Aa

Thua lỗ nghìn tỷ, giá cổ phiếu VNZ vẫn liên tục “phá đảo“

Thứ Tư, 15/02/2023 - 06:12

Chốt phiên 14/2, cổ phiếu VNZ vẫn ghi nhận sắc tím quen thuộc, nối dài chuỗi trần 10 phiên liên tiếp, nâng mức giá lên 1.181.500 đồng/CP, bỏ mặc thị trường chung ngập trong sắc đỏ và kết quả kinh doanh bết bát.

Giá cổ phiếu VNZ "phá đảo" thị trường chứng khoán Việt Nam

Công ty Cổ phần VNG là công ty công nghệ với 4 mảng sản phẩm chính: Trò chơi trực tuyến, nền tảng kết nối, thanh toán điện tử và dịch vụ điện toán đám mây. Năm 2014, VNG là doanh nghiệp khởi nghiệp kỳ lân duy nhất tại Việt Nam khi được định giá trên 1 tỷ USD, theo World Starup Report.

Năm 2019, kỳ lân công nghệ VNG tiếp tục gây chú ý khi được nhà đầu tư nước ngoài Seletar Investments (quỹ đầu tư thuộc Temasek Holdings của Chính phủ Singapore) định giá gần 2 triệu đồng/CP, mức giá kỷ lục trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

VNG từng có nhiều kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại các thị trường chứng khoán lớn. Năm 2022, Bloomberg đưa tin VNG đang cân nhắc việc niêm yết tại Mỹ thông quan sáp nhập với một công ty mua lại. Tuy nhiên, ngày 5/1/2023 vừa qua, VNG đã chính thức chào sàn UPCoM với giá 240.000 đồng/CP. Sở dĩ, VNG chọn sàn UPCoM, sàn giao dịch có điều kiện giao dịch "dễ tính" nhất vì công ty này thua lỗ triền miên.

Mở đầu phiên giao dịch ngày 14/2/2023, cổ phiếu VNZ của Công ty Cổ phần VNZ dễ dàng nhuộm sắc tím, nối dài chuỗi trần 10 phiên liên tiếp, phá kỷ lục thị giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán Việt Nam trong lịch sử 23 năm. Trước VNG, cổ phiếu BMC của Công ty Cổ phần Khoáng sản Bình Định được ghi nhận mức giá cao nhất 847.000 đồng/CP (năm 2007).

Thanh khoản giao dịch thấp, trung bình 10 phiên 724 đơn vị. Trong đó, 6 phiên trần đầu tiên liên tiếp ghi nhận thanh khoản 100 đơn vị/phiên.

Chốt phiên giao dịch ngày 14/2, VNZ đạt mức giá 1.181.500 đồng/CP, tăng 429%, tương đương 941.500 đồng/CP so với giá chào sàn 240.000 đồng/CP. Vốn hóa thị trường của VNG lên tới hơn 423.000 tỷ đồng (tương đương 1,79 tỷ USD).

Biểu đồ của cổ phiếu VNZ phiên giao dịch ngày 14/2/2023.

Với việc sở hữu 12,3% cổ phiếu đang lưu hành (tương đương 3,53 triệu cổ phiếu VNZ), giá trị tài sản của ông Lê Hồng Minh - nhà đồng sáng lập, CEO Công ty Cổ phần VNG theo đó tăng từ 846 tỷ đồng lên 4.165 tỷ đồng, leo lên vị trí 22 trong Top những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Con số này thậm chí sẽ còn tăng lên nếu VNZ tiếp tục duy trì mạch tăng nóng.

Nghịch lý cổ phiếu tăng chóng mặt, công ty làm ăn thua lỗ nghìn tỷ

Chỉ trong 2 tuần giao dịch, "kỳ lân" công nghệ VNG đã thiết lập hàng loạt kỷ lục vô tiền khoáng hậu. Tuy nhiên, trái ngược với tốc độ tăng giá cổ phiếu, kết quả kinh doanh của VNG không mấy sáng sủa.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 mới công bố, doanh thu thuần của Công ty Cổ phần VNG tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 2.037 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp đạt 917 tỷ đồng, tăng 19%. Tuy nhiên, các chi phí đều âm mạnh khiến cho VNG lỗ đậm quý IV.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm gần một nửa xuống còn 28 tỷ đồng. Thêm vào đó do chịu khoản lỗ 40 tỷ đồng từ công ty liên kết và lỗ khác 154 tỷ đồng, VNG báo lỗ sau thuế quý IV 547 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Đây cũng là quý thua lỗ thứ 5 liên tiếp của VNG. Lũy kế cả năm lỗ 1.315 tỷ đồng, cao gấp 18 lần lỗ năm 2021. Đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty.

Đáng nói, động thái tăng giá cổ phiếu của VNZ còn diễn ra trong bối cảnh thị trường chung đang lao dốc. VN-Index, HNX-Index liên tục mất điểm, sắc đỏ lan tỏa nhiều nhóm ngành và thanh khoản thì mỗi ngày một thu hẹp.

Ngày 10/1/2023, sau 5 phiên cổ phiếu tăng trần liên tiếp (từ ngày 1 - 7/2/2023), VNG đã có công văn giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở HNX. VNG cho biết, việc cổ phiếu VNZ tăng hoàn toàn phụ thuộc vào cung - cầu của thị trường chứng khoán và thị hiếu, nhu cầu, đánh giá của nhà đầu tư. Công ty không có bất cứ sự can thiệp hay kiểm soát nào đối với diễn biến giá cổ phiếu trong thời gian qua.

Thêm vào đó, VNG khẳng định hoạt động của công ty vẫn diễn ra bình thường, không có bất cứ biến động nào từ việc tăng giá cổ phiếu.

Mặc dù, sau khi lên sàn, cổ phiếu VNZ gây "náo loạn" do đà tăng sốc nhưng trong quá khứ, nhà đầu tư nước ngoài còn phải bỏ ra mức giá cao hơn nhiều hiện tại để sở hữu cổ phiếu VNZ.

Năm 2019, quỹ ngoại Temasek (Singapore) mua 355.820 cổ phiếu quỹ với giá 1.861.800 đồng/CP, cao hơn mức giá hiện tại 680.300 đồng/CP, tương ứng khoản đầu tư của quỹ này đã "bốc hơi" 36,5%.

Năm 2021, VNG đã sang tay cho công ty quản lý quỹ Mirae Asset lô cổ phiếu trị giá 1.228 tỷ đồng với mức giá 1,7 triệu đồng/CP. So với hiện tại, Mirae Asset đã "mua hớ" 518.500 đồng/CP.

Tuy vậy, diễn biến những ngày giao dịch gần đây cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài cũng chưa cần phải sốt ruột vì VNZ chưa xuất hiện áp lực bán ra./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top