Quá “ảo” khi định giá cổ phiếu YEG?
Ngày 26/6/2018, CTCP Tập đoàn Yeah1 chính thức đưa 27.369.968 cổ phiếu YEG lên niêm yết và giao dịch trên HOSE. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 250.000 đồng/cổ phiếu, biên độ dao động +-20%.
CTCP Tập đoàn Yeah1 được thành lập vào tháng 9/2006. Ngành nghề hoạt động chính là truyền hình truyền thống gồm các kênh truyền hình như Yeah1tv, Yeah1Family, Imovietv hay SCTV2..
Tập đoàn Yeah1 có 9 công ty con và 4 công ty con gián tiếp bao gồm Công ty TNHH Yeah1 Việt Nam, Công ty Netlink Online Corporation và Công ty TNHH Quảng cáo Truyền thông TNT. Ngoài ra, Yeah1 còn có một đơn vị liên kết là Công ty Cổ phần Tin học và Truyền thông Kết nối trẻ.
Năm 2018, Yeah1 có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 312,8 tỷ đồng và trở thành công ty 100% sở hữu nước ngoài. Cùng với tham vọng khá lớn trong năm 2018 khi đề ra kế hoạch doanh thu thuần 1.600 tỷ đồng, tăng trưởng 90%; lãi ròng 172 tỷ đồng, tăng trưởng 109% so với năm 2017.
Quay trở lại với giá chào sàn của cổ phiếu YEG, với giá tham chiếu 250.000 đồng/cổ phiếu, thị giá này sẽ vượt qua hàng loạt “ông lớn” như SAB, VNM, MWG… Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư tại buổi Roadshow về lý do vì sao Yeah1 lại định giá cổ phiếu YEG cao như vậy, đại diện Tập đoàn cho biết, việc định giá này không phải do công ty quyết định mà do các nhà đầu tư nước ngoài đã trả giá trước đó.
Trước đó, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2018, Chủ tịch HĐQT Yeah1 – ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cũng từng chia sẻ rằng trên thế giới, các đơn vị truyền thông được đánh giá rất cao, như ở thị trường Thái Lan, P/E của công ty truyền thông lên đến 50 lần.
Liệu rằng có phải Yeah1 đã áp dụng mức PE của khu vực này gắn với EPS năm 2017 để định giá cổ phiếu YEG?
Nhưng câu hỏi đặt ra tại thời điểm này, cổ phiếu YEG sẽ được giao dịch tại Việt Nam và lĩnh vực kinh doanh của Yeah1 cũng chỉ phục vụ trong nước là chính thì tại sao Yeah1 lại áp dụng mức PE của khu vực để định giá cổ phiếu và với cách định giá như vậy bất lợi chỉ đứng về phía nhà đầu tư? Thậm chí, trên các diễn đàn chứng khoán hiện nay, giới phân tích đầu tư cổ phiếu ở các công ty chứng khoán cũng có chung một nhận định cách định giá cổ phiếu YEG như vậy là “quá ảo”!
Cổ phiếu YEG có gì để được niêm yết trên HOSE?
Đi sâu vào báo cáo tài chính mà Yeah1 công bố cho thấy, còn nhiều điều vòng vo cũng như nghi vấn chất lượng tài sản có khiến nhà đầu tư đặt câu hỏi khi giải ngân mua cổ phiếu YEG?
Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2017, thời điểm cuối năm, Yeah1 có tổng tài sản đạt 657 tỷ đồng, trong đó 435,5 tỷ đồng là tài sản ngắn hạn. Còn tài sản cố định ở mức thấp – chỉ khoảng 13 tỷ đồng.
Chiếm tỷ trọng lớn lên đến gần 50% tổng tài sản công ty là khoản phải thu 318,6 tỷ đồng, bao gồm 248,9 tỷ phải thu ngắn hạn và gần 70 tỷ đồng phải thu dài hạn - tăng 63% so với năm trước. Riêng khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng ở mức 154,7 tỷ đồng chủ yếu từ 2 khách hàng lớn nhất của Yeah1 là Công ty Google Asia Pacific Pte. Ltd và Công ty TNHH Truyền thông WPP.
Đáng chú ý là những khoản vay có dấu hiệu vòng vo khi bản thân công ty đang phải vay ngân hàng hơn 67 tỷ đồng (dùng các khoản phải thu để đảm bảo cho các khoản vay) nhưng lại đem cho vay cá nhân hơn 61 tỷ đồng. Trong đó, có khoản cho chính ông Võ Thái Phong là Phó Tổng Giám đốc Tài chính vay gần 36 tỷ đồng.
Ngoài ra, khoản lợi thế thương mại 109 tỷ đồng, chiếm 16% tổng tài sản mới xuất hiện năm 2017 trong khi những năm trước không có. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, khoản lợi thế thương mại này đến nhờ hoạt động hợp nhất kinh doanh năm qua của 3 công ty và được phân bổ trong vòng 10 năm.
Năm 2017, Yeah1 có mức lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt gần 59 tỷ đồng, EPS đạt 5.419 đồng, tương ứng cao gấp 2,6 và 2,79 lần so với năm 2016. Một con số rất “đột biến” và liệu nó có được bền vững ở những năm tiếp theo? Thêm một chi tiết đáng chú ý nữa, giá trị sổ sách của Yeah1 chỉ là 13.884 đồng.
Cuộc chơi không dành cho tất cả
Vừa qua, Công ty TNHH MTV tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab) muốn thực hiện đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với mức giá khởi điểm 140.900 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, phiên IPO của cổ phiếu VTVcab khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ và khó chấp nhận nên ngay sau đó đã bị hủy bỏ vì chỉ có duy nhất một nhà đầu tư tham gia.
Bên cạnh đó, hiện nay, cuộc chiến trên “mảnh đất” truyền hình giải trí diễn ra khá khốc liệt khi có rất nhiều kênh truyền hình truyền thống với đa dạng các thể loại trình chiếu như phim, âm nhạc, thời trang, mua sắm… cũng đang khiến các nhà quản lý truyền thông đau đầu nghĩ kế “cạnh tranh”, thậm chí nhiều kênh giải trí phải “giải tán” vì quá khó khăn.
Mới đây, kênh truyền hình giành cho giới trẻ thịnh hành một thời – YanTV – chính thức chia tay sau 10 năm phát sóng vào đầu tháng 4/2018. Nguyên nhân được cho rằng YanTV không còn tạo được tiếng vang hay sức hút đến giới trẻ trong khi chi phí mua sóng và sản xuất đắt đỏ.
Rồi đây, cổ phiếu YEG cũng không nằm ngoài cuộc chơi khi phải “căng mình” để cân đối nguồn vốn hoạt động, tăng cường thu hút vốn đầu tư bên ngoài cùng một số công tác khác nhằm xoay chuyển dòng tiền?
Hơn nữa, với việc Luật An ninh mạng sẽ chính thức được áp dụng vào ngày 1/1/2019 có thể không ảnh hưởng trực tiếp đáng kể đến các hoạt động cung ứng dịch vụ của Yeah1 nhưng ít nhiều sẽ có ảnh hưởng gián tiếp đến với hoạt động kinh doanh của Yeah1 thông qua các đối tác toàn cầu của mình như Google, Facebook…
Qua đó, có thể thấy cổ phiếu của thị trường truyền thông có dư địa tăng trưởng nhưng không phải là cuộc chơi của tất cả, liệu cổ phiếu YEG có tránh được vết xe đổ của những tên tuổi đi trước?