Ngân hàng là ngành dẫn đầu thị trường nhưng PE mới ở mức 11-12
Trong 10 năm gần nhất cho thấy, 2012 - 2015 là giai đoạn khó khăn nhất đối với nhóm ngân hàng, EPS (lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu) cả ngành dưới 1.300 đồng. Kể từ 2016, hoạt động ngân hàng đã có những bước khởi sắc dù đang vào cao điểm xử lý nợ xấu. Chỉ sau hai năm, EPS chung của ngành đã trở lại mức trên 2.000 đồng và năm nay EPS của ngành đã vượt lên cao nhất 2.300 đồng trong 10 năm.
Theo Bộ phận Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISecurities), cổ phiếu ngân hàng đang ở vùng giá thấp. Ngân hàng là ngành dẫn đầu thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại nhưng PE (hệ số giá trên lợi nhuận mỗi cổ phiếu) trung bình chỉ ở mức 11-12 và P/BV (hệ số giá trên giá trị sổ sách) vẫn ở mức chấp nhận 1,5.
Đối với các ngân hàng trong giai đoạn đang từng bước dần hoàn thiện tiêu chuẩn Basel II thì bài toán vừa kiếm lợi nhuận đạt EPS cao trong khi phải cân đối bài toán giữ nợ xấu ở mức an toàn đi đôi với việc phải tăng vốn khá nan giải.
Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay bị siết lại theo chính sách thắt chặt tiền tệ của NHNN những tháng cuối năm càng làm các ngân hàng phải tìm các nguồn thu khác bên cạnh nguồn thu truyền thống tín dụng. Các hoạt động mới về dịch vụ, ngoại hối, trái phiếu, bảo hiểm đang được các ngân hàng chạy đua cạnh tranh và hứa hẹn bức tranh ngành trong các năm tiếp theo sẽ còn rất nhiều điều đáng bàn. Ngoài yếu tố mạng lưới lớn, sâu rộng thì ngân hàng nào có chất lượng tín dụng an toàn, quản trị rủi ro tốt, đón đầu công nghệ sẽ nhanh chóng vươn lên thành các tổ chức lớn trong tương lai.
Cho đến hiện tại các ngân hàng vẫn đang gia tăng vốn cấp 1 thông qua việc phát hành cổ phiếu cho đối tác ngoại như BID, VCB hay chia cổ tức bằng cổ phiếu. Bức tranh EPS các ngân hàng sẽ có nhiều khác biệt sau quý IV năm nay.
Theo VISecurities, các ngân hàng niêm yết giữ Book Value (BV) trung bình, từ mức 12.300 đồng thời điểm 2008 trong suốt 7 năm và vượt lên 13.000 đồng từ năm 2016. Đỉnh cao nhất của các ngân hàng là năm 2017 với Book Value trên 14.500 đồng.
Tính đến quý III năm nay giá trị BV giảm nhẹ nhưng không đáng kể do hoạt động tăng vốn chủ sở hữu lên quá nhanh. Giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng luôn mang tính dẫn dắt thị trường từ đầu năm đến nay. Chính nhờ sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu ngân hàng mà chỉ số VN-Index đã vượt đỉnh 1.200 điểm nhưng sau khi các cổ phiếu ngân hàng mất động lực thì thị trường lao dốc mạnh. Thị giá nhiều cổ phiếu ngân hàng đã giảm 10 - 30% so với đỉnh giá cao nhất trong năm và nếu so với đầu năm thì giá nhiều cổ phiếu còn thấp hơn.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của công ty chứng khoán cho rằng, khi sự lạc quan đi qua và những lo ngại về khó khăn trở lại với ngành ngân hàng tiềm ẩn năm 2019 đã làm nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn. Một nguyên nhân khác là những tác động rất lớn từ thị trường quốc tế đã phần nào làm chệch hướng đi của nhiều ngân hàng và buộc phải thay đổi chiến lược.
Những vấn đề khó khăn nhất về vĩ mô thể hiện ở tỷ giá, lãi suất, CPI đã được kiểm soát khá thành công trong năm nay. Một giả định nếu các vấn đề chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung được giải quyết hay ít nhất một thỏa thuận đẹp lòng hai bên là cán cân thương mại bớt thâm hụt về phía Mỹ sẽ là một điểm tích cực với Việt Nam khi không còn áp lực căng thẳng về tỷ giá kéo theo nhiều vấn đề hệ lụy khác. Tổng kết lại, khi tín hiệu vĩ mô ổn định trở lại, VISecurities cho rằng ngân hàng sẽ là nhóm ngành tiên phong dẫn đầu thị trường trở lại.
Bài toán nợ xấu vẫn còn đó, cuộc đua tăng vốn có rủi ro?
Thực tế, cổ phiếu ngân hàng được cho là đang được định giá thấp. không chỉ bởi ảnh hưởng các yếu tố vĩ mô, hay do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư mà còn chịu tác động lớn từ uy tín của ngành. Mặc dù lợi nhuận tiên tục tăng mạnh nhưng ngành ngân hàng vẫn tỏ ra lúng túng trong việc tìm lời giải cho bài toán nợ xấu. Chưa kể chất lượng dịch vụ đi xuống, niềm tin của khách hàng vào hệ thống đang bị thuyên giảm nghiêm trọng,...
Theo báo cáo quý III/2018, hầu hết các ngân hàng đều đạt lợi nhuận cao hơn cùng kỳ 2017. Tuy nhiên đi cùng với lợi nhuận gia tăng thì nợ xấu của các ngân hàng cũng tăng mạnh. Đơn cử như BIDV có hơn 17.041 tỷ đồng nợ xấu, tăng 21% so với thời điểm đầu năm (tức tăng thêm gần 3 nghìn tỷ đồng). Trong đó, nợ nhóm 5 tức là nợ có khả năng mất vốn chiếm trên 7.000 tỷ đồng. Xét về con số tương đối thì tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng này chiếm 1,75% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng.
Tại VietinBank, nợ xấu cuối quý II đứng ở mức 12.127 tỷ đồng, tăng hơn 3.100 tỷ đồng tương đương với 34,6% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ mức 1,14% hồi đầu năm lên 1,36%. Nợ nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn- chiếm tỷ trọng lớn nhất (72%) trong cơ cấu nợ xấu và cũng là nhóm nợ tăng mạnh nhất trong 9 tháng đầu năm nay khi tăng tới 68% lên 8.739 tỷ đồng.
Tại ngân hàng ACB, nợ xấu đến hết tháng 9/2018 cũng tăng 461 tỷ đồng, lên 1.850 tỷ đồng, chiếm 0,84% dư nợ cho vay. Tỷ lệ này tăng nhẹ lên 0,79% so với mức 0,71% so với hồi đầu năm. Nợ nhóm 5 tại ngân hàng này hiện đạt hơn 1.264 tỷ đồng, tăng 60% so với đầu năm nay. Tỷ lệ nợ xấu của ACB đang ở mức thấp hơn nhiều so với mặt bằng các ngân hàng hiện nay.
Từ quý III năm nay, thị trường bất ngờ khi cuộc đua lãi suất bắt đầu sớm hơn mọi năm, ban đầu chỉ nhen nhóm ở các ngân hàng nhỏ, sau đã lan sang các ngân hàng tư nhân lớn rồi các ngân hàng thương mại nhà nước. Nhìn chung tại trên thị trường tài chính, mặt bằng lãi suất bị đẩy cao lên khá đồng đều.
Bên cạnh cuộc đua lãi suất, nhiều nhà băng phát hành trái phiếu để bổ sung nguồn vốn trung dài hạn. Chẳng hạn, Vietcombank hoàn tất phát hành trái phiếu theo 6 đợt kỳ hạn 6 năm với tổng khối lượng khoảng 550 tỷ đồng lãi suất 7,475%/năm. BIDV có 4 đợt phát hành thành công tổng cộng hơn 1.000 tỷ. Ngân hàng MB phát hành thành công trái phiếu kỳ hạn 5 năm 1 ngày với trị giá hơn 1.400 tỷ đồng. VIB phát hành trái phiếu thành công huy động được 2.800 tỷ đồng và muốn làm tiếp đợt 2...
Tình trạng khát vốn huy động, đặc biệt là nguồn vốn kỳ hạn trên 12 tháng thể hiện rõ rệt. Ở các ngân hàng lớn, dù vẫn là nơi thu hút tiền gửi nhiều nhất song thanh khoản vẫn đâu đó có tín hiệu căng thẳng trong thời gian gần đây. Tốc độ tăng trưởng huy động tiền gửi của BIDV, VietinBank, Vietcombank trong 9 tháng đầu năm dưới 10%, thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng cho vay khách hàng từ 11-15%. Thậm chí, thiếu nguồn vốn huy động, các ông lớn đã phải gia nhập cạnh tranh lãi suất, nhưng dường như chưa đủ nên phải huy động lượng lớn trái phiếu để đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn.