Tuần thứ hai liên tiếp thị trường giảm điểm với thanh khoản tiếp tục suy giảm so với tuần trước đó. Kết thúc tuần giao dịch VN-Index giảm 23,44 điểm (-1,58%) xuống 1.458,56 điểm, HNX-Index giảm 15,31 điểm (-3,54%) xuống 416,71 điểm, UPCoM-Index cũng giảm 3,45 điểm (-2,98%) xuống 112,36 điểm.
Giá trị giao dịch trên HoSE giảm 35,4% so với tuần trước đó với 83.503 tỷ đồng, khối lượng giao dịch giảm 36,3% xuống 2.538 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 41% so với tuần trước đó với 9.173 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 314 triệu cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ những đợt rung lắc của thị trường chứng khoán trong tuần giao dịch từ 12 – 15/4. Thống kê 122 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên thị trường vẫn có đến 94 mã giảm giá, trong khi chỉ có 20 mã tăng.
Cổ phiếu giảm mạnh nhất nhóm bất động sản là PTL của CTCP Victory Capital với 20,7%. Đà giảm của PTL diễn ra khi cổ phiếu này sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định do đều có ý kiến ngoại trừ của kiểm toán trong 3 năm liên tiếp 2019, 2020, 2021. Đơn vị này mới đây công bố Nghị quyết và Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 trong đó đáng chú ý có phản hồi về tin vắn hủy niêm yết của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE). HĐQT Victory Capital cho biết hiện chưa thể trả lời cổ đông về trường hợp bị hủy niêm yết nhưng khẳng định sẽ làm việc với Ban Điều hành và đơn vị kiểm toán để xác định số liệu này, theo tinh thần giảm đến mức tối đa có thể giá trị bị sụt giảm của tài sản và vốn chủ sở hữu sau khi loạt bỏ các ý kiến kiểm toán ngoại trừ.
Năm 2022, công ty đặt kế hoạch kinh doanh tham vọng với mục tiêu doanh thu và thu nhập khác 664 tỷ đồng, gấp 5,8 lần cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 86,2 tỷ đồng, gấp 3 lần thực hiện năm trước. Bên cạnh đó, cổ đông đã thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ tăng vốn điều lệ. Số lượng dự kiến phát hành tối đa là 100 triệu cổ phiếu với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phần.
Đứng thứ 2 trong danh sách giảm giá ở nhóm bất động sản là PVL của CTCP Đầu tư Nhà đất Việt với 17,3%. Tương tự PTL thì PVL cũng nằm trong diện bị hủy niêm yết do Báo cáo tài chính trong 3 năm liên tiếp 2019, 2020, 2021 có ý kiến kiểm toán ngoại trừ.
Vị trí tiếp theo trong danh sách giảm giá của nhóm bất động sản là DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng với 17%. CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam vừa báo cáo đã bán xong 2,4 triệu cổ phiếu DIG. Giao dịch thực hiện trong ngày 7/4 và 8/4/2022. Giao dịch trên, lượng sở hữu cổ phiếu DIG của Him Lam giảm từ hơn 47,3 triệu đơn vị (9,48%) xuống còn gần 45 triệu đơn vị (8,995%).
Cổ phiếu tiếp theo trong nhóm bất động sản gây chú ý đến nhà đầu tư đó là FLC của CTCP Tập đoàn FLC với mức giảm 15% chỉ sau một tuần giao dịch. Trong ngày 12/4, tân Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Đặng Tất Thắng đã ban hành Nghị quyết về việc hủy ngày 23/3/2022 là ngày chốt danh sách cổ đông tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Song song với đó, FLC cũng gia hạn thời gian tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm nay chậm nhất tới ngày 30/6/2022.
Rất nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao cũng giảm giá trong tuần giao dịch vừa qua như CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (-13%), CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (-11,3%), CTCP Đầu tư LDG (-10,7%)….
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất ở nhóm bất động sản là LHG của CTCP Long Hậu với 12,3%. Hai cổ phiếu bất động sản khác cũng tăng giá trên 10% có BIG của CTCP Big Invest Group và LBC của CTCP Thương mại - Đầu tư Long Biên với mức tăng 12% và 10%. Tuy nhiên, cả BIG và LBC đều là hai cổ phiếu có thanh khoản rất với khối lượng khớp lệnh bình quân chỉ vài nghìn đơn vị/phiên.
TDH của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức gây chú ý khi tăng 7,6% trong tuần nhóm bất động sản liên tục gặp khó khăn. Doanh nghiệp này vừa công bố thông tin về việc bị Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư thực hiện biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của công ty.
Cổ phiếu KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc cũng đi ngược khi tăng 4,3%. Vào ngày 8/4, HoSE có văn bản nhắc nhở đối với Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc về việc giao dịch cổ phiếu quỹ không đúng quy định. Theo HoSE, qua quá trình theo dõi và kiểm tra đơn vị này nhận thấy KBC đã đặt lệnh bán cổ phiếu quỹ tại ngày 15/03/2022 vượt 10% khối lượng giao dịch đã đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Đến ngày 9/4, doanh nghiệp này đã có văn bản giải trình về vấn đề giao dịch cổ phiếu quỹ không đúng quy định. KBC cho biết để xảy ra sự việc nêu trên là do công ty có sự thiếu sót khi chưa cập nhật đầy đủ, cũng như chưa hiểu đúng quy định mới của pháp luật điều chỉnh về vấn đề này. KBC đã hiểu quy định khối lượng giao dịch 10% cho một ngày chỉ áp dụng theo phương thức khớp lệnh mà không bao gồm việc áp dụng cho phương thức giao dịch thỏa thuận khi bán cổ phiếu quỹ.
Nhận thức được vấn đề trên, ngày 7/4/2022, KBC đã gửi công văn 0704/2022/KBC-CV để giải trình sự việc trên với HoSE. Ngay sau đó, ngày 8/4/2022, KBC đã nhận được văn bản nhắc nhở của sở về sự việc như trên. Theo KBC, mặc dù đây là giao dịch thỏa thuận với khối lượng không lớn, không làm ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, qua sự việc này, KBC xin tự kiểm điểm, rút kinh nghiệm và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Đa số các mã bất động sản vốn hóa lớn giao dịch cũng không được tích cực, trong đó VHM của CTCP Vinhomes giảm 5,3%. VIC của Tập đoàn Vingroup giảm 1,2%, PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt cũng giảm 4,8%...