Aa

Cổ phiếu dòng ngân hàng và những sức hút riêng biệt

Thứ Hai, 17/05/2021 - 07:00

Chính sách chia cổ tức của hàng loạt ngân hàng đã niêm yết cùng với sự gia nhập thị trường của một số gương mặt mới đã tạo ra sự hứng khởi cho các nhà đầu tư, định hướng một dòng tiền lớn trên thị trường.

 

Thêm sức hút nhờ những gương mặt mới lên sàn

Thị trường chứng khoán đi qua hơn 4 tháng với nhiều cảm xúc trong đó đã vượt được xa đỉnh kỳ vọng 1.200 của giới đầu tư. Tính đến phiên giao dịch giữa tháng 5/2021, VNIndex đã qua ngưỡng 1.270 điểm. Trong đó, nhóm tiên phong dẫn dắt thị trường vẫn là cổ phiếu dòng ngân hàng. Điểm mới trong năm nay của nhóm cổ phiếu này là sự gia nhập thị trường của một số gương mặt mới và chính sách trả cổ tức của nhiều ngân hàng đã niêm yết. 

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tăng trưởng giá vượt mong đợi của nhà đầu tư. Có thể kể đến như cổ phiếu SHB từ mức đáy cuối tháng 1 tính đến nay tăng hơn gấp đôi, VIB tăng gần 100%, KLB tăng 70%, CTG, STB, MBB và MSB đã tăng xấp xỉ 50%, ACB và NAB tăng 45%, EIB tăng 40%,...Tính đến thời điểm hiện tại, giá nhiều cổ phiếu ngân hàng đã vượt mức đỉnh lịch sử như VPB, MBB, TCB, BID, CTG…, nhưng nhóm cổ phiếu này vẫn được nhìn nhận còn khá nhiều dư địa tăng trưởng. 

Một điểm nhấn nữa trên thị trường là vùng mới được thiết lập với bộ ba ấn tượng SHB, SSB và BAB. Ngay khi mới lên sàn, SSB và BAB chuỗi tăng giá liên tiếp.

Đơn cử như, hơn 700 triệu cổ phiếu BAB (Bac A Bank) trong ngày giao dịch đầu tiên đã tăng kịch trần 30%, đạt 20.800 đồng/cp. Hai phiên tiếp theo 4 - 5/3, cổ phiếu BAB tiếp tục tăng trần và chốt hiện đang giao dịch trên mức giá 25.000 đồng/cp, tăng 56% so với giá chào sàn. Trước đó, trong phiên giao dịch cuối cùng trên UPCoM vào ngày 24/2/2021, giá cổ phiếu BAB đóng cửa ở mức 21.900 đồng/cp. 

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó TGĐ Sở GDCK Hà Nội chia sẻ: “Cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Bắc Á là cổ phiếu thứ 3 niêm yết trong năm 2021, với vốn điều lệ của Ngân hàng là hơn 7.000 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Bắc Á đã thực hiện chủ trương của Nhà nước cũng như của Ngân hàng - thực hiện tham gia đăng ký giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội từ năm 2017. Có thể nói, đây là một ngân hàng đã thực hiện tốt chủ trương - minh bạch công bố thông tin rất tốt trên thị trường chứng khoán".

Ngân hàng TMCP Bắc Á đã vận hành theo mô hình ngân hàng đa năng, hiện đại. Xuất phát từ triết lý “Giữ tâm sáng để vươn xa rộng khắp” cùng 5 giá trị cốt lõi: “Tiên phong, Chuyên nghiệp, Đáng tin cậy, Cải tiến không ngừng và Vì con người”. Trải qua 26 năm xây dựng và phát triển, đến nay Ngân hàng TMCP Bắc Á đã đạt 7.085 tỉ đồng vốn điều lệ và hoạt động trải dài khắp cả nước với 1 hội sở, 45 chi nhánh, 146 điểm giao dịch tại 32 tỉnh thành kinh tế trọng điểm. Tổng tài sản đến nay là gần 120.000 tỉ đồng, các chỉ số về hiệu quả kinh doanh, an toàn vốn, nợ quá hạn… đều đạt ở mức tối ưu qua nhiều năm.

Trong đó nổi bật phải kể đến các Dự án như: Dự án dược liệu sạch TH Herbals; Dự án Tổ hợp Y tế - Chăm sóc sức khỏe Công nghệ cao TH Medical; Hệ thống trường TH Shool, đặc biệt là Dự án Chăn nuôi bò sữa và Chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp lớn của Tập đoàn TH tại Nghệ An.

Trong một báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán MB (MBS) cho biết, cổ phiếu ngân hàng vẫn sẽ đóng vai trò dẫn dắt thị trường trong thời gian tới, do có lợi thế về mặt thanh khoản và các thông tin hỗ trợ.

Đồng quan điểm, báo cáo triển vọng ngành ngân hàng vừa được công bố của Công ty chứng khoán BIDV (BSC) cũng đưa ra nhận định, các ngân hàng sẽ chứng kiến tăng trưởng lợi nhuận cao nhờ sự phục hồi của nền kinh tế và kiểm soát tốt chất lượng tài sản sau dịch bệnh.

BSC cho rằng, lợi nhuận trước thuế toàn ngành sẽ tăng trưởng mạnh ở mức 28%, đóng góp chủ yếu bởi tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2021. Cùng với đó là mặt bằng lãi suất đi ngang và giảm áp lực chi phí dự phòng.

5 lý do để chọn cổ phiếu ngân hàng

Ngay cả trong phiên giao dịch đầy "yếu tố Covid-19", nhóm ngân hàng vẫn giữ vai trò trụ cột nâng đỡ thị trường. Sức mạnh này đến từ đâu? Ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc môi giới Công ty Chứng Khoán Mirae Asset cho biết sức mạnh này đến từ 5 yếu tố. 

cổ phiếu ngân hàng
Ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc môi giới Công ty Chứng Khoán Mirae Asset đưa ra những điểm hấp dẫn của nhóm cổ phiếu ngân hàng

Thứ nhất, sức mạnh từ sự thu hút nhà đầu tư F0 mới ra nhập thị trường bởi độ nhận diện thương hiệu. Hiện nay sự tăng trưởng của nhóm nhà đầu tư F0 trên thị trường đang rất rõ ràng, vậy nên sự phổ dụng và lan toả của nhóm ngân hàng chính là một lợi điểm cho nhóm này.

Nhóm nhà đầu tư F0 đang dẫn dắt cuộc chơi khi mà các quỹ đầu tư lớn, các bài báo từ Bloomberg,...đều khẳng định thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở giai đoạn mà nhà đầu tư cá nhân đóng vai trò then chốt. Họ cân đối, hấp thụ tất cả lực chốt lời từ ngoại khối, nội khối nhất là tổ chức tự doanh,...và thị trường duy trì thanh khoản ở mức 800 triệu - 1 tỷ đô mỗi phiên nhờ "lực lượng F0" này.

Thương hiệu của các ngân hàng được lan toả tới nhà đầu tư mới rất nhiều từ dẫn động của truyền thông, đội ngũ môi giới, đội ngũ tư vấn,...với định vị đây là "cổ phiếu vua", không khó để dẫn đến trăm nẻo đều đổ về nhóm ngân hàng này. Và nó cũng giải thích cho luận điểm đầu tiên là tại sao volume của nhóm này lúc nào cũng cao vượt top thị trường.

Thứ hai, sức mạnh khi hưởng lợi trực tiếp từ sự tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh trạng thái "bình thường mới" của đại dịch. Nền kinh tế được nhận định là thuần về sản xuất và xuất khẩu, vậy sẽ nảy sinh ra câu chuyện "nghiện vốn". Chúng ta phải vay nợ để phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh, xuất khẩu,...Vậy khi thị trường phục hồi, nhu cầu tín dụng sẽ tăng cao, rõ ràng ngành hưởng lợi trực tiếp đầu tiên chính là ngành ngân hàng.

Đó là lý do có sự luỹ kế, khi tăng trưởng tín dụng nếu nợ xấu ít thì nó được phản ánh thẳng vào lợi nhuận. Đó là điều tôi muốn nhấn mạnh, khi kinh tế phục hồi, nhu cầu tín dụng tăng thì ngành ngânhàng sẽ tiếp tục duy trì nền tảng thu nhập và lợi nhuận thuận lợi trong không chỉ một vài tháng vì bánh xe kinh tế vĩ mô là cả một chu kỳ 5 - 10 - 15 năm.

Mở rộng thêm ở ý thứ 4 này là sự chủ động của các ngân hàng khi các hệ số NIM vẫn cho thấy sự tăng trưởng rất rõ. Lúc lãi suất giảm, đầu vào cũng giảm rất nhanh (gửi 5-7 tỷ từ 8-9% chỉ còn 4-5%). Dễ nhận thấy những kỷ lục về huy động tiết kiệm, tuy nhiên đầu ra chỉ giảm nhỏ giọt, đây là sự chủ động khi nền kinh tế có nhu cầu vốn nhiều. Tới bây giờ lãi suất lại tăng rất rõ khi nhu cầu tín dụng tăng, có nghĩa các ngân hàng cũng chủ động cho cả chiều lên khi nhích từ từ lãi đầu vào nhưng tăng đầu ra đáng kể 0,25-0,5%. Do vậy, NIM của nhóm ngành này nhất là những ngân hàng có lợi thế về thương hiệu, mạng lưới, hệ thống,…vẫn sẽ duy trì ở mức rất cao.

Thứ ba, sức mạnh cộng hưởng nhờ giải quyết nợ xấu. Nếu xét trong quá khứ 10 năm trước, vào khoảng 2011 - 2012 là lúc ngành ngân hàng gặp muôn vàn khó khăn, chúng ta chứng kiến sự "ngã ngựa" của những ông chủ vang bóng một thời vướng vòng lao lý, đó chính là giai đoạn mấu chốt, sống còn cho việc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu,...Xử lý nợ xấu thực ra là câu chuyện tổng hoà nhiều yếu tố từ tái cơ cấu quản trị, sự giúp đỡ về thanh khoản của NHNN, cơ cấu vĩ mô của nền kinh tế,...và nó giúp giai đoạn tái cấu trúc đặc biệt nhất của ngành ngân hàng trong 6-7 năm qua thành công.

Khi đại dịch Covid-19 quay lại, thì sự giúp đỡ của Chính phủ và NHNN rất rõ ràng. Và nợ xấu này vẫn đánh giá là one-off (một lần) và kể cả khi đại dịch bùng phát lần 4 như hiện nay thì kinh nghiệm xử lý của Chính phủ cũng như việc trích lập, thích nghi với tình hình này của nhóm ngân hàng đã rất tốt. Do đó, câu chuyện nợ xấu phát sinh bởi đại dịch này sẽ không trọng yếu bằng câu chuyện nợ xấu của 10 năm trước. Đó là lý do tôi nói "đã qua giai đoạn xử lý nợ xấu".

Thứ tư chính là sức mạnh từ nội tại. Ngành ngân hàng đang có những chuyển biến rất tốt về nội tại của họ khi cho thấy nhiều số liệu tích cực. Tổng thể nhóm ngân hàng hiện đang có vốn hoá lớn nhất thị trường với tính toán sơ bộ chiếm khoảng 30% vốn hóa thị trường. Mức định giá P/B trung bình của ngành hiện khoảng 1,8x. Những Ngân hàng chiếm CASA cao nhất trong nhóm như Techcombank, MBB, Vietcombank,…đều có mức CASA 30% trở lên.

Ngoài ra, ROA trung bình của ngành hiện khoảng 1,2%, ROE cải thiện đáng kể ở khoảng 14%, NIM trung bình khoảng 0,9%, các độ bao phủ nợ xấu, tăng trưởng lợi nhuận trước dự phòng tín dụng đều có mức tăng trưởng rất tốt.

Nói về thanh khoản, gần đây những ngân hàng trụ đều có giao dịch trung bình 15-20 triệu đơn vị/phiên. Vậy nói về mức độ hút thanh khoản thì ngân hàng đang là nhóm ngành số 1 của thị trường.

Và yếu tố quan trọng nữa, xét về kết quả kinh doanh, có thể thấy nhóm ngân hàng gần như tương đồng với ngành Vật liệu hay ngành bất động sản khi tăng trưởng 50-100% hoặc thậm chí 200% lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng kỳ năm ngoái chứng kiến một yếu tố mùa vụ là sự bùng nổ dịch Covid -19 và các ngân hàng phải gia tăng trích lập dự phòng, nhờ những thông tư từ NHNN mới có thể giảm thiểu mức thua lỗ. Tới bây giờ khi bình thường trở lại thì lợi nhuận quý I/2021 "bung" mạnh và gấp lên vài lần cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

Qua 5 luận điểm trọng yếu trên, có thể thấy tính tất yếu tìm đến nhóm ngân hàng của dòng tiền thể hiện qua 2 nền tảng rất rõ là sự tăng trưởng nội tại của nhóm này khi thu nhập vẫn được duy trì tốt dù trong bối cảnh đại dịch, và thứ hai là lợi thế về thương hiệu đối với dòng tiền, đặc biệt là dòng tiền từ nhóm nhà đầu tư mới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top