Aa

Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giảm trong tuần 12 - 16/7, SHB đi ngược

Chủ Nhật, 18/07/2021 - 06:00

Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giảm giá trong tuần từ 12 - 16/7 và là nguyên nhân chính đẩy VN-Index đi xuống. Trong khi đó, SHB bứt phá góp phần giúp HNX-Index có được mức tăng điểm nhẹ

Kết thúc tuần từ 12 - 16/7, VN-Index đứng ở mức 1.299,31 điểm, tương ứng giảm 48,83 điểm (-3,55%) so với tuần trước đó. UPCoM-Index cũng giảm 1,75 điểm (-2,01%) xuống 85,33 điểm. Trong khi đó, HNX-Index tăng nhẹ trở lại 1,03 điểm (0,34%) lên 307,76 điểm.

Như vậy, thêm một tuần giao dịch nữa mà thị trường chứng khoán Việt Nam đi xuống và nhóm ngân hàng tiếp tục là nhân tố chủ chốt đẩy thị trường đi xuống. Trong số 26 cổ phiếu ngân hàng giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua chỉ có duy nhất SHB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội tăng giá trong khi toàn bộ 25 cổ phiếu còn lại đều giảm. SHB đi ngược xu hướng của nhóm ngân hàng khi tăng 8,1% và là nhân tố quan trọng giúp HNX-Index tăng điểm trong khi VN-Index và HNX-Index giảm.

Cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất tuần qua là VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam với mức giảm 14,4%. Tiếp sau đó là những cái tên thuộc sàn UPCoM là BVB của Ngân hàng TMCP Bản Việt, PGB của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex, ABB của Ngân hàng Ngân hàng TMCP An Bình và Ngân hàng TMCP Kiên Long.

Các cổ phiếu đầu ngành ngân hàng như VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam, BIDV của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam cũng đều giảm trên 5%.

Biến động 26 cổ phiếu ngân hàng trong tuần giao dịch từ 12-16-7.
Biến động 26 cổ phiếu ngân hàng trong tuần giao dịch từ 12 - 16/7.

Việc nhóm ngân hàng giảm sâu dù những phiên cuối tuần xuất hiện các thông tin hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần đã được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021 (room tín dụng). Theo thông tin trên Báo Đầu Tư, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) được nâng room tín dụng từ 10,5% lên 15%; Ngân hàng TMPC Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) được nâng room tín dụng từ 8,5% lên 12,1%; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) tăng room từ 10% lên 14%; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) được nới room tín dụng từ 6,5% lên 10,5%, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (TCB) nới room tín dụng từ 12% lên 17%, VIB từ 8,5% lên 14,1%, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB) được nâng room tín dụng lên 17,4%...

Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư cho rằng nhóm cổ phiếu ngân hàng đi xuống trong tuần qua do ảnh hưởng từ biến động xấu của thị trường chung khi các chỉ số đang trong xu hướng điều chỉnh sau khoảng thời gian tăng không ngừng nghỉ trước đó. Bên cạnh đó, thông tin các ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay cũng tác động xấu đến nhóm cổ phiếu “vua”. Cụ thể, tại cuộc họp ngày 12/7 giữa Hiệp hội Ngân hàng với 16 ngân hàng lớn nhất hệ thống, các ngân hàng này đã đồng thuận sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm 2021 để tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch Covid-19.

Theo Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE), có sự lan rộng của các quan điểm bi quan rằng tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng trong nửa cuối năm 2021 và sẽ có điều chỉnh giảm đối với lợi nhuận của các ngân hàng…

Dù vậy, theo tìm hiểu của MBKE, quyết định ghi nhận lợi nhuận vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào mỗi ngân hàng và NHNN sẽ không can thiệp vào hoạt động của NHTM. Tuy nhiên, các NHTM quốc doanh, trong đó NHNN là cổ đông lớn, sẽ phải tuân theo chỉ đạo chặt chẽ hơn từ NHNN.

MBKE cho rằng các NHTM trong nước sẽ hưởng ứng lời kêu gọi của NHNN về việc giảm lãi suất cho vay bằng cách tung ra một số gói tín dụng ưu đãi, nhưng sẽ có các tiêu chí dành cho bên vay để có thể tiếp cận được các khoản tín dụng này. Kinh nghiệm từ năm ngoái cho thấy, tác động của của việc cắt giảm lãi suất cho vay đối với các ngân hàng là có thể kiểm soát được. Giả sử trong kịch bản cực đoan rằng các NHTM sẽ ngay lập tức cắt giảm 100 điểm cơ bản lãi suất cho vay đối với 100% khoản cho vay, chúng tôi ước tính mức giảm thu nhập từ lãi (trong 5 tháng còn lại) sẽ dao động trong khoảng 5 - 10% thu nhập lãi thuần ước tính cả năm 2021 của các ngân hàng này.

Dự báo lợi nhuận các ngân hàng.
Dự báo lợi nhuận các ngân hàng. Nguồn: MBKE

Ảnh hưởng đối với lợi nhuận có thể được giảm bớt nhờ vào thu nhập từ phí tăng mạnh và khoản trích lập dự phòng vừa phải trong năm nay. Lấy ví dụ, MBB và VCB, các ngân hàng này báo cáo tỷ lệ bao phủ nợ xấu lần lượt là 311% và 270% vào cuối quý II, tỷ lệ này cho thấy 2 ngân hàng nói trên đều đã trích lập dự phòng quá mức. Do đó, nửa cuối năm 2021, các ngân hàng này vẫn còn dư địa để quản lý việc trích lập dự phòng nhằm đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận, góp phần hỗ trợ cho các kế hoạch tăng vốn mới.

Đà tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam chắc chắn sẽ giảm tốc trong nửa cuối năm 2021 do các ngân hàng đều đã ghi nhận lợi nhuận tăng cao trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, nếu nhìn vào bức tranh cả năm, các ngân hàng Việt Nam vẫn sẽ đạt tăng trưởng tốt, với mức tăng 33% theo ước tính hiện tại với 17 ngân hàng niêm yết.

Hiện tại, MBKE sẽ không điều chỉnh giảm dự báo và cho rằng cần thiết để nâng dự báo tăng trưởng 2021 đối với TCB và MB lên mức trên 40%.

Tóm lại, MBKE không bi quan về triển vọng tăng trưởng lợi nhuận 2021 của các ngân hàng Việt Nam trước động thái của NHNN. CTCK này cho rằng, hầu hết các ngân hàng sẽ đạt được dự báo lợi nhuận như đã trình bày ở trên, trong đó tiềm tăng tăng trưởng đối với TCB và MBB thậm chí còn lớn hơn. Tuy nhiên, cổ phiếu của một nửa số ngân hàng Việt Nam (chủ yếu là các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ) đã bước vào vùng định giá cao sau khi tăng mạnh kể từ đầu năm. Do đó, sự điều chỉnh có thể sẽ xảy ra đối với cổ phiếu của các ngân hàng này.

Trong khi đó, MBKE nhận thấy vẫn còn tiềm năng tăng giá đối với một số ngân hàng có nền tảng cơ bản tốt và động lực tăng giá rõ ràng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top