Aa

Cổ phiếu ngân hàng vẫn là tâm điểm thị trường

Thứ Ba, 16/08/2022 - 06:58

Cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn vừa qua duy trì được đà tăng trưởng tích cực, khẳng định vai trò trụ cột hỗ trợ thị trường.

Theo đánh giá của SSI, nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng khởi sắc tăng điểm trong tháng 7/2022 đã giúp thị trường đạt được trạng thái cân bằng. Bước sang tháng 8/2022, sự bứt phá nhóm cổ phiếu này giúp VN-Index vượt qua ngưỡng mốc quan trọng. Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/8/2022, các cổ phiếu ngân hàng ngập tràn trong sắc xanh là một trong động lực giúp VN-Index tăng 10,26 điểm (0,82%) lên 1.262,33 điểm.

Không chỉ giá tăng, mà nhóm cổ phiếu ngân hàng liên tục được các nhà đầu tư (NĐT) ngoại, nội và tổ chức tự doanh mua vào. Một số cổ phiếu được NĐT ngoại gom mạnh có STB, CTG... Trong đó đáng chú ý có cổ phiếu HDB của HDBank, khối ngoại mua ròng gần chục phiên liên tiếp. Với chuỗi ngày mua ròng trên, nhà đầu tư nước ngoài đã nâng tỷ lệ sở hữu tại HDBank lên gần 347,3 triệu đơn vị, tương đương 17,1% cổ phần. Do ngân hàng này đã khóa “room'” ngoại ở mức 18%, nhà đầu tư nước ngoài chỉ còn có thể mua thêm gần 17,6 triệu cổ phiếu HDB. Tương tự HDBank, OCB cũng được nhà đầu tư nước ngoài mua 7 phiên liên tiếp. Sở hữu của khối ngoại tại OCB cũng sắp lên mức tối đa khi nắm giữ tới 21,76% cổ phần mà nhà băng này chốt “room” ngoại ở mức 22%.

Theo ông Trần Tánh - Phó phòng Phân tích và Nghiên cứu CTCK Yuanta Việt Nam, một trong những yếu tố tạo nên sức hút đối với cổ phiếu ngân hàng là dư địa tăng trưởng tín dụng. Nhiều NĐT kỳ vọng các ngân hàng được nới room tín dụng. Có thể cuối quý III sẽ có thêm ngân hàng được nới room.

Có chung nhận định, SSI Research kỳ vọng đợt cấp hạn mức tín dụng tiếp theo có thể diễn ra vào cuối quý III/2022 và mức điều chỉnh sẽ phụ thuộc vào sức khỏe tài chính của từng ngân hàng. Ngân hàng nào có lợi thế về tăng trưởng tín dụng so với ngân hàng khác thì doanh thu của ngân hàng đó trong những tháng cuối năm hứa hẹn tiếp tục tăng trưởng tích cực.

Yếu tố nữa cũng hỗ trợ cho đà tăng giá cổ phiếu ngân hàng là kế hoạch tăng vốn của một số ngân hàng được thực hiện thành công. Đây cũng là một trong những điều kiện mà các ngân hàng đang nỗ lực chạy đua, đáp ứng để có cơ hội được nới room tín dụng tốt hơn.

Bên cạnh đó, theo ông Tánh định giá hiện tại của nhóm cổ phiếu ngân hàng là khá hấp dẫn. Thực tế trong 6 tháng đầu năm, mức tăng trưởng trung bình của ngành Ngân hàng đạt trên 20%. Tuy nhiên, giá cổ phiếu lại giảm từ 30-40% so với mức đỉnh của giai đoạn trước. Chỉ số P/E của thị trường đã về 10 - 11 lần. P/B của riêng ngành Ngân hàng nằm ở mức khoảng 1,5 lần. Đây là mức tương đối hấp dẫn để NĐT cân nhắc đầu tư trong trung, dài hạn.

Tuy khó quay trở lại mặt bằng giá như năm 2021, nhưng ông Trần Tánh cho rằng, giá cổ phiếu ngân hàng sẽ phục hồi tốt trong giai đoạn tới và vẫn là nhóm ngành dẫn dắt thị trường tăng trưởng vượt qua mốc quan trọng.

Triển vọng cổ phiếu ngân hàng khá tích cực, nhưng theo giới chuyên môn, không phải tất cả các cổ phiếu ngân hàng đều tăng trưởng tốt mà có sự phân hoá. Với xu hướng tăng lãi suất huy động ảnh hưởng đến chi phí vốn của các ngân hàng rõ rệt. Nếu ngân hàng nào có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao sẽ không bị ảnh hưởng nhiều đến NIM, giữ được mức sinh lời tốt. Hoặc ngân hàng nào duy trì tỷ lệ LDR ở mức thấp cũng không bị áp lực tăng lãi suất để huy động vốn… Chẳng hạn, tỷ lệ CASA của MB tiếp tục cải thiện tăng 7% so với quý trước do tiền gửi doanh nghiệp phục hồi nâng tỷ lệ này tại ngân hàng lên mức 45,5%. Hay như Sacombank hoàn thành một mốc quan trọng trong quá trình tái cơ cấu tính đến hết quý II/2022 với việc thoái thu hết lãi tồn đọng. Do đó, NIM của ngân hàng sẽ được cải thiện mạnh mẽ trong các quý sắp tới. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng có thể có các nguồn thu khác liên quan đến Bancasurance…

Thực tế, thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm 30 - 40% giá trị giao dịch của toàn thị trường. Do đó, nếu nhóm này tăng giá, thu hút lại được dòng tiền thì dòng tiền vào thị trường chung cũng sẽ được kích hoạt. Nhất là dòng tiền ngoại đang là điểm sáng của thị trường chứng khoán liên tục mua ròng kể từ tháng 4 trở lại đây.

Bà Trần Thị Khánh Hiền – Giám đốc Khối phân tích của VNDIRECT cho biết kể từ tháng 4, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu quay trở lại mua ròng tích cực trên TTCK Việt Nam. Chỉ tính riêng trong 7 tháng năm 2022, khối ngoại mua ròng hơn 1.600 tỷ đồng.

Theo bà Hiền, dòng vốn ngoại thông minh vẫn sẽ chọn Việt Nam là điểm đến bởi các nhà đầu tư nước ngoài lạc quan với TTCK Việt Nam với mức tăng trưởng top đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cùng với đó, điều hành chính sách tiền tệ chắc tay của NHNN đã được kiểm định trong bối cảnh FED tăng liên tục lãi suất và thắt chặt chính sách tiền tệ. Lạm phát của Việt Nam vẫn được kiểm soát ở mức có thể chấp nhận. Đồng Việt Nam tiếp tục duy trì sức mạnh ổn định trong bối cảnh các đồng tiền khác trong khu vực như Yên (Nhật), Baht (Thái)… chịu áp lực mất giá trước đồng USD./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top