Aa

Cổ phiếu nhóm bất động sản đồng loạt khởi sắc, thị trường chung đảo chiều tăng điểm

Thứ Hai, 13/03/2023 - 06:19

Cùng với cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu nhóm doanh nghiệp bất động sản tuần qua đồng loạt khởi sắc, trở thành trụ cột chính thúc đẩy thị trường chứng khoán phục mạnh mẽ.

Vượt bão, VN-Index tăng gần 30 điểm trong tuần

Ngay sau phiên phát biểu của chủ tịch Fed vào tối ngày 7/3 theo giờ Việt Nam, thị trường chứng khoán Mỹ đã rơi vào diễn biến giảm điểm mạnh khi để mất hơn 1.200 (gần 4%) trong 3 phiên từ 7 - 9/3. Tưởng chừng chỉ số VN-Index cũng sẽ chịu ảnh hưởng chung từ biến động tiêu cực này, tuy nhiên VN-Index đã bất ngờ duy trì diễn biến tăng điểm trong phiên ngày 8 và 9/3 và chỉ giảm nhẹ trong phiên cuối tuần ngày 10/3, chốt tuần tại 1.053. Tính chung cả tuần, chỉ số đã tăng đến 28,23 (+2,75%) so với mức đóng cửa của tuần trước đó.

Những cổ phiếu là "tội đồ" của tuần trước hầu hết đã trở lại với vai trò là cổ phiếu dẫn dắt chính cho diễn biến tăng điểm của VN-Index. Cụ thể như MSN tăng 10,4% giúp VN-Index tăng 2,8 điểm là mã ảnh hưởng lớn nhất. VPB xếp thứ hai, ngoài ra còn có 3 ngân hàng khác trong top 10, đó là CTG, BID và VCB với tổng mức ảnh hưởng +6,9 điểm lên chỉ số. VHM và VRE cũng là 2 cổ phiếu hỗ trợ mạnh đến chỉ số với mức ảnh hưởng lần lượt là +2,1 điểm và +1,1 điểm.

Khối ngoại có lẽ là động lực quan trọng giúp VN-Index đi ngược với diễn biến thị trường thế giới, trong tuần khối này đã mua ròng 4/5 phiên với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng trên 2 sàn. HSG và SSI là 2 cổ phiếu được khối ngoại ưa thích nhất với giá trị mua ròng lần lượt đạt 176 tỷ đồng và 164 tỷ đồng. Chiều bán ròng, DCM bị bán ra gần 100 tỷ đồng và là cổ phiếu bị bán ròng lớn nhất trong tuần. Trong tuần xuất hiện thông tin quỹ ETF Fubon nộp hồ sơ để huy động thêm 4.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ bắt đầu giải ngân từ ngày 13/3, cùng với diễn biến mua ròng trở lại của khối ngoại có lẽ là động lực quan trọng hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư. Sau tuần tăng điểm, trạng thái VN-Index đã có sự cải thiện ở xu hướng ngắn hạn, vươn lên tăng điểm, trong khi đó trạng thái trung hạn đã tìm lại xu hướng đi ngang bị mất trong tuần trước. 

Cổ phiếu bất động sản đồng loạt hồi phục

Kết thúc tuần, nhóm ngành bất động sản có 74 mã tăng giá, 20 mã đứng giá và 28 mã giảm giá. Số lượng mã tăng giá áp đảo hoàn toàn, trái ngược hẳn với tuần trước đó.

Có 3 thông tin tích cực hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư trong tuần qua, đó là thông tin về Nghị định 08 về trái phiếu doanh nghiệp mới ban hành; quỹ Fubon ETFs được chấp thuận tăng vốn; Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn từ 15/3.

Dẫn đầu top 20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất tuần qua là VHD của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Vinaconex (UpCOM) tăng 71,6% từ 8.100 đồng/CP lên 13.900 đồng/CP. VHD có 5 phiên liên tiếp tăng hết biên độ. Tuy nhiên, VHD là mã cổ phiếu có thanh khoản rất thấp, cả tuần chỉ giao dịch 2.900 đơn vị.

Tương tự, HRB (+39,6%) của Công ty Cổ phần Harec Đầu tư và Thương mại (UpCOM), SZG (+ 21.0%) của CTCP Sonadezi Giang Điền (UpCOM), HU6 (+15%) của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị HUD 6 (UpCOM), MGR (+12,5%) của Công ty cổ phần Tập đoàn Mgroup (UpCOM)... cũng là những mã tăng mạnh nhưng thanh khoản rất thấp.

Đáng chú ý trong top tăng mạnh, có PDR của Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HoSE), tuần qua tăng 11,9%. Có 26,8 triệu cổ phiếu PDR sang tay thành công trong tuần qua. 

PDR tăng giá mạnh trong bối cảnh mới đây, bà Trần Thị Hường, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt đã hoàn tất bán hơn 1,24 triệu cổ phiếu PDR. Giao dịch được thực hiện trong khoảng thời gian 1/3 - 6/3, theo phương thức giao dịch thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh trên sàn. Mục đích bán ra của vị phó chủ tịch này là để tái cơ cấu danh mục đầu tư.

DXG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (HoSE) chốt tuần tăng 11,4% từ 10.100 đồng/CP cuối tuần trước đó lên 11.250 đồng/CP cuối tuần vừa rồi. Cùng với đó là sự bùng nổ về thanh khoản. Tuần qua, đã có 63,4 triệu cổ phiếu DXG khớp lệnh.

Gần đây, cổ phiếu DXG thường giao dịch tại vùng giá quanh 11.000 đồng sau khi đã tạo đáy ngưỡng 8.000 đồng hồi giữa tháng 11/2022. Diễn biến của mã kể từ đầu năm 2023 đến nay chủ yếu là điều chỉnh và không có quá nhiều điểm nhấn ngoại trừ tín hiệu từ một cổ đông ngoại quốc.

Cụ thể, tính từ cuối tháng 1/2023 đến nay, nhóm quỹ Dragon Capital đã xả ròng tới 51 triệu cổ phiếu DXG (8,36% vốn) qua đó giảm lượng sở hữu từ 122 triệu đơn vị (gần 20% vốn Đất Xanh) về còn 71 triệu cổ phiếu.

KDH của Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (HoSE) có một tuần khởi sắc. KDH tuần qua tăng 8,8%, từ 24.350 đồng/CP lên 26.500 đồng/CP. VRE của Công ty Cổ phần Vincom Retail (HoSE) tăng 7,7%, từ 26.000 đồng/CP lên 28.000 đồng/CP.

HQC của Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HoSE) tuần 27/2 - 3/3 lọt danh sách giảm thê thảm thì tuần vừa rồi hồi phục, tăng 7,6% từ 3.160 đồng/CP lên 3.400 đồng/CP.

Ở chiều ngược lại, PTN của Công ty cổ phần Phát triển Nhà Khánh Hòa (UpCOM) dẫn đầu top giảm điểm. Cụ thể, PTN giảm 46,5%, từ 8.600 đồng/CP xuống chỉ còn 4.600 đồng/CP. PTN chốt tuần với 4 phiên sàn liên tiếp. Tuy nhiên thanh khoản rất thấp. Đáng chú ý, trước đó PTN hầu như không có giao dịch.

AMD của Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (HoSE) giảm 7,5% từ 1.200 đồng/CP xuống còn 1.100 đồng/CP. AMD bị vào diện đình chỉ giao dịch từ 9/3/2023 do chậm nộp báo cáo tài chính quá thời hạn quy định.

Nhận định về thị trường chứng khoán tuần này, chuyên gia của Chứng khoán Yuanta cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại ngưỡng 1.040 điểm trong đầu phiên giao dịch do ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán thế giới, nhưng Yuanta kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể sẽ nhanh chóng thu hẹp đà giảm trong phiên giao dịch đầu tuần. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên Yuanta đánh giá rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp và dòng tiền có thể sẽ phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục hồi phục nhẹ cho thấy các nhà đầu tư tiếp tục giảm bi quan hơn.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp dưới 40% danh mục và có thể xem xét mua mới với tỷ trọng thấp để thăm dò xu hướng ngắn hạn.

Theo đồ thị tuần, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.053 điểm (+2.8%) với khối lượng giao dịch tăng nhẹ so với tuần trước đó. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy trung hạn cho thấy thị trường có thể sẽ tiếp tục đi ngang quanh mức giá hiện tại trong tuần giao dịch tới. Ngoài ra, xu hướng trung hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư trung hạn có thể tiếp tục tận dụng các nhịp điều chỉnh để tích lũy cổ phiếu./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top