Aa

Cổ phiếu BĐS đua nhau tăng trần trong phiên 22/7, KHG giảm sàn

Thứ Sáu, 23/07/2021 - 06:00

Thị trường chứng khoán tăng mạnh trong phiên 22/7 trước sự bứt phá của nhiều nhóm ngành cổ phiếu. Nhóm bất động sản hút được dòng tiền tốt và ghi nhận nhiều cổ phiếu tăng trần.

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động tích cực trong phiên 22/7. Tâm lý nhà đầu tư tiếp tục tỏ ra thận trọng ở đầu phiên sau những rung lắc đáng kể ở phiên 21/7. VN-Index và HNX-Index có thời điểm lùi xuống dưới mốc tham chiếu ở đầu phiên do những áp lực lớn ở nhiều cổ phiếu trụ cột. Tuy nhiên, lực cầu nhanh chóng xuất hiện và giúp kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu. Sắc xanh ngay sau đó áp đảo hoàn toàn ở nhóm vốn hóa lớn.

Tuy nhiên, thanh khoản trong phiên sáng tiếp tục giảm so với cùng thời điểm phiên trước đó cho thấy một bộ phận nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng và đứng ngoài.

Giao dịch trên thi trường diễn ra sôi động hơn ở phiên chiều khi dòng tiền chảy vào mạnh hơn, thanh khoản cũng được cải thiện đáng kể. Cùng với đó, đà tăng của các chỉ số đều được nới rộng thêm do nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đồng loạt bứt phá.

Đa số các nhóm ngành cổ phiếu đều tăng giá ở phiên 22/7, trong đó, các các mã vốn hóa lớn như GVR, FPT, BVH, GAS, TPB… đồng loạt tăng giá mạnh. GVR tăng đến 4,3%, FPT tăng 3,2%, BVH tăng 2,6%...

Biến động các nhóm ngành cổ phiếu phiên 22-7
Biến động các nhóm ngành cổ phiếu phiên 22/7 (Nguồn: Vietstock)

Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng biến động tích cực khi ghi nhận hàng loạt cổ phiếu bứt phá. Nhóm bất động sản được cho là hưởng lợi từ việc các ngân hàng đang giảm lãi suất cho vay. Ở phiên 22/7, các cổ phiếu bất động sản như CEO, KDH, CRE, IJC, SZC, DIG… đều được kéo lên mức giá trần. CRE tăng trần lên 47.800 đồng/cp sau thông tin cổ phiếu này được HoSE đưa ra khỏi danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ CRE. ASM tăng trần sau tin HĐQT doanh nghiệp này thông qua phương án phát hành hơn 77,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 và 2020 cho cổ đông, tương đương tỷ lệ phân phối 30%. Vốn điều lệ dự kiến tăng từ 2.588 tỷ đồng lên 3.365 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, DXG tăng 6,6% lên 21.950 đồng/cp, ITA tăng 6% lên 6.190 đồng/cp, LDG tăng 5,2% lên 6.030 đồng/cp, NLG tăng 4,8% lên 40.000 đồng/cp, IDC tăng 4,4% lên 33.200 đồng/cp, HDG tăng 3,7% lên 53.500 đồng/cp. VCR tăng 5,2% lên 22.400 đồng/cp bất chấp thông tin báo lỗ 7 quý liên tiếp. Cụ thể, riêng quý II/2021, VCR lỗ hơn 3,5 tỷ đồng.

Đối với các cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc nhóm bất động sản, toàn bộ 7 mã gồm BCM, VRE, VHM, VIC, PDR, NVL và THD đều tăng giá mạnh, trong đó, BCM được kéo lên mức giá trần 41.500 đồng/cp, VRE tăng 2,9% lên 28.200 đồng/cp, VHM tăng 2,8% lên 111.000 đồng/cp, VIC tăng 2,1% lên 106.200 đồng/cp… Mới đây, VIC vừa huy động thành công 2.600 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền. Trái phiếu có kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 4 kỳ tính lãi đầu tiên là 8,1%/năm (kỳ tính lãi 3 tháng 1 lần), các kỳ tiếp theo bằng tổng của tối đa 3,7%/năm và lãi suất tham chiếu. Tập đoàn cho biết sẽ sử dụng toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành để tăng vốn cho Công ty cổ phần Vinpearl – công ty con nắm giữ 99,97% vốn.

Phiên 22/7 vẫn ghi nhận một số cổ phiếu bất động sản đi ngược xu hướng thị trường chung và giảm giá khá mạnh. Trong đó, KHG bất ngờ giảm sàn xuống 21.200 đồng/cp. Trước đó, KHG đã tăng trần trong cả 3 phiên giao dịch đầu tiên ở sàn HNX với mức tăng lên đến gần 57%. Các mã giảm đáng chú ý còn có TEG, HPX, LHG hay DRH…

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 22,88 điểm (1,8%) lên 1.293,67 điểm. Toàn sàn có 308 mã tăng, 79 mã giảm và 35 mã đứng giá. HNX-Index tăng 5,17 điểm (1,72%) lên 305,97 điểm. Toàn sàn có 143 mã tăng, 56 mã giảm và 169 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 1,27 điểm (1,51%) lên 85,57 điểm.

Thanh khoản thị trường cải thiện hơn phiên trước với tổng giá trị khớp lệnh đạt 17.600 tỷ đồng, tăng 20%.

Các cổ phiếu có giá trị mua-bán ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 22-7.
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất. (Nguồn: Fialda)

Khối ngoại tiếp tục bán ròng khoảng hơn 500 tỷ đồng, trong đó, dòng vốn này tiếp tục bán ròng mạnh mã VIC với giá trị 450 tỷ đồng và tiếp tục thực hiện chủ yếu thông qua thỏa thuận. Bên cạnh VIC, các mã bất động sản gồm KDH, PDR và NLG cũng nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại. Chiều ngược lại, các mã bất động sản được khối ngoại mua ròng mạnh có NVL, DXG, VHM và VRE. Trong đó, NVL được mua ròng gần 47 tỷ đồng. VHM được mua ròng 45 tỷ đồng. VHM và VRE được mua ròng lần lượt 36 tỷ đồng và 25 tỷ đồng.

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index hồi phục khá mạnh với thanh khoản được cải thiện so với phiên trước đó nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy lực cầu mua lên là chưa thực sự mạnh, một bộ phận nhà đầu tư vẫn đang thận trọng với diễn biến thị trường. Trên góc nhìn phân tích kỹ thuật, thị trường đang trong sóng hồi phục sau sóng điều chỉnh trước đó và thanh khoản thấp trong giai đoạn này là việc hoàn toàn dễ hiểu. Dự báo, trong phiên giao dịch 23/7, thị trường có thể sẽ tiếp tục hồi phục với mục tiêu (target) là ngưỡng kháng cự vừa mang tính tâm lý lẫn kỹ thuật quanh 1.300 điểm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top