Aa

Cội mít ngọt thơm khắc khoải bóng vườn

Nhà thơ Trang Thanh
Nhà thơ Trang Thanh trangthanh196@gmail.com
Thứ Năm, 27/10/2022 - 06:15

Dân gian xưa có câu “nhà ngói cây mít” hàm ý nhắc nhau, dựng nhà thì nên dựng cho bền chắc, trồng cây thì nên chọn mít, cây khỏe, bền gốc, sống lâu. “Nhà ngói cây mít” cũng là cách nói ẩn dụ về một cơ ngơi bề thế...

Mỗi lần ngang qua ngõ chợ, những sáng chớm hè, nghe chút thoáng mỏng mảnh đâu đây mùi hương mít chín. Chợt ngưng bước, nôn nao nỗi nhớ nhà, nhớ vườn. Mấy gốc mít già giờ này quả mẹ quả con hẳn cũng đang đua nhau lớn nhanh, căng mẩy, đợi ngày thơm cây ngọt quả. Người mẹ đội mê nón gẫy vành ngồi bên quả mít đang bổ dở nơi thềm chợ kia, cũng dáng chừng như dáng mẹ, dáng chị của tôi.

Dân gian xưa có câu “nhà ngói cây mít” hàm ý nhắc nhau, dựng nhà thì nên dựng cho bền chắc, trồng cây thì nên chọn mít, cây khỏe, bền gốc, sống lâu. “Nhà ngói cây mít” cũng là cách nói ẩn dụ về một cơ ngơi bề thế, biểu tượng cho sự giàu có của gia chủ, sự hưng vượng của gia thế, họ tộc, mặt khác cũng biểu tượng cho niềm mơ ước của những người nghèo về một ngôi nhà vững chãi, êm ấm.

Thuở ấy cả xóm đều nghèo, chỉ có hai nóc nhà xây, mỗi nhà đều trồng vài ba cây mít, dăm nhà có gốc mít to lớn, tán xanh rợp một góc vườn, chờm lên mái ngói như chiếc ô che. Nhà ông Niệm to cao nhất ở cuối xóm, cách nhà tôi một khoanh vườn nhỏ. Căn nhà ngói ba gian hai chái duy nhất được xây theo lối mới, nền nhà lát gạch, hiên rộng, cao, mùa hè có thể trải chiếu nằm hóng gió, trần nhà cũng cao để đón gió lộng dọc dài từ vườn ao, đồng ruộng thổi vào.

Từ khi ông Niệm xây ngôi nhà bề thế trên cái nền đất vốn đã được tôn cao nhất xóm, khoảng cuối những năm 70 thì phải, căn nhà tôi bỗng trở nên lúp xúp, thấp bé, lọt thỏm trong mảnh vườn có dăm bảy cây mít, cây lớn đã thành đại cổ thụ, cây bé cũng cho dăm vụ quả.

Những cây mít từng chở nặng mơ ước và khao khát của những người dân quê lam lũ nhọc nhằn một nắng hai sương, quanh năm chỉ biết cấy cầy làm lụng. (Ảnh minh họa)

Bảo rằng, “nhà ngói cây mít” biểu tượng sự giàu có, với xóm tôi bấy giờ có lẽ là chưa phải. Cả xóm hầu như ở nhà tranh vách đất, mái lợp rạ, nền nhà cũng chỉ là đất nện, có chút điều kiện thì láng lên lớp mỏng xi măng cho bóng, sạch, đỡ bị lầy nước, mà lâu dần, có khi xi măng bong vỡ từng mảng, cái nền nhà thành ra lại bị lồi lõm, khó coi. Nhà có trẻ con nó tè ra rồi vầy đất lầy bôi khắp thân thể ở trần về mùa hè, nhìn chúng nó, thật có nhẽ, cười cũng dở mà mếu chẳng xong.

Có lẽ, những cây mít được trồng ở xóm tôi chỉ với hàm ý ước mong lâu dần khấm khá, sẽ sắm được gỗ, mua được gạch, xây được ngôi nhà bền vững. Những cây mít, bởi vậy, đều chở nặng mơ ước và khao khát của những người dân quê lam lũ nhọc nhằn một nắng hai sương, quanh năm chỉ biết cấy cầy làm lụng. Cây mít nhà tôi to nhất xóm, thuộc loại đại cổ thụ, gốc lớn vài vòng tay ôm, và quý thay, cũng là cây mít sai quả nhất, ngon nhất xóm, múi vàng xuộm, đọng mật chảy ròng.

Từ khi biết chạy ra ngồi dưới gốc mít tránh nắng, chơi bắn bi mỗi độ trưa hè, cây mít luôn khiến trong tôi nảy nhiều thắc mắc. Tôi đoán có lẽ nó già lắm, liệu đã đến trăm tuổi chưa nhỉ? Sao nó lại nằm ở cái vị trí kỳ quặc, góc vườn thì không, giữa giậu cũng không. Gốc nó đã to lại chành hẳn ra giữa ngõ. Một cái rễ to xù xì im lìm giống y đúc một con cá sấu ngang ngạnh, đầu húc vào gốc cây, phần thân và đuôi lại bướng bỉnh thò ra, vắt ngang cái ngõ.

Cây mít ngang ngạnh như thế từ bao giờ, vì sao chẳng rõ. Chỉ biết rằng hồi đó, người làng tôi chở lúa bằng xe cải tiến hai bánh. Đi qua gốc mít là lối vào nhà cô tôi. Cứ hễ xe về đến gốc mít là phải dừng, gọi thêm người ra hộ. Lúc ấy, cái gốc mít sao mà chướng, thêm sức vài người mới đẩy được bánh xe bên trái qua. Đã thế, bánh xe bên phải theo thời gian húc vào bờ tường bao sân nhà ông Niệm trông sứt sẹo, nham nhở, nhà ông đành lòng đập đi một đoạn. Thôi thì, xóm giềng tắt lửa tối đèn nhường nhịn nhau, cũng đều là con cháu họ hàng cả. Từ ngày cái bờ tường được đập bỏ, chiếc xe cải tiến về đến gốc mít thì rẽ ngoặt vào sân nhà ông rồi tênh tênh qua ngõ, nhẹ nhõm hẳn cả người.

Thật ra, cũng tội cây mít, nó vốn không phải tự nhiên vô duyên mà mọc lên chiếm một phần ngõ. Vốn nó nằm ở giữa cái vườn rộng. Thuở các cụ chia đất chia vườn cho các con ra ở riêng thì phải nối dài thêm ngõ, thành ra cái gốc mít mới chiếm một phần cái ngõ. Một cây mít dễ gần trăm năm tuổi, quả ngon nhất xóm, mỗi mùa cho hàng trăm quả, mà giờ phải hạ đi thì quá tiếc. Thôi thì, nó cũng ở về một bên, chỉ có cái gốc ngang ngạnh là chành ra, nhưng lúc bấy giờ chỉ toàn gồng gánh, đi thuyền, chưa có xe cải tiến nên cây mít hoàn toàn không gây phiền toái. 

Những cội mít ngọt thơm, khắc khoải bóng vườn, bóng xóm. (Ảnh minh họa)

Nơi tán cây mít ấy đổ bóng là chỗ mát nhất ở xóm nên mỗi trưa hè, lũ trẻ đem manh chiếu tướp rải ra, chơi một lúc thiu thiu gió thì díp cả mắt lại và lăn lóc bên nhau đánh giấc. Giấc ngủ trưa hè được ru bằng tiếng ve sầu rỉ rả rót xuống từ những tán lá xanh om, lại có khi được phủ dụ bằng mùi thơm mít chín. Đang thiu thiu mà có đứa nào hít được xa xôi cái mùi thơm chơm chớm len lỏi đâu đó trong hây hẩy gió Nam, là nó la lên khiến cả bọn vùng dậy. Mắt đứa nào đứa nấy hóng cả lên cây mít, chỉ chỏ phỏng đoán, đố nhau quả này hay quả kia rồi í ới reo hò gọi người lớn ra trèo cây “khám” mít. Cây mít to lớn, có năm quả chi chít từ gốc tới cành, chỉ có thể nhận biết quả chín ở các cành cao đến mức khó mà trèo tới, bằng mùi thơm.

Tôi nhớ một năm, vào đầu tháng Sáu ta, ông nội tôi mất. Đưa tang ông xong thì cơn bão lớn khủng khiếp ập đến quần thảo nhiều giờ. Trong mưa gió, nghe rõ những tiếng bụp bụp chốc chốc lại dội xuống vườn chè. Mẹ tôi thở dài suốt đêm, bảo cây mít để tang ông, ông cả đời hái chè ở dưới tán cây mít, giờ ông đi rồi, mít buồn gọi nhau mà rụng. Cho đến non trưa hôm sau thì mưa ngớt, chúng tôi bì bõm trong vườn ôm về có đến dăm chục quả mít xanh, xếp hai hàng dọc ở thềm hè. Suốt cả tháng trời sau đó, không chỉ nhà tôi mà cả xóm đều cùng ăn món mít xào, mít nấu, hạt mít rim. Ai cũng ngơ ngẩn tiếc ra tiếc vào mấy chục quả mít rụng non, cứ nhìn thấy nhau là xuýt xoa, ca cẩm.

Chị gái tôi siêu trèo mít, chỉ với một cái thang lưng lửng thân cây. Nhưng với cụ đại cổ thụ mít này, vào chính giữa mùa, những quả già đã mịn gai, nây na lại ở cao quá, chị cũng đành dùng cây liềm buộc thật chắc ở đầu cây sào dài mà cắt cuống cho mít rụng bụp xuống. Quả mít đã già phơi trên thềm hè, hay chỉ cần đóng cái cọc nhỏ vào nõ của nó, thì vài ngày là thơm lựng.

Chẳng biết có phải từ bé chị tôi đã gắn bó với cây mít này, một tay chị leo trèo, hái xuống, dấm rồi lại gánh ra chợ bán, trang trải chi tiêu trong nhà, mà cây mít này giữ duyên của chị. Chị tôi không lấy chồng, lại hay ốm hay đau, bệnh cứ lửng dửng mỏi mệt đau nhức không đâu rồi bỗng nhiên lại khỏe. Mẹ tôi nhiều lần tìm cách chữa cho chị không thành, thì đi xem bói. Lần ấy, bà bói đâu đó phán rằng, dưới gốc cây mít nhà tôi có hòn đá lâu đời nay đã thành tinh, nó nắm giữ sinh mệnh của chị tôi, nếu cây mít bị hạ đi thì sinh mệnh chị tôi không còn. Bố tôi không tin chuyện ma quỷ, mẹ tôi yếu bóng vía, sắm lễ mang ra cây mít nhờ ông Niệm cúng, muối gạo chi chít rắc ra, vàng mã đốt thơm nghi ngút một góc xóm. Ít lâu sau, có người chú họ đi thoát ly về làng dạm hỏi bố mẹ tôi nhượng lại mảnh vườn để xây nhà. Mẹ tôi đồng ý với điều kiện chú thím không bao giờ được chặt hạ cây mít, vì nó nắm giữ sinh mệnh của chị tôi.

Cây mít là một nỗi tiếc nhớ, đã ôm trọn ký ức của cả mấy thế hệ trong gia đình, chòm xóm chúng tôi. (Ảnh minh họa)

Từ ngày có tin cây mít có ma, tôi đâm sợ, cứ len lén nhìn vào cái gốc mít xù xì chành ra ngang ngạnh mà tưởng tượng. Tôi không dám rải chiếu nằm gần gốc cây, chỉ dám nằm ở góc hiên nhà ông bà Niệm, mơ hồ lo nghĩ. Mỗi lần chị tôi trèo khám mít, tôi ở dưới giữ thang mà run như cầy ướt. Tôi sợ hòn đá nằm dưới gốc mít im lìm mà chẳng ai nhìn thấy, biết đâu đang thật sự nắm giữ sinh mệnh chị tôi.

Chuyện ma cây mít dễ đến vài năm mới nguôi ngoai. Nhưng không hiểu sao, từ ngày cha mẹ tôi nhượng lại mảnh vườn, cây mít đang sum suê hàng trăm quả, bỗng cứ mất mùa dần đi. Nó đã già, mỏi mệt, hay vì đổi chủ, thành ra mất lộc? Hay bởi chị tôi giờ không còn chăm bẵm, trèo hái mít như trước, mà nó giận, buồn, chẳng muốn ra quả nữa. Tôi luôn tự hỏi, chị tôi mấy chục năm trèo mít tay bo mà không ngã bao giờ, nếu cây mít nắm giữ sinh mệnh chị, tức là đang bảo vệ cho chị. Nghĩ thế, tôi không còn thấy sợ.

Nhưng cây mít dần ít quả đi thì ai cũng buồn tiếc. Chẳng gì, nó quý như vậy, quả nào quả nấy nây na, căng mẩy, múi to, xơ ít, cùi dày, vàng xuộm, ròng ròng mật ứa. Khi chú thím tôi xây lên cái tầng hai, dù tiếc, cũng đành hạ cây lấy không gian cho ngôi nhà. Cây mít hạ rồi, mới thấy chuyện viên đá thành tinh, chẳng qua chỉ là hù dọa.

Có điều, cây mít đúng là một nỗi tiếc nhớ, đã ôm trọn ký ức của cả mấy thế hệ trong gia đình, chòm xóm chúng tôi. Tôi ước tính, có thể từ thời cụ tôi đã trồng cây mít ấy. Cứ mỗi năm quả đầu mùa vừa chín, mẹ tôi lại chia ra những miếng nhỏ vàng xuộm, thuôn thuôn hình chiếc thuyền con, xếp vào cái rổ. Tôi ton tón bưng đi, biếu mỗi nhà một chút thảo thơm lấy lộc. Nhiều nhà dành hạt cây mít ấy để ươm cây mới, nhưng đều bảo, chẳng một cây mít con nào lại cho quả ngon được như cây mít mẹ.

Bây giờ ở xóm tôi, nhà ai cũng mái ngói, tường cao, cái ước mơ “nhà ngói cây mít” thay thế nhà tranh vách đất của các cụ ta xưa, trải bao gian khó, qua mấy thế hệ rồi cũng đã trở thành hiện thực. Nhưng mấy cội mít năm xưa chuyên chở mơ ước của các cụ về một mái nhà vững chãi, sum suê cho đàn đàn con cháu lấy chỗ sum vầy thơm thảo, thì đến nay đều chỉ còn thơm trong ký ức.

Nhớ xưa, cả xóm có năm cội mít, nhà chú Lợi, nhà cô Hồng, nhà bà Vận, nhà ông Niệm và cụ đại cổ thụ mít nhà tôi, được coi là cây mít cả. Không biết có phải năm cội mít ấy là mẹ con, anh em ruột thịt của nhau hay không, mà mỗi cây đều ngon, tuy hình vị vẫn có chút khác biệt. Những cội mít ngọt thơm, khắc khoải bóng vườn, bóng xóm. Cái hương vị gợi khơi bao nỗi nhớ, tình thương, cả những cơn lo thắt lòng hay khoảnh khắc reo vui đầu mùa mít chín, dẫu chỉ còn trong hoài niệm, vẫn như ẩn hiện quanh quất đâu đây, khiến ta bần thần chân bước, mỗi lần đi qua nơi bóng cây ngày xưa, ở nơi này tỏa rợp. Và mỗi mùa hạ chớm, thì cái mùi xưa vị cũ, lại như dậy hương trong câu chuyện trà dư tửu hậu của xóm làng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top