Aa

Cổ phiếu BĐS giảm sàn hàng loạt trong phiên 6/7, NVL vẫn tăng giá

Thứ Tư, 07/07/2021 - 06:00

Thị trường chứng khoán bất ngờ chịu áp lực bán tháo trong phiên 6/7, trong đó, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng không nằm ngoài xu thế này.

Thị trường chứng khoán Việt Nam phiên 6/7 biến động theo cách hết sức bất ngờ. Các chỉ số tăng điểm ngay từ đầu phiên giao dịch sau những nỗ lực hồi phục ở cuối phiên 5/7. Đà tăng của các chỉ số duy trì ở phần lớn thời gian của phiên giao dịch. Nhiều nhà đầu tư đã nghĩ đến một phiên hồi phục tốt cho các chỉ số.

Tuy nhiên, biến động bất ngờ xảy đến khi áp lực bán mạnh bất ngờ xảy ra và kéo hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn giảm sâu, chính điều này đẩy các chỉ số lùi sâu xuống dưới mốc tham chiếu. Diễn biến ở phiên ATC còn gây bất ngờ hơn khi lực bán “ồ ạt” đẩy vào thị trường và xuất hiện tình trạng bán tháo ở nhiều mã cổ phiếu. Trạng thái “mua bên trăng” (giảm sàn trắng bên mua) diễn ra ở nhiều mã trụ cột như LPB, TPB, VCG, PVD, MBB, HSG, GVR, STB, TCB, CTG hay MSB…

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 6/7.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. (Nguồn: Fialda)

Đà bán tháo của thị trường bắt nguồn từ nhóm cổ phiếu chứng khoán, từ đó lan rộng đến nhiều nhóm cổ phiếu khác. Các mã chứng khoán như SSI, VND, SHS, BVS, MBS, HCM… đồng loạt giảm sàn.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu trụ cột như GAS, HDB, HPG, FPT, BID, PLX, ACB… cũng đồng loạt lao dốc và giảm trên 4%. Trong đó, GAS mất 6,7% xuống 85.800 đồng/cp, HDB giảm 6,4% xuống 35.000 đồng/cp, HPG giảm 6,3% xuống 48.000 đồng/cp. FPT giảm 6,1% xuống 87.000 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 6/7.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. (Nguồn: Fialda)

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 56,34 điểm (-3,99%) xuống 1.354,79 điểm, đây là mức giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ hôm 28/1. Toàn sàn có 59 mã tăng, 350 mã giảm và 19 mã đứng giá. HNX-Index cũng giảm 9,25 điểm (-2,82%) xuống 318,51 điểm. Toàn sàn có 59 mã tăng, 149 mã giảm và 47 mã đứng giá.

Như vậy, trong 2 ngày đầu hệ thống giao dịch mới của HoSE do FPT cung cấp đi vào vận hành, VN-Index đã mất gần 65,5 điểm (-4,6%).

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chung bị bán tháo thì vẫn có một số cổ phiếu lớn giữ được sắc xanh như NVL, VJC, VIB và PNJ. Trong đó, NVL có biến động tích cực nhất với việc tăng 1,7% lên 117.000 đồng/cp.

Bên cạnh NVL, trong nhóm bất động sản cũng có một số mã đi ngược xu hướng chung là BII, CIG, LHG, HPX… Trong đó, BII và CIG đều được kéo lên mức giá trần.

Ở chiều ngược lại, rất nhiều cổ phiếu bất động sản cũng chịu áp lực bán mạnh. Các mã như NVT, DXG, ITA, KBC, HDC, VHM, HQC, DIG hay SCR đồng loạt giảm sàn và nhiều mã cũng “trắng bên mua”. Bên cạnh đó, SJS giảm 6,7%, LDG giảm 6,5%, NTL giảm 5,7%, FIT giảm 5,2%.

Thanh khoản thị trường cải thiện hơn so với phiên trước với tổng giá trị khớp lệnh đạt 30.800 tỷ đồng. Trong top 10 cổ phiếu khớp lệnh toàn thị trường có 2 mã bất động sản là FLC và KBC với lần lượt 28,6 triệu cổ phiếu và 23 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 6/7.
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất. (Nguồn: Fialda)

Khối ngoại mua ròng nhẹ 26 tỷ đồng trong phiên 6/7, trong đó, VHM được mua ròng mạnh nhất với 88 tỷ đồng. Bên cạnh VHM, các mã bất động sản như NVL hay DXG cũng được khối ngoại mua ròng mạnh với lần lượt 6 tỷ đồng và 3 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VRE là mã bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại với 13,2 tỷ đồng.

Theo CTCP Chứng khoán MB (MBS), thị trường trong nước có phiên giảm mạnh thứ 2 kể từ đầu năm, chỉ sau phiên giảm ngày 28/1. Mức giảm mạnh này cũng làm gãy trend tăng kể từ tháng 4 và chỉ số có thể về ngưỡng hỗ trợ MA50 ở khu vực 1.320 điểm. Điều tích cực lúc này là hoạt động mua ròng cổ phiếu trở lại của khối ngoại. Thông thường sau các phiên giảm mạnh, thị trường sẽ có nhịp hồi để tìm điểm cân bằng, tuy vậy nhà đầu tư vẫn chưa vội bắt đáy, điều cần làm lúc này là ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm margin, không bình quân giá, đưa tỷ trọng về mức cân bằng hoặc thấp.

CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) đánh giá, thanh khoản tăng nhẹ và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy áp lực bán là tương đối mạnh. Trên biểu đồ kỹ thuật, VN-Index xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn quanh 1.380 điểm (MA20) khiến cho tín hiệu kỹ thuật của chỉ số này trở nên kém đi và hỗ trợ tiếp theo sẽ là quanh ngưỡng 1.325 điểm (MA50).

Và trên góc nhìn sóng elliott, thị trường có khả năng đã bước sang sóng điều chỉnh a với target của sóng là quanh ngưỡng 1.210 điểm. Tuy nhiên, sau những phiên giảm mạnh, thị trường thường sẽ xuất hiện những nhịp hồi kỹ thuật để tạm thời lấy lại một phần số điểm đã mất. Dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 7/7, thị trường có thể sẽ giao dịch giằng co và rung lắc với biên độ trong khoảng 1.325 - 1.380 điểm (MA20-50). Nhà đầu tư đã bán ra cổ phiếu trong tuần trước nên hạn chế mua vào ở thời điểm hiện tại và chờ đợi những nhịp điều chỉnh sâu hơn để tham gia trở lại. Những nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn cũng nên hạn chế mua vào và tận dụng những nhịp tăng điểm trong tuần này để giảm tỷ trọng cổ phiếu./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top