Thị trường chứng khoán tiếp tục tăng điểm trong tuần từ 28/6 - 2/7. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đạt 1.420,27 điểm, tăng 30,15 điểm (2,2%) so với tuần trước đó. HNX-Index tăng 9,79 điểm (3,1%) lên 328,01 điểm. UPCoM-Index tăng 1,16 điểm (1,3%) lên 90,64 điểm.
Dù thị trường giao dịch tích cực trong tuần qua nhưng nhóm cổ phiếu bất động lại lại có biến động phân hóa rất mạnh. Thống kê 117 mã bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán thì có 40 mã tăng trong khi cũng có 57 mã giảm ngoài ra còn có 20 mã đi ngang.
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong nhóm bất động sản là HU6 của Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị HUD 6 với 16,2%. Tuy nhiên, HU6 là cổ phiếu luôn có thanh khoản ở mức rất thấp và thậm chí nhiều phiên cổ phiếu này thường xuyên không có giao dịch khớp lệnh.
Cổ phiếu VPH của CTCP Vạn Phát Hưng cũng tăng đến 13,7% từ mức chỉ 5.270 đồng/cp lên 5.990 đồng/cp. Mới đây, Vạn Phát Hưng đã ký hợp đồng chuyển nhượng 55% cổ phần tại CTCP Bất động sản Nhà Bè cho Công ty TNHH Lotte Land.
HU6 và VPH cũng là 2 cổ phiếu bất động sản hiếm hoi tăng giá trên 10% ở tuần từ 28/6 - 2/7.
Cổ phiếu LHG của CTCP Long Hậu cũng gây chú ý khi tăng 6,8%. Chiều 25/6, CTCP Long Hậu đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, thông qua kế hoạch năm 2021 với tổng doanh thu xấp xỉ 923 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là gần 161 tỷ đồng, lần lượt tăng 34% và giảm 19% so với thực hiện năm 2020. Đại hội đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án KCN An Định với diện tích 200ha; tổng mức đầu tư hơn 2.414 tỷ đồng, trong đó hơn 1.014 tỷ đồng là từ vốn góp chủ sở hữu và công ty sẽ vay 1.400 tỷ đồng.
Cùng với đó là chủ trương đầu tư dự án KCN Long Hậu mở rộng – giai đoạn 2, quy mô sử dụng đất 90ha; tổng mức đầu tư hơn 2.591 tỷ đồng, trong đó vốn góp CSH là hơn 1.600 tỷ đồng, phần còn lại 968 tỷ đồng là vốn vay. Tiến độ thực hiện hai dự án trên đều trong vòng 4 năm kể từ ngày được Nhà nước chấp thuận. Đồng thời, ĐHCĐ cũng đã thông qua việc phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Khu dân cư – tái định cư Long Hậu 3 với tổng mức đầu tư gần 990 tỷ đồng. Dự kiến thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2020 - 2022.
Ở chiều ngược lại, có 5 cổ phiếu trong nhóm bất động sản giảm giá trên 10% gồm EIN của CTCP Đầu tư - Thương mại - Dịch vụ Điện lực, V11 của CTCP Xây dựng số 11, EFI của CTCP Đầu tư Tài chính Giáo dục, BVL của CTCP BV Land và CTCP Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584.
Ngoài ra, những cái tên có thanh khoản cao như BII của CTCP Louis Land, FLC của Tập đoàn FLC, FID của CTCP Đầu tư và Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam… đều có một tuần giao dịch không tích cực.
Còn đối với nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn, VHM của CTCP Vinhomes là mã đáng chú ý nhất khi tăng 5,3% trong tuần qua và cùng với một số cổ phiếu vốn hóa lớn góp phần giúp kéo VN-Index đi lên. Trong tuần, VHM được khối ngoại mua ròng hơn 540 tỷ đồng. THD của CTCP Thaiholdings và PDR của CTCP hát triển Bất động sản Phát Đạt tăng lần lượt 3,2% và 1%. VRE của CTCP Vincom Retail tăng nhẹ 0,3% còn VIC của Tập đoàn Vingroup đi ngàng và giữ mức giá như ở cuối tuần trước.
Cổ phiếu NVL của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va giảm nhẹ 0,1% trong tuần qua. NVL gây chú ý khi có 2 phiên xuất hiện giao dịch thỏa thuận với khối lượng “khủng” và hầu hết đều do khối ngoại mua vào. Tính chung cả tuần, NVL thỏa thuận 31,64 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch lên đến 3.816 tỷ đồng. Cổ phiếu này được khối ngoại mua ròng với 3.300 tỷ đồng. Tuần qua, HĐQT công ty này thông qua Nghị quyết chuyển nhượng toàn bộ vốn góp hơn 237.5 tỷ đồng tại Công ty TNHH Đầu tư phát triển BĐS Phúc Thịnh.
Sau khi hoàn tất chuyển nhượng, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va sẽ không còn sở hữu vốn góp tại đơn vị trên. HĐQT thống nhất giao cho Tổng Giám đốc hoặc người được uỷ quyền quyết định nội dung, tiến hành ký kết hợp đồng và các hồ sơ, tài liệu liên quan. Song song, HĐQT cũng thống nhất phương án phát hành tối đa 300 tỷ đồng trái phiếu. Bên đảm bảo là ông Bùi Thành Nhơn và cổ phiếu NVL thuộc sở hữu ông Nhơn cùng các tài sản hợp pháp khác./.