Aa

Cổ phiếu ngân hàng còn là “cổ phiếu vua” sau những thăng trầm năm 2021?  

Thứ Sáu, 03/12/2021 - 06:00

Cuối tháng 11, cổ phiếu nhóm ngân hàng đồng loạt bứt phá tăng trở lại gần đạt mức giá thời điểm bùng nổ quý II/2021. Tuy vậy, các chỉ tiêu tài chính của ngành còn tiềm ẩn rủi ro nên nhà đầu tư cũng cẩn trọng hơn.

Triển vọng tăng trưởng nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều   

Tính đến phiên ngày 26/11, VNIndex đã vượt ngưỡng 1.500 điểm với hứng khởi chủ đạo từ nhóm cổ phiếu ngân hàng và dòng bất động sản. Đến phiên 30/11, thị trường điều chỉnh lại nhưng đây vẫn là hai nhóm ngành giữ được mức tăng trưởng dương trong suốt giai đoạn dịch bệnh kéo dài vừa qua. Tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm, trong khi doanh nghiệp bất động sản khởi động bán hàng trở lại, các ngân hàng lại đang “đau đầu” cân đối cho khoản dự phòng rủi ro, nợ xấu. 

Ngân hàng luôn có vai trò quan trọng trong bất kỳ nền kinh tế nào. Không chỉ là "trái tim" bơm máu lưu thông mà còn được mệnh danh là vua bởi vốn lớn, cho nên ảnh hưởng mạnh vào chỉ số Index. Tuy nhiên, thời gian gần đây "vị vua" này đang có dấu hiệu bị thị trường ghẻ lạnh, dòng tiền xa lánh. Vậy liệu rằng trong quý cuối năm, dòng ngân hàng còn có hy vọng gì không, có nên tiếp tục nắm giữ hay đổi dòng khác?

Năm 2021, nhóm ngân hàng là điểm sáng trong bối cảnh nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Các nhà băng có kết quả kinh doanh khả quan trong quý I, quý II và kể cả trong quý III vừa qua. Có nhiều ý kiến nghi ngại rằng trong quý IV năm nay và sang năm sau, khi dịch ngấm dần, áp lực trích lập dự phòng và rủi ro nợ xấu sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của khối này. Tuy nhiên, vẫn có những quan điểm tích cực cho rằng, có nhiều ngân hàng hoạt động rất tốt, có các chỉ số tài chính tích cực, có tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức rất cao, thể hiện rằng nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ), nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đã dự tính được trước và lợi nhuận quý IV năm nay hay quý I sang năm không bị ảnh hưởng mạnh.

Về vùng giá, hiện nay P/E của cả nhóm ngân hàng là khoảng 20, P/B dưới 2,2. Điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng của nhóm ngân hàng rất cao. Những ngân hàng top đầu đang được giao dịch với P/E dưới 15. Được biết, ROE của ngành ngân hàng hiện nay khoảng 18%. Đặc biệt, những ngân hàng top hàng đầu có thể lên đến 25%, đây là mức mà nhiều ngân hàng khác trong khu vực, thế giới cũng khó có được. Xét về định giá, vùng giá hiện nay là vùng rất hấp dẫn để mua vào và giữ dòng cổ phiếu này.

Ngoài ra, những câu chuyện riêng của từng khối, ngân hàng vốn Nhà nước, ngân hàng tư nhân và thậm chí là câu chuyện riêng của từng mã. Việc các ngân hàng đã tăng vốn mạnh, phát hành thêm rất nhiều cổ phiếu khiến nhà đầu tư lo lắng không kịp hấp thụ. Tuy nhiên, cần hiểu rõ, bản chất phát hành thêm cổ phiếu là chuyển vốn từ tay phải sang tay trái, chuyển từ thặng dư qua. Các ngân hàng hoạt động tốt và có thặng dư để chia thưởng, dẫn đến lượng cung cổ phiếu tăng lên. Trong ngắn hạn có thể khiến thị trường không hấp thụ kịp, nhưng trong dài hạn thì các nhà đầu tư sẽ nhìn nhận vào vấn đề chính yếu hơn, về định giá, tiềm năng và thanh khoản. 

Đáng chú ý, trong quý IV/2021, nhiều ngân hàng sẽ được nới room tăng trưởng tín dụng, doanh thu của nhiều ngân hàng có thể cũng sẽ dần khởi sắc. Tuy nhiên, sự khởi sắc này lại liên quan đến quỹ dự phòng rủi ro và nợ xấu. 

Chỉ số nợ xấu và dự báo lợi nhuận sẽ thể hiện lên giá cổ phiếu

Theo thống kê cho thấy, lợi nhuận nhóm ngân hàng trong quý III/2021 tăng trưởng 26,6%. Dù mức tăng trưởng này đã giảm đáng kể so với quý II/2021 nhưng đây vẫn là con số tích cực so với tăng trưởng 5,9% so với cùng kỳ năm 2020. 

Báo cáo tài chính mới đây của các ngân hàng cũng cho thấy, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm hầu hết các ngân hàng đều được tăng trưởng so với cùng kỳ. Chẳng hạn ACB tăng trưởng 40%, Techcombank tăng 60%, Viettinbank tăng trên 34%, Sacombank tăng 40%, MBB tăng 46%,...

Biên lãi ròng của hầu hết các nhà băng đều bị ảnh hưởng song bù lại thu nhập từ mảng dịch vụ tăng trưởng tốt đã cứu cánh lợi nhuận của toàn ngành. Đặc biệt, có những ngân hàng ghi nhận lợi nhuận từ dịch vụ tăng hơn 100% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, nợ xấu cũng có chiều hướng tăng cao. Đơn cử như, ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank). Theo báo cáo tài chính quý III/2021, VietBank ghi nhận nợ xấu tăng thêm 40% so với cùng kỳ năm trước, lên 1.243 tỷ đồng, và so với đầu năm đã tăng gần 60%. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng mạnh lần lượt 275% và 159% trong 9 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) cũng tăng 9% lên 653 tỷ đồng.

Hay, ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng ghi nhận nợ xấu tiếp tục tăng trong quý III. Tại thời điểm 30/9/2021, nợ xấu của ACB là 2.822 tỷ đồng, tăng 21,2% so với cuối quý II và tăng 53% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng mạnh nhất, lần lượt tăng 201% và 76% trong 9 tháng đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ACB tăng từ 0,6% lên 0,85%.

cổ phiếu ngân hàng
Cổ phiếu ngân hàng có vẻ như đã đi qua thời điểm hoàng kim của năm 2021. Ảnh Internet

Theo báo cáo tài chính quý III năm 2021 của 27 ngân hàng đang giao dịch trên thị trường khoán, số dư nợ xấu đã tăng lên con số 113.006 tỷ đồng tại thời điểm 30/9/2021, cao hơn 26% so với thời điểm đầu năm. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mức này vẫn trong tầm kiểm soát và thấp so với các năm trước, do trong năm 2020 và 2021 các ngân hàng vẫn đẩy mạnh dự phòng rủi ro tín dụng.

Trước đó, báo cáo trước Ủy ban kinh tế Quốc hội, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cũng khẳng định, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm 2021 của ngành ngân hàng sẽ ở mức từ 7,1% - 7,7%, xấp xỉ 8%. Việc thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn hoãn nợ theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 của NHNN là một trong những giải pháp căn cơ để nợ xấu ngân hàng không tăng đột biến trong một khoảng thời gian và giảm áp lực tăng trích lập dự phòng quá lớn lên hệ thống.

 Như vậy, dịch Covid-19 bắt đầu tác động lên hoạt động của ngành ngân hàng. Không ít các ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm hoặc tăng thấp do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. Nợ xấu cũng đã tăng cao hơn trong 3 tháng vừa rồi.

Quý III/2021, hàng loạt ngân hàng đã triển khai việc hạ mạnh lãi suất cho vay, tuy nhiên mức độ hỗ trợ ở từng nơi có sự chênh lệch. Theo NHNN, từ ngày 15/7 đến 31/8, 16 ngân hàng thương mại đã thực hiện giảm tiền lãi hơn 8.800 tỷ đồng cho khách hàng, đạt 43,01% so với cam kết 20.600 tỷ đồng. Với mức giảm lãi như trên, khá dễ hiểu khi có những dự báo kỳ vọng lợi nhuận của các ngân hàng tư nhân có thể tạm vượt lên trước các "đại gia" ngân hàng thương mại Nhà nước.

Trước đó, kết quả kinh doanh quý II/2021 của các ngân hàng lớn đã khiến giới phân tích bất ngờ khi chênh lệch rất nhiều so với dự kiến. Nguyên nhân là ngân hàng đã mạnh tay tăng trích lập dự phòng khiến cho lợi nhuận đột ngột giảm mạnh. 

Ngoài ra, hạn mức tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng có sự phân hóa, sẽ tác động tới kết quả lợi nhuận khi đây vẫn là nguồn lãi chính của các đơn vị thành viên trong hệ thống. 

Theo nhận định của các nhà phân tích từ công ty cổ phần chứng khoán MB (MBS) cho biết, thị trường trong nước chốt tuần với mức cao kỷ lục. Đáng chú ý, dòng tiền vẫn tập trung ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đặc biệt là cổ phiếu mang tính đầu cơ cao trên Upcom khi biên độ rất rộng ở sàn này tạo sức hấp dẫn lớn.

Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đang ở đỉnh cao mới, dòng tiền vẫn rất dồi dào khi các nhịp giảm trong phiên hầu như chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, ngay sau đó chỉ số bật tăng trở lại.

Tín hiệu đáng lưu ý trong tuần sau nằm ở nhóm VN30 khi sắc xanh lan tỏa trong phiên cuối tuần và sự tăng trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Một nhận định khác, các chuyên gia của công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt, kỳ vọng vào việc khơi thông và thúc đẩy nguồn vốn đầu tư - tư nhân đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng có thêm động lực tăng trưởng. Bên cạnh đó, với gói kích thích kinh tế lớn, các doanh nghiệp sẽ dần hoạt động trở lại và giảm bớt lo ngại về rủi ro nợ xấu.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam nhận định: Nhóm cổ phiếu ngân hàng gặp nhiều khó khăn, hầu như đi ngang hoặc đi xuống và chưa có dấu hiệu hồi phục có thể đến từ dự báo lợi nhuận quý III của các nhà băng không mấy thuận lợi. Tuy nhiên, xu hướng này sẽ không kéo dài tới cuối năm vì vẫn còn nhiều yếu tố hỗ trợ giá cho cổ phiếu của các nhà băng.

Trước tiên là việc NHNN cho giãn Thông tư 01 kéo dài tới tháng 6/2022 sẽ khiến các ngân hàng tiết kiệm được lượng lớn chi phí dự phòng đáng ra phải trích lập trong quý IV. Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng về cuối năm sẽ tốt hơn khi nền kinh tế dần mở cửa, phục hồi trở lại. Lãi suất khó giảm thêm nên không còn gây ảnh hưởng tới hệ số NIM (biên lãi ròng) của các ngân hàng.

Một số ngân hàng cũng có những câu chuyện riêng về tăng vốn, bán công ty con. Nhiều ngân hàng chưa hạch toán hết thu từ bancassurance, việc điều chỉnh phí bancassurance cũng kỳ vọng mang lại một phần thu nhập ngoài lãi cho các ngân hàng. Một số ngân hàng như TCB, OCB lại có khoản đầu tư trái phiếu khá lớn, có thể phần nào bù đắp khi tín dụng chưa tăng trưởng mạnh trở lại.

Về triển vọng giá cổ phiếu nhóm ngân hàng, ông Minh cho rằng, hiện cổ phiếu ngân hàng giảm một phần do dòng tiền chung của thị trường không đi vào nhóm doanh nghiệp có vốn hoá lớn. Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ sớm đảo chiều.

Riêng với nhóm ngân hàng, theo ông Minh, trong 2 năm trở lại đây là nhóm có giá trị vốn hoá lớn nhất, dẫn dắt xu hướng thị trường chung, và dòng cổ phiếu ngân hàng vẫn phải là nhóm dẫn dắt. "Khả năng nhóm ngân hàng sẽ tăng trở lại là khá cao bằng những câu chuyện riêng như thoái vốn, thực hiện tăng vốn để tăng room tín dụng, lợi nhuận tốt so với đa số doanh nghiệp trong nền kinh tế… hứa hẹn sẽ có những đợt sóng khi kinh tế hồi phục", ông Minh nói.

Sau những đợi điều chỉnh giảm sâu vừa qua, hiện P/E và P/B của các ngân hàng được cho là đang ở mức rất hấp dẫn. Trước đó, để tìm những nhà băng có mức P/B dưới 2x là không đơn giản, còn mới mức P/B 1,5x gần như tìm đỏ mắt cũng không thấy thì nay đã khác, có rất nhiều lựa chọn đáng lưu ý với nhóm này.

Ông Minh nhấn mạnh, các nền tảng vĩ mô của ngân hàng đang rất tốt, những biến động về nợ xấu không quá đang ngại với hệ thống như trước đây. Đặc biệt, thanh khoản hệ thống ngân hàng không có dấu hiệu căng thẳng. Với việc nền kinh tế dần hồi phục trở lại trong quý IV khiến các ngân hàng mạnh dạn hơn trong giải ngân tín dụng sẽ giúp cổ phiếu ngân hàng có nhiều cơ hội từ nay đến cuối năm 2021, hứa hẹn có những đợt sóng mới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top