Qua quan trắc nhiều năm gần đây, các nhà khoa học đã đánh giá, về mùa khô, tình trạng hạn hán ở hạ du sông Hồng đã xảy ra nghiêm trọng theo chiều hướng hết sức bất lợi.
Năm 2004, năm được coi là khốc liệt nhất trong vòng 40 năm trước đó, mực nước sông Hồng tại Hà Nội ở thời điểm tháng 1/2004 là +2,17m, kiệt nhất có lúc xuống tới 1,75m. Năm 2005 ở cùng thời điểm, mực nước xuống đến 2,06m, kiệt nhất có lúc xuống tới 1,5m. Vụ đông - xuân năm 2006 – 2007, mực nước sông Hồng tại Hà Nội giảm xuống còn 1,6m, thấp nhất trong vòng 100 năm.
Tình trạng khan hiếm nguồn nước không dừng lại ở đó mà ngày càng gia tăng theo cấp số nhân. Cụ thể, tháng 11/2009, mực nước sông Hồng tại Hà Nội còn 0,7m. Khi đó, các nhà khoa học đã đánh giá đây là mực nước cạn kỷ lục của sông Hồng trong vòng 107 năm qua. Nhưng rồi đến cuối tháng 12/2009, mực nước rút xuống 0,66m và đến đầu tháng 1/2010 mực nước chỉ còn 0,5m...
Quả là những thông số đáng lo lắng.
Bên cạnh đó, nguồn nước ngầm của Hà Nội cũng bị khai thác quá tải và ô nhiễm nghiêm trọng. Kết quả khảo sát cho thấy, hàng loạt chỉ tiêu thiết yếu đều cao hơn giới hạn cho phép, trong đó, hàm lượng amoni, arsen và các hợp chất hữu cơ đều cao. Nếu kéo dài tình trạng này, nước ngầm ở Hà Nội sẽ dần suy kiệt và không còn dùng được. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do sự ô nhiễm nặng của các con sông nội đô, như Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Sét, sông Lừ...
Sông Nhuệ là con sông ngoại thành có chức năng tưới, tiêu kết hợp lấy nước tự chảy từ sông Hồng qua cống Liên Mạc để tưới 81.148 ha và tiêu 107.530 ha đất nông nghiệp. Cống đầu mối Liên Mạc có cao trình đáy +1.00m mực nước thiết kế +3.40m. Nhưng từ đã nhiều năm vào mùa kiệt, mực nước sông Hồng ngày càng cạn, cống đầu mối Liên Mạc không có nước chảy qua nên sông Nhuệ cũng đã trở thành sông "chết".
Cách đây khoảng chục năm, dự án làm sống lại sông Đáy với nhiệm vụ lấy nước từ sông Hồng qua cống Cẩm Đình vào sông Đáy, khôi phục lại dòng chảy về mùa kiệt, cấp bổ sung nước cho hạ du phục vụ sản xuất và sinh hoạt, cải tạo môi trường sinh thái, kết hợp phát triển giao thông vận tải thuỷ và tham gia phân lũ sông Hồng vào sông Đáy. Cho dù tốn nhiều tiền của và công sức, hệ thống công trình đầu mối này đã thi công hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2008. Tuy nhiên, do mực nước sông Hồng quá thấp nên cống Cẩm Đình cũng không có nước chảy vào.
Từ những áp lực thực tiễn ấy, con sông Đà tự nhiên trở thành một “cứu cánh” được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu và tìm cách khai thác.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã sử dụng phần mềm HEC - RAS 4.1 để tính toán mô phỏng dòng chảy kiệt trên hệ thống các sông trong khu vực nghiên cứu khi xây dựng tuyến kênh dẫn nước tự chảy từ sông Đà xuôi về trung tâm Hà Nội và các công trình điều tiết.
HEC – RAS là mô hình toán thủy lực một chiều do Trung tâm Thủy văn Công trình thuộc Hiệp hội Kỹ sư quân sự Hoa Kỳ (Hydrologic Engineering Center of US Army Corps of Engineers) xây dựng. Việc phát triển mô hình HEC - RAS nằm trong một chương trình phát triển đồng bộ các mô hình, bao gồm phân tích mưa rào - dòng chảy, phân tích thủy lực trong sông, diễn toán hồ chứa, phân tích thiệt hại do lũ, dự báo điều tiết hồ chứa...
Đây là phần mềm đã được tính toán ứng dụng cho nhiều lưu vực sông ở Mỹ, được Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp của Liên bang Mỹ - FEMA khuyên dùng. Ở Việt Nam, phần mềm này đã được nhiều đơn vị sử dụng và cho kết quả tốt.
Bảng 1: Tổng hợp mạng sông được mô phỏng và các tài liệu địa hình tương ứng
Các nhà khoa học đã bỏ nhiều công sức để nghiên cứu các kịch bản khác nhau, không chỉ đưa nước sông Đà về phục vụ mục tiêu làm sạch các con sông “thối” ở Hà Nội mà còn có một chức năng vô cùng quan trọng khác là đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho hàng trăm ngàn héc ta đất nông nghiệp phía nam Hà Nội.
Trong hệ thống có 4 cống điều tiết trên 4 sông (sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ và sông Tô Lịch) và 2 công trình cống điều tiết kết hợp đập dâng (một công trình bố trí trên tuyến kênh dẫn nước nối sông Tích và sông Đáy, công trình còn lại nằm trên tuyến nối sông Đáy và sông Nhuệ) được thiết lập để điều tiết nước trong quá trình vận hành.
Qua các con số khảo sát và phân tích, các nhà khoa học khẳng định rằng, hoàn toàn có thể tạo được một dòng chảy nhân tạo từ sông Đà về phía trung tâm Thủ đô như mong muốn.
Kỳ sau: Những bước đi cần thiết