Aa

Tiếp đà hưng phấn, cổ phiếu bất động sản đua nhau bứt phá

Thứ Ba, 29/12/2020 - 06:00

Thị trường chứng khoán tiếp tục đi lên bất chấp thông tin có thêm ca bệnh mới trong cộng đồng. Nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn diễn biến theo chiều hướng tích cực.

Ngay từ đầu phiên giao dịch 28/12, thị trường chứng khoán Việt Nam đã nhận được lực cầu mạnh và các chỉ số đều bứt phá. Hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn tăng mạnh ngay từ đầu phiên, tạo lực đẩy kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu.

Tương tự như các phiên trước, nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn là tâm điểm, trong đó, các mã như TCI, AAS, SBS, SHS, API, CTS hay VIG đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, “ông lớn” SSI cũng tăng đến 5,6% lên 32.000 đồng/cp, FTS tăng 4,9% lên 16.000 đồng/cp, VND tăng 4% lên 30.000 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Tương tự nhóm chứng khoán, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng diễn biến tích cực không kém khi nhóm này tập hợp nhiều cổ phiếu có yếu tố thị trường cao. Các mã như PNT, EIN, BII, OCH, TIX, DRH, OGC, HAR, CCL, LGL, KBC hay TDH đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, THD tiếp tục tăng 5,1% lên 104.000 đồng/cp và chỉ đứng sau PVS và SHS về mức độ ảnh hưởng tích cực đến HNX-Index.

Ngoài ra, VCR cũng tăng 11,4% lên 21.500 đồng/cp, ITA tăng 6,5% lên 7.240 đồng/cp, SCR tăng 6,4% lên 8.960 đồng/cp, SJS tăng 4,6% lên 27.200 đồng/cp. HDG tăng 4,2% lên 36.250 đồng/cp. Mới đây, HDG đã thông qua việc tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2020 bằng tiền mặt. Tỷ lệ thực hiện là 10% (1 cổ phiếu được nhận 10.000 đồng/cp). Thời gian thực hiện dự kiến trong quý I/2021.

Chiều ngược lại, tương tự như các phiên trước, không có quá nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao giảm sâu trong phiên 28/12. Trong đó, IDC gây chú ý khi giảm 3,8% xuống 35.200 đồng/cp và có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến HNX-Index khi lấy đi của chỉ số này 0,37 điểm (-0,19%). AGG giảm 1,5% xuống 28.800 đồng/cp, LDG giảm 0,9% xuống 7.700 đồng/cp.

Một nhóm cổ phiếu khác cũng gây chú ý là dầu khí khi PVS và PVD được kéo lên mức giá trần. GAS tăng 3,2% lên 86.900 đồng/cp. Bên cạnh đó, các cổ phiếu vốn hóa lớn khác như BVH, GVR, HPG, VCS... cũng đều kết thúc phiên giao dịch trong sắc xanh.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Trong khi đó, khá nhiều cổ phiếu trụ cột giảm giá như BCM, CTG, STB, MWG, TPB, HDB, KDC, SAB... và điều này phần nào kìm hãm lại đà tăng của các chỉ số.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến UPCoM-Index. Nguồn: Fialda.

Chốt phiên, VN-Index tăng 6,91 điểm (0,64%) lên 1.092,33 điểm. Toàn sàn có 240 mã tăng, 194 mã giảm và 64 mã đứng giá. HNX-Index tăng 4,11 điểm (2,14%) lên 196,57 điểm. Toàn sàn có 119 mã tăng, 90 mã giảm và 45 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,16 điểm (0,22%) lên 73,1 điểm.

Thanh khoản trên hai sàn niêm yết tăng so với phiên trước đó và tiếp tục cao trên trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 16.931 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch 889 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 2.412 tỷ đồng. ITA đứng đầu danh sách khớp lệnh toàn thị trường với 28 triệu cổ phiếu, đây cũng là mã bất động sản duy nhất lọt vào danh sách 10 mã khớp lệnh mạnh nhất.

Khối ngoại tiếp tục giao dịch tiêu cực khi bán ròng gần 380 tỷ đồng trên toàn thị trường. VRE và NVL là 2 mã bất động sản nằm trong top 10 mã bị khối ngoại bán ròng mạnh. Chiều ngược lại, HDG và BCM nằm trong danh sách 10 mã được mua ròng mạnh nhất với lần lượt 22 tỷ đồng và 17,4 tỷ đồng.

Theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN-Index tăng phiên thứ hai liên tiếp, qua đó vượt qua ngưỡng kháng cự quanh 1.084 điểm (đỉnh tháng 5/2018), mở ra dư địa tăng với vùng kháng cự tâm lý gần nhất quanh 1.100 điểm và kháng cự tiếp theo trong khoảng 1.120 - 1.130 điểm (đỉnh tháng 1, 2/2018). 

Phiên 29/12 sẽ là thời điểm mà lượng hàng bắt đáy trong phiên 24/12 về tài khoản nhà đầu tư nên những rung lắc sẽ diễn ra mạnh hơn khi nhà đầu tư quyết định chốt lời, và khả năng thị trường điều chỉnh hoàn toàn có thể xảy ra.

Tuy nhiên, basis trên thị trường phái sinh duy trì mức dương lớn từ 10 đến 13 điểm cho thấy các nhà giao dịch vẫn lạc quan về khả năng tăng tiếp. Với xu hướng hiện tại thì thị trường có thể tiếp tục rung lắc trong phiên tới với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 1.084 điểm và xa hơn quanh 1.055 điểm. Nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao có thể tiếp tục bán ra giảm tỷ trọng trong các nhịp tăng để giảm rủi ro nếu thị trường điều chỉnh. Nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao đã bắt đáy một phần trong phiên 24/12 có thể canh chốt lời và chờ đợi điều chỉnh về các vùng giá thấp hơn để tham gia trở lại.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top