Aa

Cổ phiếu bất động sản giao dịch ra sao trong tuần từ 18 - 22/7?

Chủ Nhật, 24/07/2022 - 06:18

Các cổ phiếu bất động sản có sự phân hóa trong tuần giao dịch từ 18 - 22/7, trong đó, đa phần các mã thanh khoản cao có biến động không quá mạnh.

Thị trường duy trì tăng điểm tuần thứ hai với thanh khoản có cải thiện nhưng vẫn dưới mức trung bình. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 15,51 điểm (+1,32%) lên 1.194,76 điểm, HNX-Index tăng 4,43 điểm (+1,56%) lên 288,83 điểm, UPCoM-Index tăng 1,52 điểm (1,74%) lên 88,84 điểm.

Giá trị giao dịch trên HoSE giảm -0,44% so với tuần trước đó, với 61.226 tỷ đồng - khối lượng giao dịch giảm 4,7% xuống 2.562 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 44,9% so với tuần trước đó với 7.115 tỷ đồng - khối lượng giao dịch giảm 33,4% xuống 335 triệu cổ phiếu.

Trong tuần qua, các nhóm ngành trên thị trường luân phiên hồi phục. Tuy nhiên, sự hồi phục ở nhóm bất động sản lại diễn ra không thực sự quá mạnh. Đa số các cổ phiếu thanh khoản cao ở nhóm bất động sản đều có biến động hẹp.

Thống kê 125 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán, trong tuần từ 18 - 22/7 có 74 mã tăng giá, trong khi số mã giảm là 40.

Đứng đầu danh sách tăng giá trong nhóm bất động sản là TID của Tổng Công ty Tín Nghĩa với 18,6%. Tuy nhiên, trên thị trường hiện không xuất hiện thông tin hỗ trợ nào đối với cổ phiếu TID. Thanh khoản của cổ phiếu này cũng chỉ ở mức trung bình.

Tương tự, cổ phiếu VRC của CTCP Bất động sản và Đầu tư VRC cũng tăng 16,8%, cổ phiếu này cũng chỉ có thanh khoản ở mức trung bình.

20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất trong tuần từ 18 - 22/7.
20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất trong tuần từ 18 - 22/7.

Đứng thứ 3 trong danh sách tăng giá ở nhóm bất động sản là CKG của CTCP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư & Xây dựng Kiên Giang với hơn 14%. Theo thông tin từ CKG, ước lũy kế doanh thu và lãi trước thuế 6 tháng đầu năm 2022 của doanh nghiệp này đạt lần lượt 592 tỷ đồng và 94.3 tỷ đồng, tăng 54% và 58% so với kết quả cùng kỳ năm 2021. Còn so với kế hoạch kinh doanh 2022 theo Nghị quyết ĐHĐCĐ, hai chỉ tiêu này đã thực hiện được lần lượt 45% và 46% so với mục tiêu đề ra.

HQC của CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân là cổ phiếu thanh khoản rất cao và có mức tăng giá tốt trong tuần qua với 10,5%. HĐQT HQC mới thông qua phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá chào bán 10.000 đồng/cp. Thời gian dự kiến thực hiện trong năm nay sau khi có sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Tổng số vốn dự kiến thu được là 1.000 tỷ đồng sẽ được dùng để mua cổ phiếu CTCP Đầu tư Thành phố Vàng, trong đó 650 tỷ đồng nhận chuyển nhượng từ cổ đông hiện hữu và 350 tỷ đồng mua trong đợt chào bán riêng lẻ để bổ sung cho dự án nhà ở xã hội Golden City. Thời gian dự kiến giải ngân là trong quý III-IV năm nay.

Hai cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao khác cũng tăng tốt là IDC của Tổng công ty IDICO và SCR của CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín với mức tăng lần lượt 7,6% và 7,2%.

Đối với IDC, cổ phiếu này vừa được Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) khuyến nghị tích cực do có vị thế là một trong những nhà phát triển KCN lớn nhất Việt Nam với diện tích đất 875ha, trong đó có 367,8ha đất đã đầu tư hạ tầng sẵn sàng cho thuê, tập trung ở các khu vực Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thái Bình. Đồng thời, KCN Hựu Thạnh sẽ là động lực chính cho sự tăng trưởng của IDC trong 3-5 năm tới.

Về SCR, doanh nghiệp này công bố nghị quyết tạm hoãn chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 thông qua. Lý do được SCR đưa ra là do mục đích sử dụng vốn cũng như biến động giá cổ phiếu hiện không phù hợp với phương án ban lãnh đạo xây dựng trước đó và có thể làm ảnh hưởng đến lợi ích của công ty và quyền lợi của người lao động.

Số lượng cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu là gần 51,3 triệu cổ phiếu với giá phát hành 14.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ thực hiện quyền 100:14. Trong khi số cổ phiếu phát hành theo chương trình ESOP là 18,3 triệu cổ phiếu với giá phát hành 11.000 đồng/cổ phiếu. Theo SCR, HĐQT sẽ báo cáo việc tạm hoãn chào bán cổ phiếu cho cổ đông cũng như phát hành cổ phiếu theo chương trình ESOP tại ĐHCĐ gần nhất của công ty. Trong khi đó, SCR quyết định giữ nguyên phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 đã được thông qua. Dự kiến thời gian thực hiện trong quý 3, 4/2022. SCR sẽ phát hành thêm 29,3 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 8%.

Ở chiều ngược lại, “tân binh” TBR của CTCP Địa ốc Tân Bình giảm mạnh nhất nhóm bất động sản với hơn 31% từ 29.000 đồng/cp xuống chỉ còn 19.900 đồng/cp. Cổ phiếu TBR chính thức giao dịch trên sàn UPCoM từ 20/7 với giá tham chiếu 29.000 đông/cp. Doanh nghiệp này tiền thân là Đội kiến trúc 304 được thành lập năm 1976 trực thuộc Ban xây dựng nhà đất và công trình công cộng quận Tân Bình. Năm 1979, Công ty đổi tên thành Đội xây dựng Sửa chữa nhà quận Tân Bình. Năm 1998, Công ty được chuyển giao từ UBND quận Tân Bình về Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn (trực thuộc UBND TP.HCM). Năm 2004, Công ty được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang Công ty cổ phần. Tính tới 26/11/2021, CTCP Địa ốc Tân Bình có 2 cổ đông lớn là Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn – TNHH MTV (RESCO) sở hữu 51% vốn điều lệ; Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực sở hữu 5,49% vốn điều lệ; và còn lại 43,51% vốn điều lệ thuộc về nhóm cổ đông khác.

20 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất trong tuần từ 18 - 22/7.
20 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất trong tuần từ 18 - 22/7.

Các vị trí tiếp theo trong danh sách giảm giá mạnh ở nhóm bất động sản đa phần có thanh khoản rất thấp. TBH của CTCP Tổng Bách Hóa giảm gần 15% nhưng chỉ có giao dịch khớp lệnh với 600 đơn vị ở phiên cuối tuần.

NDN của CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng gây chú ý khi giảm gần 7%. Mới đây, doanh nghiệp này công bố BCTC riêng quý II với lỗ sau thuế 114,3 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 84,8 tỷ đồng. Do không ghi nhận bàn giao dự án trong nửa đầu năm, nên doanh thu, giá vốn hàng bán, doanh thu bán hàng gần như không đáng kể. Đáng chú ý nhất là chi phí tài chính quý II ở mức 128,9 tỷ đồng, gấp 10,9 lần cùng kỳ. Chi phí tài chính trong 6 tháng đầu năm là 121,4 tỷ đồng, tăng hơn 332%, bởi khoản lỗ đầu tư chứng khoán gấp gần 4 lần lên 53,3 tỷ đồng và dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh gấp hơn 5,3 lần lên 83,9 tỷ đồng.

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn, hai mã khu công nghiệp là BCM của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp và KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc tăng lần lượt 5,9% và 3,7%.

Trong khi đó, hai “ông lớn” của ngành là VIC của Tập đoàn Vingroup và VHM của CTCP Vinhomes giảm lần lượt 4,45% và 2,17%, điều này gây áp lực khá lớn lên thị trường chung./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top