Aa

Cổ phiếu BĐS vốn hóa vừa và nhỏ hút dòng tiền trong tháng 8, SSH lên gấp gần 5 lần

Chủ Nhật, 05/09/2021 - 06:00

Nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ ghi nhận một tháng giao dịch tích cực khi hút mạnh dòng tiền. Trong khi đó, nhóm vốn hóa lớn biến động có phần không mấy tích cực.

Thị trường chứng khoán hồi phục nhẹ trong tháng 8 sau khi điều chỉnh ở tháng 7. VN-Index kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8 đứng ở mức 1.331,47 điểm, tương ứng tăng 21,42 điểm (1,64%) so với tháng trước. Trong khi đó, HNX-Index tăng 27,96 điểm (8,88%) lên 342,81 điểm. UPCoM-Index tăng 6,84 điểm (7,87%) lên 93,77 điểm.

Thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 8 thiết lập kỷ lục vào phiên ngày 20/8/2021 với giá trị giao dịch đạt mức 38.075 tỷ đồng cao nhất trong 21 năm qua, và khối lượng giao dịch đạt gần 1,2 tỷ cổ phiếu. Cũng trong tháng này, giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt ghi nhận trên 23.034 tỷ đồng và 703,36 triệu cổ phiếu, tương ứng tăng lần lượt 13,95% về giá trị và tăng 16,63% về khối lượng bình quân so với tháng trước. Tính chung toàn thị trường chứng khoán, tổng khối lượng giao dịch trung bình đạt 965 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 19,6% so với tháng 7, tương ứng giá trị giao dịch trung bình đạt 28.807 tỷ đồng, tăng 18%.

Nhiều nhóm ngành cổ phiếu có sự tăng trưởng tốt trong tháng 8 bao gồm chăm sóc sức khỏe, công nghiệp, nguyên vật liệu… Đối với ngành bất động sản, biến động có phần tích cực, tuy nhiên tâm điểm của nhóm này tập trung vào các mã vốn hóa vừa và nhỏ.

Báo cáo chiến lược tháng 9 của CTCP Chứng khoán VNDirect cho biết, xu hướng dòng tiền thông minh đổ vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong tháng 8. Thanh khoản của VNSML Index (đại diện cho nhóm vốn hóa nhỏ) tăng mạnh trên 92,3% so với tháng trước, đưa VNSML Index tăng tới 16,5% trong tháng 8. Thanh khoản của VNMID Index (đại diện cho nhóm vốn hóa vừa) tăng 68,1% so với tháng trước, giúp VNMID Index nhích tăng 5,7% trong tháng 8. Mặt khác, dòng tiền có xu hướng rút khỏi nhóm VN30 (đại diện cho cho các mã vốn hóa lớn) với thanh khoản hàng ngày giảm khoảng 4% so với tháng trước, kéo theo chỉ số VN-30 giảm nhẹ 1,3% trong tháng 8. 

Quay trở lại với nhóm cổ phiếu bất động sản, cổ phiếu BII của CTCP Louis Land gây chú ý khi tăng đến 83,5% từ mức chỉ 8.500 đồng/cp lên đến 15.600 đồng/cp. Khối lượng khớp lệnh bình quân tháng 8 đạt gần 3,4 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 42% so với tháng trước. Cổ phiếu BII bứt phá trong tháng 8 trước những hoạt động thâu tóm các doanh nghiệp liên quan đến hệ sinh thái Louis. Trước đây, BII là đối tượng đầu tiên mà Louis Holdings (doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Gạo Trắng Louis Rice) nhắm đến. Tiếp sau đó đó, đơn vị này liên tục thâu tóm các doanh nghiệp khác như CTCP Đầu tư và Xây dựng Trường Giang (TGG), CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (AGM)…

20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất tháng 8.
20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất tháng 8.

Theo thông tin được đăng tải trên Vietstock, sáng ngày 30/8, BII tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để thông qua một số vấn đề liên quan tới hoạt động kinh doanh của công ty. ĐHĐCĐ bất thường lần này đã thông qua phương án phát hành tối đa 15 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cp. Dự kiến, Louis Land có thể thu về 150 tỷ đồng để thanh toán toàn bộ các khoản vay tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), nộp tiền thuê đất phát sinh tại cụm công nghiệp Tân Bình 1 và đầu tư trang thiết bị, xây sửa nhà máy chế biến rau củ thông qua góp vốn vào Công ty TNHH Toccoo Việt Nam. Tại đại hội, Ban lãnh đạo BII cũng chia sẻ về mục đích thâu tóm CTCP Sametel (SMT) của nhóm Louis, cụ thể là trở thành công ty con của TGG. Sametel là doanh nghiệp chuyên về điện và viễn thông. Hai công ty trong hệ sinh thái Louis là Louis Rice và AGM có các kho bãi với hệ thống máy khoảng 10 MW. Sametel sẽ lắp đặt máy năng lượng mặt trời cho hệ thống máy này và có thể tiết kiệm trung bình mỗi máy có thể tiết kiệm 3 tỷ đồng cho 1MW so với thuê đơn vị ngoài lắp đặt.

Cổ phiếu AAV của CTCP Việt Tiên Sơn Địa ốc cũng gây chú ý khi tăng từ chỉ 12.400 đồng/cp lên 22.700 đồng/cp, tương ứng mức tăng 83%, đây cũng là mức giá cao nhất lịch sử của cổ phiếu này tính đến hết phiên 31/8/2021. Trong bối cảnh cổ phiếu liên tục lập đỉnh, Ban lãnh đạo AAV đã tranh thủ bán ra cổ phiếu. Mới đây, ông Nguyễn Trọng Điều - Ủy viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc đăng ký bán toàn bộ 575.000 cổ phiếu (tỷ lệ 1,57%). Tương tự, ông Dương Văn Điệp - Ủy viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc đăng ký bán toàn bộ 661.250 cổ phiếu (tỷ lệ 1,8%). Hai giao dịch dự kiến được thực hiện từ 6/9 - 5/10/2021 thông qua thỏa thuận và khớp lệnh. Bên cạnh đó, bà Đỗ Thị Thu Hà - Trưởng Ban kiểm soát cũng đăng ký bán toàn bộ 185.150 cp (tỷ lệ 0,51%). Giao dịch dự kiến được thực hiện từ 7/9 đến 6/10/2021 thông qua thỏa thuận và khớp lệnh.

Cổ phiếu IDJ của CTCP đầu tư IDJ Việt Nam cũng gây chú ý khi tăng hơn 68% trong tháng 8 với thanh khoản đột biến. Khối lượng khớp lệnh bình quân của cổ phiếu này tháng 8 vọt lên mức hơn 1,9 triệu cổ phiếu/phiên, trong khi tháng 7 chỉ là 440.000 cổ phiếu/phiên. Ngay từ đầu tháng 8, lãnh đạo, người có liên quan hay công ty liên quan đến lãnh đạo của IDJ đều đăng ký mua vào cổ phiếu. Ông Nguyễn Đỗ Đức Lâm - Con ông Nguyễn Đỗ Lăng - Ủy viên HĐQT đăng ký mua 3 triệu cổ phiếu. Tương tự, CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APS) đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu IDJ. Ông Phạm Duy Hưng hiện là Chủ tịch HĐQT của cả IDJ và APS.

Mới đây, ông Nguyễn Quang Huy - Quyền Tổng Giám đốc đã mua 14.800 cổ phiếu IDJ trong tổng số 24.500 cổ phiếu đăng ký mua. Ông Huy đã nâng sở hữu tại IDJ từ 25.200 cổ phiếu (0,05%) lên 50.000 cổ phiếu (0,07%).

Vừa qua, UBND tỉnh Lạng Sơn đã đồng ý chủ trương tiếp nhận kinh phí tài trợ của CTCP đầu tư IDJ Việt Nam để tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị sinh thái Yên Trạch, huyện Cao Lộc. Dự án Khu đô thị sinh thái Yên Trạch được UBND tỉnh duyệt nhiệm vụ quy hoạch từ ngày 29/10/2019. Theo đó, dự án có quy mô hơn 64ha; ranh giới phía Đông Bắc giáp đường quy hoạch; phía Tây Bắc giáp khu dân cư và đất nông nghiệp, quốc lộ 1A; phía Đông Nam giáp đất quy hoạch cây xanh công cộng; phía Tây Nam giáp tuyến đường sắt Mai Pha - Na Dương.

Bên cạnh các cổ phiếu kể trên, rất nhiều cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ khác như HPX của CTCP Đầu tư Hải Phát, DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng, TIG của Tập đoàn Đầu tư Thăng Long, NTL của CTCP Đô thị Từ Liêm, KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc… đồng loạt tăng giá mạnh với thanh khoản cải thiện đáng kể so với tháng 7.

Hai “tân binh” của nhóm bất động sản ở tháng 8 là SSH của CTCP Phát triển Sunshine Homes và TBH của CTCP Tổng Bách Hóa cũng biến động hết sức tích cực. Trong đó, SSH tăng đến 363,4% so với mức giá chào sàn UPCoM (21.600 đồng/cp hôm 4/8) lên đến 100.100 đồng/cp (chốt phiên 31/8). Tại mức giá 100.100 đồng/cp, vốn hóa của SSH đạt hơn 25.000 tỷ đồng và vượt qua cả KDH của CTCP Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Điền để trở thành cổ phiếu có vốn hóa lớn thứ 8 trong nhóm bất động sản.

Đối với TBH, cổ phiếu này lên sàn UPCoM hôm 13/8 với giá tham chiếu chỉ 5.700 đồng/cp, nhưng sau đó, cổ phiếu này đã có khoảng thời gian bứt phá mạnh và leo lên mức 10.300 đồng/cp vào cuối tháng 8. CTCP Tổng Bách Hóa tiền thân là Tổng công ty Bách hóa được thành lập năm 1954 với mục đích thành lập các tổng công ty chuyên nghiệp mậu dịch quốc doanh trực thuộc Bộ Công thương. Theo cáo bạch, TBH có ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Cổ đông lớn nhất của TBH là CTCP Đầu tư Xây dựng Phú Thanh với tỷ lệ nắm giữ 96,65%. Cổ đông lớn này là một đơn vị thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Bên cạnh đó, ông Mạnh Hoàng Thao - Chủ tịch HĐQT TBH hiện đồng thời là Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Về kế hoạch kinh doanh của TBH, Công ty dự kiến đạt 14 tỷ đồng doanh thu thuần và lỗ sau thuế 1,5 tỷ đồng trong năm 2021. Trong quý đầu năm nay, TBH ghi nhận doanh thu thuần gần 3 tỷ đồng và lợi nhuận ròng hơn 15 tỷ đồng.

Trong nhóm 7 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất nhóm bất động sản thì BCM của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp là mã tăng mạnh nhất với 12,2%. Thông tin được cho là hỗ trợ BCM đi lên là đơn vị này đã thông qua việc ký kết hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng một phần dự án tại Khu tái định cư Hoà Lợi thuộc Khu Liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương, phường Phú Hoà, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương do IJC Becamex phát triển. 6 tháng đầu năm 2021, nhờ ghi nhận 614 tỷ đồng lãi từ các công ty liên doanh liên kế, BCM đã thu về 974 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 50% so với nửa đầu năm 2020.

THD của CTCP Thaiholdings và NVL của Đầu tư Địa ốc No Va cũng ghi nhận tăng trưởng dương trong tháng 8 với mức tăng lần lượt 3,9% và 0,4%. Trong khi đó, bộ 3 cổ phiếu họ Vingroup gồm VIC của Tập đoàn Vingroup, VHM của CTCP Vinhomes và VRE của CTCP Vincom Retail đều giảm giá nhẹ. PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt tăng giảm mạnh nhất trong 7 mã vốn hóa lớn với 5%.

20 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất tháng 8.
20 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất tháng 8.

Cổ phiếu HRB của CTCP Harec Đầu tư và Thương mại là mã giảm giá mạnh nhất trong nhóm bất động sản ở tháng 8 với 30,4%. Tuy nhiên, HRB thuộc diện có thanh khoản rất thấp với khối lượng khớp lệnh trung bình chỉ 402 đơn vị/phiên. HIZ của CTCP Khu công nghiệp Hố Nai cũng giảm 28%. HIZ cũng chỉ có khối lượng khớp lệnh trung bình là 468 cổ phiếu/phiên ở tháng 8.

Cổ phiếu KHG của CTCP Bất động sản Khải Hoàn Land gây thất vọng khi giảm 11,3%. Như vậy kể từ khi lập đỉnh 23.500 đồng/cp chỉ sau 3 phiên chào sàn HNX, KHG liên tục giảm và xuống mức 14.100 đồng/cp ở phiên 27/8. KHG đang trong thời gian chờ chuyển giao dịch sang sàn HoSE. 6/9 sẽ là ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu trên HoSE./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top