệnh, đưa tỷ lệ sở hữu tại công ty này về 0% ngay trước khi đơn vị này nhận thông tin không vui ở trên.

Ngoài ra, một số cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao giảm giá trong phiên đầu năm 2021 còn có PVL, (-5,3%), CRE (-2,1%), HPX (-1,8%), NVL (-1,4%), LDG (-0,9%).

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 16,6 điểm (1,5%) lên 1.120,47 điểm. Toàn sàn có 380 mã tăng, 75 mã giảm và 44 mã đứng giá. HNX-Index tăng 3,16 điểm (1,56%) lên 206,28 điểm. Toàn sàn có 131 mã tăng, 61 mã giảm và 56 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,25 điểm (-0,34%) xuống 74,2 điểm.

Thanh khoản trên hai sàn niêm yết tăng so với phiên trước đó và cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 17.945 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 883 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 1.995 tỷ đồng. 3 cổ phiếu bất động sản góp mặt vào danh sách 10 mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường là HQC, ITA và FLC, trong đó, HQC khớp lệnh 29,6 triệu cổ phiếu, ITA và FLC khớp lệnh lần lượt 20 triệu cổ phiếu và 15,6 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại bán ròng trở lại 371 tỷ đồng ở phiên 4/1, trong đó, KBC là mã bất động sản duy nhất nằm trong danh sách 10 mã bán ròng mạnh nhất với 30 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VHM và NVL là mã 2 bất động sản được khối ngoại mua ròng mạnh với lần lượt 83 tỷ đồng và 22 tỷ đồng.

Theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), phiên giao dịch đầu năm mới 2021 diễn ra trong không khí hứng khởi khi mà hệ thống hoạt động trơn tru với việc nâng lô tối thiểu lên 100 cổ phiếu. VN-Index tiến vào vùng kháng cự 1.120 - 1.130 điểm (đỉnh tháng 1, 2/2018) và áp lực chốt lời tại đây khiến mức tăng bị thu hẹp lại. Trên khía cạnh định lượng, thị trường đã phá kỷ lục trong giai đoạn 2015 - 2020 với 9 tuần tăng liên tiếp 20% với việc vượt qua ngưỡng 1.110 điểm trong phiên hôm nay. Điều này cũng cho thấy sức nóng của thị trường trong giai đoạn hiện tại.

Tâm lý cứ mua là thắng đang tràn ngập, nhưng điều này cũng cảnh báo khả năng điều chỉnh mạnh sau đó. Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai VN30 cao hơn chỉ số cơ sở từ 17 - 20 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 6/2019 đến nay, thể hiện mức độ chấp nhận rủi ro cao từ các nhà giao dịch. Trong giai đoạn hiện tại, nhà đầu tư nên tiếp tục cơ cấu danh mục theo hướng bảo vệ thành quả đã đạt được trước đó và chờ đợi thị trường điều chỉnh về các vùng giá hấp dẫn hơn như quanh 1.080 điểm (MA20) và 1.020 điểm (MA50) để mua vào nhằm đón sóng tăng tiếp theo lên quanh ngưỡng 1.200 điểm (đỉnh tháng 4/2018) có thể diễn ra trong năm 2021.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top