Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến sự bứt phá rất mạnh của nhóm cổ phiếu ngành thủy sản bất chấp việc nhóm ngành này được cho là chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bênh Covid-19.
Tính từ đầu tháng 5 đến nay, rất nhiều cổ phiếu thủy sản đã tăng giá đến trên 10%, thậm chí có mã còn tăng đến hơn 20%. Cổ phiếu CMX của Camimex Group tăng từ 13.000 đồng/cp lên thành 17.250 đồng/cp, tương ứng mức tăng giá đến hơn 32,7%. KSE của Xuất khẩu Thủy sản Khánh Hòa cũng tăng giá đến 22,1% từ 26.200 đồng/cp lên thành 32.000 đồng/cp.
Trong khi đó, nếu tính rộng hơn là từ thời điểm đầu tháng 4, cùng với sự hồi phục của thị trường chung, hàng loạt mã thủy sản tăng giá trên 50% như ANV, CMX, FMC, KSE, IDI, VHC hay MPC.
Việc các cổ phiếu thủy sản đi lên rất mạnh thời gian qua trong bối cảnh nhóm ngành này chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản quý I/2020 đạt trên 1,61 tỷ USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản niêm yết trên thị trường chứng khoán không mấy khả quan. Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) quý I bão lãi sau thuế giảm đến 98% so với cùng kỳ và chỉ còn hơn 1 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của Vĩnh Hoàn (VHC) cũng không mấy tích cực. Công ty báo lãi sau thuế giảm 51% so với cùng kỳ, xuống còn 152 tỷ đồng. Tương tự, CTCP Nam Việt (ANV) lãi chỉ hơn 43 tỷ đồng chưa bằng 1/4 so với con số lãi hơn 200 tỷ đồng ghi nhận trong quý I cùng kỳ.
So với các doanh nghiệp kể trên thì Thực phẩm Sao Ta (FMC) có kết quả bớt tiêu cực hơn khi lợ nhuận chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ với 40,3 tỷ đồng.
Việc khó khăn trong quý I cùng với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 hàng loạt doanh nghiệp thuộc nhóm ngành thủy sản đặt kế hoạch kinh doanh rất thận trọng. Thủy sản Khánh Hòa (KSE) lên kế hoạch lãi sau thuế 2020 giảm mạnh 83% so với kết quả năm trước xuống chỉ còn 1,2 tỷ đồng. Tương tự kế hoạch kinh doanh của ANV cũng được đưa ra với lợi nhuận giảm đến 72% và kỳ vọng được ở mức 200 tỷ đồng. Vĩnh Hoàn đưa ra 2 kịch bản cao vào thấp cho năm 2020. Với kế hoạch thấp, lợi nhuận dự kiến giảm 68% xuống còn 800 tỷ đồng. Còn ở kế hoạch cao thì lợi nhuận dự kiến cũng chỉ tăng 9% lên 8.600 tỷ đồng.
Thực phẩm Sao Ta (FMC) và Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) là 2 đơn vị đưa ra kế hoạch tăng trưởng so với năm trước. Trong đó, MPC đặt chỉ tiêu lợi nhuận năm 2020 ở mức 1.368 tỷ đồng, gấp đến 3 lần năm trước nhưng doanh nghiệp này thường xuyên đặt kế hoạch cao nhưng không hoàn thành. Còn FMC dự kiến lãi trước thuế 2020 trong khoảng 240-250 tỷ đồng, tương đương tăng từ 4-9% so với kết quả năm trước.
Lối đi nào cho ngành thủy sản trong khoảng thời gian còn lại của năm 2020?
Một số ý kiến cho rằng ngành thủy sản nói chung hay cá tra nói riêng sẽ có cơ hội phục hồi trở lại từ quý III. Theo đánh giá của Công ty chứng khoán An Bình (ABS), các quốc gia cạnh tranh thủy sản chính với Việt Nam như Ấn Độ, Ecuado phải phong tỏa cách ly chống dịch, giảm đáng kể đến 50% sản lượng sản xuất và xuất khẩu; Indonesia hay Philipin, Thái Lan cũng giảm khoảng 30%. Các nước này sẽ có độ trễ đáng kể hơn Việt Nam về phục hồi sản xuất để duy trì nguồn cung cho thế giới. VASEP cho rằng đây là cơ hội lớn cho thủy sản Việt Nam. Bên cạnh đó, việc EU đã hoàn thành thủ tục nội bộ để Hiệp định EVFTA có hiệu lực trong tháng 7, ABS kỳ vọng việc xuất khẩu thủy sản sẽ ghi nhận mức tăng trưởng tốt hơn sang thị trường châu Âu và Mỹ kể từ quý III/2020 với điều kiện dịch bệnh không bùng phát mạnh hơn.
ABS cho biết, trong ngắn hạn, tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc đã được kiểm soát, doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc như VHC, ANV có thể sẽ khả quan hơn so với quý I. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc giá bán thường thấp và dễ bị các nhà nhập khẩu ép giá khi nguồn cung dư thừa, nên có thể sản lượng tăng nhưng doanh thu tăng trưởng không tương xứng.
Ngược lại, EU và Mỹ là hai thị trường khó tính nhưng đơn giá xuất khẩu lại cao hơn Trung Quốc. EVFTA có hiệu lực trong tháng 7 sẽ giúp các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu lớn qua EU như FMC hưởng lợi. Xuất khẩu sang EU yêu cầu nhiều chuẩn mực về chất lượng khắt khe hơn nhiều so với thị trường Trung Quốc. Việc đạt được yêu cầu các chuẩn mực này cũng tạo được bước đệm để xuất khẩu nhiều hơn sang các thị trường khó tính như Mỹ. Về dài hạn, khi dịch bệnh được kiểm soát thì sản lượng xuất khẩu thủy sản qua thị trường Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh hơn. Các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu lớn sang Mỹ như MPC, FMC, VHC sẽ ghi nhận doanh thu xuất khẩu tích cực hơn kể từ quý III và quý IV trở đi.
Chứng khoán KV Việt Nam (KBSV) đã có quan điểm riêng về ngành cá tra Việt Nam với kỳ vọng giá trị xuất khẩu mặt hàng này hàng tháng sẽ tăng trưởng dương từ tháng 8 nhờ phục hồi ở các thị trường xuất khẩu chính trong quý III; giá trị xuất khẩu cuối năm 2019 đã bình thường trở lại, và hiệp định EVFTA bắt đầu có hiệu lực từ tháng 6/2020.
KBSV giả định các thị trường xuất khẩu chính của cá tra Việt Nam sẽ sớm mở cửa trở lại và hoạt động giao thương được phục hồi. Các tháng cuối năm 2020 sẽ trở nên khả quan hơn khi so sánh với cùng kỳ năm 2019 và có thể đạt mức tăng trưởng dương, mặc dù giá trị xuất khẩu cá tra cả năm 2020 khó có thể đạt được mức như năm 2019.
Ngoài ra, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNN cùng với chính quyền địa phương và các hiệp hội thủy sản có liên quan sẽ tập trung tháo gỡ các vấn đề về các khoản nợ quá hạn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam khi các đơn hàng xuất khẩu bị đối tác hủy hoặc hoãn trong thời gian dịch bệnh Covid-19 vừa qua. Bộ NN&PTNN cũng sẽ phối hợp với Bộ Công Thương xúc tiến xuất khẩu cá tra vào các thị trường đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa như Trung Quốc, Nhật Bản và ASEAN, và các thị trường tiềm năng khác như Nga, Ấn Độ, Brazil.